Hà Nội

Quản trị thông minh, hiện đại hóa nền hành chính nhà nước

(Chinhphu.vn)- Sáng 15/11, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng đã chủ trì Hội nghị trực tuyến sơ kết 1 năm triển khai Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg ngày 12/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan hành chính nhà nước.

15/11/2019 16:00

 

 Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: Nhật Thy

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, ngày 12/7/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg (Quyết định 28) về gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính Nhà nước, đây là Quyết định quan trọng đối với các cơ quan hành chính Nhà nước..

.

Sau 1 năm triển khai quyết định 28, đến nay đã có 95/95 đơn vị (100%) các Bộ, ngành, địa phương và Văn phòng Trung ương Đảng đã kết nối, liên thông gửi, nhận văn bản điện tử ở 2 cấp chính quyền với Trục liên thông văn bản quốc gia. Tính đến thời điểm hiện tại, đã có hơn 230.000 văn bản điện tử gửi, hơn 627.000 văn bản điện tử nhận từ các cơ quan thông qua trục này. Chỉ tính riêng trong tháng 10, lượng văn bản điện tử được gửi, nhận tăng gấp 2,3 lần so với thời gian trước. Đây là những kết quả đáng ghi nhận trong quá trình hướng đến nền quản trị hành chính hiện đại, thông minh và không giấy tờ.

.

Giảm chi phí, nâng cao năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả công việc

.

Báo cáo tại Hội nghị, ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, VPCP cho biết, triển khai Quyết định 28, từ tháng 9/2018 đến tháng 9/2019, Văn phòng Chính phủ đã phối hợp với 31 Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Văn phòng Trung ương Đảng thực hiện kết nối, liên thông, thí điểm và chính thức gửi, nhận văn bản điện tử thông qua Trục liên thông văn bản quốc gia.

.

Việc triển khai thực hiện Quyết định 28 về gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan nhà nước trong thời gian qua đã bước đầu đạt kết quả, góp phần giảm đáng kể chi phí gửi, nhận văn bản giấy và thời gian gửi, nhận văn bản giữa các cơ quan nhà nước. Quan trọng hơn là việc này đã giúp thay đổi tác phong, lề lối làm việc từ giải quyết công việc dựa trên giấy tờ sang giải quyết công việc trên môi trường điện tử.

.

Đồng thời, thực hiện gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan nhà nước còn giúp nâng cao năng suất lao động, giảm thời gian xử lý công việc, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn; giúp lãnh đạo Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương biết được tình trạng xử lý văn bản, hồ sơ, công việc để có thể chỉ đạo kịp thời.

.

Ngoài ra, việc liên thông văn bản điện tử thông suốt từ Trung ương đến các cấp địa phương là cơ sở, nền tảng để triển khai kết nối, liên thông các hệ thống thông tin phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và chính quyền các cấp, hình thành hệ thống Chính phủ điện tử kết nối thông suốt từ trung ương đến địa phương.

.

Đến nay, 95/95 các Bộ, ngành, địa phương và Văn phòng Trung ương Đảng đã kết nối, liên thông gửi, nhận văn bản điện tử ở 2 cấp chính quyền với Trục liên thông văn bản quốc gia. Trong đó, có 60 đơn vị kết nối qua nền tảng chia sẻ, tích hợp dùng chung cấp bộ, cấp tỉnh (LGSP), 35 đơn vị kết nối trực tiếp phần mềm quản lý văn bản và điều hành (QLVB&ĐH) với Trục liên thông văn bản quốc gia.

.

Theo thống kê, 64 Bộ, ngành, địa phương phát sinh gửi, nhận văn bản điện tử 3 cấp chính quyền (cấp vụ, cục, sở, ngành, quận huyện) trong đó có 1.200 sở ngành, quận huyện đã kết nối thông qua LGSP gửi nhận văn bản điện tử trên Trục liên thông văn bản điện tử; 10 đơn vị thuộc Bộ TT&TT và Lào Cai đã phát sinh gửi, nhận văn bản điện tử cấp 4 chính quyền trên Trục liên thông văn bản quốc gia.

.

Hiện nay, Ban Cơ yếu đã cung cấp trên 220.000 chứng thư số cho 95 đầu mối (bao gồm Văn phòng Trung ương Đảng, 31 Bộ, cơ quan ngang Bộ và 63 địa phương) và 351 chứng thư số cho lãnh đạo cấp Bộ, cấp tỉnh; về triển khai tích họp chữ ký số: 84/95 (88%) Bộ, ngành, địa phương đã tích họp chữ ký số chuyên dùng Chính phủ vào hệ thống quản lý văn bản và điều hành, 11/95 (12%) đơn vị chưa tích hợp.

.

Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, tại Hội nghị các đại biểu cũng chỉ ra những hạn chế như: Các Bộ, ngành, địa phương gặp khó khăn, vướng mắc trong quá trình xây dựng hồ sơ lưu trữ văn bản điện tử; một số đơn vị vẫn phải xử lý song song văn bản điện tử và văn bản giấy dẫn đến phát sinh khối lượng lớn công việc; nhiều đơn vị chưa bố trí được kinh phí cho việc nâng cấp hệ thống; một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa nhận thức rõ về hiệu quả trong việc sử dụng văn bản điện tử có ký số, chưa có ý thức thay đổi thói quen sử dụng văn bản điện tử thay cho văn bản giấy; lãnh đạo một số cơ quan, đơn vị chưa thực sự quan tâm việc ứng dụng chữ ký số trên văn bản điện tử…

 

 Ảnh: Nhật Thy

Thay đổi là tất yếu

.

Khẳng định vấn đề số hóa dữ liệu thay vì lưu trữ hồ sơ bằng giấy là tất yếu trong cách mạng 4.0, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP cho rằng, nếu các cơ quan hành chính làm không tốt thì không thể đảm bảo các dịch vụ công cho doanh nghiệp và người dân được.

.

“Hiện tại chúng ta đã đi đúng hướng, mặc dù trong thời gian ngắn nhưng đã xây dựng được thể chế, đã thay đổi tư duy cách tiếp cận, cải cách theo hướng minh bạch, công khai, phục vụ người dân doanh nghiệp. Chúng ta có nền tảng hạ tầng viễn thông; đặc biệt có ứng dụng công nghệ thông tin để hướng tới chính phủ phi giấy tờ, một văn phòng, một địa phương phi giấy tờ”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Mai Tiến Dũng cho biết.

.

Bên cạnh việc đánh giá cao sự nỗ lực của các Bộ, ngành, địa phương, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cũng biểu dương các cán bộ làm công tác văn thư lưu trữ, những người trực tiếp thực hiện cuộc cách mạng này.

.

Theo ước tính của VPCP, chỉ tính riêng việc gửi nhận văn bản điện tử theo 2 cấp hành chính giữa các Bộ, ngành, địa phương đã giúp cắt giảm trên 1.200 tỷ đồng mỗi năm từ việc giảm chi phí sao chụp văn bản và gửi văn bản qua dịch vụ bưu chính. Đây là tiền đề để chúng ta tiếp tục đi sâu thực hiện Chính phủ điện tử.

.

Tuy nhiên còn nhiều vấn đề cần bổ sung, hoàn thiện như vấn đề thể chế, pháp lý; đảm bảo về giá trị pháp lý cho các văn bản điện tử, cải thiện việc lưu trữ điện tử và đặc biệt là phải thay đổi thói quen, phương thức xử lý văn bản trên môi trường mạng của cán bộ, công chức.

.

Sau Hội nghị này, VPCP sẽ trình Thủ tướng để ban hành văn bản gửi các địa phương về việc tiếp tục gửi nhận văn bản 4 cấp ký số không có giấy tờ kèm theo.

.

Hiện Bộ Thông tin và Truyền thông đang hoàn thành, sắp ban hành khung kiến trúc Chính phủ điện tử, Bộ trưởng Chủ nhiệm VPCP đề nghị các bên liên quan thiết kế phần mềm đáp ứng tiêu chuẩn khung kiến trúc mới một cách đồng bộ không để dữ liệu không làm giàu được, không kết nối được, không khai thác được.…

.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP cũng ghi nhận, tiếp thu ý kiến của các địa phương sẽ sớm cùng các đơn vị chức năng, nhà mạng, chuyên gia nghiên cứu hoàn thiện theo hướng quản trị thông minh, hiện đại hóa nền hành chính nhà nước.

.

Đề cập đến vấn đề đào tạo cán bộ lưu trữ cũng như cán bộ công nghệ thông tin, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP cho rằng là một vấn đề cần được quan tâm.

.

“Chúng ta nhìn rộng nhìn bao hàm nhìn lớn nhưng hành động phải nhanh bắt nguồn từ cái nhỏ nhất, không chờ đợi, vừa làm vừa đúc kết hoàn thiện”, người đứng đầu VPCP nói.

.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP hy vọng các địa phương tiếp tục phát huy vai trờ người đứng đầu, các cơ quan chức năng thuộc phạm vi của mình hỗ trợ xử lý các vấn đề của địa phương đề xuất, giúp địa phương để cùng hoàn thiện…

.

Nhật Thy

Top