Hà Nội

Hoạt động của các Phó Thủ tướng Chính phủ ngày 8/9/2019

08/09/2019 21:55

Phó Thủ tướng Thường trực phát động toàn dân “đội mũ bảo hiểm cho trẻ em”

Ngày 8/9, tại Hà Nội, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức sự kiện đi bộ vận động toàn dân “Đội mũ bảo hiểm cho trẻ em” và lễ ký chương trình phối hợp “Tăng cường công tác giáo dục an toàn giao thông trong trường học giai đoạn 2019 - 2024”.

Tham dự sự kiện có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai; đại diện các Bộ, ngành Trung ương và TP Hà Nội.

Đặc biệt, sự kiện diễn ra tại khu vực tượng đài Lý Thái Tổ còn có sự tham dự của 3.000 học sinh lớp 1, các thầy cô giáo, các bậc phụ huynh cùng với một số nghệ sĩ nổi tiếng và đông đảo người dân Hà Nội.

Phát biểu tại cuộc vận động, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình, Chủ tịch Uỷ ban ATGT quốc gia nhấn mạnh, đây là sự kiện có ý nghĩa lớn, thể hiện tình yêu thương và lời cam kết mạnh mẽ của toàn xã hội trong việc bảo vệ sự an toàn sinh mạng và sức khoẻ cho thế hệ tương lai của đất nước, chung tay ngăn chặn và đẩy lùi những nỗi đau do tai nạn giao thông.

Bảo đảm trật tự ATGT được Đảng, Nhà nước ta xác định là một trong những nhiệm vụ cơ bản trong công tác bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Liên tục từ năm 2012 đến nay, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự  ủng hộ của người dân, tai nạn giao thông đã liên tục được kéo giảm cả về số vụ tai nạn, số người chết và số người bị thương. Từ gần 12.000 người chết vì tai nạn giao thông mỗi năm, đến năm 2018, con số này giảm còn hơn 8.200 người. Kết quả này được người dân và bạn bè quốc tế ghi nhận, góp phần xây dựng xã hội Việt Nam ngày càng trật tự, an toàn, thân thiện, văn minh hơn.

Năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 04/CT-TTg về việc đẩy mạnh triển khai các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng xe mô tô, xe gắn máy và xe đạp điện. Chỉ thị đã tạo sự chuyển biến tích cực, nâng tỷ lệ đội mũ bảo hiểm ở trẻ em (với độ tuổi từ 6 đến 15 tuổi) từ 35% lên 52%.

Tuy nhiên, vẫn còn không ít trẻ em chưa được đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên mô tô, xe máy, xe đạp điện tham gia giao thông; vẫn còn nhiều bậc cha mẹ, người lớn chưa ý thức được, thậm chí vẫn cố tình không đội mũ cho con, em mình khi chở các cháu đi trên mô tô, xe máy, xe đạp điện. Chúng ta vẫn gặp những hình ảnh người lớn đội mũ bảo hiểm nhưng chở theo con em không đội mũ.

Khẳng định Đảng, Nhà nước và toàn xã hội luôn quan tâm và thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo vệ trẻ em, nỗ lực và tạo mọi điều kiện để trẻ em được sống an toàn, lành mạnh, trong đó việc thực hiện đội mũ bảo hiểm cho trẻ em là việc làm cụ thể nhưng vô cùng thiết thực, Phó Thủ tướng Thường trực yêu cầu các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị thực hiện tốt việc nâng cao hiệu quả công tác phối hợp tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự ATGT, trật tự đô thị; kiên trì xây dựng văn hóa giao thông an toàn và môi trường thân thiện; đồng thời cung cấp kiến thức và kỹ năng lái xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện, nhất là cho cho học sinh, sinh viên, góp phần hạn chế, đẩy lùi tình trạng vi phạm pháp luật về trật tự an ATGT, giảm thiểu các vụ tai nạn giao thông nói chung và tai nạn giao thông liên quan đến học sinh, sinh viên nói riêng trong thời gian tới.

Về phần mình, các bậc cha mẹ, người lớn hãy thực hiện nghiêm túc quy định về đội mũ bảo hiểm, đó cũng là một hành xử văn hóa. Đặc biệt, hãy đội mũ bảo hiểm cho trẻ và hướng dẫn trẻ cách đội mũ bảo hiểm cũng như các kỹ năng về bảo đảm ATGT; các thầy cô, giáo viên, người lao động trong các nhà trường thường xuyên trao đổi, hướng dẫn học sinh về kỹ năng bảo đảm ATGT, trong đó có việc đội mũ bảo hiểm; yêu cầu các bậc phụ huynh đội mũ bảo hiểm cho học sinh; mỗi người dân hãy thể hiện trách nhiệm của mình trong việc thực hiện quy định về đội mũ bảo hiểm, xây dựng nét văn hóa trong tham gia giao thông và để bảo đảm ATGT với mọi người, trong đó có thế hệ tương lai của đất nước.

Đồng thời, Phó Thủ tướng Thường trực cũng căn dặn các cháu học sinh luôn nỗ lực học tập, tìm hiểu, thực hành để nắm vững và tuân thủ các quy định pháp luật về ATGT, xây dựng cho mình những giá trị văn hoá giao thông an toàn làm hành trang đi đến tương lai.

Nhằm thực hiện mục tiêu đến năm 2020 trên 80% trẻ em được đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn khi đi mô tô, xe máy, xe đạp điện; đồng thời tạo thành thói quen đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện trong toàn dân, Ủy ban ATGT Quốc gia, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với UBND Thành phố Hà Nội tổ chức sự kiện đi bộ kêu gọi toàn dân “Đội mũ bảo hiểm cho trẻ em”.

Cũng tại sự kiện này đã diễn ra lễ ký chương trình phối hợp “Tăng cường công tác giáo dục an toàn giao thông trong trường học giai đoạn 2019 - 2024” giữa Ủy ban ATGT Quốc gia và Bộ Giáo dục và Đào tạo.

 

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ dự Hội nghị về phát triển thành phố Vinh

Ngày 8/9 tại thành phố Vinh, Uỷ ban nhân dân tỉnh Nghệ An tổ chức Hội nghị thực hiện Thông báo số 55-TB/TW của Bộ Chính trị về sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW khoá XI về phát triển tỉnh Nghệ An tới năm 2020 và Quyết định số 2468/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển thành phố Vinh trở thành trung tâm kinh tế, văn hoá vùng Bắc Trung Bộ tới năm 2020 theo tinh thần của Nghị quyết 26.

Tham dự Hội nghị có nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; đồng chí Vương Đình Huệ, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương; cùng lãnh đạo các bộ, ngành của Chính phủ, một số địa phương lân cận và lãnh đạo các cấp của tỉnh Nghệ An.

Với vị trí địa lý quan trọng, Nghị quyết 26 và Quyết định số 2468 đã nêu rõ mục tiêu của việc phát triển thành phố Vinh là: “Xây dựng thành phố Vinh trở thành thành phố văn minh, hiện đại, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh Nghệ An; trung tâm vùng Bắc Trung bộ về các lĩnh vực tài chính, thương mại, du lịch, khoa học - công nghệ, công nghệ thông tin, công nghiệp công nghệ cao, y tế, văn hóa, thể thao, giáo dục - đào tạo; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc xứ Nghệ, xã hội phát triển, đời sống vật chất tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao”.

Ngày 14/1/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 52/QĐ-TTg chấp thuận đề án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Vinh đến năm 2030, tầm nhìn 2050 với phạm vi rộng tới 250 km2.

Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Thái Thanh Quý cho biết đây là dấu mốc quan trọng để phát triển vai trò của thành phố Vinh trong giai đoạn vừa qua và sắp tới là thủ phủ vùng Bắc Trung Bộ. Để tạo ra sự phát triển cho Vinh trong thời gian tới, ông Thái Thanh Quý công bố Quy hoạch 1:2.000 của dự án trục Vinh- Cửa Lò vừa được phê duyệt vào ngày 19/8/2019 với sự hỗ trợ của các tư vấn uy tín đã thực hiện đối với trục Hà Nội- Nội Bài.

Theo đó, trục này dài 11,2 km, tổng diện tích khu vực lập quy hoạch 1.750 ha, quy mô dân số khoảng 46.000 người. Trục Vinh- Cửa Lò quy hoạch các cơ quan hành chính của thành phố Vinh, của tỉnh và các công trình, dự án quan trọng, đồng thời kêu gọi các nhà đầu tư có uy tín, chất lượng tham gia đầu tư dự án.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định vị trí quan trọng của thành phố Vinh đối với tỉnh Nghệ An, vùng Bắc Trung Bộ và đánh giá qua hơn 30 năm xây dựng và phát triển, đặc biệt là 20 năm đổi mới vừa qua, thành phố Vinh đã đạt được nhiều thành tựu to lớn.

Phó Thủ tướng cũng ghi nhận những kết quả nổi bật của Vinh sau hơn 3 năm thực hiện Quyết định 2468 của Thủ tướng Chính phủ. Đây là kết quả có ý nghĩa quan trọng đối với tỉnh Nghệ An, là mốc son 50 năm Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Nghệ An thực hiện những lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bức thư gửi cho quê hương.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế trong việc thực hiện các nhiệm vụ của Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị. Đó là tốc độ tăng trưởng kinh tế tuy ở mức khá nhưng chưa bền vững, thu ngân sách không đảm bảo đầu tư phát triển, hạ tầng kinh tế xã hội chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, nguồn lực chủ yếu còn dựa nhiều vào ngân sách nhà nước. Cải thiện môi trường thu hút đầu tư có chuyển biến nhưng chưa tương xứng tiềm năng; chưa thu hút đầu tư những dự án có quy mô, tầm cỡ, tạo đột phá lớn.

Một số lĩnh vực như giáo dục - đào tạo, y tế, tài chính - tín dụng - ngân hàng, thương mại, công nghệ thông tin… đang từng bước hình thành yếu tố trung tâm vùng nhưng chưa thực sự rõ nét, phạm vi, mức độ, tầm ảnh hưởng, tác động lan tỏa của Vinh đối với vùng còn hạn chế.

Do vậy, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị tỉnh Nghệ An và thành phố Vinh cần tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng quan điểm, tư tưởng, nội dung chỉ đạo của Bộ Chính trị, của Thủ tướng Chính phủ để phát triển thành phố Vinh sớm đạt mục tiêu trung tâm vùng Bắc Trung Bộ trên các lĩnh vực đã xác định.

Đặc biệt, Phó Thủ tướng đánh giá quy hoạch trục đại lộ Vinh- Cửa Lò sẽ là động lực rất quan trọng, là bước ngoặt lớn để phát triển Vinh cũng như cho cả Nghệ An trong thời gian tới theo tinh thần Nghị quyết của Bộ Chính trị.

“Không chỉ là kết nối giao thông mà Vinh- Cửa Lò còn là một trục phát triển với các dự án quan trọng, theo định hướng phát triển Vinh của Bộ Chính trị và Thủ tướng Chính phủ đã chỉ ra”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nêu rõ khi đánh giá cao cách làm bài bản của Ban Thường vụ tỉnh uỷ Nghệ An và các nhà tư vấn cho quy hoạch này.

Phó Thủ tướng nghị tỉnh chủ động ban hành cơ chế, chính sách để thu hút nguồn lực, trong đó chú trọng khuyến khích nội lực và huy động đầu tư của các tổ chức, doanh nhân trong nước và nước ngoài nhưng có trọng tâm, trọng điểm và ưu tiên phát triển toàn diện thành phố Vinh. Sử dụng nguồn lực hợp lý, đem lại hiệu quả tốt nhất, bền vững nhất.

Phó Thủ tướng mong muốn các nhà đầu tư phải giữ cam kết đầu tư và triển khai dự án đầu tư đúng tiến độ. Đối với các dự án chậm triển khai so với tiến độ đã cam kết, đề nghị chính quyền tỉnh Nghệ An kiên quyết rà soát và có các biện pháp xử lý kịp thời nhằm sử dụng có hiệu quả nguồn lực đất đai và tăng hiệu quả đóng góp ngân sách của dự án.

Đặc biệt, Phó Thủ tướng lưu ý địa phương phát triển kinh tế phải gắn với bảo vệ môi trường, có trách nhiệm xã hội, bảo đảm cho phát triển bền vững cho chính doanh nghiệp và người dân.

"Chính quyền tỉnh Nghệ An phải hành động mạnh mẽ, đã nói là làm và làm ngay. Các doanh nghiệp cũng thể hiện tinh thần này vì lợi ích của các bên, trong đó có cả lợi ích của người dân", Phó Thủ tướng lưu ý./.

Top