Hà Nội

Ngày xuân nói chuyện cải cách

Cải cách để phục vụ người dân, doanh nghiệp một cách tốt nhất. Xây dựng thể chế để kiến tạo phát triển, chứ không phải đặt ra những quy định mang tính 'xin cho'.

14/02/2021 15:10

Đầu xuân năm mới, phóng viên Báo điện tử Chính phủ đã có cuộc trò chuyện với ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ) về nội dung này.

 

 Ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ) tại lễ khai trương Trụ sở làm việc mới của Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Quảng Ngãi, ngày 4/1/20219

Theo ông Ngô Hải Phan, Việt Nam đã trải qua 3 làn sóng cải cách tạo ra dư địa cho tăng trưởng. Làn sóng thứ nhất là trong giai đoạn 2007-2011, chúng ta thực hiện thành công Đề án đơn giản hóa TTHC trên các lĩnh vực quản lý nhà nước (Đề án 30), đã công khai 6.000 thủ tục hành chính (TTHC), ban hành 25 Nghị quyết để cắt giảm, đơn giản hóa 4.818/5.421 TTHC (cắt giảm 37,31% chi phí tuân thủ TTHC tương ứng với khoảng gần 30.000 tỷ đồng mỗi năm).

.

Ông Ngô Hải Phan nhớ lại, ban đầu khi giao cho các bộ, địa phương thì cũng có nơi, có chỗ thống kê số lượng thủ tục hành chính chỉ “đếm trên đầu ngón tay”, nhưng thực tế có địa phương hơn 5.000 thủ tục hành chính, xuống đến cấp xã là khoảng 10.000 thủ tục.

.

“Giai đoạn cao điểm nhất chúng tôi phải huy động mỗi bộ biệt phái 5 cán bộ cùng các luật sư, chuyên gia đến từ Hội đồng Tư vấn, tổng khoảng 300 người, làm việc liên tục trong 6 tháng tại Trung tâm Hội nghị quốc gia để đưa ra 25 Nghị quyết cắt giảm các quy định liên quan đến thủ tục hành chính ở cả 4 cấp chính quyền trên phạm vi toàn quốc”, ông Ngô Hải Phan chia sẻ.

.

Ngay từ làn sóng cải cách thứ nhất, chúng ta thu được những thành tựu hết sức quan trọng. Cuối năm 2010, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã đánh giá đây là một trong các hình mẫu để các quốc gia có thu nhập trung bình học hỏi triển khai thực hiện. Những kết quả này cũng tạo tiền đề để thực hiện bước thứ 2 là tin học hóa và sau đấy là thực hiện một cửa, giải quyết hồ sơ trên mạng tại một số bộ, ngành…

.

Làn sóng thứ hai là từ năm 2016 đến 2020, với việc thực hiện Nghị quyết 19 và Nghị quyết 02 hằng năm, Nghị định 61/2018/NĐ-CP về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính. Qua đó đã cắt giảm, đơn giản hóa được hơn 50% điều kiện kinh doanh (3.893/6.191 ĐKKD), cải cách quy định kiểm tra chuyên ngành liên quan đến 6.776/9.926 dòng hàng, tiết kiệm tới 6.300 tỷ đồng /năm, mở rộng mô hình cung cấp dịch vụ công một cửa và tích hợp trên 2.700 dịch vụ công/6.800 TTHC lên Cổng dịch vụ công quốc gia, tiết kiệm hơn 8.100 tỷ đồng/năm.

.

Kết quả cải cách đó đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao vị thế của Việt Nam trong các xếp hạng thế giới, như: Xếp hạng môi trường kinh doanh toàn cầu giai đoạn 2016-2020 của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam tăng 20 bậc, xếp thứ 70/190 quốc gia, nền kinh tế và xếp thứ 5 trong ASEAN; xếp hạng Năng lực cạnh tranh toàn cầu GCI 4.0 do Diễn đàn Kinh tế Thế giới thực hiện, năng lực cạnh tranh của Việt Nam tăng 10 bậc giai đoạn 2018-2019, từ 77 lên 67/141 quốc gia và xếp thứ 7 trong ASEAN; Tạp chí US News &World xếp Việt Nam đứng thứ 8/80 và thuộc trong số 10 quốc gia top đầu có nền kinh tế tốt nhất để đầu tư.

.

Tuy nhiên, theo ông Ngô Hải Phan, các nước trên thế giới và trong khu vực ASEAN đang có cuộc đua “phi nước đại” về cải cách, kể cả cải cách quy định lẫn cải cách việc thực hiện thông qua ứng dụng những thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, sử dụng công cụ số để xây dựng quy định phù hợp với thực tiễn. Nếu chúng ta hài lòng với những cái đã có thì sẽ bị tụt hậu ngay.

.

Chính vì thế, tháng 5/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP về Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025, được coi là mở ra một làn sóng cải cách thứ 3, có phạm vi bao phủ rộng nhất từ trước đến nay, thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ nhằm thúc đẩy cải cách quy định và tổ chức thực hiện các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh với quan điểm lấy doanh nghiệp, người dân làm trung tâm, tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

.

Chương trình cải cách không chỉ dừng lại ở nhiệm vụ thống kê, rà soát, đánh giá, tính chi phí tuân thủ, đề xuất phương án cắt giảm, đơn giản hóa đối với tất cả các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh trong các văn bản đang có hiệu lực thi hành mà cải cách toàn diện cả các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh trong dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của các bộ, cơ quan được giao xây dựng, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành (bao gồm: quy định TTHC; về yêu cầu, điều kiện liên quan đến hoạt động kinh doanh; về chế độ báo cáo; về tiêu chuẩn, quy chuẩn và về kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu).

.

Bên cạnh đó, không chỉ cải cách ở khâu xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật có quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh mà tập trung cải cách cả khâu tổ chức thực hiện các quy định này trên thực tế thông qua đẩy mạnh thực hiện TTHC trên môi trường điện tử và triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC theo hướng nâng cao chất lượng phục vụ, không theo địa giới hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, giảm thời gian, chi phí xã hội và tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, người dân.

.

Thực hiện Chương trình này, các bộ ngành, địa phương ngoài việc tập trung vào cải cách các quy định theo hướng quy định đơn giản, thuận lợi và minh bạch hơn, cũng cần tập trung vào cải thiện và đổi mới mạnh mẽ khâu tổ chức thực hiện các quy định, đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến mức độ 3-4 để nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, tăng cường tính công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong các hoạt động của các cơ quan hành chính, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người dân, doanh nghiệp.

.

Thước đo hiệu quả nhất là mức độ hài lòng của người dân

.

Chia sẻ quan điểm của mình, ông Ngô Hải Phan cho rằng, cải cách phải để phục vụ phát triển, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, do đó khi đưa ra quy định, đừng nghĩ tới việc phải tạo thuận lợi cho cơ quan hành chính. Xây dựng thể chế để kiến tạo phát triển, không phải đặt ra những quy định mang tính “xin cho”.

.

Hiểu đơn giản là nếu lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm thì họ chỉ cần đến một địa chỉ, thậm chí ngồi nhà có thể làm được nhiều thủ tục. Khi hệ thống một cửa điện tử và Cổng dịch vụ công của địa phương kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia thành một hệ thống hoàn chỉnh, chia sẻ thì có thể giải quyết được vấn đề đó.

.

“Từng địa phương, mỗi xã phường lại có bộ phận một cửa, người dân đến nộp và lấy hồ sơ tại đấy mà không có liên thông với xã phường khác; ở cấp huyện thì huyện nào làm huyện ấy, cấp tỉnh thì sở nào làm sở nấy, nhiều địa phương chưa có trung tâm hành chính công, người dân phải đi lại nhiều nơi để giải quyết”, ông Ngô Hải Phan nói và nhận định “điểm nghẽn” mang tính cốt yếu nhất hiện nay chính là tại điểm một cửa.

.

Qua khảo sát của Văn phòng Chính phủ(VPCP) cũng như báo cáo của các địa phương, các bộ, ngành, tại điểm một cửa các cấp, 93,7% hồ sơ vẫn là hồ sơ giấy, chỉ có 6,3% là hồ sơ điện tử.

.

Do đó Nghị quyết 68 tập trung cải cách việc thực hiện thông qua việc triển khai có hiệu quả việc thực hiện TTHC qua cơ chế 1 cửa, 1 cửa liên thông, không địa giới hành chính; thực hiện TTHC trên môi trường điện tử (Cổng dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin 1 cửa điện tử cấp bộ, tỉnh…).

.

Hiện nay VPCP cũng đang phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để xây dựng Đề án đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa theo hướng nâng cao chất lượng phục vụ, không theo địa giới hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tạo thuận lợi tối đa, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp và người dân.

.

Dẫu vậy, cũng phải nhìn nhận vấn đề cải cách con người trước, câu chuyện trách nhiệm không chỉ hô hào trên giấy. Nhiều chuyên gia cho rằng, yếu tố quan trọng và đầu tiên để thành công trong cải cách hành chính, là công tác cán bộ. Những tuyên bố, kế hoạch cải cách hành chính, cần bắt đầu từ chính những cán bộ, công chức gần với người dân hơn cả.

.

“Còn đối với những người làm cải cách thủ tục hành chính, đó phải là cái nhìn tường minh để nhận diện rõ những rườm rà, rào cản, cài cắm trong các quy định, thủ tục, để làm sao cải cách phải thực chất, không đối phó, làm bằng trái tim, tình cảm, trách nhiệm thì lúc đó môi trường kinh doanh mới thay đổi, còn làm để lấy thành tích là chúng ta thất bại”, ông Ngô Hải Phan bày tỏ.

.

Bên cạnh đó, cần đưa ngay công nghệ thông tin vào quản lý, đề cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, nhất là người đứng đầu. Và quan trọng hơn là hỏi trực tiếp người dân, doanh nghiệp để biết rõ kết quả của việc cải cách. Bởi suy cho cùng, thước đo hiệu quả cải cách hành chính là mức độ hài lòng của người dân.

.

Hoàng Giang

Top