Hà Nội

Đổi mới Luật Khoa học và Công nghệ phù hợp với thực tiễn

(Chinhphu.vn)-Luật Khoa học và Công nghệ (KHCN) với vị trí là đạo luật cơ bản về lĩnh vực KHCN cần tiếp tục thể chế hóa những quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển KHCN phục vụ mục tiêu phát triển đất nước nhanh, bền vững phù hợp với điều kiện trong nước và bối cảnh quốc tế hiện nay.

13/07/2012 17:48

Ảnh: Mai Chi

Chiều 13/7, tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội thảo lấy ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, các bộ, ngành liên quan và địa phương đối với Dự án Luật KHCN sửa đổi để trình Chính phủ xem xét.

Các đại biểu đã tập trung thảo luận vào những nội dung chính như: Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, các nhân các nhà khoa học; Đổi mới cơ chế xác định nhiệm vụ KHCN; Đổi mới cơ chế tài chính trong lĩnh vực KHCN; Đổi mới chính sách ưu đãi đầu tư và các chính sách ưu đãi khác; Việc đóng góp vào Qũy phát triển KHCN của doanh nghiệp…

Luật KHCN hiện hành được ban hành cách đây 12 năm. Khi đó Việt Nam chưa phải là thành viên của WTO, chưa hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế quốc tế, chưa vượt qua ngưỡng của một nước kém phát triển và chưa có hệ thống luật pháp đồng bộ về KHCN. Từ đó đến nay hệ thống văn bản pháp luật đã được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện rất căn bản. Luật KHCN hiện hành đã bộc lộ một số bất cập về nội dung cũng như hình thức văn bản. Có nhiều quy định không còn phù hợp với thực tiễn và hệ thống pháp luật hiện hành; nhiều điều, khoản quy định còn chung chung, hiệu lực thực thi pháp luật chưa cao.

Vì vậy hầu hết ý kiến các đại biểu đều thống nhất rằng Luật KHCN cần được sửa đổi, bổ sung để tạo ra sự thống nhất, đồng bộ của các văn bản pháp luật về KHCN; bảo đảm tính phù hợp cả nội dung cũng như hình thức văn bản và được cập nhật để đáp ứng quá trình đổi mới và hội nhập quốc tế.

Mặt khác, Luật KHCN phải tạo được nền tảng pháp lý nhằm giải quyết triệt để những bất cập, vướng mắc đang cản trở sự phát triển KHCN trong thời gian để triển khai thực hiện 3 nhiệm vụ then chốt mang tính đột phá trong hoạt động KHCN là: tiếp tục đổi mới cơ bản, toàn diện và đồng bộ tổ chức, cơ chế quản lý và cơ chế hoạt động KHCN; tăng cường tiềm lực KHCN quốc gia; tăng cường đầu tư của toàn xã hội cho KHCN, trước hết là đầu tư vào hạ tầng KHCN.

Dự án Luật KHCN sửa đổi lần này được xây dựng dựa trên quan điểm Luật KHCN sửa đổi phải thực sự trở thành một đạo luật gốc trong lĩnh vực KHCN; kế thừa các quy định pháp luật đã được thực tiễn kiểm nghiệm và còn phù hợp với yêu cầu phát triển KHCN hiện nay và những năm tới… Dự án Luật KHCN sửa đổi lần này gồm 75 điều, được chia thành 8 chương (bỏ 14/59 điều, sửa đổi 39/59 điều của Luật KHCN hiện hành, đồng thời bổ sung 30 điều mới).

Một trong những vấn đề được các đại biểu quan tâm là đổi mới cơ chế tài chính trong lĩnh vực KHCN. Đa số các tổ chức KHCN, các nhà khoa học đều cho rằng vướng mắc lớn nhất, điểm tắc nghẽn chủ yếu nhất trong hoạt động KHCN hiện nay chính là cơ chế tài chính. Cơ chế tài chính hiện hành trong hoạt động KHCN còn mang nặng tính bao cấp và là cơ chế tài chính hành chính, không phù hợp với đặc thù của hoạt động sáng tạo và không đáp ứng yêu cầu tiến độ của hoạt động KHCN, không tạo điều kiện cho cơ quan quản lý Nhà nước về KHCN bảo đảm sử dụng đúng mục đích.

Dự thảo Luật KHCN sửa đổi cũng nhấn mạnh đến phải xây dựng chính sách thỏa đáng về tiền lương, điều kiện làm việc, chỗ ở đối với những nhà KHCN đầu ngành, các nhà khoa học được giao làm chủ nhiệm nhiệm vụ KHCN quan trọng của quốc gia.

Về tổ chức thực hiện nhiệm vụ KHCN, so với Luật hiện hành, Dự án Luật KHCN sửa đổi có một số điểm mới như: bổ sung một số quy định để làm rõ khái niệm nhiệm vụ KHCN, phân cấp nhiệm vụ KHCN, căn cứ, thẩm quyền, trình tự, thủ tục xác định nhiệm vụ KHCN nhằm nâng cao trách nhiệm của cơ quan nhà nước các cấp, phù hợp với tình hình mới, với cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế. Đặc biệt đã bổ sung quy định về đặt hàng thực hiện nhiệm vụ KHCN, về hợp đồng KHCN, về liên kết giữa tổ chức KHCN với doanh nghiệp để xác định và tổ chức thực hiện nhiệm vụ KHCN nhằm thúc đẩy sự gắn kết chặt chẽ giữa tổ chức KHCN với doanh nghiệp.

Ban soạn thảo Dự án Luật KHCN sửa đổi sẽ tiếp tục lấy ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, các bộ, ngành và địa phương để hoàn thiện Dự án trình Chính phủ trong thời gian tới.

Mai Chi

Top