Hà Nội

Hoạt động của các Phó Thủ tướng Chính phủ ngày 5/1/2021

05/01/2021 18:18

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình dự lễ ra quân Năm an toàn giao thông 2021

Ngày 5/1, Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia và UBND Thành phố Hà Nội tổ chức Lễ ra quân Năm an toàn giao thông 2021. Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình, Chủ tịch Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia dự và phát động Lễ ra quân.

Phát biểu tại Lễ ra quân, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình, Chủ tịch Uỷ ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia nêu rõ: Tai nạn giao thông (TNGT) và ùn tắc giao thông đường bộ vẫn đang là vấn đề bức xúc của toàn xã hội, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững về kinh tế, văn hóa, xã hội và hình ảnh của đất nước Việt Nam với bạn bè quốc tế. Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 22-CT/TW, ngày 24/02/2003 và tiếp ban hành Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 04/9/2012. Đây là những Chỉ thị rất quan trọng đối với việc bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Trong giai đoạn 2016-2020 số vụ TNGT giảm 42,71%, số người chết giảm 19,01% và số người bị thương giảm 53,91% so với giai đoạn 2011-2015. Đặc biệt năm 2020, TNGT đã giảm sâu nhất trong vòng 10 năm qua: Số vụ giảm gần 18%, số người bị thương giảm gần 20%, số người chết giảm trên 12% và lần đầu tiên số người chết do TNGT giảm xuống dưới 7.000 người/1 năm. Đáng chú ý là 03 ngày đầu năm 2021 tình hình TNGT đã giảm 09 vụ, giảm 16 người chết, giảm 06 người bị thương so với năm 2020.

Năm 2021, với những sự kiện chính trị lớn sẽ diễn ra như Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử Quốc hội khoá XV và Hội đồng nhân dân các cấp, đòi hỏi cả hệ thống chính trị cần tiếp tục vào cuộc đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả hơn để thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm trật tự ATGT. Năm ATGT  2021, Ủy ban ATGT Quốc gia chọn chủ đề “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật bảo đảm trật tự ATGT ” nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về giao thông vận tải và hoạt động thực thi pháp luật về trật tự ATGT.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ yêu cầu Uỷ ban ATGT Quốc gia, các Bộ, ngành, đoàn thể và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả Kế hoạch Năm An toàn giao thông 2021 với chủ đề “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật trong bảo đảm trật tự ATGT” từ cấp Trung ương đến tận cấp cơ sở ngay từ những ngày đầu tiên của năm 2021; thực hiện tốt 9 nhóm nhiệm vụ trọng tâm đã nêu trong Kế hoạch; phấn đấu kéo giảm từ 5-10% số vụ TNGT, số người chết, bị thương do TNGT so với năm 2020; khắc phục ùn tắc giao thông tại Thủ đô Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và các đô thị lớn

Với bài học kinh nghiệm từ thực tiễn công tác bảo đảm trật tự ATGT thời gian qua, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đề nghị các cấp, các ngành, các đoàn thể chính trị-xã hội và đặc biệt là lực lượng thực thi pháp luật từ trung ương đến địa phương cần quán triệt và thực hiện một số nhiệm vụ lớn sau:

Một là, tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự ATGT, xây dựng văn hoá giao thông với trọng tâm là hướng dẫn kỹ năng tham gia giao thông an toàn, cảnh báo nguy cơ tai nạn giao thông; lên án các hành vi “phi văn hoá” khi tham gia giao thông; vận động nhân dân ủng hộ, hợp tác với lực lượng tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm; thông tin về chế tài nghiêm khắc của pháp luật, như quy định tại Nghị định 100 của Chính phủ, đối với những hành vi vi phạm; tuyên truyền về tính khách quan, chính xác của việc xử phạt “nguội” qua hệ thống camera, cân xe tự động… Giúp người dân nhận thức đúng, thay đổi hành vi, từ đó tham gia giao thông một cách có văn hoá và an toàn hơn. Đồng thời, hướng dẫn người dân thực hiện tốt phòng, chống dịch COVID-19 khi tham gia giao thông.

Hai là, tập trung xây dựng hình ảnh cán bộ thực thi pháp luật “Liêm chính, nhân văn, tận tâm, vì dân phục vụ”. Ngành Giao thông vận tải, ngành Công an và các ngành liên quan cần tiếp tục đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; quán triệt, thực hiện nghiêm Nghị quyết trung ương 4 khoá XI, XII về chỉnh đốn Đảng, Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác Hồ của trong toàn lực lượng làm công tác bảo đảm trật tự ATGT; tăng cường thanh tra, kiểm tra, đấu tranh phòng chống các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong quy hoạch, quản lý đô thị; xây dựng, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông; đăng ký, đăng kiểm phương tiện; đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe cũng như trong thanh tra, tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm về trật tự ATGT. Mỗi cán bộ, công chức trong lực lượng thực thi pháp luật nhất định phải là một tấm gương về chấp hành tốt pháp luật nói chung và pháp luật về bảo đảm trật tự ATGT nói riêng.

Ba là, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đặc biệt là công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, tổ chức giao thông, coi đây là chìa khoá để thực hiện thành công năm ATGT 2021 với chủ đề “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật trong bảo đảm trật tự ATGT”.

Chuẩn bị cho Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và đón Tết Nguyên đán Tân Sửu, Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị các Bộ, ngành liên quan và các địa phương triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ mà Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tại Công điện 1711 ngày 07/12/2020, vừa bảo đảm trật tự, ATGT, vừa gắn với phòng, chống COVID-19 trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu và Lễ hội Xuân 2021. Trong đó, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự, ATGT, không vì Tết mà "nể nang, xuê xoa". Các cơ quan thông tấn, báo chí tuyên truyền để toàn xã hội thấy việc dừng xe, kiểm tra, xử phạt để ngăn không cho tai nạn xảy ra, không để thương vong xảy ra, đó chính là món quà Tết có ý nghĩa nhất đối với mọi người dân.

Không để phương tiện vận tải, người điều khiển, nhân viên phục vụ và hành khách không tuân thủ quy định phòng dịch COVID-19 khi tham gia giao thông; có phương án ứng phó hiệu quả khi phát sinh tình huống có người nhiễm COVID-19 tại các đầu mối giao thông và trên phương tiện công cộng; gắn trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị nếu để xảy ra tình trạng lây nhiễm dịch bệnh COVID-19 trên các phương tiện giao thông hoặc địa bàn thuộc phạm vi quản lý.

Tăng cường phối hợp kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm ngăn chặn hiệu quả tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng; ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm về mua bán, vận chuyển chất nổ, chất cháy, các loại pháo; không để xảy ra tình trạng đốt pháo nổ trong dịp Lễ, Tết Nguyên đán.

 

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình dự hội nghị triển khai công tác thuế năm 2021

Chiều 5/1, Tổng cục Thuế tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác thuế năm 2020, triển khai các giải pháp thực hiện nhiệm vụ năm 2021. Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình dự và phát biểu chỉ đạo.

Phát biểu tại Hội nghị, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương những kết quả và thành tích đã đạt được của gần 40.000 cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của ngành thuế trong năm qua, góp phần cùng cả nước đạt được những thành tựu rất ấn tượng.

Trong bối cảnh, tình hình đất nước và toàn cầu đặc biệt khó khăn trong năm 2020, nhưng thu ngân sách nhà nước của ngành thuế ước đạt trên 1.275 triệu tỷ đồng, vượt 1,7% so với dự toán đã được Quốc hội giao (tương ứng mức vượt gần 21.000 tỷ đồng), vượt trên 172.000 tỷ đồng so với số ước thu đã báo cáo Quốc hội; có 55/63 (87%) địa phương hoàn thành và hoàn thành vượt mức dự toán, đáng chú ý trong bối cảnh tăng trưởng kinh không như kỳ vọng, nhưng có 40/63 (63%) địa phương có số thu cao hơn năm 2019.

Năm 2020 là năm toàn ngành thuế đã cơ bản hoàn thành Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011-2020 với nhiều kết quả tích cực. Toàn ngành thuế đã thực hiện tốt các chức năng của ngành, phù hợp với trạng thái “bình thường mới” của đất nước trong đại dịch COVID-19. Đã đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính thuế, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp. Ngành thuế tiếp tục làm tốt công tác sắp xếp, tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý thuế.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình cũng đề nghị ngành thuế cũng cần phải thẳng thắn nhìn nhận, đánh giá khách quan và kỹ hơn một số tồn tại, hạn chế của ngành để tập trung khắc phục, có giải pháp đột phá trong thời gian tới như chính sách về thuế dần được hoàn thiện, nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn phát triển. Các chính sách phải được hoàn thiện theo hướng vừa bảo đảm nguồn thu, vừa nuôi dưỡng nguồn thu, bao quát được nguồn thu, bảo đảm công bằng, khuyến khích hoạt động sản xuất kinh doanh như thế mới tạo ra nguồn thu bền vững.

Bên cạnh đó, vẫn còn xảy ra tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, khiếu nại, khiếu kiện của doanh nghiệp, người nộp thuế. Cá biệt, có một số trường hợp, việc xử lý kéo dài qua nhiều năm, không được xử lý dứt điểm gây bức xúc cho doanh nghiệp, ảnh hưởng tới môi trường kinh doanh, đầu tư của Việt Nam và phải đẩy lên Chính phủ, Thủ tướng xử lý. Kỷ luật kỷ cương ở một số nơi còn chưa nghiêm, vẫn còn hiện tượng cán bộ vi phạm, phải xử lý…

“Phải có nhìn nhận thấu đáo, chỉ ra những nguyên nhân khách quan, chủ quan, áp dụng đúng quy định của pháp luật nhưng không cứng nhắc, thấu tình đạt lý, tăng cường chủ động, trách nhiệm trong công tác phối hợp giữa các bộ, cơ quan, đối thoại, giải thích với doanh nghiệp để tìm giải pháp xử lý dứt điểm, thấu đáo trong thời gian tới, giảm thiểu khối lượng công việc phải đẩy lên Chính phủ. Không để tình trạng "trên nóng, dưới lạnh", quyết tâm phòng chống “virus trì trệ””, Phó Thủ tướng Thường trực chỉ rõ.

Để toàn ngành thuế chủ động, tích cực quán triệt, tổ chức triển khai thực hiện thật tốt các nghị quyết của Chính phủ, kế hoạch của ngành, phù hợp thực tế và khả thi cao, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình nhấn mạnh một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu.

Thứ nhất, tích cực triển khai các nhiệm vụ nhằm hoàn thành xây dựng chiến lược cải cách thuế cho giai đoạn 2021-2030. Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện các chính sách về thuế (chính sách về miễn, giảm thuế, giãn thuế) để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, người dân chịu ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 – đây chính là một trong 3 đột phá mà Đảng ta đã xác định. Tiếp tục tham mưu, hoàn thiện thể chế, chính sách về thuế và quản lý thuế đáp ứng yêu cầu của đổi mới và hội nhập, nhất là trong kỷ nguyên của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4.

Xây dựng chính sách lấy người nộp thuế là trung tâm và là đối tượng phục vụ. Xây dựng chính sách phải chú trọng mở rộng cơ sở thuế, bao quát nguồn thu, tránh thất thu, thu sót, lưu ý các lĩnh vực để bảo vệ quyền đánh thuế của Việt Nam như chuyển nhượng vốn, cổ phần của doanh nghiệp kinh doanh ở Việt Nam nhưng thực hiện ngoài Việt Nam, loại hình kinh tế chia sẻ.... Phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2021.

Hai là, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế phát huy hơn nữa tinh thần trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và nhân dân, kiên quyết không để xảy ra tình trạng trì trệ, nhũng nhiễu trong thực thi nhiệm vụ, phải xây dựng được văn hóa, đội ngũ cán bộ ‘liêm chính, chí công vô tư”, thực hiện tốt trách nhiệm nêu gương của Đảng viên, nhất là của người đứng đầu. Nâng cao chất lượng nhân lực ngành thuế, chú trọng tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ công chức, đảm bảo tuân thủ pháp luật, quy định của ngành khi thực thi công vụ. Thắt chặt kỷ luật kỷ cương, thực hiện nghiêm quy định về luân chuyển cán bộ, nhất là các vị trí dễ xảy ra tiêu cực, bảo đảm minh bạch, công khai, dân chủ. Trong đó, vẫn còn một số cán bộ ngành thuế còn nhũng nhiễu, thờ ơ, chưa mạnh dạn đề xuất tháo gỡ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân. Ngành thuế cần có biện pháp mạnh mẽ để khắc phục ngay tình trạng này; thực hiện kiểm tra, xử lý nghiêm, đưa ra khỏi ngành những cán bộ công chức hư hỏng, thoái hóa, biến chất.

Ba là, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, hiện đại hóa ngành thuế theo hướng điện tử hóa, số hóa quản lý thuế, tập trung cải cách quản lý thuế, cắt giảm thủ tục hành chính thuế, mạnh dạn đề xuất các giải pháp đột phá, giảm thiểu những phiền hà, khó khăn, tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp và người dân.

Bốn là, tập trung quản lý thu thuế đối với hộ kinh doanh và khu vực ngoài quốc doanh, lĩnh vực này còn tiềm ẩn nhiều rủi ro thất thu thuế, nhất là trong bối cảnh thanh toán tiền mặt còn lớn, chưa kiểm soát được nguồn tiền và thu nhập. Tiến tới thực hiện thu thuế điện tử đối với khu vực kinh tế ngoài quốc doanh.

Năm là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế, tập trung thanh tra hoạt động chuyển giá, thương mại điện tử…Trong đó, tiến tới thanh tra, kiểm tra điện tử; đẩy mạnh công tác kê khai thuế điện tử, nộp thuế điện tử, hoàn thuế điện tử. Tổ chức đối thoại thường xuyên với người nộp thuế, gần gũi, đồng hành cùng cơ quan thông tấn, báo chí, tạo chuyển biến rõ nét trong việc chống thất thu góp phần ngăn chặn buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả; quản lý chặt chẽ việc xác định giá tính thuế; phát hiện và ngăn chặn các hành vi chuyển giá, trốn lậu thuế; tăng cường quản lý hoạt động của khu vực kinh tế phi chính thức.

 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm việc với Hội đồng Di sản văn hoá quốc gia

Ngày 5/1, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm việc với Hội đồng Di sản văn hoá quốc gia (Hội đồng) nhiệm kỳ 2020-2024.

Trong nhiệm kỳ 2015-2019, Hội đồng đã tổ chức thẩm định được 52 di tích, 112 hiện vật, nhóm hiện vật trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định công nhận Bảo vật quốc gia.

Hội đồng đã đóng góp ý kiến, thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ các hồ sơ di tích văn hóa, danh lam thắng cảnh và di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của Việt Nam trình UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới; Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại hoặc cần bảo vệ khẩn cấp.

Qua quá trình khảo sát và làm việc với các địa phương, GS. Lưu Trần Tiêu cũng nêu thực trạng các địa phương chưa quan tâm, có chế độ bảo vệ, bảo quản, bảo tồn tương xứng đối với bảo vật quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt.

Hội đồng đề nghị Bộ VHTTDL chỉ đạo các địa phương có biện pháp, phương án cụ thể để bảo vệ và bảo quản đặc biệt đối với bảo vật quốc gia, di sản văn hóa phi vật thể sau khi được UNESCO ghi danh; UBND tỉnh, thành phố quan tâm đúng mức đến việc quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị đối với di tích quốc gia đặc biệt.

Trân trọng những đóng góp của Hội đồng trong công tác xét hồ sơ công nhận di tích các cấp rất tốt, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam mong muốn trong nhiệm kỳ tới (2020-2024) Hội đồng làm tốt hơn nữa hoạt động tư vấn về những vấn đề liên quan đến khoa học, công tác quản lý để bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa, biến thành sức mạnh để đất nước phát triển. Đây là nhiệm vụ rất quan trọng, từ đó hình thành cơ chế, mạng lưới đồng hành, bổ trợ cơ quan quản lý nhà nước để công tác bảo tồn, phát huy di sản đi vào thực chất.

Phó Thủ tướng chia sẻ thêm trong quá trình phát triển, nhiều nước vì sức ép tăng trưởng kinh tế nên thường không chú ý vấn đề môi trường, xã hội, văn hóa. Đến lúc nhận ra thì các nước này phải mất hàng chục năm để giải quyết ô nhiễm môi trường, và hàng thế hệ để khắc phục những bất cập xã hội, văn hóa. So với nhiều nước cùng trình độ phát triển, các chỉ số về văn hóa, xã hội, phát triển con người phát triển bền vững của Việt Nam ở thứ hạng cao hơn nhiều so với thu nhập bình quân GDP tính trên đầu người.

Trao đổi về một số kiến nghị cụ thể của các thành viên Hội đồng liên quan về sự cần thiết phải có chương trình, đề án bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá, thúc đẩy dự án xây dựng bảo tàng lịch sử quốc gia… Phó Thủ tướng “đặt hàng” Hội đồng bàn và xem xét phương án thiết lập bảo tàng số quốc gia; nghiên cứu xây dựng bộ công cụ giám sát việc bảo tồn các di sản văn hóa trên cả nước.

Cũng tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Hội đồng đã nghe báo cáo của Trung tâm Bảo tồn di sản Hoàng thành Thăng Long về tiến độ triển khai công tác phục dựng Chính điện Kính Thiên,

Qua các ý kiến, Phó Thủ tướng giao Bộ VHTTDL, TP. Hà Nội sớm báo cáo cụ thể về vấn đề này. “Đây là việc cần làm đúng, làm thận trọng nhưng phải nhanh nhất có thể”, Phó Thủ tướng nói và nhấn mạnh Hoàng thành Thăng Long là di tích đặc biệt, quan trọng của quốc gia, vì vậy TP. Hà Nội, Bộ VHTTDL phải quan tâm hết sức sâu sát.

 

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng dự gặp mặt kỷ niệm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên

Ngày 5/1, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng dự buổi gặp mặt kỷ niệm 75 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam (6/1/1946 – 6/1/2021) và tổng kết hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc khóa XIV, nhiệm kỳ 2016-2021.

Phát biểu tại cuộc gặp mặt, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên (ngày 6/1/1946) đánh dấu bước trưởng thành của Nhà nước cách mạng Việt Nam, mở ra một thời kỳ mới của đất nước: Có một Quốc hội, có một Chính phủ thống nhất, hợp pháp và đại diện duy nhất cho nhân dân Việt Nam về đối nội, đối ngoại; một Nhà nước của dân, do dân và vì dân. Trải qua 14 khóa, Quốc hội Việt Nam ngày càng hoàn thiện, đã thực sự trở thành cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất.

Trong suốt quá trình xây dựng, phát triển của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc qua các khóa, các thời kỳ đã thực sự trở thành những đại biểu tin cậy của cử tri; đã có nhiều đóng góp rất quan trọng cho các hoạt động của Quốc hội cũng như trong sự nghiệp phát triển của đất nước, cả trong việc hoàn thiện thể chế, thực hiện giám sát, quyết định những vấn đề quan trọng, dự án quan trọng của đất nước.

Nhiều đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc đảm nhận các chức vụ quan trọng của Đảng, Nhà nước, của Quốc hội và của địa phương. Nhiều đại biểu vừa tham gia công việc của Quốc hội, vừa trực tiếp tham gia vào việc thực hiện nhiệm vụ của đất nước nói chung và tỉnh Vĩnh Phúc nói riêng; là cầu nối giữa nhân dân với các cấp lãnh đạo của tỉnh; luôn gắn bó, đại diện cho quyền lợi hợp pháp của cử tri, nhân dân.

Tham gia Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc trong 2 khóa, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chia sẻ, bày tỏ lòng cảm ơn đối với Đảng bộ, chính quyền, đặc biệt nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc, những cử tri đã tin tưởng, giúp đỡ trong những năm công tác tại tỉnh.

Theo Phó Thủ tướng, từ một tỉnh nghèo, Vĩnh Phúc đã vươn lên mạnh mẽ, trở thành điểm sáng, mô hình, một tỉnh phát triển hàng đầu của cả nước, thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội. Những thành tựu đó có sự đóng góp lớn của các đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc các khóa, các thời kỳ.

Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng mong muốn Vĩnh Phúc phát huy truyền thống quê hương anh hùng, phát triển mạnh mẽ trong tình hình mới của đất nước. Vĩnh Phúc cần tập trung phát triển đồng bộ hạ tầng kết cấu hạ tầng, sớm trở thành đô thị trung ương. Tỉnh đẩy mạnh phát triển kinh tế, trở thành tỉnh văn minh, hiện đại, trong đó tập trung thu hút các nguồn lực cho phát triển công nghiệp, tiếp tục lấy công nghiệp là nền tảng cho phát triển. Bên cạnh đó là phát triển nông nghiệp, tái cấu trúc nông nghiệp, tạo ra những sản phẩm có năng suất, chất lượng, giá trị cao; coi trọng, phát huy tiềm năng về du lịch của Vĩnh Phúc. Đồng thời, tỉnh chú trọng phát triển giáo dục đào tạo; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; xây dựng con người Vĩnh Phúc văn minh, tình nghĩa; chăm lo đời sống của người dân; đảm bảo quốc phòng, an ninh trật tự. Đây là những nhân tố quyết định môi trường để thu hút các nguồn lực đầu tư cho phát triển.

Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh, tỉnh tiếp tục làm tốt công tác xây dựng Đảng; xây dựng chính quyền phục vụ, chủ động, trực tiếp gắn bó, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp. Tỉnh quan tâm đến các tổ chức Mặt trận, đoàn thể, các tổ chức chính trị  - xã hội,... để tạo ra hệ thống chính trị vững mạnh. Trong dịp Tết sắp đến, Phó Thủ tướng đề nghị cấp ủy, chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc chăm lo tốt đời sống người dân, đảm bảo người dân đón Tết no ấm, an toàn, vui tươi./.

Top