Hà Nội

Một số văn bản chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong tháng 11/2019 và chính sách mới của Chính phủ có hiệu lực từ tháng 12/2019

03/12/2019 08:27

I. MỘT SỐ VĂN BẢN CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH CỦA CHÍNH PHỦ, THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ TRONG THÁNG 11/2019

- Tăng cường chấp hành pháp luật tố tụng hành chính

Ngày 15/11/2019, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 26/CT-TTg yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khắc phục ngay những tồn tại, hạn chế trong việc chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính ở bộ, ngành, địa phương thuộc phạm vi quản lý; thi hành, chỉ đạo thi hành nghiêm túc và dứt điểm các bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính đã có hiệu lực pháp luật; khắc phục ngay tình trạng tồn đọng các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật nhưng không được thi hành.

- Thúc đẩy tăng trưởng, phát triển bền vững Vùng miền Trung

Ngày 19/11/2019, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 27/CT-TTg yêu cầu các Bộ ngành, địa phương liên quan thực hiện 3 giải pháp trọng tâm để giúp Vùng miền Trung cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh phát triển, tập trung vào các ngành có lợi thế của vùng như cảng biển, sân bay, khu kinh tế, khu du lịch, đô thị ven biển, cảng cá, nuôi trồng thủy sản, các trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá, du lịch gắn với biển, du lịch lịch sử, văn hóa, các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, di sản thiên nhiên,…

- Thủ tướng Chính phủ chỉ thị tăng cường công tác tiêm chủng

Ngày 29/11/2019, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 28/CT-TTg về việc tăng cường công tác tiêm chủng, trong đó yêu cầu Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các Bộ ngành liên quan bảo đảm đủ nguồn vắc xin cung ứng cho công tác tiêm chủng, đáp ứng nhu cầu phòng bệnh chủ động của người dân.

Đồng thời, tăng cường công tác tập huấn, hướng dẫn tiêm chủng an toàn, giám sát và xử trí kịp thời các trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng, nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ tham gia công tác tiêm chủng. Đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý công tác tiêm chủng trên cả nước, đặc biệt chú trọng đến việc áp dụng tại tuyến cơ sở. Tăng cường xã hội hóa công tác tiêm chủng nhằm huy động các nguồn lực để phát triển hệ thống tiêm chủng, tăng thêm các hình thức dịch vụ tiêm chủng, sử dụng thêm nhiều loại vắc xin mới, vắc xin phối hợp.

- Phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt

Ngày 11/11/2019, Chính phủ ban hành Nghị  định 81/2019/NĐ-CP về phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt; trong đó quy định về nguyên tắc, chính sách, biện pháp, lực lượng, phương tiện phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.

- Quy định mức vốn pháp định của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài

Ngày 14/11/2019, Chính phủ ban hành Nghị định số 86/2019/NĐ-CP quy định rõ mức vốn pháp định của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Cụ thể, mức vốn pháp định đối với các loại hình ngân hàng, tổ chức tín dụng như sau: 1- Ngân hàng thương mại: 3.000 tỷ đồng; 2- Ngân hàng chính sách: 5.000 tỷ đồng; 3- Ngân hàng hợp tác xã: 3.000 tỷ đồng; 4- Chi nhánh ngân hàng nước ngoài: 15 triệu đô la Mỹ (USD); 5- Công ty tài chính: 500 tỷ đồng; 6- Công ty cho thuê tài chính: 150 tỷ đồng; 7- Tổ chức tài chính vi mô: 05 tỷ đồng; 8- Quỹ tín dụng nhân dân hoạt động trên địa bàn một xã, một thị trấn: 0,5 tỷ đồng; 9- Quỹ tín dụng nhân dân hoạt động trên địa bàn một phường; quỹ tín dụng nhân dân hoạt động trên địa bàn liên xã, liên xã phường, liên phường: 01 tỷ đồng.

- Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng

Ngày 14/11/2019, Chính phủ ban hành Nghị  định 88/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng.

Theo đó, mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng đối với tổ chức vi phạm là 2 tỷ đồng và đối với cá nhân là 1 tỷ đồng.

- Quy định tuổi của tàu bay đã qua sử dụng nhập khẩu vào Việt Nam

Ngày 15/11/2019, Chính phủ ban hành Nghị  định 89/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 của Chính phủ quy định về các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không dân dụng. Trong đó, Nghị định 89/2019/NĐ-CP bổ sung quy định tuổi của tàu bay đã qua sử dụng nhập khẩu vào Việt Nam.

- Tăng lương tối thiểu vùng từ 1/1/2020

Ngày 15/11/2019, Chính phủ ban hành Nghị  định 90/2019/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động. Theo đó, từ ngày 1/1/2020, lương tối thiểu vùng sẽ tăng thêm từ 150.000 đồng đến 240.000 đồng so với mức áp dụng năm 2019.

Cụ thể, mức lương tối thiểu vùng I tăng từ 4.180.000 đồng/tháng lên 4.420.000 đồng/tháng; Vùng II tăng từ 3.710.000 đồng/tháng lên 3.920.000 đồng/tháng; Vùng III tăng từ 3.250.000 đồng/tháng lên 3.430.000 đồng/tháng; vùng IV tăng từ 2.920.000 đồng/tháng lên 3.070.000 đồng/tháng.

- Chậm làm Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, chủ đầu tư sẽ bị phạt đến 1 tỷ đồng

Theo Nghị định 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, tổ chức thực hiện dự án kinh doanh bất động sản không nộp hồ sơ để làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận cho người mua, thuê mua nhà, công trình xây dựng, người nhận chuyển quyền sử dụng đất sẽ bị phạt đến 1 tỷ đồng.

- Tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện

Ngày 25/11/2019, Chính phủ ban hành Nghị định 93/2019/NĐ-CP về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện. Nghị định này quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý nhà nước về quỹ xã hội, quỹ từ thiện (quỹ) được thành lập và hoạt động tại Việt Nam. Theo đó, Quỹ được tổ chức và hoạt động nhằm mục đích hỗ trợ, khuyến khích phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, thể dục, thể thao, khoa học, công nghệ, cộng đồng và từ thiện, nhân đạo, không vì mục tiêu lợi nhuận.

Quỹ được tổ chức, hoạt động theo pháp luật và điều lệ đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận; vận động quyên góp, tài trợ cho quỹ; tiếp nhận tài sản do các cá nhân, tổ chức trong nước và ngoài nước tài trợ, hiến, tặng hoặc bằng các hình thức khác theo đúng mục đích của quỹ và quy định của pháp luật; tổ chức các hoạt động theo quy định của pháp luật để bảo tồn và tăng trưởng tài sản quỹ.

- Điều chỉnh Chương trình mục tiêu phát triển KTXH các vùng

Ngày 4/11/2019, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 1509/QĐ-TTg điều chỉnh Quyết định số 1256/QĐ-TTg ngày 21/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội các vùng giai đoạn 2016-2020.

Cụ thể, Quyết định số 1509/QĐ-TTg sửa đổi mục tiêu cụ thể của Chương trình đến năm 2020 là thực hiện khoảng 1.476 dự án, gồm: các dự  án đường giao thông, công trình thủy lợi (năng lực tăng thêm đạt khoảng 5.134 km đường giao thông, đáp ứng khoảng 161.589 ha tưới tiêu), 47 cầu, 11 bệnh viện cấp tỉnh, huyện, 39 trường đại học, dạy nghề, trung tâm huấn luyện cấp tỉnh, 130 dự án trung tâm hành chính của các địa phương, tập trung ở các đơn vị hành chính mới tách, lập, 22 kho lưu trữ và các dự án cơ sở hạ tầng khác phục vụ tái định cư, đơn vị hành chính cấp tỉnh, huyện mới chia tách.

Các dự án trên gồm các dự án đã hoàn thành nhưng chưa bố trí đủ vốn, thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản, thu hồi vốn ứng trước, các dự án chuyển tiếp từ giai đoạn 2015 trở về trước, các dự án khởi công mới và chuẩn bị  đầu tư.

- Tìm kiếm nguồn nước dưới đất phục vụ đồng bào dân tộc thiểu số

Ngày 8/11/2019, Thủ tướng Chính phủ  đã ban hành Quyết định 1553/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh Chương trình điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất để cung cấp nước sinh hoạt ở các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước.

Chương trình đặt mục tiêu cụ thể là tìm kiếm các nguồn nước dưới đất có trữ lượng, chất lượng phù hợp, đáp ứng yêu cầu cung cấp nước phục vụ sinh hoạt ở các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước; đề xuất được các giải pháp khoa học, công nghệ và chính sách nhằm quản lý, bảo vệ nguồn nước dưới đất, xử lý và cấp nước sạch thích ứng với điều kiện vùng núi cao, vùng khan hiếm nước; xây dựng được các công trình cấp nước phù hợp với điều kiện ở các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước, đảm bảo cung cấp nước sinh hoạt bền vững, an toàn cho nhân dân.

Chương trình thực hiện tại các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước trên địa bàn 41 tỉnh với số vùng được điều tra, đánh giá là 325 vùng.

- Tăng mức cho vay ưu đãi đối với học sinh, sinh viên

Ngày 19/11/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1656/QĐ-TTg điều điều chỉnh mức cho vay quy định tại Khoản 1 Điều 5 Quyết định 157/2007/QĐ-TTg ngày 27/9/2007 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với HSSV. Theo đó, từ ngày 1/12/2019, mức cho vay tối đa đối với học sinh, sinh viên (HSSV) là 2,5 triệu đồng/tháng/HSSV. Như vậy, so với mức cũ đã áp dụng từ 15/6/2017 thì mức cho vay tối đa đối với HSSV tăng thêm 1 triệu đồng/tháng/HSSV.

- Việt Nam đăng cai tổ chức SEA Games 31 và Para Games 11

Theo Quyết định 1616/QĐ-TTg  ngày 13/11/2019 của Thủ tướng Chính phủ, Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31) và Đại hội Thể thao người khuyết tật Đông Nam Á lần thứ 11 (Para Games 11) năm 2021 sẽ được tổ chức tại Việt Nam. Về quy mô, sẽ có 11 quốc gia ở khu vực Đông Nam Á tham dự SEA Games 31 và Para Games 11.

Thời gian diễn ra SEA Games 31 dự kiến vào cuối tháng 11, đầu tháng 12/2021; Para Games 11 dự kiến cuối tháng 12/2021.

 ---------------------------

II- MỘT SỐ CHÍNH SÁCH MỚI CỦA CHÍNH PHỦ CÓ HIỆU LỰC TỪ THÁNG 12/2019

- Phạt tới 2 tỷ đồng đối với vi phạm quy định về cạnh tranh không lành mạnh

Theo Nghị định số 75/2019/NĐ-CP ban hành ngày 26/09/2019 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực cạnh tranh có hiệu lực từ ngày 01/12/2019, mức phạt tối đa đối với hành vi vi phạm quy định về cạnh tranh không lành mạnh là 2 tỷ đồng.

- Chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức công tác ở vùng đặc biệt khó khăn 

Nghị định 76/2019/NĐ-CP ban hành ngày 08/10/2019 của Chính phủ về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có hiệu lực từ ngày 01/12/2019.

Nghị định này quy định về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang (Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và cơ yếu) công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, gồm: Phụ cấp thu hút; phụ cấp công tác lâu năm; trợ cấp lần đầu; trợ cấp tiền mua và vận chuyển nước ngọt và sạch; trợ cấp một lần khi chuyển công tác ra khỏi vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn hoặc khi nghỉ hưu; thanh toán tiền tàu xe; trợ cấp tham quan, học tập, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ; phụ cấp ưu đãi theo nghề; phụ cấp lưu động và phụ cấp dạy tiếng dân tộc thiểu số đối với nhà giáo, viên chức quản lý giáo dục.

- Chức danh quản lý thị trường có thẩm quyền ban hành quyết định kiểm tra

Có hiệu lực từ ngày 10/12/2019, Nghị  định 78/2019/NĐ-CP ban hành ngày 14/10/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 148/2016/NĐ-CP ngày 4/11/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Quản lý thị trường.

Nghị định 78/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung quy định người có thẩm quyền ban hành quyết định kiểm tra. Cụ thể, người có thẩm quyền ban hành quyết định kiểm tra gồm:

- Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường.

- Cục trưởng Cục Nghiệp vụ quản lý thị trường trực thuộc Tổng cục Quản lý thị trường.

- Cục trưởng Cục Quản lý thị trường cấp tỉnh trực thuộc Tổng cục Quản lý thị trường gồm: Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Cục trưởng Cục Quản lý thị trường liên tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

- Đội trưởng Đội Quản lý thị trường cấp huyện trực thuộc Cục Quản lý thị trường cấp tỉnh gồm: Đội trưởng Đội Quản lý thị trường huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương; Đội trưởng Đội Quản lý thị trường liên huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương; Đội trưởng Đội Quản lý thị trường chuyên ngành; Đội trưởng Đội Quản lý thị trường cơ động.

- Sửa đổi quy định ghi nợ tiền sử dụng đất

Có hiệu lực từ ngày 10/12/2019, Nghị định 79/2019/NĐ-CP ban hành ngày 26/10/2019 của Chính phủ sửa đổi Điều 16 (ghi nợ tiền sử dụng đất) Nghị định số 45/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định về thu tiền sử dụng đất.

Cụ thể, hộ gia đình, cá nhân gồm: người có công với cách mạng; hộ nghèo; hộ gia đình, cá nhân là đồng bào dân tộc thiểu số; hộ gia đình, cá nhân có hộ khẩu thường trú tại địa bàn cấp xã được công nhận là địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn, địa bàn kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn) được ghi nợ tiền sử dụng đất trong trường hợp được giao đất tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất theo quy định của pháp luật về đất đai.

- Quy định nhập khẩu, phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng

Nghị định 82/2019/NĐ-CP ngày 12/11/2019 quy định về nhập khẩu, phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng có hiệu lực từ ngày 30/12/2019.

Nghị định này quy định về đối tượng, điều kiện được phép nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ và quản lý hoạt động phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng tại Việt Nam.

- Mua bán ngoại tệ có giá trị dưới 1.000 đôla Mỹ sẽ bị phạt cảnh cáo

Nghị định 88/2019/NĐ-CP ban hành ngày 14/11/2019 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng có hiệu lực từ ngày 31/12/2019.

Trong đó, phạt cảnh cáo đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: Mua, bán ngoại tệ giữa cá nhân với nhau mà ngoại tệ mua, bán có giá trị dưới 1.000 đôla Mỹ (hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương); mua, bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ mà ngoại tệ mua, bán có giá trị dưới 1.000 đôla Mỹ (hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương); thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ bằng ngoại tệ có giá trị dưới 1.000 đôla Mỹ (hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương) không đúng quy định của pháp luật./.

Top