Hà Nội

Sẵn sàng hỗ trợ các địa phương giải quyết khó khăn trong gửi, nhận văn bản điện tử

(Chinhphu.vn) - Tại Hội nghị trực tuyến sơ kết 1 năm triển khai Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg ngày 12/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan hành chính nhà nước tổ chức sáng 15/11, đại diện các Bộ, ngành chức năng, đơn vị cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin cho biết, sẵn sàng hỗ trợ các địa phương giải quyết khó khăn trong gửi, nhận văn bản điện tử.

15/11/2019 19:00

 

Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước - Bộ Nội vụ Đặng Thanh Tùng phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: Nhật Thy

Vẫn còn khó khăn, vướng mắc

.

Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, từ năm 2016, Bộ đã tiến hành đưa vào vận hành việc gửi nhận văn bản, xử lý công việc trên hệ thống mạng nội bộ. Sau khi có Quyết định 28 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã ban hành chỉ thị về gửi nhận văn bản điện tử có áp dụng chữ ký số, đồng thời khẩn trương bảo đảm hạ tầng kỹ thuật; nâng cấp phần mềm, đưa vào sử dụng chính thức từ quý II/2019.

.

Các Sở Tài nguyên và Môi trường đã nhận 35 nghìn văn bản của Bộ, gửi 45 nghìn văn bản (trên 98%) lên trục liên thông Bộ, 90% lên trục quốc gia.

.

Tuy nhiên, theo đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện nay việc đặt tên tham gia liên thông còn chưa thống nhất dẫn đến khó theo dõi; phản hồi trạng thái văn bản điện tử chưa đầy đủ, theo dõi trạng thái hồ sơ còn gặp khó khăn.

.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã chỉ đạo hết sức quyết liệt, xây dựng quy chế ban hành văn bản điện tử, nâng cấp hệ thống phần mềm quản lý văn bản, đảm bảo kết nối liên thông.

.

Từ tháng 6/2019, Bộ đã thực hiện chữ ký số trên thiết bị di dộng, cơ bản vận hành trôi chảy có kết quả tốt. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phấn đấu đến năm 2020 hoàn tất đồng bộ việc gửi nhận văn bản điện tử đối với 100% các đơn vị thuộc Bộ.

.

Đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng, Quyết định 28 là bước ngoặt đối với cơ quan hành chính. Bộ đã chỉ đạo quyết liệt trong việc gửi nhận văn bản trên Trục liên thông quốc gia; ban hành quy chế gửi nhận, mã định danh của Bộ, đồng thời lãnh đạo Bộ, các đơn vị đều sử dụng chữ ký số; nâng cấp phần mềm đáp ứng theo Quyết định 28. Đến nay việc gửi nhận bản bản điện tử tại Bộ thực hiện khá nhuần nhuyễn.

.

Quảng Ninh là một trong những tỉnh đi đầu toàn quốc trong gửi nhận văn bản điện tử với sự tham gia của cả hệ thống chính trị. Tỉnh đã phối hợp với Ban Cơ yếu Chính phủ cấp hàng nghàn chữ ký số từ cấp xã. Hiện tại 70% cơ quan, đơn vị tại Quảng Ninh đã thực hiện sử dụng chữ ký số một cách hiệu quả, đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin.

 

Thiếu tướng Nguyễn Đăng Đào, Phó trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: Nhật Thy  

Tỉnh Quảng Ninh đề xuất các đơn vị công nghệ thông tin hướng dẫn, đảm bảo kỹ thuật khi đăng tải các văn bản dung lượng lớn để việc gửi nhận được thông suốt; đề nghị các các bộ, ngành chủ động hỗ trợ các địa phương kết nối với các bên liên quan.

.

Đại diện TPHCM cho biết, Thành phố đã cập nhật mã định danh trên phần mềm tích hợp chia sẻ dữ liệu. Gần như tất cả văn bản điện tử gửi nhận được sử dụng chữ ký số. Sắp tới TPHCM tiếp tục triển khai việc gửi và nhận văn bản điện tử trên các thiết bị di động thông minh. Đại diện TPHCM cũng đề xuất địa phương được đưa vào thí điểm triển khai đề án số hóa của Bộ Thông tin và Truyền thông…

.

Đại diện TP. Hà Nội cũng nêu ra một số khó khăn khác trong việc gửi nhận văn bản điện tử, thực hiện chữ ký số như việc tổ chức phân cấp còn bất cập, cần có hướng dẫn đánh giá triển khai, thể thức trình bày theo chuẩn hay quy định quản lý thuê bao theo Nghị định 130/2018/NĐ-CP gây khó khăn trong công tác quản lý.

.

Về những vấn đề của địa phương, Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước - Bộ Nội vụ Đặng Thanh Tùng cho biết, sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 28, Bộ Nội vụ kịp thời ban hành Thông tư số 01/2019/TT-BNV quy định quy trình trao đổi, lưu trữ, xử lý tài liệu điện tử trong công tác văn thư, các chức năng cơ bản của Hệ thống quản lý tài liệu điện tử trong quá trình xử lý công việc của các cơ quan, tổ chức và Thông tư số 02/2019/TT-BNV quy định tiêu chuẩn dữ liệu thông tin đầu vào và yêu cầu bảo quản tài liệu lưu trữ điện tử.

.

Tuy nhiên, do mong mỏi triển khai Chính phủ điện tử rất lớn, của toàn xã hội, trong khi đó về hệ thống, nhận thức, nguồn lực còn hạn chế, chưa có kinh nghiệm, trong quá trình thực hiện còn nhiều khó khăn.

 

 Đại diện VNPT phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: Nhật Thy  

Bộ Nội vụ cũng đã chủ động phối hợp với 10 Bộ ngành, 25 địa phương tổ chức hội nghị tập huấn.

.

Theo ông Đặng Thanh Tùng, khó khăn phát sinh trong quá trình thực hiện, không hẳn là những khó khăn liên quan đến thể chế, phần lớn đều do các phầm mềm xây dựng từ trước, về mặt kỹ thuật chưa kịp đáp ứng. Chính vì vậy liên quan đến chữ ký số chưa được thực hiện tốt, đặc biệt là hợp phần về lưu trữ điện tử chưa được quy định. Công tác văn thư điện tử phần nào đã được định hình tại Thông tư 01 tuy nhiên tư duy về lưu trữ điện tử và rào cản kỹ thuật còn nhiều nội dung chưa được giải quyết. Đây là thách thức không nhỏ đối với cả những người làm văn thư lưu trữ và cả đội ngũ làm công nghệ.

.

Tại Luật Lưu trữ năm 2011, quy định lưu trữ tài liệu điện tử vẫn còn đơn giản chưa thể đáp ứng yêu cầu hiện nay. Vì vậy, việc nghiên cứu xem xét đề xuất Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi Luật Lưu trữ là hết sức cần thiết. Đây sẽ là nền tảng pháp lý quan trọng nhất, đảm bảo tính pháp lý, tính vẹn toàn, tính chống chối bỏ đối với các văn bản điện tử. Bộ Nội vụ cũng đã tiến hành nghiên cứu sửa đổi bổ sung trình Chính phủ sắp ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 110/2004/NĐ-CP về công tác văn thư.

.

Một vấn đề nữa cần quan tâm, theo ông Đặng Thanh Tùng, là việc đào tạo cán bộ lưu trữ. Hiện tại những người làm công tác văn thư lưu trữ chưa đào tạo công nghệ thông tin về lưu trữ, trong khi tại Pháp, người ta sử dụng kỹ sư công nghệ thông tin vào làm lưu trữ …

.

Về công tác đăng ký chứng thư số, Thiếu tướng Nguyễn Đăng Đào, Phó trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ cho biết, đơn vị đang tham mưu Bộ Quốc phòng xây dựng Thông tư hướng dẫn Nghị định 130/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật Giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số. Theo Thiếu tướng Nguyễn Đăng Đào, hiện công tác đăng ký chứng thư số đã giảm tối đa các khâu trung gian. Thời gian đăng ký chứng thư số từ 17 ngày còn tối đa 3 ngày. Trước đây, việc đăng ký chứng thư số được thực hiện từ các cấp thì hiện nay được phân cấp mạnh, các đơn vị có thể đăng ký trực tiếp với cơ quan cơ yếu chính phủ không qua trung gian. Dự kiến trong tháng 12, Ban Cơ yếu Chính phủ sẽ kết hợp với đơn vị chuyển phát nhanh đến tận cấp xã, đảm bảo việc bàn giao chữ ký số tối đa là 2 ngày.

.

Ban Cơ yếu Chính phủ cũng sẽ cung cấp bộ quản lý, hỗ trợ triển khai ký số tập trung; ký số trên thiết bị di động; đồng thời sẵn sàng hỗ trợ các địa phương giải quyết khó khăn.

.

Để việc triển khai chữ ký số gắn với việc triển khai quyết tâm quyết liệt hơn nữa, Thiếu tướng Nguyễn Đăng Đào đề nghị người đứng đầu địa phương gương mẫu, hạn chế việc sử dụng song song cả văn bản điện tử và văn bản giấy.

.

Đại diện VNPT, ông Huỳnh Quang Liêm, Phó Tổng giám đốc tập đoàn cho biết, VNPT đã cử cán bộ trực tiếp đến các bộ, ngành, địa phương để giải quyết ngay các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện đảm bảo trục liên thông luôn thông suốt.

.

Nhật Thy

Top