Hà Nội

Những kinh nghiệm đóng góp vào kết quả CCHC và xây dựng Chính phủ điện tử

(Chinhphu.vn) - Từ năm 2018 đến nay, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, công tác cải cách hành chính (CCHC) và xây dựng Chính phủ điện tử đã có những kết quả nổi bật. Nhiều kinh nghiệm trong quá trình triển khai đã góp phần đổi mới phương thức làm việc dựa trên giấy tờ sang môi trường điện tử, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp.

18/08/2020 17:39

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu thực hiện nghi thức khai trương Cổng Dịch vụ công Quốc gia ngày 9/12/2019

Góp phần đổi mới lề lối làm việc trong các cơ quan nhà nước

.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng đã nhiều lần nhấn mạnh, kết quả này có sự nỗ lực, quyết tâm rất lớn của các Bộ, ngành, địa phương trong triển khai chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

.

Tại Văn phòng Chính phủ, là sự quyết tâm, chỉ đạo sát sao trực tiếp của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ. Nhờ đó, công tác cải cách Thủ tục hành chính (TTHC), cải thiện môi trường kinh doanh và xây dựng Chính phủ điện tử do Văn phòng Chính phủ chủ trì triển khai đã đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần hướng tới mục tiêu xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động, phục vụ nhân dân.

.

Đóng góp vào kết quả thực hiện nhiệm vụ về CCHC và xây dựng Chính phủ điện tử của VPCP có vai trò không nhỏ của Cục Kiểm soát TTHC.

.

Theo ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC, các phong trào thi đua của đơn vị đã góp phần khơi dậy lòng tự hào, năng lực và nhiệt tình của đội ngũ cán bộ, trở thành động lực cho việc phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao. Kết quả thực hiện các phong trào thi đua luôn phản ánh qua thực tiễn và kết quả hoạt động của Cục trên các lĩnh vực tham mưu, tổng hợp, xây dựng thể chế, đề xuất sáng kiến cải cách thủ tục hành chính; xây dựng Chính phủ điện tử…

.

Cục Kiểm soát TTHC đã chủ trì tham mưu và cùng các Vụ liên quan của VPCP xây dựng các đề án, văn bản phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về CCHC, cải cách TTHC, kiểm soát TTHC, thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính, điển hình như: Nghị quyết số 68/NQ-CP ban hành Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2525; Chỉ thị số 13/CT-TTg về việc tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan hành chính các cấp trong công tác cải cách thủ tục hành chính…

.

Tính từ đầu nhiệm kỳ Chính phủ khóa XIV đến nay, đã cắt giảm, đơn giản hóa gần 1.000 TTHC, 3.893/6.191 điều kiện kinh doanh, 6.776/9.926 danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành, 30/120 TTHC liên quan đến kiểm tra chuyên ngành; tổng chi phí xã hội tiết kiệm được khoảng hơn 18 triệu ngày công/năm, tương đương hơn 6.300 tỷ đồng/năm. Các bộ, ngành đã có phương án xử lý 1.501 mặt hàng có chồng chéo về thẩm quyền.

.

Nhờ sự chủ động không chỉ của Cục Kiểm soát TTHC mà còn của tất cả các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, VPCP đã phát huy vai trò tham mưu, giúp việc cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thúc đẩy các chính sách liên quan đến hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tiếp cận thông tin TTHC, giám sát việc thực hiện và xử lý phản ánh, kiến nghị; rà soát, đơn giản hóa TTHC, cắt giảm các quy định điều kiện kinh doanh đang là rào cản, không cần thiết, bất hợp lý.

.

VPCP đã phát huy tính tiên phong, xây dựng và đưa vào vận hành một số Hệ thống thông tin nền tảng của Chính phủ điện tử, giúp đổi mới lề lối làm việc trong các cơ quan nhà nước cũng như cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp như: Trục liên thông văn bản quốc gia; Hệ thống thông tin họp và xử lý công việc của Chính phủ (e-Cabinet); Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ; Cổng Dịch vụ công quốc gia và ngày 19/8/2020 tới đây sẽ ra mắt Hệ thống thông tin báo cáo Quốc gia, Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, là hạ tầng số thông minh phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ dựa trên dữ liệu số phù hợp theo lộ trình chuyển đổi số quốc gia.

.

Trục liên thông văn bản quốc gia, Hệ thống e-Cabinet, Cổng Dịch vụ công quốc gia đều được bình chọn nằm trong 10 sự kiện nổi bật về công nghệ thông tin và truyền thông, về khoa học và công nghệ do các câu lạc bộ Nhà báo công bố năm 2019.

.

Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC Ngô Hải Phan báo cáo về tiến độ khai trương Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Ảnh: Gia Huy

7 kinh nghiệm đóng góp vào quá trình phát triển Chính phủ điện tử

.

Ông Ngô Hải Phan cho biết, quá trình triển khai và những kết quả tích cực đạt được trong công tác cải cách TTHC, xây dựng Chính phủ điện tử đã góp phần vào những thành tựu chung của Văn phòng Chính phủ. Kết quả này có thể đúc rút một số kinh nghiệm cụ thể sau một thời gian triển khai.

.

Thứ nhất là sự quyết tâm chính trị, thống nhất quan điểm chỉ đạo và bám sát mục tiêu đề ra. Công tác cải cách TTHC và triển khai xây dựng Chính phủ điện tử đều là những nhiệm vụ lớn, có nhiều khó khăn trong quá trình triển khai, không chỉ ở Việt Nam mà ở cả các quốc gia trên thê giới. Ngay từ khi nhận nhiệm vụ này, VPCP đã tổ chức các đoàn đi học tập kinh nghiệm của các quốc gia có thành tựu về cả cải cách hành chính và xây dựng CPĐT như Estonia, Pháp, Malaysia, Hàn Quốc, Mỹ… và phối hợp với Ngân hàng Thế giới để đánh giá mức độ sẵn sàng dữ liệu mở và Chính phủ số tại Việt Nam. Qua các chuyến đi, Văn phòng Chính phủ đã rút ra một số bài học kinh nghiệm có tính chất quyết định để bảo đảm sự thành công của các công tác này.

.

Điểm nổi bật trong các bài học này là thống nhất quan điểm chỉ đạo từ người đứng đầu. Nhận thức sâu sắc được vai trò đó, Văn phòng Chính phủ đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ thành lập Ủy ban Quốc gia về CPĐT do Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch Uỷ ban trực tiếp chỉ đạo triển khai xây dựng CPĐT. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu từng thành viên Chính phủ, người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương đều phải vào cuộc, có sự thay đổi trong nhận thức và hành động, thống nhất quan điểm “hành động nhanh, kết quả lớn, làm đâu chắc đấy”, phải “nghĩ lớn, nghĩ tổng thể, bắt đầu từ những việc nhỏ nhất nhưng có hiệu quả lớn”.

.

Thứ hai là thể chế cần đi trước để tạo hành lang pháp lý đầy đủ, toàn diện cho việc triển khai cải cách TTHC và Chính phủ điện tử. Việc xây dựng, hoàn thiện thể chế phải đi trước làm cơ sở tạo hành lang pháp lý đầy đủ, toàn diện cho quá trình triển khai. Thực tế, thời gian vừa qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản pháp lý quan trọng, thống nhất, hiệu quả cho quá trình triển khai để cải tiến, đưa ra lề lối, phương thức làm việc mới thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin.

.

Thứ ba là gắn kết cải cách hành chính với xây dựng CPĐT, cải cách dẫn dắt, ứng dụng công nghệ thông tin là công cụ. Qua kinh nghiệm của các nước, để hiện đại hóa hành chính đạt được hiệu quả như mong muốn thì trước hết cần phải tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ, trong đó chú trọng tối ưu hóa việc ứng dụng công nghệ thông tin đối với từng bước. Kinh nghiệm này đã được ứng dụng trong quá trình xây dựng Cổng dịch vụ công quốc gia, Hệ thống e-Cabinet và đã nhận được kết quả tích cực. Các dịch vụ công được đưa lên Cổng dịch vụ công quốc gia phải đáp ứng yêu cầu về tài cấu trúc quy trình, thuận tiện cho người dân, doanh nghiệp.

.

Theo ông Ngô Hải Phan, kinh nghiệm thứ tư là lấy người dùng làm trung tâm. Đây là quan điểm xuyên suốt trong tất cả các nhiệm vụ từ thể chế đến hiện đại hóa hành chính. Việc lấy người dùng làm trung tâm sẽ nâng cao chất lượng phục vụ, tạo sự đồng thuận cao trong quá trình triển khai. Cụ thể như Nghị định 61/2018/NĐ-CP với quan điểm cá nhân, tổ chức làm trung tâm quy định việc triển khai cơ chế một cửa phải công khai minh bạch, cải thiện hạ tầng, nâng cao trách nhiệm, tăng cường giám sát, đánh giá chất lượng và tiếp nhận phản hồi trong quá trình giải quyết TTHC. Cổng dịch vụ công quốc gia khi xây dựng cũng luôn đề cao tính thân thiện, tiện dụng với người dùng và lựa chọn các dịch vụ công thiết yếu, phù hợp để ưu tiên tích hợp trước.

.

Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC Ngô Hải Phan báo cáo về tiến độ khai trương Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

Thứ năm là sự vào cuộc tích cực của bộ, ngành, địa phương và huy động sự tham gia của cả xã hội, vận dụng có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế. Cải cách TTHC, xây dựng CPĐT là nhiệm vụ lớn, cần sự vào cuộc của cả xã hội, không chỉ từ phía cơ quan nhà nước. Uỷ ban Quốc gia về CPĐT, Hội đồng tư vấn cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ đều có các thành viên của khu vực tư nhân. Các chính sách khi xây dựng đều lấy ý kiến người dân, doanh nghiệp.

.

Trong quá trình triển khai, bên cạnh thúc đẩy sự vào cuộc tích cực của các bộ, ngành, địa phương, VPCP thường xuyên tham vấn các chuyên gia, huy động sự tham gia của các tổ chức trong nước và quốc tế, vận dụng có chọn lọc kinh nghiệm triển khai thực tiễn của một số quốc gia đã thành công. Các hệ thống này mới đưa vào hoạt động trong thời gian ngắn nhưng đã phát huy hiệu quả và nhận được sự ủng hộ, đánh giá tích cực.

.

Thứ sáu là có phương pháp, cách làm khoa học. Các hệ thống thông tin Chính phủ do VPCP triển khai đều phải xây dựng Đề án để xác định rõ mục tiêu, phạm vi, chức năng, trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, sau đó mới triển khai. Các hệ thống lớn như Cổng dịch vụ công quốc gia trước khi vận hành chính thức đều phải qua 4 quá trình (chạy thử trên môi trường thử nghiệm, chạy thật trên môi trường thử nghiệm, chạy thử trên môi trường thật và chạy thật trên môi trường thật), đồng thời gắn chặt chẽ với việc bảo đảm an toàn, an ninh hệ thống.

.

Thứ bảy là chú trọng công tác truyền thông và đào tạo, nâng cao nhận thức của toàn xã hội. Trong công tác truyền thông, đào tạo, nâng cao nhận thức cần đặc biệt chú ý đến cả hai nhóm đối tượng: nội bộ và bên ngoài, trong đó phải có nội dung, chương trình, phương pháp phù hợp đối với từng nhóm. Việc truyền thông cho đối tượng là người dân, doanh nghiệp thực hiện sẽ tạo sự ủng hộ, khuyến khích việc tham gia thực hiện, góp ý, phản biện để cải thiện chất lượng dịch vụ; còn truyền thông, đào tạo cho cán bộ, công chức sẽ giúp nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tạo sự ủng hộ, tham gia quản lý, vận hành đảm bảo thông suốt, hiệu quả.

.

Gia Huy

Top