Hà Nội

Thông cáo báo chí: Thủ tướng chỉ đạo hội nghị toàn quốc ngành KHĐT

Ngày 7/8/2014, tại Thành phố Đà Nẵng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020 và Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020; triển khai Luật Đầu tư công và Luật Đấu thầu.

07/08/2014 19:59

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hội nghị triển khai xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020 được tiến hành sớm hơn so với các kỳ kế hoạch trước nhằm đảm bảo thời gian cho việc chuẩn bị Kế hoạch hết sức quan trọng này với nhiều nội dung đổi mới. Đây cũng là nội dung quan trọng mang tính gợi ý và định hướng trong nội dung thảo luận tại Đại hội Đảng bộ các cấp chuẩn bị cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII sẽ diễn ra vào năm 2015 ở tất cả các địa phương.

Kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2014 và 2015 là căn cứ để đề ra mục tiêu cho kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020

Theo báo cáo tại Hội nghị, tốc độ tăng GDP bình quân 2011-2013 khoảng 5,6%/năm; các khu vực nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng và dịch vụ đều phát triển khá ổn định. Quy mô GDP năm 2015 dự báo khoảng 205 tỷ USD, gấp 1,85 lần so với năm 2010. Ba đột phá chiến lược, tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng được tập trung triển khai và đạt được kết quả bước đầu.

Với yêu cầu là Kế hoạch 5 năm 2016-2020 cần phải đặt ra các mục tiêu cao hơn giai đoạn 2011-2015 để phấn đấu thực hiện cao nhất Chiến lược Phát triển Kinh tế-Xã hội 10 năm 2011-2020, theo đó, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 6,5-7%, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân khoảng 1,5%/năm. Đây được coi là thách thức rất lớn khi mà bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực tiếp tục diễn biến khó lường.

Phát biểu chỉ đạo, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, để phấn đấu đạt cao nhất mục tiêu Kế hoạch Phát triển Kinh tế-Xã hội 5 năm 2016-2020, các cấp, các ngành cần phát huy kết quả đạt được, ra sức khắc phục khó khăn, tập trung chỉ đạo điều hành để thực hiện thành công kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2014 và năm 2015. Từng Bộ, ngành, từng địa phương cần nghiêm túc đánh giá các kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế trong 3 năm 2011-2013, dự báo thực hiện năm 2014-2015, xác định rõ nguyên nhân, bài học kinh nghiệm để xây dựng và thực hiện tốt hơn Kế hoạch 5 năm 2016-2020; bên cạnh đó cần tập trung phân tích, dự báo, chủ động có các phương án phù hợp trong quá trình xây dựng Kế hoạch 5 năm 2016-2020. “Việc hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2014 và 2015 chính là căn cứ thực tế để xây dựng kế hoạch 5 năm 2016-2020” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Tại Hội nghị, Thủ tướng cũng yêu cầu các cấp, các ngành cần tập trung vào 4 căn cứ chính để xây dựng kế hoạch.

Trước hết, đó là căn cứ vào Cương lĩnh của Đảng, Chiến lược phát triển Kinh tế-Xã hội 10 năm 2011-2020 được thông qua tại Đại hội XI của Đảng; các Nghị quyết chuyên đề của Trung ương, những nội dung mới trong Hiến pháp sửa đổi và hệ thống luật pháp mới được bổ sung, hoàn thiện.

Hai là, phải căn cứ vào kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội 5 năm 2011-2015 và trên cơ sở được đánh giá một cách khách quan, toàn diện. Thủ tướng cho rằng nếu không phấn đấu quyết liệt, thì rất khó đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 5,8% năm 2014 và cao hơn trong năm 2015, và do đó rất khó có cơ sở để đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5-7% giai đoạn 2016-2020. “Chúng ta không tô hồng, thành tích chủ nghĩa, không chủ quan, thỏa mãn nhưng cũng không bôi đen. Phải thấy rõ các mặt được, thuận lợi, đồng thời chỉ rõ những hạn chế, yếu kém, nguyên nhân cũng như bài học kinh nghiệm để xây dựng kế hoạch một cách sát thực” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh.

Ba là, phải nâng cao và làm tốt công tác dự báo tình hình, dự báo chiến lược, cả trong nước và quốc tế và kết quả dự báo là căn cứ để tính toán xây dựng Kế hoạch Phát triển Kinh tế-Xã hội 5 năm 2016-2020.

Bốn là, căn cứ vào các quan điểm phát triển trong Chiến lược Phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2011-2020 và các Nghị quyết của Trung ương, trong đó có 5 quan điểm lớn, là đổi mới đồng bộ và toàn diện; phát triển bền vững; xây dựng kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với việc thực hiện đầy đủ các quy luật, nguyên tắc của kinh tế thị trường; xây dựng nhà nước pháp quyền, phát huy quyền làm chủ của nhân dân; và cuối cùng là phát huy nội lực.

Chấm dứt dàn trải, xin cho vốn đầu tư công

Phát biểu chỉ đạo về nội dung xây dựng Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ việc Luật Đầu tư công được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ 1/1/2015 đã tạo cơ sở pháp lý vững chắc để triển khai xây dựng Kế hoạch này. “Kế hoạch trung hạn sẽ giúp các bộ, ngành và địa phương chủ động xây dựng kế hoạch đầu tư, chủ động chuẩn bị đầu tư; lựa chọn các ưu tiên đầu tư, tránh dàn trải, xin cho, thậm chí tiêu cực” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói.

Thủ tướng cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, muốn thúc đẩy tăng trưởng, tạo nền tảng vững chắc cho ổn định vĩ mô và tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội, cần tập trung huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển. Tuy nhiên, nguồn vốn đầu tư công giai đoạn 2016-2020 chỉ ở mức khiêm tốn, với mức tăng khoảng trên dưới 10%/năm, thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng kinh tế danh nghĩa 13,5-14%; và ngày càng giảm trong cơ cấu tổng đầu tư toàn xã hội. Theo Thủ tướng, tốc độ tăng vốn này là thấp so với nhu cầu đầu tư của các bộ, ngành, địa phương trong giai đoạn tới, do đó vốn đầu tư công giai đoạn tới sẽ chỉ tập trung cho xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, những công trình quan trọng thiết yếu phục vụ nhiệm vụ tái cơ cấu nền kinh tế và đời sống của người dân. “Không còn cách nào khác là chúng ta phải tăng đầu tư toàn xã hội thông qua huy động mọi nguồn lực đầu tư ngoài nhà nước” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ.

Theo định hướng xây dựng Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020, vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước bảo đảm chi đầu tư phát triển trên tổng chi ngân sách nhà nước ở mức hợp lý, dự kiến tăng bình quân 10%/năm. Vốn tín dụng đầu tư phát triển của nhà nước dự kiến tốc độ tăng trưởng khoảng 8%/năm so với kế hoạch năm trước. Các khoản vốn vay khác của ngân sách địa phương không vượt quá tổng mức huy động theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước. Các bộ, ngành và địa phương dự kiến phương án phân bổ khoảng 85% kế hoạch trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, dự phòng khoảng 15% ở cấp trung ương và các cấp chính quyền địa phương.

Đối với các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu, dự kiến giai đoạn 2016-2020 chỉ thực hiện 2 chương trình mục tiêu quốc gia có mục tiêu quan trọng và bao quát nhất là Chương trình giảm nghèo bền vững và Chương trình xây dựng nông thôn mới. Đối với các chương trình khác, chủ trương của Chính phủ là giảm tối đa số lượng theo hướng lồng ghép các chương trình có cùng mục tiêu, nhiệm vụ. Trong từng ngành, lĩnh vực, nếu cần thiết thì chỉ thực hiện không quá 2 chương trình.

Kết thúc thời kỳ “GDP địa phương”

Phát biểu chỉ đạo nội dung về cách tính, công bố chỉ tiêu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (GRDP), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu: Để bảo đảm tính thống nhất, minh bạch và sử dụng chỉ tiêu này nhất quán đối với cả nước và từng địa phương, các địa phương sử dụng số liệu chính thức do Tổng cục Thống kê tính toán và công bố cho giai đoạn 2011-2013; phối hợp chặt chẽ với cơ quan thống kê rà soát, ước thực hiện 2014, dự báo năm 2015 và ước thực hiện cả giai đoạn 2011-2015; trên cơ sở đó để xây dựng chỉ tiêu này cho kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ ngành, địa phương tiếp tục rà soát kỹ, tính toán lại chỉ tiêu GRDP của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, bảo đảm đủ độ tin cậy, phản ánh sát thực tình hình của từng địa phương. Trên cơ sở đó, tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định thông báo cho các địa phương sử dụng làm căn cứ xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 và giai đoạn 2016-2020. Khẩn trương xây dựng Đề án Chuyển đổi quy trình biên soạn số liệu GRDP cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Các địa phương chỉ đạo cơ quan chức năng theo dõi sát, nắm chắc tình hình, năng lực sản xuất của địa phương để xây dựng mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội cho phù hợp. “Phải tính theo chuẩn mực và thông lệ quốc tế, đảm bảo chính xác, sát thực tế. Cách tính này chắc chắn sẽ làm giảm các con số thống kê GRDP của các địa phương, nhưng chúng ta cần những con số thật” - Thủ tướng nhấn mạnh, GRDP là chỉ tiêu kinh tế rất quan trọng, là cơ sở để xây dựng và thực hiện các chính sách phát triển kinh tế-xã hội vùng, miền, địa phương, bảo đảm cân đối chung cả nước. Trong khi đó, tổng hợp kết quả tính toán chỉ tiêu GRDP của các địa phương thường gấp trên 1,5-2 lần so với tốc độ tăng GDP của cả nước.

Về Luật đầu tư công có hiệu lực thi hành từ 1/1/2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì khẩn trương xây dựng, trình Chính phủ ban hành các nghị định hướng dẫn thi hành; thực hiện tốt công tác phổ biến, tuyên truyền để tất cả các cấp, các ngành hiểu và thực hiện nghiêm túc. Về Luật Đấu thầu đã có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2014, Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục hoàn thiện các nghị định và các văn bản hướng dẫn; tổ chức đào tạo, tập huấn để các ngành, các cấp nắm được các quy trình quản lý về đấu thầu. Các Bộ, ngành, địa phương quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm theo đúng quy định./.

Top