Hà Nội

Thông tin báo chí về chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

13/10/2015 17:40

Phê duyệt Hiệp định thương mại biên giới Việt Nam-Lào

Chính phủ vừa phê duyệt Hiệp định Thương mại biên giới giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa (CHXHCN) Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân (CHDCND) Lào được ký ngày 27/6/2015.

Chính phủ giao Bộ Ngoại giao làm thủ tục đối ngoại về việc phê duyệt, lưu chiểu điều ước quốc tế và thông báo hiệu lực của Hiệp định theo quy định của pháp luật.

Trước đó, ngày 27/6/2015, tại Thị xã Cửa Lò (Nghệ An) đã diễn ra Lễ ký Hiệp định Thương mại biên giới giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ nước CHDCND Lào.  

Việc ký kết Hiệp định Thương mại biên giới giữa hai nước sẽ tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động giao thương qua cửa khẩu, đồng thời tạo sự thống nhất để giải quyết một số vấn đề trong hoạt động thương mại biên giới, góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế xã hội các tỉnh biên mậu và sẽ thúc đẩy, đưa kim ngạch thương mại song phương đạt 2 tỷ USD trong năm 2015.

Điều chỉnh một số KCN tỉnh Thái Bình, Vĩnh Phúc

Thủ tướng Chính phủ đồng ý điều chỉnh quy hoạch phát triển các khu công nghiệp (KCN) tỉnh Thái Bình và Vĩnh Phúc đến năm 2020.

Cụ thể, tại tỉnh Thái Bình, Thủ tướng Chính phủ đồng ý giữ nguyên diện tích quy hoạch đối với các KCN Phúc Khánh, Nguyễn Đức Cảnh, Gia Lễ, Sông Trà và Cầu Nghìn.

Điều chỉnh tăng diện tích quy hoạch KCN Tiền Hải từ 60 ha lên thành 446 ha; đưa KCN An Hòa ra khỏi Quy hoạch phát triển KCN cả nước đến năm 2020.

UBND tỉnh Thái Bình chỉ đạo triển khai lập quy hoạch chi tiết, phân kỳ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng KCN Tiền Hải theo đúng quy định của pháp luật; chỉ đạo đẩy nhanh công tác xây dựng hạ tầng các KCN của tỉnh, đảm bảo hạ tầng đồng bộ để thu hút mạnh mẽ hơn các dự án thứ cấp.

Đối với tỉnh Vĩnh Phúc, Thủ tướng Chính phủ đồng ý điều chỉnh giảm diện tích KCN Bình Xuyên II xuống còn 393 ha và tách thành hai KCN Thăng Long Vĩnh Phúc, diện tích 213 ha và Bình Xuyên II, diện tích 180 ha.

Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Vĩnh Phúc thực hiện việc thành lập mới KCN theo quy định, có trách nhiệm chỉ đạo các chủ đầu tư thực hiện nghiêm túc các thủ tục theo quy định của pháp luật về đầu tư và xây dựng.

Nâng cao năng lực bảo tồn di tích văn hóa tại Quảng Nam

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt danh mục Dự án “Trung tâm đào tạo nghề trùng tu di tích và bảo tồn văn hóa tại Quảng Nam”, sử dụng ODA không hoàn lại của Chính phủ Italia.

Dự án trên được thực hiện trong 2,5 năm (2015 – 2018) với mức vốn ODA không hoàn lại của Chính phủ Italia là 1.079.600 Euro; vốn không hoàn lại của Trường Đại học Bách khoa Milan là 129.600 Euro; vốn đối ứng của Việt Nam là 200.000 Euro do UBND tỉnh Quảng Nam bố trí theo luật ngân sách.

Mục tiêu của Dự án là nâng cao năng lực quản lý, năng lực trùng tu và bảo tồn các di tích văn hóa, lịch sử của các cơ quan liên quan Việt Nam, đóng góp vào việc làm tăng thêm giá trị của các khu di sản văn hóa tại tỉnh Quảng Nam. 

Kết quả chính của Dự án là thành lập Trung tâm đào tạo cho các cán bộ quản lý di sản văn hóa, chuyên gia, công nhân chuyên ngành trong lĩnh vực bảo tồn di sản văn hóa thuộc Trường Cao đẳng nghề Quảng Nam, bao gồm cả việc xây dựng một phòng thí nghiệm về trùng tu các hiện vật kiến trúc khảo cổ; đào tạo 120 học viên bao gồm sinh viên mới tốt nghiệp đại học, cán bộ viên chức trẻ, công nhân và giảng viên đang làm việc hoặc quan tâm tới ngành bảo tồn di sản văn hóa.

Đồng thời, nâng cao điều kiện bảo tồn và bảo vệ di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn; hỗ trợ và xúc tiến việc làm trên thị trường lao động cho nguồn nhân lực vừa mới được đào tạo qua dự án.

Tổ chức tìm kiếm, cứu nạn giao thông đường thuỷ nội địa

Quy định tổ chức tìm kiếm, cứu nạn giao thông đường thuỷ nội địa vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành.

Theo đó, tổ chức, cá nhân khi phát hiện hoặc nhận được thông tin người, phương tiện bị tai nạn giao thông đường thủy nội địa có trách nhiệm thông báo ngay cho chính quyền địa phương nơi xảy ra sự cố thiên tai, thảm họa, tai nạn giao thông đường thủy nội địa hoặc cơ quan chủ trì tìm kiếm, cứu nạn hoặc Cơ quan công an gần nhất một cách nhanh nhất.

Các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ tìm kiếm, cứu nạn có trách nhiệm tiếp nhận và xử lý ngay thông tin về sự cố thiên tai, thảm họa, tai nạn giao thông đường thủy nội địa; chuẩn bị ngay phương án, tiến hành tìm kiếm, cứu nạn.

Khi xảy ra sự cố thiên tai, thảm họa, tai nạn giao thông đường thủy nội địa, cơ quan chủ trì tìm kiếm, cứu nạn có trách nhiệm tổ chức nắm bắt tình hình về sự cố thiên tai, thảm họa, tai nạn giao thông đường thủy nội địa để đưa ra phương án phù hợp, điều động hoặc kiến nghị điều động lực lượng, phương tiện, thiết bị đến ứng phó kịp thời và hiệu quả.

Bên cạnh đó, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông thông suốt; trường hợp sự cố thiên tai, thảm họa, tai nạn gây nguy hại đến môi trường thì phải báo ngay cho cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường để được giải quyết kịp thời.

Đồng thời, theo dõi từng tình huống, diễn biến của vụ việc để biết, xử lý thông tin, đưa ra chỉ dẫn, biện pháp hỗ trợ, cứu nạn kịp thời đối với người, phương tiện bị nạn và giữa chỉ huy hiện trường với lực lượng, phương tiện, thiết bị tham gia tìm kiếm, cứu nạn; trực tiếp điều động lực lượng, phương tiện, thiết bị tham gia tìm kiếm, cứu nạn khi cần thiết; báo cáo ngay cấp có thẩm quyền trực tiếp về tìm kiếm, cứu nạn để huy động lực lượng, phương tiện, thiết bị đến ứng phó khi vượt khả năng ứng phó của mình; phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan khác để giải quyết hậu quả công tác tìm kiếm, cứu nạn.

Thuyền trưởng, người lái phương tiện hoạt động trên đường thủy nội địa có trách nhiệm tham gia cứu người bị tai nạn giao thông đường thủy nội địa khi phát hiện hay nhận được thông tin về sự cố thiên tai, thảm họa, tai nạn giao thông đường thủy nội địa gần khu vực đang hoạt động nếu không mất an toàn cho người, phương tiện của mình; thông báo cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan chủ trì tìm kiếm, cứu nạn biết việc tham gia tìm kiếm, cứu nạn của mình.

Người trên phương tiện gặp sự cố thiên tai, thảm họa, tai nạn giao thông đường thủy nội địa trong điều kiện có thể, có trách nhiệm tìm mọi biện pháp tự cứu mình và người trên phương tiện, giảm thiểu nguy cơ tử vong do sự cố thiên tai, thảm họa, tai nạn giao thông đường thủy nội địa xảy ra; liên lạc với các lực lượng, phương tiện, người dân gần nhất để được cứu nạn kịp thời; trực tiếp hoặc thông qua lực lượng, phương tiện tham gia cứu nạn thông báo cho cơ quan chủ trì tìm kiếm, cứu nạn để được chỉ đạo công tác tìm kiếm, cứu nạn.

Giải quyết kinh phí phát sinh dự án QL1

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo giải quyết việc phát sinh kinh phí trong công tác giải phóng mặt bằng công trình mở rộng Quốc lộ (QL1) trên địa bàn tỉnh Bình Định.

Dự án QL1 đoạn Km1212 400-Km1265 đầu tư theo hình thức BOT dự kiến hoàn thành tháng 9/2015. Tuy nhiên trong quá trình thi công, Dự án còn vướng mắc 58 hộ dân nằm xen kẹp giữa hành lang an toàn đường sắt và đường bộ chưa di dời do khó khăn nguồn vốn.

Đồng thời cũng cần phải di dời hệ thống cấp nước sạch do Công ty cấp thoát nước Bình Định quản lý. Theo quy định hiện hành, việc di dời hệ thống cấp nước sạch thuộc trách nhiệm của Công ty cấp thoát nước Bình Định, tuy nhiên theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải, do nguồn vốn vay của dự án xây dựng hệ thống cấp nước sạch chưa trả nợ xong nên Công ty không có nguồn để thực hiện di dời, gây ảnh hưởng đến tiến độ các dự án QL1.

Để giải quyết vấn đề trên, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương bổ sung di dời 58 hộ dân xen kẹp giữa hành lang an toàn đường bộ, đường sắt và di dời hệ thống cấp nước sạch do Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên cấp thoát nước Bình Định quản lý vào các dự án mở rộng QL1 tương ứng trên địa bàn tỉnh Bình Định (sử dụng kinh phí các dự án mở rộng Quốc lộ 1 tương ứng để thực hiện).

Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm về các thông tin, số liệu báo cáo, bảo đảm tuân thủ đúng quy định pháp luật hiện hành; kịp thời phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính đề xuất Thủ tướng Chính phủ xử lý những khó khăn, vướng mắc phát sinh về nguồn vốn (nếu có) trong quá trình thực hiện./.

Top