Hà Nội

Hoạt động của các Phó Thủ tướng Chính phủ ngày 12/11

12/11/2019 19:38

Phó Thủ tướng Thường trực tiếp Chủ tịch Nghị viện bang Hessen (CHLB Đức)

Chiều 12/11, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã tiếp ông Boris Rhein, Chủ tịch Nghị viện bang Hessen (CHLB Đức) đang có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình bày tỏ mong muốn ông Boris Rhein có nhiều đóng góp to lớn hơn nữa cho mối quan hệ giữa bang Hessen và Việt Nam nói riêng, CHLB Đức nói chung, cho sự phát triển mạnh mẽ quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-CHLB Đức.

Phó Thủ tướng Thường trực đánh giá cao vị trí, tiềm năng của bang Hessen trong CHLB Đức. Bang có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại hai nước. Kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và bang đạt khoảng 1 tỷ USD (chiếm 1/8 kim ngạch hai chiều giữa Việt Nam và Đức).

Hiện nay, một số tập đoàn lớn của bang đã có mặt và đang hoạt động hiệu quả tại Việt Nam như Công ty Braun Melsungen, Tập đoàn Messer, Công ty Merck… Hai bên cần khuyến khích các doanh nghiệp Đức sang đầu tư tại Việt Nam ở các lĩnh vực Việt Nam có nhu cầu và bang Hessen có thế mạnh như hoá chất, dược phẩm, cơ khí chế tạo, công nghiệp phụ trợ, chế biến nông sản, sản xuất các sản phẩm cao su tự nhiên… Phó Thủ tướng Thường trực cũng mong muốn Chủ tịch Nghị viện và chính quyền bang Hessen tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam như Vietnam Airlines, Vietinbank, FPT hoạt động hiệu quả tại bang.

Đặc biệt, Phó Thủ tướng đánh giá cao những đóng góp to lớn của ông Boris Rhein trong thời gian giữ cương vị Bộ trưởng Bộ Khoa học và Nghệ thuật bang Hessen đối với dự án Trường Đại học Việt-Đức, góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Việt Nam, cũng như vai trò của Chủ tịch Nghị viện bang và các nghị sĩ bang ủng hộ phát triển quan hệ Việt Nam-CHLB Đức nói chung và Việt Nam-Hessen nói riêng. Đồng thời, mong muốn bang Hessen nói riêng và Đức tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ nguồn lực với Việt Nam trong việc xây dựng nhà nước pháp quyền, cải cách tư pháp…

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cũng đề nghị, với chức trách và ảnh hưởng của mình, ông Boris Rhein tiếp tục có tiếng nói ủng hộ để EU sớm phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do, Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa EU và Việt Nam. Sau khi được phê chuẩn, hai hiệp định này sẽ mang lại lợi ích to lớn cho người dân, doanh nghiệp và kinh tế hai nước, cũng là thông điệp cụ thể và mạnh mẽ về thương mại bình đẳng, tự do, minh bạch, góp phần tăng cường liên kết Á-Âu mà hai bên muốn truyền tải đến cộng đồng quốc tế, nhất là trong năm 2020, Việt Nam tiếp nhận, thực hiện chức trách Chủ tịch ASEAN, CHLB Đức làm Chủ tịch EU.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cảm ơn sự chia buồn sâu sắc của ông Boris Rhein về sự việc 39 người Việt Nam tử vong ở Anh, và cho biết, Việt Nam đang tích cực phối hợp với các cơ quan hữu quan để sớm đưa thi thể các nạn nhân về nước.

Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị Chủ tịch Nghị viện và chính quyền bang Hessen tiếp tục tạo điều kiện cho cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống, học tập tại đây tiếp tục làm ăn ổn định và hòa nhập tốt với cuộc sống ở Đức.

Chủ tịch Nghị viện bang Hessen cảm ơn sự đón tiếp nồng hậu mà Chính phủ Việt Nam và các cơ quan hữu quan dành cho đoàn. Ông Boris Rhein bày tỏ vui mừng khi chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của mối quan hệ giữa bang Hessen và Việt Nam ngày càng tốt đẹp, coi đây là vốn quý được hai bên vun đắp lâu dài. Vì vậy, hai bên cần tiếp tục thúc đẩy tình hữu nghị truyền thống, thúc đẩy thương mại và đầu tư, tăng cường trao đổi đoàn cấp cao giữa hai bên, mở rộng giao lưu nhân dân…

Đặc biệt, ông Boris Rhein cho biết, dự án Trường Đại học Việt-Đức là biểu tượng cao đẹp và thông điệp đầy ý nghĩa cho mối quan hệ hai bên, là tâm huyết mà ông đã nỗ lực thực hiện thời gian qua, nhất là để chuẩn bị cho việc kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ Việt Nam-CHLB Đức vào năm 2020. Nhà trường rất vinh dự và mong muốn được đón Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đến thăm vào năm tới.

 --------------------------

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tiếp các vị khách quốc tế

Chiều 12/11, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tiếp ông Richard Li, Chủ tịch Tập đoàn Pacific Century (Hong Kong, Trung Quốc) - tập đoàn hoạt động trên các lĩnh vực dịch vụ tài chính, công nghệ, truyền thông và viễn thông, bất động sản.

Thành lập năm 2013, Tập đoàn bảo hiểm FWD là định chế bảo hiểm thuộc Tập đoàn Pacific Century. FWD tham gia thị trường Việt Nam từ tháng 6/2016 bằng việc mua lại 100% vốn chủ sở hữu trong Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Great Eastern Việt Nam; hiện đã được Bộ Tài chính cấp giấy phép hoạt động kinh doanh trong cả 2 lĩnh vực là bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm sức khỏe.

Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và FWD đang giao dịch để ký hợp đồng phân phối bảo hiểm và nhận chuyển nhượng vốn góp của Vietcombank tại Công ty liên doanh Bảo hiểm nhân thọ Vietcombank-Cardif.

Ông Richard Li cho biết, Vietcombank là ngân hàng thương mại hàng đầu của Việt Nam, vững mạnh về tài chính và có sự tăng trưởng tốt, đây là lý do Tập đoàn này chọn Vietcombank làm đối tác đầu tư.

Hoan nghênh ông Richard Li sang thăm và làm việc tại Việt Nam, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ bày tỏ ấn tượng với kết quả hoạt động của FWD  tại Việt Nam thời gian qua. Đánh giá cao việc hợp tác giữa FWD và Vietcombank, Phó Thủ tướng cho rằng, hợp tác này sẽ giúp FWD mở rộng cả quy mô và phạm vi của hoạt động phân phối bảo hiểm, đến được với nhiều phân khúc khách hàng Việt Nam hơn.

Phó Thủ tướng VĐH cũng đề nghị FWD đầu tư vào lĩnh vực khởi nghiệp sáng tạo là một thế mạnh tiềm năng của Việt Nam.

*Trước đó, vào trưa 12/11, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tiếp ông Luo Xi, Chủ tịch Tập đoàn Bảo hiểm Thái Bình (Trung Quốc).

Đánh giá cao ý định đầu tư của Tập đoàn Thái Bình vào thị trường bảo hiểm của Việt Nam, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, đối với bảo hiểm nhân thọ, hiện công ty nước ngoài và doanh nghiệp Việt Nam đưa ra nhiều sản phẩm đa dạng.

Đối với bảo hiểm xã hội, chủ trương của Việt Nam là phát triển hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng, hướng tới mục tiêu bao phủ trong nhân dân. Trong đó, tầng một là trợ cấp của Nhà nước cho người cao tuổi không có quan hệ lao động trước đây và về già không có chính sách bảo hiểm. Tầng thứ hai là bảo hiểm xã hội bắt buộc và tự nguyện, một số đối tượng được hỗ trợ một phần kinh phí cho việc mua bảo hiểm. Tầng thứ ba là bảo hiểm hưu trí tự nguyện, đây là hình thức bảo hiểm theo thị trường, người không có quan hệ lao động hoặc người muốn đóng nhiều hơn để hưởng nhiều hơn sẽ dựa vào thị trường, vào sản phẩm của doanh nghiệp và công ty chứng khoán.

Ghi nhận đề xuất của lãnh đạo Tập đoàn Thái Bình, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ giao Bộ Tài chính xử lý hồ sơ thủ tục theo thẩm quyền, đề nghị Tập đoàn sớm gửi hồ sơ cho Bộ Tài chính xem xét.

 --------------------------

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự Hội nghị định hướng nghiên cứu KHCN trong Bộ Quốc phòng

Chiều 12/11, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự Hội nghị định hướng nghiên cứu khoa học và công nghệ (KHCN) trong Bộ Quốc phòng.

Cùng dự có Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh, Thượng tướng Phan Văn Giang Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; lãnh đạo một số bộ ngành Trung ương, các đơn vị trong Quân đội.

Giai đoạn 2011-2020, công tác nghiên cứu KHCN quân sự có những bước phát triển và đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Phát biểu lại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao sự nỗ lực của Bộ Quốc phòng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ về nghiên cứu KHCN quân sự. Những thành tựu trong thực hiện nhiệm vụ KHCN đã đáp ứng cơ bản yêu cầu làm chủ trang thiết bị mới và cũ; nâng cấp, cải tiến, sửa chữa trang thiết bị ở các cấp độ trong quân đội.

Đặc biệt, quân đội đã có các công trình nghiên cứu, tiếp thu học hỏi các công nghệ tiên tiến để làm chủ nhiều lĩnh vực khó với trình độ kỹ thuật cao, một số công nghệ ngang tầm thế giới. Các cơ sở nghiên cứu đã có gắn kết với sản xuất, cơ chế hợp tác chính thức và phi chính thức được đẩy mạnh... Những kết quả đáng khích lệ này đã góp phần nâng cao uy tín của đội ngũ nghiên cứu KHCN của quân đội.

Phó Thủ tướng đồng ý với một số kiến nghị của Bộ Quốc phòng như: Tiếp tục thực hiện các chương trình, đề tài liên quan đến các sản phẩm, mục tiêu ưu tiên; đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực; khuyến khích các đơn vị ngoài quân đội tham gia nghiên cứu phục vụ quốc phòng; đổi mới cơ chế tài chính để sản xuất các sản phẩm lưỡng dụng…

Bộ Quốc phòng cũng đề xuất Chính phủ cho phép mở mới một số chương trình, đề án, nhiệm vụ KHCN có tính cấp thiết, đáp ứng yêu cầu xây dựng quân đội trong giai đoạn 2021-2025.

Dành thêm thời gian nói về các nhiệm vụ nghiên cứu KHCN mang tính lưỡng dụng, Phó Thủ tướng Vũ  Đức Đam nhấn mạnh yêu cầu phải đổi mới cơ chế quản lý kinh phí nghiên cứu khoa học; có cơ chế kinh tế khuyến khích các DN đầu tư vào KHCN trong ngắn hạn và dài hạn sẽ được hưởng lợi ích vật chất trực tiếp (thuế, tài chính, đất đai) và cả tinh thần thông qua các hình thức tôn vinh… Vì vậy, những chương trình, đề tài “hạt nhân” của khoa học kỹ thuật quân sự, khoa học lưỡng dụng sẽ góp phần tháo gỡ những vướng mắc trong cơ chế quản lý hoạt động nghiên cứu KHCN hiện nay.

Phó Thủ tướng giao Bộ KH&CN, Bộ Quốc phòng và các đơn vị liên quan xây dựng, lựa chọn những chương trình, nhiệm vụ KHCN lưỡng dụng, đặc biệt là những ngành tiềm năng của cách mạng công nghiệp 4.0, trong đó chú trọng không gian mạng và không gian vũ trụ.

“Làm chủ KHCN, tiến tới làm ra các sản phẩm mới phục vụ quốc phòng, an ninh và cho phát triển kinh tế-xã hội phải bằng việc cụ thể và đột phá từ quân đội. Các đồng chí chọn việc, chọn nhiệm vụ, xây dựng cơ chế điều phối mang màu sắc 'kỷ luật là sức mạnh', chỉ đạo thực hiện thống nhất các đơn vị trong quân đội và dân sự, đi cùng với đó là cơ chế bảo đảm tài chính đặc thù, theo tinh thần chỉ quản kết quả nghiên cứu cuối cùng”, Phó Thủ tướng nói./.

Top