Hà Nội

Thông tin báo chí về chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

13/11/2014 17:35

Kon Tum có Phó Chủ tịch UBND tỉnh mới

Tại Quyết định 2045/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn việc bầu bổ sung chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum nhiệm kỳ 2011 - 2016 đối với ông Lại Xuân Lâm, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Tỉnh.

Ông Lại Xuân Lâm sinh năm 1968, tại tỉnh Thái Bình, là Cử nhân kinh tế, Thạc sỹ Quản lý giáo dục.

Trước khi được phê chuẩn giữ chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum, ông Lại Xuân Lâm từng kinh qua các chức vụ:  Trưởng Ban tuyên giáo Đảng ủy khối các cơ quan Trung ương; Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Tỉnh.

Phê duyệt quy hoạch sử dụng đất tỉnh Quảng Trị

Theo Nghị quyết quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ đầu (2011-2015) của tỉnh Quảng Trị vừa được Chính phủ ban hành, đến năm 2020 diện tích đất nông nghiệp của tỉnh là 413.692 ha, chiếm 87,28% diện tích tự nhiên toàn tỉnh.

Trong cơ cấu đất nông nghiệp, chiếm tỷ lệ nhiều nhất là đất rừng sản xuất với 141.498 ha, tương đương 34,2% diện tích đất nông nghiệp; ngoài ra là 87.370 ha đất rừng phòng hộ; diện tích đất trồng cây lâu năm 70.439 ha và 24.740 ha là đất trồng lúa.

Theo Quy hoạch đến 2020, diện tích đất phi nông nghiệp của tỉnh là 54.861 ha. Cả thời kỳ 2011-2020 sẽ có 12.087 ha đất nông nghiệp chuyển sang đất phi nông nghiệp.

Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; rà soát quy hoạch của các ngành, lĩnh vực có sử dụng đất cho phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được Chính phủ xét duyệt; việc xây dựng và tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phải thống nhất từ cấp tỉnh đến cấp xã; có giải pháp cụ thể để huy động vốn và các nguồn lực khác để thực hiện phương án quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của Tỉnh.

Bên cạnh đó, xác định ranh giới và công khai diện tích đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng cần bảo vệ nghiêm ngặt; điều tiết phân bổ nguồn lực, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các khu vực có điều kiện phát triển công nghiệp, đô thị, dịch vụ với các khu vực giữ nhiều đất trồng lúa; khai hoang mở rộng diện tích đất sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp nhằm bù lại phần diện tích đất nông nghiệp do bị chuyển mục đích sử dụng.

Chủ động thu hồi đất theo kế hoạch sử dụng đất, trong đó cần chú trọng thu hồi cả phần diện tích đất bên cạnh công trình kết cấu hạ tầng, vùng phụ cận để tạo nguồn vốn cho phát triển, tạo quỹ đất đầu tư công trình hạ tầng kỹ thuật và xã hội; đồng thời, ưu tiên cho người bị thu hồi đất được giao đất hoặc mua nhà trên diện tích đất đã thu hồi mở rộng theo quy định của pháp luật. Đẩy mạnh việc đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất…

Truyền thông về xây dựng xã hội học tập

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án "Truyền thông về xây dựng xã hội học tập" đến năm 2020.

Đề án trên đặt ra mục tiêu đến năm 2020, tuyên truyền, tập huấn, phổ biến về vai trò, mục đích, ý nghĩa, nội dung, thực trạng về xây dựng xã hội học tập và các hình thức học tập suốt đời đối với từng đối tượng.

Cụ thể, Đề án phấn đấu thực hiện tuyên truyền, tập huấn, phổ biến đến 100% phóng viên phụ trách chuyên trang, chuyên mục, chuyên đề về giáo dục tại các cơ quan báo chí; 95% cán bộ chuyên trách trang tin điện tử, cổng thông tin điện tử của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị; cán bộ chủ chốt của đài phát thanh, truyền hình cấp huyện, đài truyền thanh cấp xã, điểm sinh hoạt cộng đồng và 100% cán bộ cấp xã, cán bộ chủ chốt của trung tâm học tập cộng đồng, trung tâm giáo dục thường xuyên, các cơ sở giáo dục chính quy làm nhiệm vụ giáo dục thường xuyên, các cơ sở giáo dục khác; cán bộ chủ chốt của thư viện, bảo tàng, trung tâm văn hóa...

Từ đó, Đề án phấn đấu đạt 100% học sinh, sinh viên, học viên tại các cơ sở giáo dục; 90% công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất; 70% lao động nông thôn và lao động tự do được thụ hưởng tuyên truyền.

Để đạt được các mục tiêu trên, Đề án sẽ thực hiện biên tập, in ấn, đa dạng hóa, nội dung, hình thức tài liệu tuyên truyền phù hợp với các đối tượng; thực hiện tuyên truyền qua các cơ quan báo chí. Cụ thể, xây dựng chuyên mục, chuyên đề, chương trình về xây dựng xã hội học tập trên các kênh chương trình quảng bá tại các đài phát thanh, đài truyền hình trung ương và địa phương; mở chuyên trang, chuyên mục, chuyên đề về xây dựng xã hội học tập trên các báo, tập chí in, báo điện tử.

Đồng thời, thực hiện tuyên truyền qua hệ thống thông tin cơ sở; qua tin nhắn trên mạng viễn thông, mạng xã hội, trang tin điện tử, cổng thông tin điện tử...

Khu DLQG Mộc Châu trở thành động lực phát triển du lịch vùng

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Mộc Châu, tỉnh Sơn La đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Theo quy hoạch, Khu DLQG Mộc Châu có tổng diện tích tự nhiên là 206.150 ha nằm trên địa bàn 2 huyện Mộc Châu và Vân Hồ, tỉnh Sơn La.

Khu DLQG Mộc Châu được quy hoạch trở thành khu vực động lực phát triển du lịch của tỉnh Sơn La và của vùng du lịch Trung du miền núi Bắc Bộ với hệ thống sản phẩm du lịch đa dạng, độc đáo, có thương hiệu và sức cạnh tranh cao gắn với cảnh quan tự nhiên và bản sắc văn hóa các dân tộc.

Mục tiêu là đến năm 2020, Khu du lịch đón trên 1,2 triệu lượt khách, đến năm 2030 đón khoảng 3 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt khoảng 50 nghìn lượt; phấn đấu tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 1.500 tỷ đồng vào năm 2020 và khoảng 6.000 tỷ đồng vào năm 2030.

Về định hướng, Khu DLQG Mộc Châu sẽ ưu tiên phát triển thị trường khách du lịch mục tiêu từ các tỉnh vùng đồng bằng Sông Hồng và vùng Trung du miền núi Bắc Bộ; tập trung phát triển và củng cố thị phần khách từ các thị trường mục tiêu truyền thống: Tây Âu, Bắc Mỹ, Đông Bắc Á, Đông Nam Á...

Đồng thời, phát triển các sản phẩm du lịch hấp dẫn, có sức cạnh tranh cao; chú trọng nâng cao chất lượng các sản phẩm dịch vụ lữ hành, lưu trú, ăn uống, vui chơi giải trí; tập trung phát triển các sản phẩm chính: Du lịch nghỉ dưỡng và điều dưỡng chữa bệnh; du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp; du lịch tham quan di tích lịch sử văn hóa, danh thắng; đặc biệt chú trọng hình thức du lịch nghỉ tại nhà dân (homestay)...

Trong thời gian tới, Khu DLQG Mộc Châu sẽ hình thành 3 trung tâm du lịch trọng điểm gồm: Trung tâm nghỉ dưỡng Mộc Châu, trung tâm du lịch sinh thái Mộc Châu và trung tâm vui chơi giải trí Mộc Châu; hình thành các bản du lịch cộng đồng bao gồm: Bản Áng (xã Đông Sang, huyện Mộc Châu), bản Vặt (xã Mường Sang, huyện Mộc Châu), bản Tà Phình (xã Tân Lập, huyện Mộc Châu), bản Mường Khoa (xã Chiềng Khoa, huyện Vân Hồ)…

Chủ động bố trí ngân sách khắc phục sự cố vỡ đập Đầm Hà, Quảng Ninh

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa có ý kiến chỉ đạo về kiến nghị của tỉnh Quảng Ninh khắc phục hậu quả sự cố vỡ đập phụ tại đầm Hà Động thuộc huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh xảy ra ngày 30/10/2014.

Cụ thể, về đầu tư sửa chữa khắc phục những hạng mục bị thiệt hại do lũ, Phó Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Quảng Ninh và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương thực hiện theo chỉ đạo tại văn bản số 8690/VPCP-KTN ngày 31/10/2014, chủ động cân đối ngân sách địa phương để khắc phục sự cố; trường hợp vượt quá khả năng cân đối của ngân sách địa phương, UBND tỉnh Quảng Ninh báo cáo, đề xuất mức hỗ trợ cụ thể theo quy định.

Về hỗ trợ trang thiết bị y tế và cơ số thuốc chữa bệnh cho Trung tâm y tế huyện Đầm Hà, Phó Thủ tướng giao Bộ Y tế xem xét, xử lý theo thẩm quyền và các quy định hiện hành, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định những vấn đề vượt thẩm quyền.

Đêm 29 và sáng ngày 30/10/2014, mưa lớn tại khu vực huyện Đầm Hà, nước trong đầm Hà Động dâng cao đột biến vượt tường chắn của đập gây vỡ đập phụ số 2, ngập lụt sâu tại một số xã vùng hạ lưu.

Ngập lụt làm hư hỏng gần như toàn bộ trang thiết bị y tế, kho thuốc chữa bệnh và hệ thống xử lý nước, môi trường của Trung tâm y tế huyện, một số tuyến kè, kênh mương tưới tiêu bị sạt lở; hệ thống nước sinh hoạt bị hỏng do ngập nước, trôi đường ống qua sông. Tổng thiệt hại ước tính trên 80 tỷ đồng./.

Top