Hà Nội

Tập huấn về phân tích, tác động chính sách trong xây dựng văn bản

(Chinhphu.vn) - Sáng 23/10, Văn phòng Chính phủ (VPCP) phối hợp với Cơ quan Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) và các Bộ có liên quan tổ chức tập huấn, tọa đàm về kỹ năng phân tích và đánh giá tác động chính sách trong quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

23/10/2019 12:45

 

Vụ trưởng Vụ Pháp luật Đinh Dũng Sỹ phát biểu tại buổi tập huấn - Ảnh: Hòa An

Diễn ra trong 2 ngày 23-24/11 tại Hà Nội, chương trình có sự tham gia của các chuyên gia của GIZ, các chuyên gia về hoạch định chính sách cùng các đại biểu đến từ các Bộ, ngành là những người tham gia vào quá trình xây dựng các dự án Luật của Việt Nam... Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ dự án “Tăng cường năng lực xây dựng pháp luật cho VPCP giai đoạn 2018-2020”.

.

Góp phần nâng cao chất lượng các dự án Luật

.

Phát biểu khai mạc chương trình, ông Đinh Dũng Sỹ, Vụ trưởng Vụ Pháp luật (VPCP) nhấn mạnh, việc phân tích và đánh giá tác động chính sách là một trong những quy trình ghi nhận trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015. Đây là quy trình bắt buộc, một giai đoạn quan trọng trong quá trình đưa ra chính sách, làm tiền đề cho xây dựng dự án Luật, Pháp lệnh...

.

Theo ông Đinh Dũng Sỹ, trước khi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 được ban hành, hoạt động phân tích, đánh giá tác động chính sách trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật chưa trở thành hoạt động mang tính bài bản, chuyên nghiệp. Chỉ từ khi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 được ban hành, việc phân tích, đánh giá tác động chính sách trở thành công việc thường xuyên, quan trọng của các cơ quan tham mưu, hoạch định chính sách cho Quốc hội, Chính phủ trong quá trình xây dựng dự án Luật.

.

Nhận thức được tầm quan trọng của phân tích, đánh giá tác động chính sách, đặc biệt là khi được hình thành đưa vào dự án Luật thì ý nghĩa, vai trò của phân tích, đánh giá với xã hội, với phát triển của đất nước vô cùng quan trọng, vì vậy VPCP phối hợp với GIZ lựa chọn chuyên đề về phân tích, tác động chính sách trong quá trình xây dựng dự án Luật tại Việt Nam làm chủ đề cho cuộc tập huấn, tọa đàm diễn ra trong 2 ngày tại Hà Nội.

.

Theo ông Đinh Dũng Sỹ, mục tiêu của chương trình là các chuyên gia sẽ chia sẻ những tiếp cận về thực tiễn kỹ năng phân tích và tác động chính sách trong quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, từ đó các đại biểu trao đổi, thảo luận về tình hình thực tiễn tại Việt Nam.

.

Cố vấn trưởng, Giám đốc dự án GIZ, TS. Michael Krakowski cũng nêu ý kiến, việc phân tích và đánh giá tác động chính sách trong quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật rất quan trọng không chỉ đối với VPCP mà còn đối với các Bộ, ban, ngành trong quá trình tham mưu để xây dựng các dự án Luật...

.

TS. Michael Krakowski hy vọng những chia sẻ thực tế của các chuyên gia đến từ Đức sẽ góp phần nâng cao chất lượng các dự án Luật. GIZ cam kết tiếp tục hỗ trợ các Bộ, ngành để trong việc phân tích, đánh giá tác động chính sách để các dự án Luật khi ban hành ra sẽ phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam.

 

Tập huấn, tọa đàm về kỹ năng phân tích và đánh giá tác động chính sách - Ảnh: Hòa An

Nâng cao chất lượng văn bản pháp luật

.

Trong phiên làm việc sáng 23/10, các đại biểu được tập huấn về kỹ năng phân tích và đánh giá tác động chính sách trong quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, kinh nghiệm quốc tế và khả năng vận dụng tại Việt Nam.

.

Theo bà Võ Thị Lan Phương, chuyên gia về đánh giá tác động chính sách (RIA), thì tác động chính sách bao gồm 4 bước: Xác định vấn đề bất cập; xác định mục tiêu chính sách; xác định phương án chính sách và đánh giá tác động chính sách. Trong đó, ở bước 4, bước đánh giá tác động chính sách sẽ xác định đối tượng chịu tác động, xác định các loại tác động, xây dựng công thức tính toán tác động, xác định số liệu cần thiết, trình bày kết quả và so sánh, lựa chọn phương án.

.

Theo các chuyên gia, RIA là một quá trình, là sự phối hợp chặt chẽ và khoa học của nhiều giai đoạn thành phần đảm đương những chức năng công việc khác nhau (như xác định vấn đề bất cập, xác định mục tiêu chính sách, lựa chọn phương án, tham vấn...), sử dụng một cách nhất quán các công cụ phân tích (như phân tích lợi ích/chi phí, phân tích hiệu quả chi phí...) để đánh giá các tác động tích cực và tiêu cực của hành động mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền dự kiến thực hiện.

.

RIA được thực hiện trước khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền ra quyết định về chính sách. Ngay từ khi có chủ trương giải quyết một vấn đề nào đó của xã hội, những người làm chính sách đã phải tiến hành những bước đầu tiên của RIA và sử dụng RIA làm phương pháp luận và tư duy để thiết lập một quy trình xây dựng chính sách hiệu quả nhất.

.

RIA giúp xác định và đánh giá những tác động tiềm tàng của các quy định pháp luật. Chính vì yếu tố thời điểm thực hiện RIA nên những tác động cả tích cực và tiêu cực được phân tích trong quá trình xây dựng chính sách sẽ là những tác động tiềm tàng, dự kiến do các quy định pháp luật mang lại khi đi vào thực tế. Điều này hoàn toàn khác so với cách hiểu đơn giản là đánh giá những tác động đã thực sự diễn ra sau khi văn bản pháp luật được ban hành. Mục tiêu của RIA là yêu cầu các cơ quan hoạch định chính sách lập báo cáo RIA nhằm bảo đảm các văn bản pháp luật có chất lượng tốt hơn.

.

Trong buổi tọa đàm chiều nay, các đại biểu tham gia tọa đàm kỹ năng phân tích và đánh giá tác động chính sách trong đề nghị xây dựng Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi). Vào sáng mai (24/10), các đại biểu tham dự tọa đàm về kỹ năng phân tích và đánh giá tác động chính sách trong đề nghị xây dựng Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).

.

Hòa An

Top