Hà Nội

Sẽ cắt giảm 7 ngày cho thủ tục cấp điện mới

(Chinhphu.vn) - Từ 4 thủ tục và 31 ngày để được cấp điện mới, VPCP và các cơ quan liên quan thống nhất báo cáo Thủ tướng Chính phủ cắt giảm xuống còn 3 thủ tục và 24 ngày (cắt giảm 7 ngày) để cấp điện mới, nhằm nâng xếp hạng chỉ số Tiếp cận điện năng theo đánh giá môi trường kinh doanh của WB.

06/01/2020 15:53

Sẽ cắt giảm mạnh các thủ tục khởi sự kinh doanh

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng chủ trì buổi làm việc. Ảnh: Gia Huy

.

Sáng 6/1, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng chủ trì buổi làm việc cùng các cơ quan liên quan nhằm bàn về giải pháp cải thiện Chỉ số tiếp cận điện năng theo đánh giá tại Báo cáo Môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới.

.

Cuộc họp nhằm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ giao VPCP chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan, các tỉnh, thành phố nghiên cứu, triển khai kết nối, tích hợp thực hiện các thủ tục liên quan đến chỉ số Tiếp cận điện năng trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia. Buổi làm việc có sự tham dự của đại diện Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Ngân hàng Thế giới (WB)...

.

Tiếp cận điện năng: Chỉ số tốt nhất trong 10 chỉ số của Việt Nam

.

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP, trong thời gian qua dưới sự chỉ đạo của Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã cải cách mạnh mẽ. Chỉ số tiếp cận điện năng của Việt Nam theo đánh giá của WB ở thứ hạng 27/190 nền kinh tế, điểm số tăng 0,3%, xếp thứ 4 trong các nước ASEAN...

.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Gia Huy

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP cũng đánh giá cao EVN tại thời điểm khai trương đã đưa 3 dịch vụ công lên Cổng Dịch vụ công Quốc gia. Theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời EVN cũng đã hứa sẽ tiếp tục đưa 9 dịch vụ công, nâng tổng số dịch vụ công EVN cung cấp trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia là 12 dịch vụ công. Đây cũng là sự cải cách nhờ cách quản trị thông minh, sắp xếp bộ máy tổ chức, con người hiệu quả.

.

Từ thời điểm khai trương chiều 9/12/2019 đến chiều 5/1/2020, Cổng Dịch vụ công Quốc gia đã có 23.400 tài khoản đăng nhập 1 lần; 8,9 triệu người truy cập, trên 357 nghìn bộ hồ sơ đồng bộ trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Điều này cho thấy nhu cầu lớn của người dân sử dụng các dịch vụ công trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia. Vì vậy, cuộc họp còn nhằm tiếp tục tìm giải pháp cải thiện, cụ thể về cách thức, giải pháp thực chất để đưa các dịch vụ công của EVN lên Cổng Dịch vụ công Quốc gia.

.

Cung cấp thêm thông tin về đánh giá của WB, ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC (VPCP) cho biết, báo cáo của WB công bố vào 24/10/2019 cho thấy, để được cấp điện mới ở Việt Nam, yêu cầu thực hiện 4 thủ tục (khách hàng đăng ký cấp điện mới và thỏa thuận đấu nối; khảo sát cấp điện; khách hàng thuê công ty tư nhân cho việc thiết kế và thực hiện bên ngoài; khách hàng được lắp công tơ đo đếm và ký hợp đồng), thời gian thực hiện 31 ngày, chi phí bằng 994,2% thu nhập bình quân đầu người.

.

Bên cạnh dó, độ tin cậy cung cấp điện và minh bạch về giá điện của Việt Nam được 7/8 điểm. Chỉ số tiếp cận điện năng của Việt Nam ở thứ hạng 27/190 nền kinh tế, điểm số tăng 0,3%, xếp thứ 4 trong các nước ASEAN.

.

Ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC (VPCP) phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Gia Huy

"Chỉ số tiếp cận điện năng của Việt Nam trong nhóm 3 chỉ số tốt nhất của 10 chỉ số đánh giá môi trường kinh doanh (chỉ sau chỉ số Tiếp cận tín dụng và Cấp phép xây dựng), đồng thời là chỉ số có điểm số tốt nhất trong 10 chỉ số của Việt Nam", ông Ngô Hải Phan cho biết.

.

Tuy nhiên so sánh các yếu tố đánh giá chỉ số Tiếp cận điện năng của Việt Nam với các nước trong khu vực ASEAN cho thấy: Số thủ tục của Việt Nam vẫn còn nhiều hơn 1-2 thủ tục so với 2 nước đứng đầu; số ngày thực hiện nhiều hơn so với 3 nước đứng đầu ASEAN; độ tin cậy cung cấp điện và minh bạch giá điện được đánh giá thấp hơn 2 nước đứng đầu.

.

Trong các nước ASEAN 6 thì yếu tố Chi phí (tính theo % GDP đầu người) của Việt Nam đang cao nhất do vẫn phụ thuộc vào GDP của quốc gia.

.

Cắt giảm để còn 3 thủ tục cấp điện mới

.

Để cải thiện chỉ số tiếp cận điện năng năm 2020, Cục Kiểm soát TTHC đề nghị Bộ Công Thương sửa đổi Thông tư số 39/2015/TT-BCT ngày 18/11/2015 quy định về Hệ thống điện phân phối theo hướng quy định thời gian thực hiện thỏa thuận đấu nối trong cấp điện trung áp là 2 ngày làm việc, thời gian đóng điện điểm đầu nổi và ký hợp đồng mua bán điện là 5 ngày làm việc; sửa đổi Thông tư về quy định một số nội dung rút ngắn thời gian tiếp cận điện năng.

.

Bên cạnh đó đề nghị Bộ Giao thông vận tải Sửa đổi Thông tư số 35/2017/TT-BGTVT ngày 9/10/2017 sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư số 50/2015/TT-BGTVT ngày 23/9/2015 quy định về kết cấu hạ tầng, giao thông đường bộ theo hướng bãi bỏ thủ tục Cấp phép thi công xây dựng công trình thiết yếu trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ...

.

Tại cuộc họp, đại diện các Bộ, cơ quan cơ bản đồng tình với với các giải pháp mà VPCP kiến nghị, đại diện các cơ quan cũng bày tỏ dù khó khăn nhưng cần quyết tâm giảm thời gian thực hiện cho thủ tục cấp điện mới, giảm từ 4 thủ tục xuống còn 3 thủ tục.

.

Theo ông Võ Hoàng Lâm, Phó Tổng Giám đốc EVN cho biết EVN đã bám sát các tiêu chí WB đánh giá để cải cách, thực hiện nhiều giải pháp để có kết quả như đánh giá của WB. Đối với TP Hồ Chí Minh là địa phương đại diện cho Việt Nam được lựa chọn đánh giá trong thời gian qua đã thực hiện nhiều cải cách so với quy định hiện hành để nâng cao thứ hạng tiếp cận điện năng như: Bỏ chi phí đầu tư công trình cấp điện cho khách hàng để đưa tổng chi phí tiếp cận điện năng về 0 VNĐ; sử dụng các robot đào đường... EVN hiện nay trong quy trình kinh doanh đã điện tử hóa toàn bộ thủ tục cung cấp dịch vụ điện, việc tiếp nhận thủ tục và ký hợp đồng chỉ trong 3 ngày tại TP HCM.

.

Đại điện Bộ Công Thương cho biết trong những năm qua chỉ số tiếp cận điện năng cải thiện rất nhiều và nhanh. Bộ thống nhất với VPCP về sửa đổi Thông tư 39/2015/TT-BCT ban hành từ 2015 bởi trong thời gian từ khi ban hành đến nay ngành điện đã có nhiều phát triển, vì vậy nhiều nội dung đã lạc hậu cần sửa đổi.

.

Để nâng Chỉ số tiếp cận điện năng, quan điểm của đại diện Tổng cục đường bộ (Bộ Giao thông vận tải) là giảm tối đa TTHC từ khâu chấp thuận đến khâu cấp phép thi công. Như bước xin phép chủ trương xây dựng công trình thiết yếu trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và bước cấp phép thi công, đơn vị nhấn mạnh 2 thủ tục này mỗi thủ tục đang thực hiện trong 7 ngày. Đù khó khăn nhưng đại diện Tổng cục đường bộ cho biết quyết tâm thực hiện từ 6 ngày xuống còn 4 ngày, và đặc biệt đưa thủ tục lên thực hiện ở dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4. Đồng thời thực hiện luôn ngay sau khi có quyết định chứ không chờ đến ngày 15/2.

.

Với quyết tâm này của Tổng cục đường bộ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP đánh giá đây là cải cách rất quyết liệt và rõ ràng.

.

Tại cuộc họp, đánh giá chỉ số điện năng đóng góp vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội, Bộ trưởng, Chủ nhiệm cho rằng không chỉ vì những chỉ số WB đánh giá mới cải thiện chỉ số Tiếp cận điện năng mà chúng ta cần tự cải cách để phục vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp.

.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm nhấn mạnh phải giảm nhanh thủ tục, cụ thể là về thời gian, vì vậy đề nghị Bộ Công Thương xem xét sửa đổi Thông tư 39/2015/TT-BCT, Bộ Giao thông vận tải là thông tư 35/2017/TT-BGTVT... Đề nghị các cơ quan liên quan tiếp tục có sự chia sẻ, kết nối các thủ tục, đặc biệt ngành Điện tực cần tiếp tục cố gắng hơn nữa, cải cách thực chất ở từng khu vực.

.

Tại cuộc họp, VPCP và các Bộ, cơ quan liên quan thống nhất quyết tâm giảm thời gian cấp điện mới từ 4 thủ tục xuống còn 3 thủ tục và từ thời gian thực hiện 31 ngày xuống còn 24 ngày (giảm 7 ngày). VPCP sẽ tổng hợp các ý kiến của các đơn vị tại buổi làm việc và báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP đồng thời đề nghị WB tiếp tục ghi nhận sự cải cách của các cơ quan của Chính phủ Việt Nam.

.

Gia Huy

Top