Hà Nội

Hội nghị toàn quốc về hội nhập quốc tế

(Chinhphu.vn) - Ngày 27/8/2015, Ban Chỉ đạo Quốc gia về hội nhập quốc tế đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt Chỉ thị 15/CT-TTg ngày 7/7/2015 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế.

28/08/2015 10:57

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia về hội nhập quốc tế đã cùng các Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo thảo luận triển khai trên các lĩnh vực hội nhập quốc tế về chính trị, đối ngoại, quốc phòng, an ninh; hội nhập kinh tế và hội nhập về văn hóa, xã hội, giáo dục, đào tạo và khoa học công nghệ.

Ngày 10/4/2013, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 22-NQ/TW về hội nhập quốc tế trong đó nêu rõ mục tiêu hội nhập quốc tế phải nhằm củng cố môi trường hòa bình, tranh thủ tối đa các điều kiện quốc tế thuận lợi để phát triển đất nước nhanh và bền vững, nâng cao đời sống nhân dân; giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN; quảng bá hình ảnh Việt Nam, bảo tồn và phát huy bản sắc dân tộc; tăng cường sức mạnh tổng hợp quốc gia, nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của đất nước; góp phần tích cực vào sự nghiệp hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới.

Quán triệt Nghị quyết số 22-NQ/TW, Chính phủ đã ban hành chương trình hành động và thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về hội nhập quốc tế gồm Ban Chỉ đạo liên ngành về chính trị, an ninh, quốc phòng; Ban Chỉ đạo liên ngành về kinh tế, Ban Chỉ đạo liên ngành về văn hóa xã hội, khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo.

Ngày 7/7/2015, Thủ tướng Chính phủ  đã ban hành Chỉ thị số 15/CT-TTg về tiếp tục triển khai Nghị quyết số 22 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế. Chỉ thị đã nêu rõ các nhiệm vụ cấp bách cần thực hiện trong 2-3 năm tới nhằm tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 22-NQ/TW của Bộ Chính trị về hội  nhập quốc tế.

Phát biểu tham luận tại Hội nghị, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, các địa phương cho rằng, bên cạnh những kết quả hết sức tích cực đạt được, trong hội nhập quốc tế, cũng còn nhiều tồn tại, hạn chế cần đặc biệt quan tâm khắc phục như: nhận thức của một số bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp về hội nhập quốc tế còn chưa thực sự đầy đủ; tâm lý thờ ơ, chờ đợi, thụ động vẫn còn nặng nề; công tác phối hợp ở nơi này, nơi khác còn chưa nhịp nhàng, chặt chẽ; công tác thông tin, tuyên truyền về hội nhập tới doanh nghiệp và nhân dân còn có những bất cập; đội ngũ cán bộ làm công tác hội nhập quốc tế còn thiếu và yếu; sự chuẩn bị trong nước đối với các cam kết sắp phải thực hiện còn chậm và thiếu chủ động;…

Nhiều ý kiến đề xuất cần tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về hội nhập quốc tế tới cán bộ, doanh nghiệp và người lao động; ưu tiên phân bổ kinh phí và nguồn nhân lực cho các hoạt động hội nhập quốc tế; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ hội nhập quốc tế; thực hiện tốt cơ chế báo cáo, giám sát về hội nhập quốc tế; chú trọng nâng cao năng lực thực thi pháp luật trong nước để bảo đảm thực hiện đúng, hiệu quả các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia; phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng, nhất là các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, người dân trong hội nhập quốc tế;...

Nhấn mạnh hội nhập quốc tế trong đó có hội nhập kinh tế quốc tế luôn là xu thế tất yếu, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng thời gian qua Việt Nam đã phát huy được tinh thần chủ động trong hội nhập quốc tế; sự hội nhập quốc tế của Việt Nam đặc biệt là hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, hiệu quả và kết quả hội nhập đã đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước; đưa vai trò và vị thế của Việt Nam ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục có phương án, có sự phối hợp chặt chẽ trong triển khai thực hiện hiệu quả, khai thác tối đa các cơ hội từ các hiệp định quốc tế mà Việt Nam đã ký kết; đồng thời tiếp tục mở rộng, đẩy mạnh đàm phán và đi đến ký kết các hiệp định mới, nhất là các hiệp định thương mại tự do với các nước, các đối tác. Đồng thời chú trọng hơn nữa đến công tác thông tin, tuyên truyền, bảo đảm thông tin một cách tương đối đầy đủ về các hiệp định đã được ký kết tới người dân, doanh nghiệp; bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương cũng phải hết sức quan tâm xây dựng chương trình hành động cụ thể trong thực hiện công tác hội nhập quốc tế.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng trong hội nhập quốc tế nói chung và hội nhập kinh tế quốc tế nói riêng nêu rõ cần phát huy tinh thần chủ động, tích cực. Đồng thời phải tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin truyên truyền, tăng cường phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, nhất là sự phối hợp qua hệ thống ngành dọc trong thực hiện công tác hội nhập quốc tế; đề cao vai trò của các hiệp hội, các hội nghề nghiệp trong hội nhập quốc tế cũng như tăng cường công tác đào tạo, bồi  dưỡng kiến thức về hội nhập quốc tế;…

Phát biểu kết luận chung Hội nghị, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh, Nghị quyết số 22-NQ/TW của Bộ Chính trị đã Chính phủ đã quán triệt sâu sắc, chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả bằng chương trình, hành động cụ thể. Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho rằng hoạt động hội nhập quốc tế của Việt Nam thời gian qua đã đạt được những kết quả hết sức tích cực, góp phần quan trọng và sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước, nâng cao đời sống nhân dân; quảng bá hình ảnh và nâng cao vai trò, vị thế, uy tín của Việt Nam trên thế giới. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả rất đáng ghi nhận đạt được vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém còn tồn tại, trong đó nổi lên là sự nhận thức về hội nhập ở một số bộ, ngành, địa phương còn chưa đầy đủ; công tác thông tin, truyên truyền còn nhiều hạn chế; đội ngũ cán bộ làm công tác hội nhập còn thiếu và yếu, nhất là ở các địa phương;…

Chỉ đạo các nhiệm vụ trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đề nghị các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục quán triệt, bám sát, triển khai hiệu quả các nhiệm vụ hết sức cụ thể mà Chỉ thị 15 đã nêu rõ. Đồng thời, tiếp tục chủ động trong tăng cường công tác thông tin, tập huấn về hội nhập. Tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trên các lĩnh vực hội nhập từ chính trị, quốc phòng, an ninh cho tới kinh tế, văn hóa, xã hội… Chú trọng nâng cao năng lực, trình độ của bộ máy, đội ngũ cán bộ làm công tác hội nhập;…

Top