Hà Nội

Sớm trình đề án tái cơ cấu doanh nghiệp theo ngành, lĩnh vực

(Chinhphu.vn) – Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng ban Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp yêu cầu các Bộ quản lý ngành sớm trình Thủ tướng Chính phủ đề án tái cơ cấu doanh nghiệp theo ngành, lĩnh vực không phân biệt cấp, cơ quan quản lý.

10/06/2013 14:30

Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa, tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) giai đoạn 2011-2015.

Đồng thời theo dõi, kịp thời nắm bắt và đề nghị các cơ quan liên quan giải quyết những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện sắp xếp, đổi mới, tái cơ cấu DNNN, đặc biệt là cổ phần hoá, thoái vốn.

Các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty Nhà nước đẩy mạnh công tác sắp xếp, cổ phần hoá doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước giai đoạn 2011-2015 theo Phương án và Đề án tái cơ cấu đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; hằng quý báo cáo Ban Chỉ đạo, Bộ Tài chính kết quả thực hiện để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Trong tháng 9/2013, Bộ Công thương trình Chính phủ Đề án ưu tiên phát triển các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh cao giai đoạn 2013-2020.

Nghiên cứu lập cơ quan chuyên trách thực hiện quyền chủ sở hữu tại DN

Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu về việc thành lập cơ quan chuyên trách thực hiện quyền chủ sở hữu tại doanh nghiệp và Đề án tăng cường năng lực cho cơ quan đầu mối triển khai, thực hiện các chính sách trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc các quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của chủ sở hữu Nhà nước đã được phân công; đặc biệt chú ý việc công tác kiểm tra, giám sát hoạt động và tình hình tài chính, kết quả sản xuất kinh doanh của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước; bảo đảm doanh nghiệp hoạt động đúng mục tiêu, nhiệm vụ được giao, quy định của pháp luật.

Các Bộ, ngành, địa phương xây dựng lộ trình thoái vốn đã đầu tư ngoài ngành, lĩnh vực kinh doanh chính. Đối với những dự án, những khoản đầu tư càng để càng mất vốn thì thoái vốn sớm, trường hợp khác tính toán hợp lý, có lộ trình cụ thể, bảo đảm hiệu quả.

Bộ Tài chính trình Chính phủ Đề án thực hiện thí điểm góp vốn cổ phần để thành lập mới đối với một số đơn vị sự nghiệp công lập, các đơn vị thuộc tập đoàn, tổng công ty Nhà nước khi tiến hành cổ phần hoá; trình Thủ tướng Chính phủ cơ chế thoái vốn đầu tư ngoài ngành, lĩnh vực kinh doanh chính.

Phương Hiển

Top