Hà Nội

Một năm nỗ lực ‘đặc biệt’

(Chinhphu.vn) - Đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động VPCP, năm Canh Tý 2020 là một năm rất bận rộn và cũng rất đặc biệt. Những nỗ lực bền bỉ, cần mẫn, việc làm thầm lặng hằng ngày của mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động VPCP cũng là nhân tố đóng góp cho sự phát triển của đất nước.

11/02/2021 09:50

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất cho tập thể VPCP. Ảnh: VGP/Nguyễn Hiếu

Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021 của VPCP, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá năm 2020, VPCP đã làm tốt các nhiệm vụ được giao, có mặt làm xuất sắc, tốt hơn năm 2019.

.

VPCP đã vững vàng, tin cậy, chủ động và hiệu quả trong tham mưu tổng hợp giúp việc cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giải quyết nhiều vấn đề lớn phát sinh, nhất là trong phòng, chống dịch COVID-19, phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, ứng phó sự cố và tìm kiếm, cứu nạn, giải ngân vốn đầu tư công, đấu tranh bảo vệ chủ quyền, cải cách thủ tục hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử...

.

“Chính phủ chúng ta là Chính phủ phục vụ nhân dân, hướng về nhân dân, hướng về sự phát triển chứ không chỉ quản lý đơn thuần, Chính phủ có uy tín với dân, với hệ thống chính trị thì bộ máy phục vụ, bộ máy làm việc phải tốt, phải có uy tín. VPCP đã thể hiện được điều này. Nhiều đồng chí làm ngày, làm đêm, thường tối mịt mới về để kịp thời ra văn bản báo cáo cho Thủ tướng, Phó Thủ tướng hay tổng hợp tình hình đột xuất, bất ngờ”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

.

Khó khăn nhiều, quyết tâm cao hơn

.

Ngay từ đầu năm 2020, dịch COVID-19 xuất hiện và bùng phát, kết hợp với thiên tai, bão lũ những tháng cuối năm đã gây ảnh hưởng nặng nề đến tất cả các lĩnh vực, hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân. Trong bối cảnh đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tập trung sức lực, nguồn lực để thực hiện mục tiêu “kép”, vừa phòng chống dịch bệnh vừa phấn đấu cao nhất thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2020. Chính vì thế, khối lượng công việc của VPCP cũng tăng lên nhiều.

Đối với khối kinh tế tổng hợp, số lượng văn bản phải xử lý năm 2020 tăng nhiều hơn so với năm 2019. Năm 2020, Vụ Kinh tế tổng hợp tiếp nhận 11.680 văn bản đến (tăng 7% so với năm 2019); trình 2.518 phiếu trình (tăng 3% so với năm 2019); phát hành 3.093 văn bản (tăng 6% so với năm 2019).

.

Trước bối cảnh hết sức khó khăn, phức tạp của năm 2020, Vụ Kinh tế tổng hợp đã đặt trọng tâm công tác vào việc tham mưu cho lãnh đạo VPCP để báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ kịp thời ban hành nhiều kết luận, nghị quyết, chỉ thị và chỉ đạo để thực hiện mục tiêu “kép”, nhất là việc phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, tạo ra những kết quả tích cực trong phát triển kinh tế-xã hội năm 2020, thể hiện ở việc giữ được kinh tế vĩ mô ổn định, kiểm soát lạm phát ở mức thấp…

.

Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp VPCP Trần Anh Tiến. Ảnh: Nhật Bắc

Ông Trần Anh Tiến, Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp chia sẻ: “Trong năm 2020, chúng tôi đã lập một nhóm chuyên xử lý các vấn đề về COVID-19 gồm 6 đồng chí theo dõi ở các lĩnh vực (tiền tệ, ngân sách nhà nước, thuế, thương mại, dự trữ quốc gia) để thường xuyên có sự chia sẻ, cập nhật thông tin, số liệu về hoạt động các lĩnh vực (doanh nghiệp, ngân hàng, người lao động…), tình hình thực hiện các chính sách đã ban hành, để kịp thời tham mưu cho lãnh đạo VPCP, Thủ tướng các vấn đề phát sinh”.

.

Các cán bộ, công chức tận tụy, không kể trong hay ngoài giờ, thứ bảy, chủ nhật, đêm hôm, để đáp ứng tiến độ công việc, nhất là xử lý các việc gấp như vấn đề xử lý kinh phí, xuất cấp dự trữ quốc gia cho phòng chống dịch, thiên tai, bão lũ; soạn thảo các Nghị quyết, Chỉ thị của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các báo cáo trình Trung ương, Quốc hội về phục hồi kinh tế.

Nhớ lại Chỉ thị 11/CT-TTg ngày 04/3/2020 về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch COVID-19 được ban hành ngay sau Tết nguyên đán Canh Tý, ông Trần Anh Tiến cho biết: “Một Chỉ thị có rất nhiều nội dung quan trọng nhưng ban hành rất nhanh, VPCP lại phải lấy ý kiến của tất cả các bộ, cơ quan ngang bộ, báo cáo tại phiên họp Chính phủ tháng 02/2020 và tiếp thu hoàn thiện nhưng chỉ trong vòng 1 tuần đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành”.

.

Đây có thể nói là văn bản đầu tiên và quan trọng làm cơ sở cho các bộ, ngành, địa phương khởi động việc ứng phó của nền kinh tế với đại dịch COVID-19.

.

Sau đó, suốt trong năm 2020, Vụ Kinh tế tổng hợp đã chủ trì, phối hợp xây dựng và trình ban hành kịp thời hàng loạt văn bản để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân đầu tư công và bảo đảm an sinh xã hội: 05 Nghị quyết chuyên đề của Chính phủ (Nghị quyết 42 về hỗ trợ người dân gặp khó khăn, Nghị quyết 84 về tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, giải ngân đầu tư công, bảo đảm an sinh xã hội, Nghị quyết 24 về tháo gỡ khó khăn cho Vietnam Airlines, Nghị quyết 20 và 60 về xuất khẩu khẩu trang y tế); 04 Nghị định về gia hạn và giảm thuế (Nghị định 41 về gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất, Nghị định 70 về giảm lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước; Nghị định 109 gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất lắp ráp trong nước, Nghị định 114 về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020)… Phối hợp soạn thảo trình Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành các Nghị quyết, Kết luận về giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh trong bối cảnh COVID-19.

.

Khi có hiện tượng người dân đổ xô đi mua hàng tại siêu thị ngày 07/3/2020 (khi Hà Nội xuất hiện ca dương tính đầu tiên), ngay trong ngày Vụ Kinh tế tổng hợp đã chủ động xây dựng và trình ban hành ngay văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm nguồn cung hàng hóa, nhu yếu phẩm phục vụ tiêu dùng của người dân, góp phần ổn định thị trường và tâm lý người dân.

.

Các giải pháp miễn, giảm, gia hạn thuế và các khoản thu ngân sách, cơ cấu lại nợ, miễn, giảm, hạ lãi suất cho vay; hỗ trợ người lao động, kích cầu tiêu dùng đã mang lại kết quả tích cực, được đánh giá là ban hành kịp thời, góp phần phục hồi kinh tế.

.

Theo ông Trần Anh Tiến, ngoài tinh thần đoàn kết, gắn bó và sự tận tụy, trách nhiệm với công việc, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý công việc đã giúp việc xử lý hồ sơ được nhanh hơn, thuận tiện hơn và hiệu suất làm việc cao hơn.

.

Đối với lãnh đạo Vụ, hầu như tất cả các văn bản trình đều xử lý trên Ipad (trừ văn bản mật), công chức được cài hệ thống tin học để làm việc tại nhà. Do đó có thể xử lý công việc được mọi lúc mọi nơi. Việc tra cứu văn bản, phiếu trình, theo dõi, bao quát, đôn đốc công việc rất thuận lợi cho lãnh đạo Vụ, việc gì chậm kịp thời đôn đốc nhắc nhở, bảo đảm công việc không bị gián đoạn.

.

Biến nguy thành cơ, biến khó khăn thành thuận lợi

.

Cũng trong bối cảnh COVID-19 diễn biến hết sức phức tạp, với quan điểm biến nguy thành cơ, biến khó khăn thành thuận lợi, Vụ Quan hệ quốc tế đã cùng các vụ, cục liên quan tham mưu cho Chính phủ triển khai chiến lược “ngoại giao COVID”, lấy kinh nghiệm thành công của việc kiểm soát dịch bệnh chia sẻ với các nước, hỗ trợ khẩu trang, vật tư y tế và tài chính cho hơn 50 quốc gia và tổ chức quốc tế, đồng thời cũng tranh thủ được sự hỗ trợ về tài chính và trang thiết bị y tế từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Singapore, Cuba, Đài Loan, Ngân hàng Phát triển Châu Á. Hoạt động này đã góp phần quan trọng tạo thêm uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Phó Vụ trưởng Vụ Quan hệ quốc tế Nguyễn Thành Hưng. Ảnh: Nhật Bắc

.

Ngoài ra, Vụ Quan hệ quốc tế đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo kịp thời các cơ quan đại điện của Việt Nam ở nước ngoài thực hiện tốt công tác bảo hộ, đưa công dân về nước (hơn 200 chuyến bay với gần 70.000 người về nước).

.

Đặc biệt, triển khai thực hiện Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế và nhiều Nghị quyết của Chính phủ, Ban Chấp hành Trung ương, thời gian qua Vụ Quan hệ quốc tế đã hết sức nỗ lực, thể hiện đúng vai trò tham mưu về lĩnh vực quan hệ quốc tế mà trong đó phải kể đến các việc đầu tiên là xây dựng các phương án đàm phán, tham gia quá trình đàm phán, phương án kết thúc đàm phán, ký kết và phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới...

.

“Thực hiện cụ thể các công việc này, nhiều ngày đêm trăn trở, suy nghĩ và cân nhắc kỹ lưỡng Vụ Quan hệ quốc tế đã phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Ngoại giao... tham mưu cho Chính phủ báo cáo Chủ tịch nước để trình Quốc hội phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu với tỷ lệ tán thành 100% và xây dựng kế hoạch triển khai các cam kết của Hiệp định; tham mưu cho Chính phủ ký Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Khu vực ASEAN và các đối tác (RCEP), đây là một hiệp định thương mại tự do lớn nhất toàn cầu về quy mô dân số và GDP... Có thể nói, việc Việt Nam dẫn dắt, thuyết phục các nước ký được RCEP là một thành công lớn đặt ra cho Năm Chủ tịch ASEAN 2020”, Phó Vụ trưởng Vụ Quan hệ quốc tế Nguyễn Thành Hưng chia sẻ thêm.

.

Cũng trong năm 2020, một năm mà hầu hết các hội nghị quốc tế đã phải tổ chức dưới hình thức trực tuyến thay cho trực tiếp. Đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021 Việt Nam đã tham dự nhiều hội nghị, diễn đàn quốc tế và khu vực vừa với tư cách là thành viên như WTO, ASEM, vừa với vị trí là khách mời như G20...

.

Không ngại vất vả ngày đêm hay ngày nghỉ, Vụ Quan hệ quốc tế đã đồng hành với các cơ quan liên quan khẩn trương tham mưu đúng, trúng các nội dung của các hội nghị trong các bài phát biểu của Thủ tướng Chính phủ. Năm 2020 các hoạt động đối ngoại của Việt Nam đã được báo chí trong và ngoài nước ca ngợi.

.

Phó Vụ trưởng Vụ Khoa giáo Văn xã Nguyễn Việt Hùng. Ảnh: Quang Hiếu

Năm 2020 cũng là một năm “rất đặc biệt” với Vụ Khoa giáo - Văn xã. Trong bối cảnh dịch COVID-19, Vụ đã bám sát và tham mưu triển khai nghiêm túc, kịp thời các chỉ đạo của Lãnh đạo VPCP, Thủ tướng và các Phó Thủ tướng về phòng, chống dịch. Nhiều văn bản chỉ đạo của Chính phủ về công tác chống dịch COVID-19 được ban hành khẩn trương, kịp thời, được dư luận trong và ngoài nước đánh giá cao.

.

Ngay từ mồng 3 Tết nguyên đán Canh Tý 2020 và trong các tháng cao điểm sau đó (tháng 2, 3, 4/2020), toàn Vụ Khoa giáo văn xã đã tập trung cao độ không kể ngày đêm hoàn thành chất lượng hơn 100 báo cáo về tình hình dịch COVID-19, đề xuất các giải pháp phòng, chống dịch trình Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP tham mưu cho Chính phủ xem xét, quyết định; hằng tuần chuẩn bị và phục vụ các cuộc họp của Thường trực Chính phủ và Ban Chỉ đạo Quốc gia.

.

“Vụ đã tập trung xử lý với tiến độ nhanh nhất có thể, không sai sót các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch. Nhiều văn bản có thời gian xử lý tính bằng giờ, xử lý ngay trong ngày làm việc, sáng họp chiều ban hành Thông báo, chiều họp tối ban hành Thông báo”, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa giáo Văn xã Nguyễn Việt Hùng cho biết.

.

Như Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng đã khẳng định: Trong mọi hoàn cảnh, VPCP luôn bám sát phương châm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, biến thách thức thành thời cơ, càng khó khăn càng phải quyết tâm.

.

Năm 2021 và giai đoạn 2021-2025 đặt ra các điều kiện nặng nề, đặc biệt khi tình hình dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp trong nước và ở nhiều quốc gia trên thế giới. Vì vậy, tiếp tục phát huy truyền thống và kết quả đạt được, trong năm 2021 và những năm tiếp theo, VPCP thực hiện toàn diện công tác tham mưu tổng hợp cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ở 3 mặt công tác và 15 nhóm nhiệm vụ nhằm triển khai thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 2021 và giai đoạn tiếp theo. Đồng thời, phấn đấu trở thành tấm gương mẫu mực, tận tụy, chuyên nghiệp, cải cách và đổi mới của cả hệ thống hành chính nhà nước.

.

Hoàng Giang
Top