Hà Nội

Hoạt động của các Phó Thủ tướng Chính phủ ngày 01/10

01/10/2019 19:20

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ gặp mặt các tập thể, cá nhân tích cực ủng hộ quỹ “Vì người nghèo”

Chiều 1/10, Ban chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia và Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổ chức gặp mặt, biểu dương các doanh nghiệp, doanh nhân, tập thể, cá nhân tích cực vận động, ủng hộ quỹ “Vì người nghèo” và an sinh xã hội trong 3 năm 2017- 2020.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia, chủ trì sự kiện.

Tổng hợp kết quả rà soát hộ nghèo năm 2018, cả nước còn 1,3 triệu hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 5,23%, giảm 1,47% so với cuối năm 2017; 1,2 triệu hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 4,95%; tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo là 33,63%, giảm 5,93%; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số là 22,84%, giảm 4,72% so với cuối năm 2017

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên hoàn thành mục tiêu thiên niên kỷ về xoá đói giảm nghèo của Liên Hợp Quốc và đang triẻn khai Chương trình nghị sự phát triển bền vững tới 2030 của tổ chức lớn nhất hành tinh này.

Đảng và Nhà nước luôn quan tâm tới công tác xoá đói giảm nghèo, thực hiện các giải pháp an sinh xã hội. Mặc dù tăng trưởng kinh tế thời gian qua chỉ từ 7-8%/năm nhưng chi cho an sinh xã hội tăng bình quân trên 20%/năm.

Ngoài các khoản chi từ ngân sách nhà nước, Chính phủ cũng triển khai tín dụng chính sách qua Ngân hàng chính sách xã hội Việt Nam cho vay thoát nghèo hơn 200.000 tỷ đồng trong hơn 15 năm qua.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ dẫn số liệu của Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho biết trong 9 năm qua các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đã ủng hộ người nghèo trên 50.000 tỷ  đồng để giúp đỡ họ khắc phục khó khăn trong cuộc sống, vươn lên thoát nghèo.

“Chưa kể nhiều doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các ngân hàng, tổ chức tín dụng đã lặng lẽ hỗ trợ rất rất nhiều mà chúng ta chưa thống kê được. Chúng tôi đã đề nghị các đơn vị này báo cáo số liệu ủng hộ nhưng họ nói không cần thiết”, Phó Thủ tướng cho biết.

“Dù ủng hộ công khai hay lặng lẽ thì Ban chỉ đạo và Mặt trận thấy rằng cần phải có các hình thức tri ân tới các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp và các cộng đồng có tinh thần thiện nguyện”, Trưởng Ban chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia nói.

Với sự hỗ trợ của Nhà nước và xã hội, cả nước đã sửa chữa, xây mới 1,5 triệu nhà đại đoàn kết và giúp hàng triệu người thoát nghèo, nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục, thông tin, truyền thông và các dịch vụ cơ bản khác.

Đặc biệt trong 3 năm trở lại đây, đã có 8 huyện thoát khỏi huyện nghèo, 200 xã thoát khỏi khó khăn, nhiều xã trở thành xã nông thôn mới hay thôn, bản nông thôn mới.

“Việc tiếp nhận ủng hộ và chi tiêu công đều công khai, minh bạch và không ai được phép gian lận 1 cắc, 1 hào. Đây là lệnh của Thủ tướng và Chủ tịch Mặt trận tới các cấp, đơn vị rồi”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh tới các nhà tài trợ.

Phó Thủ tướng cũng thông tin về trường hợp 100 hộ dân ở Ba Chẽ, Quảng Ninh tự nguyện viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo và khẳng định: “Không chỉ người có điều kiện chia sẻ với người nghèo mà người nghèo cũng có ý thức chia sẻ với nhau, để dành nguồn lực cho người khác khó khăn hơn mình. Đó là tinh thần tương thân tương ái quý báu của dân tộc ta”.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cho biết, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh nhưng cả nước vẫn còn 2,53 triệu hộ nghèo theo chuẩn nghèo mới. Tỷ lệ tái nghèo rất cao khi gặp biến cố bão lũ,... đòi hỏi Chính phủ, các địa phương tiếp tục ban hành và thực thi đồng bộ các chính sách giảm nghèo căn cơ hơn nữa và huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực của Nhà nước, xã hội. Sắp tới, Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét về Chương trình tổng thể phát triển kinh tế- xã hội bền vững các xã vùng dân tộc, biên giới.

 ---------------------

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự lễ ra mắt hai dự án của Đề án Hệ tri thức Việt số hóa

Ngày 1/10, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự lễ ra mắt Bản đồ số Việt Nam(Vmap) và hệ thống kết nối thông tin nhân đạo (iNhandao), hai dự án tiên phong của Đề án Hệ tri thức Việt số hóa và đã đạt được một số kết quả quan trọng trong giai đoạn 1.

Một trong những nền tảng dữ liệu cơ bản nhất của mỗi quốc gia chính là bản đồ và lớp dữ liệu địa chỉ. Để chủ động trong quản lý nguồn dữ liệu đó, đồng thời đáp ứng nhu cầu tìm kiếm thông tin, địa chỉ của người dùng Việt mà các nền tảng sẵn có hiện chưa đáp ứng được, Việt Nam cần xây dựng một bản đồ trực tuyến của riêng mình.

Đến nay, Vmap thu thập được hơn 23,4 triệu địa chỉ trên cả nước với các lớp dữ liệu nền và trong từng lĩnh vực giáo dục, y tế, du lịch, nhà dân…

Kế thừa các địa chỉ số từ Vmap, hệ thống iNhandao do Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phối hợp với tập đoàn FPT phát triển nhằm tạo ra kênh tiếp cận mở, kết nối người cần cứu trợ với những nhà thiện nguyện một cách chủ động, tức thời.

Trong giai đoạn đầu iNhandao triển khai xây dựng dữ liệu địa chỉ nhân đạo nhằm cung cấp cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp những thông tin phong phú và chính xác. Từ đó các hoạt động của các nhà tài trợ được đảm bảo đến tay đúng đối tượng, đúng nhu cầu, thuận tiện, trên tinh thần minh bạch, rõ ràng, tạo sự thay đổi lớn về cách làm và mức độ ảnh hưởng tới xã hội. Nhà tài trợ ngoài việc tìm được đúng đối tượng và triển khai tài trợ thuận tiện, cũng có thể quản lý các hoạt động tài trợ của mình trên hệ thống một cách dễ dàng, minh bạch.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam bày tỏ sự vui mừng khi “hạt giống” chia sẻ tri thức, kết nối cộng đồng, cổ vũ sáng tạo của Hệ tri thức Việt số hoá đã bắt đầu “nảy mầm” trong đó có dự án Bản đồ số Việt Nam (Vmap) và hệ thống kết nối thông tin nhân đạo (iNhandao). Mặc dù mới ra mắt ở giai đoạn một nhưng những nền tảng này đã được cộng đồng đón nhận, bắt đầu ứng dụng trong thực tiễn.

“Rất nhiều bạn trẻ đến từ Viện Hàn lâm Khoa học-Công nghệ Việt Nam, tập đoàn FPT, nhiều đơn vị, đặc biệt là Tổng công ty Bưu điện Việt Nam đã tham gia hoàn toàn tự nguyện, hết lòng vì cộng đồng. “Cây” tri thức Việt số hoá đã bắt đầu “nảy mầm” và cần tiếp tục được “chăm bón” để “đơm hoa, kết trái”. Chúng tôi mong muốn có thêm nhiều bàn tay cùng góp sức để chăm sóc cho Vmap, iNhandao nói riêng, Hệ tri thức Việt số hoá nói chung”, Phó Thủ tướng chia sẻ.

Lấy ví dụ iNhandao hiện mới dừng ở mức đưa các thông tin địa chỉ nhân đạo cần được trợ giúp, Phó Thủ tướng cho rằng những bước tiếp theo hệ thống này phải kết nối được tất cả mọi người trong xã hội có mong muốn, khả năng trợ giúp về vật chất, tinh thần, kiến thức, thời gian…

“Một cháu học sinh nghèo muốn có một đôi dép hay chiếc cặp sách nhưng cụ thể hơn là đôi dép, cặp sách đó màu gì, kích cỡ ra sao hay những người cần trợ giúp về thời gian, kiến thức, tư vấn… thì đều được kết nối với những tấm lòng thiện nguyện. Và những trợ giúp từ người có tấm lòng đến người nhận sẽ được công khai, minh bạch hoàn toàn. Từ đó lan toả những điều tốt đẹp trong xã hội”, Phó Thủ tướng nói.

Đánh giá cao sự cam kết đồng hành, đầu tư của các doanh nghiệp trong triển khai giai đoạn tiếp theo của iNhandao, Vmap, Phó Thủ tướng mong muốn các dự án thành phần khác của Hệ tri thức Việt số hoá tiếp tục được doanh nghiệp, cộng đồng, người dân ủng hộ, phát triển.

 ------------------------

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng kiểm tra thực địa một số dự án giao thông trọng điểm tại Hà Nội

Ngày 1/10, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã kiểm tra thực địa một số dự án giao thông trọng điểm tại Hà Nội, gồm: Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh-Hà Đông; Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến số 3, đoạn Nhổn-ga Hà Nội; Dự án đầu tư xây dựng cầu cạn đoạn Mai Dịch-Nam Thăng Long thuộc đường vành đai III.

Báo cáo về tuyến đường sắt Cát Linh-Hà  Đông, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông đã hoàn thành 99% khối lượng xây lắp. Vật tư, thiết bị đã chuyển về  đến công trường đạt khoảng 99% và lắp đặt đạt 97% khối lượng thiết bị; đã vận hành, chạy thử 13/13 đoàn tàu. Mặc dù tiến độ thi công thời gian qua đã có chuyển biến nhưng còn chậm, chưa đáp ứng được tiến độ đã đề ra.

Nguyên nhân chính của việc chậm trễ này được Bộ GTVT lý giải là do chưa tập trung đủ hồ sơ để vận hành khai thác thương mại. Bộ GTVT vẫn đang tiếp tục yêu cầu tổng thầu thực hiện đúng hồ sơ thiết kế dự án được duyệt nhằm đáp ứng các yêu cầu đánh giá an toàn hệ thống theo yêu cầu của Đơn vị tư vấn ACT (Pháp).

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh: Dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông không chỉ là dự án trọng điểm của Hà Nội, mà còn là lời hứa của Bộ GTVT, của Chính phủ với nhân dân Thủ  đô.

Dự án đã phải tăng tổng mức đầu tư từ gần 8.770 tỷ đồng thành hơn 18.000 tỷ đồng; điều chỉnh tiến độ 4 lần. Ban đầu, thời gian dự kiến thực hiện dự án từ 2008-2013; sau 4 lần điều chỉnh, dự kiến hoàn thành 2018, vận hành, chạy thử đến hết 31/3/2019, nhưng đến nay vẫn chưa xác định được chính thức thời gian hoàn thành dự án.

“Tôi đã nghe báo cáo, do kinh nghiệm của chúng ta còn hạn chế khiến dự án còn nhiều vướng mắc, chậm tiến độ, kéo dài thời gian hoàn thành. Trách nhiệm cao nhất trong dự án này là nhà thầu, chủ đầu tư dự án (Ban Quản lý dự án đường sắt của Bộ GTVT) cùng tư vấn. Các đồng chí phải đẩy nhanh tiến độ, khẩn trương đưa dự án vào khai thác trong năm nay, khép lại hồ sơ dự án này. Yêu cầu Bộ GTVT thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, khẩn trương phối hợp với các cơ quan liên quan xem xét, đưa dự án vào sử dụng với điều kiện đảm bảo tuyệt đối an toàn”, Phó Thủ tướng chỉ đạo.

Về phía Hà Nội, Phó Thủ tướng đánh giá cao sự phối hợp của Thành phố trong việc chủ  động đào tạo nhân lực tiếp nhận hệ thống từ nhân viên vận hành, lái tàu đến hệ thống bán vé điện tử…

“UBND TP. Hà Nội, với vai trò cơ quan quản lý khai thác trực tiếp và vận hành hệ thống, cần khẩn trương tập trung làm việc với tư vấn và nhà thầu, chủ đầu tư để hoàn thành việc chứng nhận an toàn khai thác để vận hành hệ thống. Chúng ta phải giữ lời hứa với nhân dân Thủ đô về tuyến đường sắt đô thị đầu tiên này”, Phó Thủ tướng nói.

Tại buổi họp, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu sự cam kết về an toàn và tiến độ từ phía tổng thầu Trung Quốc, đại diện là ông Đường Hồng, Giám đốc dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông.

Đối với các dự án giao thông tại Thủ đô, Phó Thủ tướng đánh giá, những năm qua, Bộ GTVT, UBND TP. Hà Nội đã tích cực triển khai nhiều dự án, công trình giao thông, từng bước thực hiện Nghị quyết Trung ương số 13 và Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. 10 trong số 14 dự án trọng điểm đã hoàn thành, các dự án trọng điểm khác đang được triển khai đã làm thay đổi diện mạo Thủ đô theo hướng văn minh hiện đại.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng đánh giá, các đô thị lớn nói chung và Thủ đô nói riêng đang đứng trước thách thức rất lớn do xu hướng tập trung hoá đô thị không đồng đều. Hiện nay người dân sẽ dịch chuyển về những đô thị có hạ tầng tốt hơn, thuận tiện hơn, tạo áp lực cho cả hệ thống hạ tầng giao thông.

Với các dự án giao thông trọng điểm, Phó Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND TP. Hà Nội tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ theo hướng giải quyết khó khăn của từng dự án để giải toả tình trạng ách tắc trên những “đại công trường” giữa lòng đô thị.

Với Dự án đường sắt đô thị tuyến số 3, đoạn Nhổn-ga Hà Nội, đã điều chỉnh 3 lần, dự kiến hoàn thành năm 2022, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính xem xét, xử lý, trình cấp có thẩm quyền gia hạn, bổ sung hiệp định vay theo đúng quy định pháp luật. Bộ KH&ĐT xem xét, xử lý kiến nghị của UBND TP. Hà Nội về việc bổ sung kế hoạch vốn ODA cho dự án theo đúng quy định; Bộ Xây dựng sớm hướng dẫn chủ đầu tư một số vấn đề liên quan đến hợp đồng.

Về Dự án đường sắt đô thị, tuyến số 2, đoạn Nam Thăng Long-Trần Hưng Đạo, Phó Thủ tướng yêu cầu UBND TP. Hà Nội thực hiện trình tự, thủ tục về điều chỉnh dự án theo đúng quy định. Bộ VHTT&DL, Bộ Tư pháp khẩn trương có ý kiến bằng văn bản về phương án thiết kế, thi công ga ngầm C9 để UBND TP. Hà Nội hoàn thiện hồ sơ, báo cáo Chính phủ. Bộ Tài chính xem xét, xử lý kiến nghị của Hà Nội về gia hạn, điều chỉnh hiệp định vay vốn của dự án theo đúng quy định pháp luật, trường hợp vượt thẩm quyền, yêu cầu báo cáo lên Chính phủ.

Đối với Dự án đầu tư xây dựng cầu cạn đoạn Mai Dịch- Nam Thăng Long thuộc đường vành đai III, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT tiếp tục chỉ đạo chủ đầu tư, các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành công trình chất lượng tốt, đúng và vượt tiến độ đã đề ra. Đồng thời, do công trình được xây dựng trên cao, dọc đường Phạm Văn Đồng, nên cần đặc biệt lưu ý bảo đảm tuyệt đối an toàn trong quá trình thi công.

Trường hợp sử dụng vốn dư để  đầu tư bổ sung một số hạng mục công trình nhằm tăng hiệu quả đầu tư dự án, Bộ GTVT cần thực hiện trình tự, thủ tục điều chỉnh dự án theo đúng quy định pháp luật./.

Top