Hà Nội

Hoạt động của các Phó Thủ tướng ngày 04/01/2018

04/01/2018 20:26

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ làm việc với Bảo hiểm xã hội Việt Nam

Ngày 4/1, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã có buổi làm việc với Bảo hiểm xã hội Việt Nam (BHXH).

Theo BHXH Việt Nam, đến hết năm 2017, cả nước đã có 13,83 triệu người tham gia BHXH; 79,9 triệu người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), đạt tỷ lệ 86,4%, vượt 2,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao và khoảng 11,4 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN).

Tổng số thu của ngành đạt khoảng 290.000 tỷ đồng, vượt 1% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, là mức thu kỷ lục của ngành từ trước tới nay. Ngành đã chi trả BHXH, BHYT, BHTN với tổng số tiền trên 270.000 tỷ đồng; giải quyết các chế độ BHXH hằng tháng cho hơn 141.000 người, BHXH một lần 717.000 người, các chế độ BHXH ngắn hạn cho trên 9,1 triệu lượt người; thanh toán chi phí khám chữa bệnh (KCB) BHYT cho khoảng 165 triệu lượt người.

Công tác thanh tra chuyên ngành được tăng cường, đưa tỷ lệ nợ BHXH xuống dưới 3% - mức thấp nhất từ trước tới nay, giảm 0,8% so với năm 2016.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá, với mức thu kỷ lục và tỷ lệ nợ BHXH thấp nhất là thành quả nổi bật của ngành sau 10 năm thực hiện Luật BHXH đầu tiên ban hành năm 2007, đóng góp vào thành công chung của Chính phủ trong năm 2017.

Phó Thủ tướng cũng đánh giá các nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh ứng dụng CNTT, mà cụ thể là sự ra đời của Trung tâm Điều hành hệ thống CNTT và Trung tâm Dịch vụ khách hàng, tiếp tục hoàn thiện và vận hành hiệu quả Hệ thống thông tin giám định tự động BHYT là kết quả thành công nhất của BHXH trong năm 2017. Qua hệ thống này đã tiết giảm 4.800 tỷ đồng chi phí KCB, góp phần quan trọng vào việc kiểm soát chi phí KCB BHYT, bảo đảm sử dụng hiệu quả Quỹ BHYT và quyền lợi của người KCB BHYT.

BHXH tiếp tục cắt giảm từ 32 thủ tục hành chính còn 28 thủ tục, cung cấp 14 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và mức độ 4. Nhờ đó, BHXH Việt Nam xếp hạng 2 trong Bảng xếp hạng Chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT-truyền thông Việt Nam năm 2017 khối các bộ, cơ quan Trung ương. Ngân hàng Thế giới cũng đánh giá chỉ số nộp thuế, BHXH của Việt Nam xếp thứ 86/190 (tăng 81 bậc so với năm 2016), góp phần đưa môi trường kinh doanh của Việt Nam xếp thứ 68/190 quốc gia và vùng lãnh thổ (tăng 14 bậc so với năm 2016).

 “Những thành quả về cải cách hành chính, ứng dụng giám sát tự động giúp cho BHXH, BHYT hoạt động hiện đại, văn minh, làm cho người dân và các cơ sở KCB phải tâm phục khẩu phục trong tính toán, xác định chi phí KCB”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá.

Với tư cách là Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước về cải cách chính sách tiền lương, BHXH và  ưu đãi người có công, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng đánh giá BHXH Việt Nam đã tham gia và đóng góp tích cực vào việc hoàn thiện Đề án cải cách BHXH của Ban Cán sự Đảng Chính phủ, trình Trung ương thảo luận trong năm 2018.

Mặc dù đánh giá BHXH Việt Nam đã hoàn thành toàn diện và vượt mức tất cả các chỉ tiêu mà Chính phủ giao, nhưng Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng vẫn còn rất nhiều khó khăn để thực hiện thành công Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị và các nhiệm vụ mà Chính phủ giao trong thời gian tới là 50% số lao động trong độ tuổi lao động tham gia BHXH, 35% lực lượng lao động tham gia BHTN.

Phó Thủ tướng chỉ ra những khó khăn mà ngành cần phải tập trung thực hiện, tạo ra chuyển biến căn bản trong năm 2018 là khắc phục tình trạng trốn đóng, trục lợi BHXH vẫn còn rất lớn.

“Nhìn qua số liệu tại Trung tâm Điều hành hệ thống CNTT thì thấy rõ gian lận, trục lợi BHYT hầu như tỉnh nào cũng có, cơ sở KCB nào cũng có, mà đây đều là tiền đóng góp của dân. Hành vi trục lợi BHXH, BHYT này là tham nhũng. Phải khẳng định như vậy”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ rõ và cho biết, Chính phủ sẽ đề nghị Kiểm toán Nhà nước đưa nội dung quản lý thu chi BHXH, BHYT vào chương trình kiểm toán thường xuyên từ năm 2018 để giám sát.

Phó Thủ tướng cho rằng: “Nguyên nhân của trục lợi, gian lận BHXH, BHYT là xử phạt chưa nghiêm, chưa công khai. Ai để cho 1 người trong 1 năm đi khám bệnh BHYT tới 273 lần được? Người đó và cơ sở KCB tiếp tay cho việc đấy như thế nào thì phải đặt ra. Rồi trục lợi BHXH, BHYT ở chỗ thu tiền rồi mà không chịu nộp hay ‘ôm của’ bỏ trốn. Đã ai bị kỷ luật vì để xảy ra việc này chưa? Phải làm nghiêm, công khai, minh bạch lên để cả xã hội giám sát”.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng cho rằng BHXH Việt Nam phải phối hợp tốt với các bộ, ngành Trung ương và các địa phương trong thực thi chính sách trên nguyên tắc “có đóng - có hưởng, chia sẻ và bền vững Quỹ BHXH, BHYT”. Việc xử lý hài hoà chính sách BHXH, BHYT bảo đảm quyền lợi và nghĩa vụ của 3 đối tượng: Cơ quan quản lý Nhà nước, Quỹ-cơ sở KCB, doanh nghiệp-người dân, người lao động. Sự phối hợp tốt của BHXH Việt Nam với các bộ, địa phương sẽ còn giúp kiểm soát được việc chi trả “2 bảng lương” của doanh nghiệp, chống chuyển giá, trốn thuế.

Đồng thời BHXH Việt Nam đẩy mạnh truyền thông về hoạt động, tăng cường minh bạch việc quản lý, thu chi Quỹ BHXH, BHYT để thu hút nhiều hơn người dân tham gia BHXH; tiếp tục thực hiện Nghị định số 34/2017/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT; tăng cường giám định việc chi trả BHYT để ngăn chặn trục lợi, tạo hài lòng cao nhất với người dân và các chủ thể tham gia.

Trước mắt, Phó Thủ tướng giao BHXH Việt Nam sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Dự toán thu chi BHXH, BHYT của năm 2018 tới từng địa phương để có căn cứ pháp lý thực hiện; tiếp tục thực hiện đấu thầu thuốc thuộc danh mục chi trả của BHYT, cùng với việc đấu thầu thuốc của Bộ Y tế để kéo giá thuốc năm 2018 giảm từ 10-15% so với hiện nay; đa dạng hoá danh mục đầu tư và cơ cấu danh mục đầu tư của Quỹ BHXH với phương châm an toàn, hiệu quả.

 ---------------

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng dự hội nghị triển khai nhiệm vụ 2018 của Tập đoàn Điện lực

Ngày 4/1, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng dự hội nghị tổng kết năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao và biểu dương cán bộ, công nhân viên và người lao động của EVN đã đoàn kết, nỗ lực lao động, khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ, góp phần quan trọng cùng cả nước thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2017.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng EVN cần phải nhìn nhận rõ một số tồn tại, hạn chế trong giai đoạn vừa qua. Theo Phó Thủ tướng, trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước hiện nay, nhu cầu điện tăng rất cao. Dự báo nhu cầu năm 2020 có thể gấp rưỡi hiện nay. Cùng với đó, phát triển nguồn điện phải bảo đảm môi trường. Điều này đòi hỏi công nghệ phải rất cao, giá thành do đó cũng cao.

“Chúng ta đang trong quá trình công nghiệp hóa-hiện đại hóa, do đó yêu cầu đặt ra là phải phát triển nguồn điện nhiều hơn, đồng thời phải có giải pháp để sử dụng điện tiết kiệm, chống thất thoát. Đây là yêu cầu ‘kép’ đặt ra cho ngành điện”, Phó Thủ tướng nói.

Ngoài ra, sức ép đối với ngành điện còn đến từ sự mất cân đối giữa nguồn cung và nhu cầu sử dụng của từng vùng. Trong khi miền Nam sử dụng trên 50% tổng nhu cầu điện năng (miền Bắc gần 40%, miền Trung gần 10%) thì nguồn điện hiện nay lại tập trung chủ yếu ở miền Bắc (trên 50%), miền Nam chỉ có thể tự sản xuất dưới 40%. Do đó, tình trạng thiếu điện cục bộ hiện cũng đang là bài toán khó đối với ngành.

“Nguy cơ năm 2018 sẽ thiếu điện ở phía Nam nếu các nhà máy đang đầu tư không đáp ứng yêu cầu tiến độ. Đây là nhiệm vụ rất nặng nề”, Phó Thủ tướng nói.

Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đặc biệt nhấn mạnh: “Yêu cầu tất cả các dự án phải bảo đảm tiến độ như quy hoạch; bảo đảm chất lượng công trình, chất lượng đầu tư xây dựng, chất lượng quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng…; bảo đảm an toàn trong vận hành, trong thực hiện dự án, không để xảy ra sự cố, đặc biệt, phải triệt để bảo đảm an toàn môi trường. Đồng thời, phải tăng cường công tác quản lý Nhà nước về đầu tư xây dựng, không để xảy ra thất thoát, lãng phí, nâng cao hiệu quả vốn đầu tư xây dựng”.

Về các nhiệm vụ lớn của EVN trong năm 2018 và những năm tiếp theo, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu bảo đảm an ninh năng lượng, cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế và nâng cao chất lượng đời sống của người dân. Từng bước hình thành phát triển thị trường điện cạnh tranh, thực hiện giá bán điện theo kinh tế thị trường, khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả.

Theo đó, trước hết EVN phải khẳng định và phát huy tốt vai trò là Tập đoàn Nhà nước giữ vai trò trụ cột thực hiện nhiệm vụ cung cấp điện. Tập đoàn phải tham gia với Bộ Công Thương để rà soát lại Quy hoạch điện 7 điều chỉnh, trong đó xác định lại cơ cấu nguồn điện trong từng giai đoạn, gắn việc tính toán nhu cầu điện bảo đảm tăng trưởng theo chiều sâu, sử dụng điện tiết kiệm, từ đó xác định các dự án ưu tiên để tham mưu cho Chính phủ.

EVN cũng phải tập trung nguồn lực để bảo đảm thực hiện các dự án điện được đầu tư xây dựng đúng tiến độ, phát triển nhanh các dự  án nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo. Phó Thủ tướng yêu cầu EVN phải rà soát lại từng công trình, dự án để bảo đảm tiến độ, hiệu quả, nâng cao hiệu quả đầu tư, đặc biệt là Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân, các nhà máy điện Quảng Trạch (Bộ Công Thương phải vào cuộc), Ô Môn, Dung Quất, Hòa Bình mở rộng, Yali mở rộng, Trị An mở rộng; việc xây dựng đường dây 500 kV để mua điện từ Lào…

Một yêu cầu nữa cũng được Phó Thủ tướng nêu ra nhằm bảo đảm cung ứng đủ điện cho phát triển là việc vận hành an toàn hệ thống, đặc biệt là việc vận hành an toàn các nhà máy thủy điện.

Nhiệm vụ lớn thứ hai được Phó Thủ tướng giao cho EVN là tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại Tập đoàn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả, năng lực cạnh tranh. Yêu cầu đặt ra là phải tiếp tục rà soát, tái cơ cấu cả tập đoàn, các doanh nghiệp thành viên về sản phẩm, giá trị doanh nghiệp, nguồn lực…

Yêu cầu thứ ba là EVN phải tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong quản lý và điều hành, nhất là tài chính.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu EVN phải đẩy mạnh cải cách hành chính, phục vụ tốt nhất người dân, nâng cao hiệu quả phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tập đoàn cần tiếp tục chủ động, đẩy mạnh thực hiện các biện pháp giảm thời gian tiếp cận điện năng, rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục trong phạm vi quản lý của Tập đoàn. Đồng thời phối hợp với các địa phương thực hiện thủ tục tiếp cận điện năng theo hướng liên thông giữa cơ quan Nhà nước với công ty điện lực, tổng công ty điện lực tại địa phương, bảo đảm tính minh bạch, rõ trách nhiệm các cơ quan, đơn vị, thống nhất về thủ tục, thời gian thực hiện.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị EVN thực hiện và tham mưu cho Chính phủ trong việc lựa chọn công nghệ thân thiện môi trường, phù hợp với trình độ, điều kiện của Việt Nam, có lộ trình phù hợp. “EVN phối hợp các bộ, ngành trong xử lý chất thải của các nhà máy nhiệt điện. Nếu không xử lý tốt, sẽ là nguy cơ rất lớn cho môi trường. Nhưng nếu có thể sử dụng làm vật liệu xây dựng, sẽ có thể tiết kiệm chi phí, bảo vệ môi trường”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu EVN quan tâm phát triển nguồn nhân lực, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho cán bộ, công nhân viên, thực hiện tốt các hoạt động xã hội, từ thiện, đặc biệt là hỗ trợ người dân ở những địa bàn khó khăn.

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng đã yêu cầu các bộ, ngành giải quyết nhiều kiến nghị của EVN nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh./.

Top