Hà Nội

Hoạt động của các Phó Thủ tướng Chính phủ ngày 24/7/2020

24/07/2020 20:30

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp về phòng chống COVID-19

Ngày 24/7, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (COVID-19) đã họp triển khai công tác phòng, chống dịch. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì cuộc họp.

Tại cuộc họp, Ban Chỉ đạo đã bàn thảo các nội dung: Đón công dân Việt Nam từ các quốc gia, vùng lãnh thổ có dịch về nước; kiểm soát cửa khẩu, đường biên giới, đường mòn, lối mở; triển khai công tác phòng chống dịch tại Đà Nẵng,...

Sau khi nghe ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý và phát biểu của thành phố Đà Nẵng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, như đã nói nhiều lần, chúng ta đã xác định cuộc chiến chống dịch còn rất dài. Bởi dịch chỉ hết khi nào thế giới có vaccine và thuốc đặc trị. Do đó, tinh thần của chúng ta là luôn luôn sẵn sàng bất kỳ lúc nào cũng có thể xuất hiện ca bệnh trong cộng đồng.

Theo Phó Thủ tướng, kết quả đạt được trong công tác phòng, chống dịch cho đến ngày hôm nay là nỗ lực rất lớn. Nhưng “chúng ta ở cánh đồng trũng. Bên ngoài nước to, gió lớn. Chúng ta phải bao đê cho chặt”.

Tuy nhiên, chúng ta “một tuyến đê" trên bộ dài tới 4.000 km. Chúng ta cũng phải đón các chuyên gia sang làm việc; đưa công dân Việt Nam từ vùng có dịch về nước, trong đó một số địa bàn có số người bị nhiễm trên các chuyến bay là rất nhiều. Đặc biệt, tới đây Thủ tướng Chính phủ đã quyết định đón một số lao động ở châu Phi về, theo báo cáo ban đầu có hơn 100 người nhiễm…

Do vậy, chúng ta vẫn phải tiếp tục kiểm soát chặt, có kế hoạch đón người Việt Nam về phù hợp với khả năng điều trị, kiểm soát dịch bệnh trong nước. Đặc biệt là ngay khi phát hiện ra các chỗ “rò rỉ” thì phải lập tức bịt lại, xử lý gọn ngay từ đầu. Không để dịch bệnh lan rộng ra cộng đồng.

Về trường hợp nghi nhiễm COVID-19 ở Đà Nẵng, Phó Thủ tướng cho biết Ban Chỉ đạo đã nhận được thông tin và có chỉ đạo ngay từ ngày hôm qua (23/7). Ban Chỉ đạo ghi nhận và biểu dương tinh thần sẵn sàng và phản ứng rất kịp thời, đúng hướng dẫn của ngành y tế và chính quyền TP. Đà Nẵng. Khi có ca nghi nhiễm chúng ta phải tiến hành các biện pháp như đối với ca nhiễm từ xét nghiệm, cách ly, truy vết những người tiếp xúc gần… Như báo cáo của quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, đại diện Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, trường hợp này cần chờ kết quả xét nghiệm cuối cùng của cơ quan có uy tín hàng đầu của Việt Nam là Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, vì trong quá trình xét nghiệm có một số yếu tố cần phải làm lại.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng nhấn mạnh cho dù quả xét nghiệm có âm tính hay dương tính thì chúng ta vẫn phải tiếp tục triển khai các biện pháp giống như ca bệnh đã bị dương tính để xử lý. So với 4 tháng trước đây, thì tình hình đã khác nhiều. Chúng ta đã có kinh nghiệm thực tiễn ở nhiều địa phương. Những nơi chưa có ca bệnh cũng được tập huấn rất kỹ. Tinh thần là luôn sẵn sàng khi có ca nghi nhiễm hay nhiễm trong cộng đồng thì thực hiện phát hiện, truy vết người tiếp xúc, cách ly, xét nghiệm. Chúng ta khoanh vùng sớm nhất, quy mô nhỏ nhất ngay từ ban đầu để tiến hành dập dịch.

Phó Thủ tướng lưu ý các địa phương coi đây giống như tín hiệu để siết lại mức độ sẵn sàng của ngành y tế, hệ thống phòng, chống dịch. Ông yêu cầu tất cả các lực lượng chức năng, trước hết là y tế, quân đội, công an nâng cao tinh thần cảnh giác, sẵn sàng ứng phó với diễn biến mới của dịch bệnh, tuyệt đối không được chủ quan.

“Nếu sẵn sàng và làm đúng các yêu cầu đã được hướng dẫn, tập huấn từ trước đến nay thì cho dù tới đây có thể có những ca nhiễm trong cộng đồng nhưng chúng ta tập trung xử lý gọn ngay từ đầu sẽ không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng”, Phó Thủ tướng khẳng định.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng làm việc với tỉnh Hòa Bình

Ngày 24/7, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng đoàn công tác có buổi làm việc với tỉnh Hòa Bình và đi thăm, tặng quà các Mẹ Việt Nam Anh hùng, các thương binh, liệt sĩ, người có công trên địa bàn tỉnh nhân kỷ niệm 73 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2020).

Phát biểu tại buổi làm việc với tỉnh Hòa Bình, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá, Hòa Bình là địa phương giàu truyền thống văn hóa, lịch sử, cách mạng. Hòa Bình có vị trí địa lý quan trọng, là tỉnh miền núi, cửa ngõ vùng Tây Bắc, là vùng đệm trung gian tiếp nối giữa đồng bằng châu thổ Bắc Bộ với vùng núi cao miền Tây Bắc của Tổ quốc, là tỉnh nằm trong quy hoạch vùng Thủ đô.

Do đó, tỉnh Hòa Bình có nhiều tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên, đất đai, tài nguyên khoáng sản, tiềm năng về con người, vị trí địa lý, là điều kiện thuận lợi để Hòa Bình phát triển mọi mặt đời sống kinh tế-xã hội.

Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hòa Bình đã nỗ lực phấn đấu, đạt được một số kết quả khá tích cực trong năm 2019 và 6 tháng đầu năm 2020.

Bên cạnh những kết quả nêu trên, tỉnh Hoà Bình vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Quy mô của nền kinh tế còn nhỏ; chuyển dịch cơ cấu kinh tế chưa đạt được mong muốn; khai thác tiềm năng, lợi thế của tỉnh còn nhiều điểm nghẽn.

"Nguyên nhân lớn nhất là nút thắt về kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, cả giao thông đối nội và đối ngoại, khiến năng lực cạnh tranh của tỉnh bị ảnh hưởng", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Do đó, tỉnh cần tập trung lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; từ đó xây dựng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025.

Trước mắt, cần tập trung rà soát, bổ sung, cập nhật các Quy hoạch hiện hành, trong đó nâng cấp và mở rộng một số đô thị hiện có gắn với các trung tâm thương mại, đầu mối giao thông để phát triển đô thị là động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế-xã hội địa phương thời gian tới. Quy hoạch và mở rộng thành phố Hòa Bình trở thành thành phố công nghiệp, du lịch, thương mại để Hòa Bình trở thành một trong những hạt nhân phát triển của tiểu vùng Tây Bắc.

Trước hết, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn diễn biến khó lường, tỉnh Hòa Bình tuyệt đối không được chủ quan, luôn đề cao cảnh giác, theo dõi sát tình hình, tiếp tục thực hiện đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, kiên quyết không để dịch bệnh lây lan trong cộng đồng.

Tỉnh tập trung tháo gỡ kịp thời các rào cản, tạo điều kiện thuận lợi đẩy nhanh tiến độ giải ngân và nâng cao hiệu quả các dự án đầu tư công; tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi để thu hút mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế-xã hội; chủ động quỹ đất cho phát triển và thu hút đầu tư; bảo đảm công tác giải phóng mặt bằng. Tập trung cải cách hành chính, giải quyết những vấn đề vướng mắc, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp phát triển sản xuất, đầu tư.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý, công tác xây dựng nông thôn mới phải thực chất, không làm theo phong trào; phải lấy trọng tâm là phát triển kinh tế nông thôn, cơ sở hạ tầng, nâng cao đời sống người dân, bảo đảm an ninh trật tự.

Về những kiến nghị của tỉnh Hòa Bình liên quan đến các dự án, chương trình như: Đầu tư xây dựng hệ thống đường ống dẫn nước của dự án Hồ chứa nước Cánh Tạng; tuyến đường vành đai 5-Vùng thủ đô Hà Nội trên địa bàn tỉnh Hòa Bình; dự án ổn định dân cư, phát triển kinh tế-xã hội vùng hồ sông Đà giai đoạn 2009-2020..., Phó Thủ tướng giao các bộ, ngành nghiên cứu các kiến nghị tỉnh Hòa Bình, đồng thời trình cấp thẩm quyền xem xét, quyết định.

Trước đó, nhân kỷ niệm 73 năm Ngày thương binh liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2020), Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng đoàn công tác đã đến thăm hỏi, tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Chố (sinh năm 1926, xóm Máy, xã Hòa Bình, thành phố Hòa Bình) có 2 con liệt sĩ và thương binh Nguyễn Văn Chung (sinh năm 1947, tổ 9, phường Phương Lâm, thành phố Hòa Bình) hiện là Phó Chủ tịch Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh Hoà Bình.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng dự lễ công bố huyện nông thôn mới tại Hòa Bình

Chiều 24/7, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng dự lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019 và đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba cho đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Lương Sơn.

​Đến nay, Hòa Bình đã có 54 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 41,2%). Chương trình Mỗi xã một sản phẩm mới triển khai được hơn 2 năm nhưng đã bước đầu đạt những kết quả quả tích cực, góp phần vào phát triển kinh tế nông thôn. Trong đó, Lương Sơn là huyện đầu tiên và là đơn vị hành chính cấp huyện thứ 2 của tỉnh (sau thành phố Hòa Bình) được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

​Thừa ủy quyền lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc công nhận huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019; trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Lương Sơn.

​Theo Phó Thủ tướng, đây là niềm vui “kép”, là niềm vinh dự, tự hào của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hòa Bình nói chung, huyện Lương Sơn nói riêng.

​"Thành công của huyện Lương Sơn hôm nay là cơ sở để tỉnh Hòa Bình tổng kết, rút kinh nghiệm và tiếp tục chỉ đạo về xây dựng nông thôn mới trong thời gian tới. Tuy nhiên, đây mới chỉ là thành quả ban đầu của quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn hiện đại, bền vững", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

​Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng đề nghị tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, động viên các tầng lớp nhân dân chung tay, góp sức để xây dựng nông thôn mới, xây dựng huyện Lương Sơn nói riêng và tỉnh Hòa Bình nói chung ngày càng giàu đẹp, văn minh. Tỉnh Hòa Bình nói chung và huyện Lương Sơn nói riêng cần tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được, ngày càng nâng cao chất lượng và bảo đảm tính bền vững các tiêu chí nông thôn mới gắn với phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ môi trường.

​Từ những thành tựu đã đạt được, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Lương Sơn cần nỗ lực phấn đấu tìm ra những giải pháp đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng Lương Sơn xứng đáng là huyện tiêu biểu trong xây dựng nông thôn mới của tỉnh.

​Đồng thời, huyện cần phát huy những tiềm năng, lợi thế là một huyện miền núi cửa ngõ phía đông của tỉnh Hòa Bình, là cầu nối giữa Hòa Bình và Hà Nội, giữa đồng bằng châu thổ sông Hồng với miền núi phía bắc. Theo đó, tập trung phát triển đô thị huyện Lương Sơn theo đúng định hướng quy hoạch vùng thủ đô Hà Nội: Là đô thị sinh thái, nghỉ dưỡng; phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao.

​Huyện cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, vận dụng sáng tạo các cơ chế, chính sách vào điều kiện cụ thể của địa phương, tập trung huy động nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội nông thôn đồng bộ hơn nữa, từng bước đô thị hóa nông thôn. ​Trong sản xuất, huyện cần mở rộng mô hình ứng dụng công nghệ cao; đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới một cách bền vững.

​Phó Thủ tướng cũng đề nghị các huyện trên địa bàn tỉnh Hòa Bình tiếp thu, nắm bắt những bài học kinh nghiệm của huyện Lương Sơn đã tổng kết trong quá trình triển khai xây dựng nông thôn mới, từ đó phấn đấu trở thành các huyện tiếp theo được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021-2025./.

Top