Hà Nội

Hợp tác quốc tế hỗ trợ phát triển KT-XH vùng dân tộc thiểu số

(Chinhphu.vn) - Tăng cường hợp tác thu hút các nguồn lực, vốn đầu tư, khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm của các nước, các tổ chức quốc tế, tập thể, cá nhân ở nước ngoài, hỗ trợ đầu tư phát triển kinh tế-xã hội cho vùng dân tộc thiểu số, góp phần giảm nghèo nhanh, bền vững, rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các dân tộc.

18/11/2013 16:26

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án Tăng cường hợp tác quốc tế hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Theo Quyết định, Đề án ưu tiên 7 lĩnh vực: 1- Phát triển giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao trình độ dân trí và xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc; 2- Đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số; 3- Đầu tư hỗ trợ phát triển sản xuất, đẩy nhanh công tác xóa đói giảm nghèo; 4- Đảm bảo nước sạch, vệ sinh môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu; 5- Chăm sóc sức khỏe, giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và HIV/AIDS; 6- Bảo tồn, phát triển văn hóa các tộc người và bảo vệ quyền của người dân tộc thiểu số; 7- Nâng cao năng lực xây dựng chính sách cho đội ngũ cán bộ liên quan đến công tác dân tộc.

Để thực hiện Đề án, sẽ cung cấp các thông tin kịp thời, chính xác nhu cầu về chương trình, dự án đầu tư phát triển kinh tế-xã hội ở vùng dân tộc thiểu số. Ban hành một số chính sách đặc thù nhằm thu hút tài trợ nước ngoài vào các lĩnh vực cần thiết để khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh vùng dân tộc thiểu số.

Bên cạnh đó, trên cơ sở mức miễn, giảm thuế thu nhập và hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định theo quy định hiện hành, các dự án đầu tư bằng nguồn vốn viện trợ không hoàn lại, vốn vay ưu đãi hoặc của nhà đầu tư vào vùng dân tộc thiểu số, được miễn thuế thu nhập thêm một thời gian nhất định kể từ khi dự án đi vào hoạt động.

Đồng thời, khuyến khích tiếp nhận chuyển giao khoa học, công nghệ tiên tiến, kinh nghiệm từ các nhà tài trợ nước ngoài vào vùng dân tộc thiểu số đảm bảo bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai và biến đổi khí hậu, nâng cao hiệu quả sản suất.

Thống nhất quản lý từ Trung ương đến địa phương các hoạt động liên quan đến các nhà tài trợ nước ngoài vào vùng dân tộc thiểu số; đẩy mạnh phân cấp cho các địa phương trong thẩm định, phê duyệt và quản lý các chương trình, dự án có vốn đầu tư nước ngoài; xây dựng hệ thống thống kê về nguồn viện trợ và vốn vay ưu đãi vào vùng dân tộc thiểu số.

Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ chuyên trách làm công tác quản lý các chương trình, dự án có nguồn vốn viện trợ nước ngoài; có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho những cán bộ có năng lực được biệt phái làm việc cho các dự án và đảm bảo được tiếp tục quay trở về cơ quan cũ làm việc, khi dự án hoàn thành.

Ngân sách Nhà nước hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động làm việc trong các dự án đầu tư từ nguồn vốn viện trợ không hoàn lại và vốn vay ưu đãi ở vùng dân tộc thiểu số. Khuyến khích sử dụng lao động tại vùng dân tộc thiểu số phục vụ cho các dự án; ưu tiên việc dạy nghề, đào tạo lao động tại chỗ và sử dụng những cán bộ người dân tộc thiểu số có đủ khả năng tham gia trợ giảng trong đào tạo nguồn nhân lực cho các dự án đầu tư vào vùng dân tộc thiểu số.

Hoàng Diên

Top