Hà Nội

Nhiệm vụ quá hạn giảm 23,4% so với năm 2016

(Chinhphu.vn) - Thời điểm đầu nhiệm kỳ Chính phủ XIV (đầu năm 2016), khi Tổ công tác của Thủ tướng chưa thành lập, nhiệm vụ quá hạn chiếm tới 25,2%. Tuy nhiên đến nay, số nhiệm vụ quá hạn chỉ còn 1,8%, như vậy giảm 23,4% so với năm 2016.

28/12/2020 15:27

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng trao đổi với các doanh nghiệp làm thủ tục kiểm tra chuyên ngành tại khu vực cảng Hải Phòng. Ảnh: VGP 

Khắc phục, chấn chỉnh kịp thời tồn tại, bất cập của nhiều cơ quan

.

Báo cáo tại Hội nghị Chính phủ với địa phương chiều nay (28/12) về hoạt động của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác cho biết từ khi thành lập đến nay, Tổ công tác đã thực hiện 103 buổi làm việc để đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ giao, nắm bắt những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách và những rào cản hành chính mà doanh nghiệp đang gặp phải để tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ biện pháp tháo gỡ.

.

Qua các cuộc kiểm tra, tinh thần, quan điểm, ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ được quán triệt, đôn đốc thực hiện; đưa các giải pháp, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành những kết quả cụ thể, đi vào cuộc sống.

.

Hoạt động của Tổ công tác của Thủ tướng đã có tác động lan tỏa mạnh mẽ, tạo áp lực, thúc đẩy các bộ, cơ quan, địa phương quyết liệt, quyết tâm trong việc thực hiện nhiệm vụ giao. Học tập sáng kiến của Thủ tướng Chính phủ và kinh nghiệm hoạt động của Tổ công tác, hầu hết các bộ, cơ quan địa phương đều thành lập Tổ công tác. Nhiều vấn đề tồn tại, bất cập, chậm được xử lý, giải quyết có liên quan đến công tác chỉ đạo, điều hành của các bộ, cơ quan, địa phương được khắc phục, chấn chỉnh kịp thời.

.

Nhiệm vụ Chính phủ giao thực hiện ngày càng thực chất

.

"Kết quả thực hiện nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao chuyển biến rõ nét, ngày càng thực chất", Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết.

.

Thời điểm đầu nhiệm kỳ (đầu năm 2016) - khi Tổ công tác chưa thành lập, nhiệm vụ quá hạn chiếm tới 25,2%. Đến nay, số nhiệm vụ quá hạn chỉ còn 1,8%, như vậy giảm 23,4% so với năm 2016.

.

Đặc biệt, các nhiệm vụ giao tại các Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ được thực hiện nghiêm túc, cơ bản đúng tiến độ, trong năm 2020 có 473/479 nhiệm vụ giao đã hoàn thành;

.

Các đề án trình Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư được trình bảo đảm đúng tiến độ, không chậm nợ. Trong năm, đã trình 43/43 đề án - đạt 100%.

.

Trong năm 2020, có tổng số 543 đề án trong Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; đến nay còn 51 đề án chưa trình, trong đó chỉ có 15 đề án nợ đọng chiếm 2,8% - giảm 5,2% so với năm 2019 (8%); cả giai đoạn 2016-2020 có 2.462 đề án giao;

.

"Như vậy đến nay, tỷ lệ nợ đọng là 0,6%, giảm 16,5% so với thời điểm đầu nhiệm kỳ - năm 2016", Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP cho biết.

.

Công tác hoàn thiện thể chế tiếp tục được cải cách, đổi mới mạnh mẽ về tư duy, phương pháp xây dựng văn bản quy định chi tiết theo hướng tích hợp, cắt giảm tối đa số lượng đầu văn bản quy định chi tiết theo đúng chỉ đạo của Chính phủ để đơn giản hóa hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tránh phát sinh thêm thủ tục hành chính, giảm chồng chéo, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong quá trình tra cứu và thực thi.

.

Từ 49 văn bản quy định chi tiết Luật có hiệu lực từ 01/01/2021 theo phân công, đến nay, các bộ đã có phương án tích hợp còn 28 văn bản - giảm 21 văn bản so với phân công. Trong đó, Bộ LĐTB&XH đã chủ động, tích cực tích hợp từ 14 Nghị định còn 4; Bộ KH&ĐT đã tích hợp từ 12 Nghị định còn 5. Đến nay, đã ban hành 03/28 văn bản; đã trình 23/28 văn bản; còn 02/28 văn bản chưa trình.

.

Số văn bản quy định chi tiết nợ đọng, chậm ban hành giảm thấp nhất từ trước đến nay. Trong đó, năm 2017 là năm đầu tiên không nợ văn bản quy chi tiết thuộc thẩm quyền Chính phủ. Đến thời điểm hiện nay chỉ còn nợ 6 văn bản, giảm mạnh so với số lượng văn bản nợ đọng cuối nhiệm kỳ Chính phủ khóa XII (58 văn bản) và nhiệm kỳ khóa XIII (39 văn bản).

.

Đối với xử lý kiến nghị của người dân, doanh nghiệp, tại Hội nghị Chính phủ với địa phương tháng 6/2020, Chính phủ nhận được 336 kiến nghị. Theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, các Bộ đã xử lý, trả lời 336/336 kiến nghị (đạt 100%).

.

Kênh tiếp nhận, trả lời phản ánh, kiến nghị của người dân tiếp tục phát huy hiệu quả. Từ ngày 09/12/2019, Hệ thống tiếp nhận, xử lý, trả lời phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp được tích hợp vào Cổng Dịch vụ công quốc gia. Đến nay, Hệ thống này đã tiếp nhận 4.713 kiến nghị (trong tổng số hơn 9,6 nghìn phản ánh, kiến nghị trên Cổng Dịch vụ công quốc gia), trong đó có 1.914 kiến nghị thuộc phạm vi xem xét, xử lý; đã chuyển xử lý 1.327 kiến nghị, đến nay có 1.119 kiến nghị đã được xử lý; còn 208 kiến nghị đang được bổ sung hồ sơ.

.

Về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh, trên cơ sở các kiến nghị của Tổ công tác, giai đoạn 2016 - 2020, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã giao các bộ, cơ quan, địa phương triển khai thực hiện hơn 300 nhiệm vụ, trong đó, Chính phủ yêu cầu rà soát, xây dựng, sửa đổi, bổ sung 56 văn bản, gồm 04 Luật, 30 Nghị định, 02 Quyết định, 13 Thông tư; 05 Nghị quyết; 02 Đề án. Đến nay, 55/56 văn bản đã được ban hành, có hiệu lực.

.

Tại hội nghị, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục giao Tổ công tác tập trung đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, đặc biệt là chuyên đề về công tác hoàn thiện thể chế; tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh; tình hình xây dựng Chính phủ điện tử, cải cách thủ tục hành chính; việc thực hiện Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; việc thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP, số 02/NQ-CP, số 68/NĐ-CP và các Nghị quyết chuyên đề quan trọng, có phạm vi tác động lớn, liên quan đến chủ trương cải cách và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, an sinh xã hội, đời sống người dân.

.

Gia Huy

Top