Hà Nội

Kinh tế - xã hội tiếp tục chuyển biến tích cực

(Chinhphu.vn) – Chiều 27/5, Văn phòng Chính phủ tổ chức buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5 dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam.

27/05/2012 20:20

Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết, trong phiên họp thường kỳ tháng 5/2012, Chính phủ đã thảo luận và phân tích rất kỹ tình hình kinh tế-xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm và nêu một số nhận định quan trọng.

Điều hành phát triển kinh tế - xã hội đi đúng hướng

Chia sẻ thông tin với đông đảo báo chí về nội dung phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết, chúng ta đã đi đúng hướng, kinh tế - xã hội đã đạt được những kết quả ngày càng vững chắc, trong đó đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, an sinh xã hội, an ninh quốc phòng.

Các cơ quan tổ chức tài chính quốc tế khẳng định và đánh giá cao kết quả kiềm chế lạm phát của Việt Nam, đặc biệt là chỉ số quan trọng như chi phí vốn được các tổ chức tài chính quốc tế đánh giá có tiến bộ rất rõ ràng và cho rằng, kinh tế Việt Nam bắt đầu ổn định.

Bộ trưởng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, Chính phủ vẫn kiên định mục tiêu đã báo cáo Quốc hội, phấn đấu để hoàn thành các chỉ tiêu đã đề ra, trong đó kinh tế vĩ mô ổn định, chủ động điều hành theo lạm phát mục tiêu dưới 1 con số, duy trì tăng trưởng hợp lý, phấn đấu đạt 6%.

Bộ trưởng cho rằng, nếu bằng nỗ lực của tất cả các ngành, các cấp, nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp mặc dù nhiệm vụ này còn rất khó khăn nhưng hoàn toàn có thể phấn đấu và có niềm tin sẽ đạt được những kết quả khả quan.

Đẩy mạnh tái cơ cấu đầu tư công

Bộ trưởng Vũ Đức Đam cũng chỉ rõ, mặc dù sản xuất kinh doanh đã có tiến bộ so với những tháng đầu năm nhưng vẫn còn gặp một số khó khăn. Tuy nhiên đây là thời điểm, là cơ hội để thúc đẩy tái cơ cấu nền kinh tế. Do đó công tác điều hành phải chủ động.

Bộ trưởng Vũ Đức Đam cũng cho biết, về vốn đầu tư công trong năm 2012 là 180.000 tỷ đồng vốn đầu tư xây dựng của Nhà nước, 45.000 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ, vượt thu 9.000 tỷ đồng, cùng với một số nguồn vốn tiết kiệm từ năm 2011 theo Nghị quyết 11 chuyển sang thì tổng cộng đầu tư công có khoảng 240.000 tỷ đồng. Đó là chưa kể trên 30.000 tỷ vượt thu của các địa phương. Tuy nhiên, từ đầu năm mới giải ngân được 66.000 tỷ đồng (tức là 12.000 tỷ đồng /tháng). Như vậy, từ nay đến cuối năm, không lo đẩy lạm phát lên, vì dư địa còn mỗi tháng khoảng 25.000 tỷ đồng.

Do đó, trong công tác điều hành phải tính toán hợp lý lúc nào đầu tư lúc nào, vào đâu, và quan trọng hơn phải gắn với cơ cấu lại đầu tư công. Không đầu tư tràn lan, đầu tư phải phát huy ngay hiệu quả kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng, phục vụ an sinh xã hội. Đồng thời gắn với việc giúp đỡ DN tháo gỡ khó khăn, tập trung vào vùng nông thôn như giao thông nông thôn. Làm phải căn bản, bình tĩnh, chủ động, không đặt mục tiêu là giải ngân hết mà giải ngân lúc nào, vào chỗ nào, đúng chỗ nào, theo đúng tinh thần cơ cấu lại đầu tư công và giúp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết, thanh khoản trong hệ thống ngân hàng đã tương đối tốt. Đề án tái cơ cấu ngân hàng đang được thực hiện đúng lộ trình.

Bộ trưởng cho rằng, cần phải chủ động để không chỉ vì chạy theo số lượng mà quên đi những mục tiêu dài hạn. Phải tái cơ cấu DN, tạo môi trường cạnh tranh ngày càng bình đẳng theo đúng định hướng, đồng thời tiếp tục giảm lãi suất.

Điều quan trọng hơn là DN còn khó khăn và thiếu vốn, tuy nhiên, vốn trong ngân hàng không thiếu, điều đó chứng tỏ là còn dư địa để thúc đẩy phát triển kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho DN, nhưng cơ bản là tháo gỡ DN nào, ngành nghề nào.

Theo Bộ trưởng Vũ Đức Đam, những DN ở nông thôn kinh doanh theo đúng định hướng phát triển nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội, những DN xuất khẩu thiếu vốn, DN theo đúng lộ trình cơ cấu lại DN lâu dài như đưa tiến bộ KHCNKT mới vào, đưa công nghệ sạch sử dụng năng lượng tiết kiệm… thì cần được giúp đỡ tháo gỡ.

Tin liên quan: 

Sai phạm ở Vinalines sẽ được xử lý nghiêm

 

Mai Chi-Nhật Bắc

Top