Hà Nội

Thông tin báo chí về chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

25/11/2015 17:52

Phê chuẩn nhân sự tỉnh Kiên Giang

Thủ tướng Chính phủ vừa ký các Quyết định phê chuẩn nhân sự tỉnh Kiên Giang.

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ  đã ký Quyết định phê chuẩn kết quả bầu chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang nhiệm kỳ 2011 - 2016 đối với ông Phạm Vũ Hồng, Phó Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang.

Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ cũng ký Quyết định phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang nhiệm kỳ 2011 - 2016 đối với ông Lê Văn Thi để nhận nhiệm vụ mới.

Cùng với đó, Thủ tướng Chính phủ cũng ký Quyết định phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang nhiệm kỳ 2011 - 2016 đối với ông Nguyễn Thanh Nghị để nhận nhiệm vụ mới.

 .

Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo

Đến năm 2020 hầu hết số hộ dân có điện, đến năm 2030 hầu hết các hộ dân được tiếp cận các dịch vụ năng lượng hiện đại, bền vững, tin cậy với giá bán điện và giá năng lượng hợp lý. Phát triển và sử dụng nguồn năng lượng tái tạo góp phần thực hiện các mục tiêu môi trường bền vững và phát triển nền kinh tế xanh.

Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Theo đó, phát triển nguồn thủy điện truyền thống góp phần vào phát triển kinh tế, xã hội của các địa phương; cung cấp nguồn điện tại chỗ, nâng cao an toàn cung cấp điện. Phát triển phù hợp với quy hoạch phát triển nguồn thủy điện vừa và nhỏ của các địa phương, trên cơ sở đánh giá đầy đủ các tác động đến môi trường.

Điện năng sản xuất từ nguồn thủy điện tăng từ khoảng 56 tỷ kWh năm 2015 lên gần 90 tỷ kWh vào năm 2020; khoảng 96 tỷ kWh từ năm 2030.

Ưu tiên sử dụng năng lượng sinh khối cho sản xuất điện

Ưu tiên sử dụng năng lượng sinh khối cho sản xuất điện, khí sinh học, sinh khối viên sử dụng trực tiếp làm nhiên liệu và nhiên liệu sinh học lỏng. Nâng tỷ lệ sử dụng phế thải của các cây công nghiệp, nông nghiệp cho mục đích năng lượng từ khoảng 45% năm 2015 lên 50% năm 2020, khoảng 60% năm 2030 và khoảng 70% vào năm 2050.

Nâng tỷ lệ xử lý chất thải chăn nuôi cho mục đích năng lượng (khí sinh học) từ khoảng 5% năm 2015 lên khoảng 10% năm 2020, khoảng 50% vào năm 2030, đến năm 2050 hầu hết chất thải chăn nuôi được xử lý.

Nâng tỷ lệ xử lý chất thải thành phố cho mục đích năng lượng từ mức không đáng kể hiện nay lên 30% vào năm 2020, khoảng 70% vào  năm 2030 và hầu hết được tận dụng cho mục đích năng lượng vào năm 2050.

Phát triển điện mặt trời cung cấp điện cho khu vực vùng sâu, vùng xa chưa thể cấp điện

Giai đoạn đến năm 2030, ưu tiên phát triển nguồn điện gió trên đất liền; nghiên cứu phát triển nguồn điện gió ngoài khơi, trên thềm lục địa từ sau năm 2030.

Sản lượng điện sản xuất từ nguồn điện gió tăng từ khoảng 180 triệu kWh năm 2015 lên khoảng 2,5 tỷ kWh vào năm 2020; khoảng 16 tỷ kWh vào năm 2030 và khoảng 53 tỷ kWh vào năm 2050. Đưa tỷ lệ điện năng sản xuất từ nguồn điện gió trong tổng sản lượng điện sản xuất từ mức không đáng kể hiện nay lên đạt khoảng 1,0% vào năm 2020, khoảng 2,7% vào năm 2030 và khoảng 5,0% vào năm 2050.

Bên cạnh đó, phát triển điện mặt trời để cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia và khu vực biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa chưa thể cấp điện từ nguồn điện lưới quốc gia. Điện năng sản xuất từ năng lượng mặt trời tăng từ khoảng 10 triệu kWh năm 2015 lên khoảng 1,4 tỷ kWh vào năm 2020; khoảng 35,4 tỷ kWh vào năm 2030 và khoảng 210 tỷ kWh vào năm 2050. Đưa tỷ lệ điện năng sản xuất từ nguồn năng lượng mặt trời trong tổng sản lượng điện sản xuất từ mức không đáng kể hiện nay lên đạt khoảng 0,5% vào năm 2020, khoảng 6% vào năm 2030 và khoảng 20% vào năm 2050.

 .

Đầu tư nhà máy sản xuất giấy bao bì công nghiệp tại Bình Dương

Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương đầu tư Dự án nhà máy sản xuất giấy bao bì công nghiệp Cheng Loong Bình Dương Paper tại Khu công nghiệp Singapore Ascendas - Protrade, tỉnh Bình Dương (Dự án) của Công ty Cheng Loong Vietnam Paper Investment Co., Ltd.

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND tỉnh Bình Dương yêu cầu Chủ đầu tư Khu công nghiệp Singapore Ascendas - Protrade thực hiện điều chỉnh, bổ sung ngành nghề sản xuất giấy từ nguồn nguyên liệu giấy tái chế vào danh mục ngành nghề thu hút đầu tư của Khu công nghiệp Singapore Ascendas - Protrade theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

Trước khi triển khai Dự án, yêu cầu Nhà đầu tư lập hồ sơ bổ sung quy hoạch phát triển điện lực tỉnh hoặc quốc gia tùy theo quy mô công suất của nhà máy điện và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về điện lực; báo cáo đánh giá tác động môi trường và trình duyệt theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

Đồng thời, UBND tỉnh Bình Dương chỉ đạo Ban quản lý các Khu công nghiệp Bình Dương cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Dự án theo quy định của pháp luật về đầu tư và pháp luật có liên quan, hỗ trợ và giám sát việc triển khai thực hiện Dự án theo đúng tiến độ, đặc biệt lưu ý tới vấn đề chấp hành các quy định về môi trường của Dự án như đã cam kết.

Được biết, Dự án trên là một dự án có quy mô lớn, khi đi vào hoạt động sẽ đóng góp nhiều cho kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Dương. Dự án phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Dương đến năm 2020, bổ sung quy hoạch đến 2025 theo Quyết định số 893/QĐ-TTg ngày 11/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ.

Mục tiêu dự án là sản xuất giấy công nghiệp và giấy tiêu dùng. Quy mô thực hiện dự án gồm: giấy công nghiệp 1.000.000 tấn/năm và giấy tiêu dùng 50.000 tấn/năm.

 .

Tổng kết 5 năm Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới

Thủ tướng Chính phủ đồng ý  đề nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tổ chức Hội nghị tổng kết toàn quốc 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới.

Theo dự kiến, Hội nghị sẽ diễn ra ngày 8/12/2015 tại Hà Nội. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ chủ trì hội nghị này

Hội nghị nhằm đánh giá kết quả  đạt được sau 5 năm thực hiện (những mặt được, chưa được, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm); trên cơ sở  đó, xác định rõ các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm đẩy nhanh tiến độ, nâng cao hiệu quả triển khai Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020.

Đồng thời đề xuất cơ chế, chính sách và cách làm phù hợp, đảm bảo hoàn thành các mục tiêu đề ra của Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020.

Bên cạnh đó động viên, khen thưởng kịp thời những cá nhân và tập thể đạt thành tích xuất sắc trong xây dựng nông thôn mới trên cơ sở kết quả thực hiện Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” do Thủ tướng Chính phủ phát động.

Thủ tướng Chính phủ giao Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Văn phòng Chính phủ khẩn trương hoàn thiện các thủ tục về công tác thi đua, khen thưởng các tập thể tiêu biểu có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua "cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới"; báo cáo Thủ tướng Chính phủ xém xét, quyết định.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Tài chính sử dụng kinh phí sự nghiệp Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới để tổ chức Hội nghị bảo đảm trang trọng, tiết kiệm và hiệu quả theo đúng quy định.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến tháng 10/2015, cả nước đã có 10 huyện và 1.132 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 12,7% tổng số xã trên cả nước. Dự kiến, đến cuối năm 2015, có khoảng 1.500 xã đạt chuẩn, chiếm 16,8%.

 .

Xử lý hư hỏng trên QL1 và đường HCM qua Tây Nguyên

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu Bộ Giao thông vận tải khẩn trương kiểm tra, xác định nguyên nhân, có biện pháp chỉ đạo xử lý kịp thời tình trạng hư hỏng các dự án mở rộng quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh qua khu vực Tây Nguyên.

Những ngày vừa qua, một số trang thông tin truyền thông có phản ánh về tình trạng hư hỏng, xuống cấp nhanh chóng (bong tróc, sụt lún, lồi lõm, nhiều ổ voi, ổ gà) tại các dự án mở rộng quốc lộ 1 và  đường Hồ Chí Minh qua khu vực Tây Nguyên.

Về vấn đề trên, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu Bộ Giao thông vận tải khẩn trương kiểm tra, xác định nguyên nhân hư hỏng, có biện pháp chỉ đạo xử lý kịp thời để đảm bảo chất lượng công trình, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 10/12 tới

 .

Thanh toán tiền mua cổ phần trả chậm của người lao động

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh vừa có  ý kiến chỉ đạo về việc tiền bán cổ phần cho người lao động nghèo.

Cụ thể, Phó Thủ tướng đồng ý việc thanh toán tiền mua cổ phần trả chậm của người lao động quy định tại Nghị định số 64/2002/NĐ-CP ngày 19/6/2002 và Nghị định số 44/1998/NĐ-CP ngày 29/6/1998 của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần theo hình thức sau:

Đối với người lao động đang làm việc tại công ty cổ phần, người lao động đã nghỉ hưu hoặc chuyển công tác không còn làm tại công ty cổ phần thì được trừ vào tiền cổ tức được chia hàng năm nếu người lao động muốn thanh toán mà  hiện tại chưa đủ khả năng thanh toán nợ cho nhà nước. Số tiền trả chậm không phải tính lãi.

Người lao động mua cổ phần trả chậm thỏa thuận bán lại hoặc trả lại cho nhà nước số cổ phần ưu đãi trả chậm được quy ra từ số tiền trả chậm còn nợ đối với trường hợp người lao động nghèo không muốn thanh toán nốt số tiền còn nợ cho nhà nước.

Công ty cổ phần có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện việc thanh toán tiền mua cổ phần trả chậm của người lao động. Số tiền thu được từ việc bán cổ phần trả chậm cho người lao động nghèo nộp về Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp theo quy định tại Quyết định số 21/2012/QĐ-TTg ngày 10/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ và Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp tại các Công ty mẹ của Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước, Công ty mẹ trong tổ hợp công ty mẹ - công ty con theo quy định tại Thông tư số 10/2013/TT-BTC ngày 18/01/2013 của Bộ Tài chính.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện, bảo đảm công khai, minh bạch và tổng hợp tình hình thu hồi nợ của người lao động mua cổ phần trả chậm đến thời điểm 31/12/2015, tiếp tục nghiên cứu để có biện pháp giải quyết nếu vẫn còn tồn tại, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý II/2016./.


 

Top