Hà Nội

Thông tin báo chí về chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

28/01/2015 17:44

Thủ tướng phê chuẩn Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng

Thủ tướng Chính phủ vừa có Quyết định 146/QĐ-TTg phê chuẩn kết quả bầu chức vụ Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng nhiệm kỳ 2011 - 2016 đối với ông Huỳnh Đức Thơ, Phó Chủ tịch UBND Thành phố.

Ông Huỳnh Đức Thơ, sinh năm 1962 tại Đà Nẵng. Ông Huỳnh Đức Thơ từng giữ chức vụ: Phó Chủ tịch, Chủ tịch UBND, Phó Bí thư quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng; Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Đà Nẵng; Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng.

Cùng ngày, tại Quyết định 145/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng nhiệm kỳ 2011 - 2016 đối với ông Văn Hữu Chiến, để nghỉ hưu theo chế độ.

Tại Quyết định 148/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn kết quả bầu chức danh Ủy viên UBND thành phố Đà Nẵng nhiệm kỳ 2011- 2016 đối với ông Trương Chí Lăng, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự Thành phố.

Đồng thời, tại Quyết định 144/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn việc miễn nhiệm chức danh Ủy viên UBND thành phố Đà Nẵng nhiệm kỳ 2011 - 2016 đối với ông Huỳnh Minh Chức, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự Thành phố, để nghỉ chờ hưu theo chế độ.

Vợ chồng vô sinh có quyền nhờ mang thai hộ vì mục đích nhân đạo

Theo Nghị định quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo thì cặp vợ chồng vô sinh có quyền nhờ mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.

Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo được thực hiện trên nguyên tắc tự nguyện. Vợ chồng nhờ mang thai hộ, người mang thai hộ, trẻ sinh ra nhờ mang thai hộ được bảo đảm an toàn về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và được pháp luật tôn trọng, bảo vệ.

Cũng theo Nghị định này, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được phép thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo phải đảm bảo các điều kiện sau: Có ít nhất 1 năm kinh nghiệm thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và tổng số chu kỳ thụ tinh trong ống nghiệm trong năm tối thiểu là 300 ca; chưa vi phạm pháp luật trong lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh liên quan đến thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm; đáp ứng nhu cầu và bảo đảm thuận lợi cho người dân.

3 cơ sở y tế được thực hiện ngay kỹ thuật mang thai hộ

Nghị định cũng nêu rõ 3 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có đủ điều kiện thực hiện ngay kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo gồm: Bệnh viện Phụ sản trung ương; Bệnh viện Đa khoa trung ương Huế; Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ thành phố Hồ Chí Minh.

Sau 1 năm triển khai thực hiện Nghị định này, căn cứ các điều kiện quy định, Bộ trưởng Bộ Y tế sẽ quyết định bổ sung cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã được Bộ Y tế công nhận được thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm được phép thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo ngoài 3 bệnh viện trên.

Nghị định quy định, để được thực hiện phương pháp này, các cặp vợ chồng vô sinh gửi hồ sơ đề nghị thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được phép thực hiện kỹ thuật này.

Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được phép thực hiện kỹ thuật sẽ xem xét, kiểm tra tính pháp lý của hồ sơ đề nghị cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện kỹ thuật mang thai hộ. Trường hợp cần thiết có thể kiểm tra bản chính, yêu cầu bổ sung các giấy tờ khác có liên quan, phỏng vấn trực tiếp hoặc đề nghị cơ quan công an hỗ trợ; đồng thời, chịu trách nhiệm về tính pháp lý của hồ sơ và về chuyên môn, kỹ thuật do cơ sở mình thực hiện.

Nghị định cũng nêu rõ, cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ và người mang thai hộ cần được tư vấn về y tế, pháp lý và tâm lý.

Thực tế cho thấy có những người mẹ không thể mang thai vì nhiều nguyên nhân nhưng vẫn có trứng và có nhu cầu sinh con; có những người có bệnh lý ở tử cung và không thể mang thai, kể cả đã được hỗ trợ sinh sản và cũng có người cứ mang thai là bị rối loạn đông máu...

Việc bổ sung quy định mang thai hộ vì mục đích nhân đạo thể hiện tính nhân văn sâu sắc, đáp ứng nhu cầu làm cha mẹ chính đáng của các cặp vợ chồng mà người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản.

Tái cơ cấu ngành Xây dựng nâng cao năng lực cạnh tranh

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành Xây dựng gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2014 - 2020.

Mục tiêu tổng quát của Đề án là tái cơ cấu ngành xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; nâng cao năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của các sản phẩm xây dựng chủ yếu; phấn đấu giá trị sản xuất của toàn ngành tăng trưởng bình quân từ 9-14%/năm; một số sản phẩm chủ yếu có bước phát triển đột phá, cơ bản chiếm lĩnh được thị trường trong nước, từng bước vươn ra thị trường khu vực và thế giới.

Cụ thể, về lĩnh vực đầu tư xây dựng, Đề án phấn đấu đến năm 2020 xây dựng được hầu hết các công trình xây dựng thiết yếu bảo đảm chất lượng, thẩm mỹ, có giá thành cạnh tranh; khắc phục cơ bản tình trạng đầu tư dàn trải, thất thoát, lãng phí, tham nhũng trong đầu tư xây dựng, nhất là các dự án sử dụng vốn nhà nước; hạn chế tối đa việc điều chỉnh tổng mức đầu tư, điều chỉnh tiến độ dự án; nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn đầu tư công, đồng thời tăng dần tỷ trọng vốn đầu tư ngoài ngân sách trong đó đặc biệt chú trọng đẩy mạnh mô hình đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP).

Khắc phục lệch pha cung - cầu bất động sản

Về lĩnh vực phát triển đô thị, Đề án đặt mục tiêu phát triển đô thị bền vững, xanh, sạch, đẹp, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; hình thành một số đô thị trung tâm cấp quốc gia, cấp vùng có mức độ hiện đại, tốc độ phát triển và năng lực cạnh tranh ngang tầm với các nước trong khu vực; hình thành một số đô thị có chức năng đặc thù như: đô thị di sản, đô thị du lịch, đô thị khoa học...; phấn đấu tỷ lệ đô thị hóa cả nước đạt khoảng 40%.

Đối với lĩnh vực nhà ở và thị trường bất động sản, phấn đấu đến năm 2020 diện tích nhà ở bình quân toàn quốc đạt khoảng 25m2/người; giai đoạn 2016 - 2020 đầu tư xây dựng mới khoảng 12,5 triệu m2 nhà ở xã hội khu vực đô thị; tỷ lệ nhà ở kiên cố toàn quốc đạt khoảng 70%.

Phát triển thị trường bất động sản ổn định, vững chắc, có cấu trúc hoàn chỉnh và cơ cấu hợp lý; khắc phục tình trạng lệch pha cung - cầu, đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ, đáp ứng cơ bản nhu cầu về nhà ở và các loại bất động sản khác; phấn đấu nguồn thu từ kinh doanh bất động sản và đất đai đạt từ 10-15% tổng nguồn thu ngân sách.

Về lĩnh vực vật liệu xây dựng, cơ khí xây dựng, phấn đấu chất lượng sản phẩm vật liệu xây dựng bảo đảm các tiêu chuẩn trong nước, một số đáp ứng tiêu chuẩn khu vực và quốc tế; giá trị sản xuất, giá trị gia tăng trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng duy trì sự tăng trưởng ổn định, bền vững, bình quân khoảng 10%/năm; sản xuất xi măng đạt khoảng 115 triệu tấn/năm; đồng thời, phát triển mạnh sản phẩm cơ khí xây dựng, nhất là các sản phẩm cơ khí phi tiêu chuẩn; tăng tỷ trọng cơ khí chế tạo trong nước.

Đẩy mạnh cổ phần hóa DN xây dựng

Đề án cũng nêu rõ định hướng tái cơ cấu một số lĩnh vực và sản phẩm chủ yếu của ngành xây dựng. Trong đó, về lĩnh vực nhà ở và thị trường bất động sản sẽ tiếp tục rà soát các dự án kinh doanh bất động sản trên phạm vi cả nước, tiến hành phân loại các dự án được tiếp tục triển khai, các dự án cần tạm dừng, các dự án cần điều chỉnh cơ cấu cho phù hợp với nhu cầu của thị trường, phù hợp với kế hoạch phát triển từng loại bất động sản của từng địa phương; nghiên cứu, giải quyết tình trạng các khu đô thị mới dở dang nhất là tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Đồng thời, Nhà nước có chính sách ưu đãi, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển nhà ở xã hội để bán, cho thuê, cho thuê mua, nhằm cải thiện nhà ở cho các đối tượng chính sách xã hội, cán bộ công chức, lực lượng vũ trang, người thu nhập thấp, thông qua các hình thức hỗ trợ về đất đai, tài chính, thuế, tín dụng ưu đãi. Cùng với đó là mở rộng phạm vi hoạt động kinh doanh bất động sản cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài nhằm thu hút nguồn lực đầu tư nước ngoài...

Về tái cơ cấu doanh nghiệp ngành xây dựng, sẽ đẩy mạnh cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực xây dựng theo hướng Nhà nước không cần nắm giữ cổ phần chi phối tại các doanh nghiệp. Đổi mới, phát triển và tiến tới áp dụng đầy đủ khung quản trị hiện đại, bảo đảm các doanh nghiệp hoạt động theo cơ chế thị trường và cạnh tranh bình đẳng.

Tổng Cty Công nghiệp Sài Gòn được xếp hạng đặc biệt

Thủ tướng Chính phủ đồng ý vận dụng xếp hạng Tổng công ty đặc biệt đối với Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn.

Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn - Trách nhiệm hữu hạn một thành viên (CNS) là một trong những Tổng công ty lớn mạnh của Thành phố Hồ Chí Minh, có tốc độ tăng trưởng bình quân 2 con số hàng năm, vốn điều lệ: 2.250 tỷ đồng; với 17 đơn vị thành viên, 4 nhà máy và 1 trung tâm trực thuộc, hơn 5.000 công nhân viên chức.

Tổng công ty hoạt động sản xuất kinh doanh trên các ngành công nghiệp chủ lực của Thành phố gồm: Chế biến tinh lương thực - thực phẩm; cơ khí - chế tạo máy; điện tử - bán dẫn, công nghệ thông tin; ngành nghề liên quan đến ngành nghề kinh doanh chính như sản xuất, chế biến, kinh doanh các sản phẩm chế biến từ lâm sản, sản xuất kinh doanh đồ uống, các sản phẩm từ giấy, vật liệu công nghệ mới và ngành nghề sản xuất kinh doanh khác như trồng rừng và khai thác rừng...

Xử lý vướng mắc GPMB dự án đường sắt Yên Viên - Lào Cai

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa có ý kiến chỉ đạo về việc xử lý vướng mắc thực hiện công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) của Dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt Yên Viên-Lào Cai qua địa phận tỉnh Lào Cai.

Cụ thể, Phó Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính và UBND tỉnh Lào Cai rà soát lại chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án nhằm bảo đảm cho người thuộc đối tượng tái định cư đủ kinh phí mua nhà, đất tái định cư để bổ sung kinh phí dự án theo quy định tại Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ.

Trước mắt, UBND tỉnh Lào Cai chủ động huy động các nguồn vốn hợp pháp để xây dựng khu tái định cư phục vụ giải phóng mặt bằng của dự án.

Đến tháng 9/2015 cắt giảm số giờ tuân thủ về thuế còn 121,5 giờ/năm

Tiếp tục rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, phấn đấu đến tháng 9/2015 thực hiện cắt giảm số giờ tuân thủ về thuế còn 121,5 giờ/năm.

Đây là nội dung tại Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh tại Hội nghị tổng kết công tác thuế, hải quan năm 2014 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2015.

Đối với Tổng cục Thuế, Phó Thủ tướng yêu cầu Tổng cục Thuế triển khai ngay từ đầu năm Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế, đảm bảo sớm đưa các chính sách thuế đi vào cuộc sống, ban hành chương trình, kế hoạch hành động cụ thể để triển khai thực hiện ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2015.

Bên cạnh đó, phấn đấu tăng thu ngân sách năm 2015 tối thiểu từ 8-10% so với dự toán pháp lệnh năm 2015 (trừ dầu thô). Khai thác các nguồn thu để bù đắp hụt thu từ dầu thô do giá giảm, đảm bảo cân đối thu, chi ngân sách nhà nước năm 2015 đã được Quốc hội phê chuẩn.

Tổng cục Thuế cũng cần đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra thuế, phấn đấu đạt mức tối thiểu là 15% số doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó tập trung vào thanh tra, kiểm tra về chuyển giá, thương mại điện tử, hộ kinh doanh cá thể và những lĩnh vực có rủi ro cao về thuế; có biện pháp hữu hiệu ngăn ngừa những hành vi, thủ đoạn trốn thuế, gian lận và chiếm đoạt tiền hoàn thuế. Có kế hoạch phấn đấu đến năm 2018 thực hiện thanh tra, kiểm tra thuế đạt mức tối thiểu là 20% số doanh nghiệp đang hoạt động.

Đồng thời, tăng cường đôn đốc, thu hồi nợ đọng thuế, phân loại các loại nợ thuế tổng hợp, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét, có cơ chế xử lý phù hợp. Yêu cầu thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật để năm 2015 đưa số nợ thuế tối đa không quá 5% số thực hiện thu ngân sách năm 2015 (không kể số thuế nợ do nguyên nhân khách quan bất khả kháng).

Kiểm soát chặt chẽ công tác hoàn thuế giá trị gia tăng; thực hiện hoàn thuế kịp thời cho doanh nghiệp đảm bảo chặt chẽ đúng quy định, quy trình; kiên quyết đấu tranh với các hành vi gian lận, chiếm đoạt tiền hoàn thuế giá trị gia tăng.

Xử lý kịp thời, đúng thời hạn những vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp; phấn đấu đạt 100% số doanh nghiệp đang hoạt động khai thuế điện tử. Triển khai việc nộp thuế điện tử tại 63/63 Cục Thuế tỉnh, thành phố. Khẩn trương hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung các quy trình, nghiệp vụ quản lý thuế và công khai để người nộp thuế biết, giám sát việc thực hiện.

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách TTHC trong lĩnh vực hải quan

Đối với Tổng cục Hải quan, Phó Thủ tướng yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan. Thực hiện tốt Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 18 tháng 3 năm 2014 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 05 tháng 8 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý và cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan.

Về triển khai thực hiện cơ chế một cửa quốc gia và một cửa ASEAN, Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan phối hợp với các Bộ, ngành triển khai các nhiệm vụ đề ra năm 2015, phấn đấu đến đầu năm 2016 kết nối rộng rãi, toàn diện Cổng thông tin một cửa quốc gia với hệ thống công nghệ thông tin của các Bộ, ngành liên quan.

Phấn đấu thu ngân sách năm 2015 tăng 10% so với dự toán Quốc hội giao (tăng 15.000 đến 16.000 tỷ đồng); đẩy mạnh kiểm tra sau thông quan, năm 2015 phấn đấu kiểm tra đạt tối thiểu 4% tổng số doanh nghiệp khai hải quan.

Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan tiếp tục đẩy mạnh công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, kinh doanh nhập khẩu hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng nhập khẩu có điều kiện. Làm tốt vai trò là cơ quan Thường trực ban Chỉ đạo 389. Đẩy mạnh việc xử lý hàng tồn đọng tại các cảng biển./.

Top