Hà Nội

Dịch vụ công phải có xác thực định danh điện tử mới thành công

(Chinhphu.vn) – Mỗi cá nhân, tổ chức cần phải được định danh khi tham gia vào các giao dịch điện tử để chứng minh "tôi là tôi". Định danh và xác thực điện tử có vai trò rất quan trọng trong việc triển khai Chính phủ điện tử. Đây là nội dung mang tính cần thiết và cấp bách cần khẩn trương hoàn thiện, từ đó thúc đẩy tính tin cậy của dịch vụ công trực tuyến.

21/11/2019 17:16

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Hoàng Anh

.

Sáng 21/11, tại trụ sở Văn phòng Chính phủ (VPCP), Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng đã có buổi làm việc với các bộ, nhà cung cấp dịch vụ viễn thông về việc định danh, xác thực trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.

.

Tham dự cuộc họp có đại diện: Bộ Quốc phòng; Bộ Thông tin và Truyền thông; các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông: Viettel, VNPT, Mobifone, Vietnamobile; các Vụ, đơn vị VPCP.

.

Theo ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát Thủ tục hành chính (VPCP), ngày 31/10, VPCP đã có văn bản đề nghị các nhà mạng thực hiện đối chiếu dữ liệu đăng ký tài khoản người dùng do Cổng Dịch vụ công quốc gia cung cấp với cơ sở dữ liệu thuê bao di động phục vụ việc định danh cho cá nhân trước ngày 15/11/2019.

.

Tuy nhiên, tới nay tiến độ triển khai thực hiện chưa đáp ứng yêu cầu. Tổng công ty Mobifone, Vietnamobile đang phối hợp với VPCP thực hiện kết nối mạng; chưa thực hiện việc tích hợp dữ liệu thuê bao theo đề nghị. Tập đoàn Viettel chưa thực hiện các giải pháp kỹ thuật.

.

Về dịch vụ nhắn tin từ Cổng Dịch vụ công quốc gia (SMS branchname), ngày 31/10, VPCP đã có văn bản đề nghị các Tập đoàn, Tổng Công ty, Công ty dịch vụ viễn thông cung cấp cho Cổng Dịch vụ công quốc gia một đầu số (SMS Branchname) để cung cấp dịch vụ thông báo tin nhắn SMS miễn phí từ Cổng Dịch vụ công quốc gia cho người dân, doanh nghiệp.

.

Để bảo đảm tiến độ khai trương Cổng Dịch vụ công quốc gia đầu tháng 12 năm 2019, VNPT đề xuất VPCP giao VNPT là đầu mối kỹ thuật và đề nghị các Tập đoàn, Tổng Công ty, Công ty phối hợp với Tập đoàn VNPT kết nối và kích hoạt Branchname CongDVCQG trên mạng di động của mình và miễn phí tin nhắn cho Branchname này của Cổng Dịch vụ công quốc gia được gửi từ Vinaphone (VNPT).

.

Tại cuộc họp, đại diện Tập đoàn Viettel đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông có văn bản chỉ đạo để các doanh nghiệp viễn thông có cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện, bảo đảm tuân thủ đúng quy định Luật Viễn thông.

.

Trước băn khoăn này, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính Ngô Hải Phan cho rằng, tại Quyết định 274/QĐ-TTg ngày 12/3/2019 phê duyệt Đề án Cổng Dịch vụ công quốc gia, Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ với các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông phối hợp với VPCP kết nối, tích hợp cơ sở dữ liệu thuê bao di động với Hệ thống định danh điện tử của Cổng Dịch vụ công quốc gia để bảo đảm tính xác thực của định danh di động.

.

Ngoài ra, giải pháp đăng ký trên Cổng Dịch vụ công quốc gia không yêu cầu các nhà mạng cung cấp, chia sẻ thông tin dữ liệu thuê bao mà chỉ thực hiện việc đối chiếu các thông tin dữ liệu do người sử dụng đăng ký từ Cổng Dịch vụ công quốc gia, do vậy bảo đảm việc không làm lộ lọt thông tin thuê bao của các nhà mạng. Tập đoàn Viettel cần thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, không cần thiết phải có văn bản của Bộ Thông tin và Truyền thông để làm căn cứ triển khai.

.

Dẫn điểm a, khoản 4, Điều 6, Luật Viễn Thông, đại diện Bộ TT&TT đã trả lời thắc mắc của Viettel liên quan đến vấn đề này. Các chuyên gia Pháp cũng chia sẻ kinh nghiệm của nước Pháp về việc xác thực, định danh cá nhân trong dịch vụ công trực tuyến khi chưa có đầy đủ văn bản pháp lý.

.

Ảnh: Hoàng Anh

Nội dung mang tính cần thiết và cấp bách

.

Sau khi lắng nghe các ý kiến, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP nhấn mạnh mỗi cá nhân, tổ chức cần phải được định danh khi tham gia vào các giao dịch điện tử như thực hiện dịch vụ công trực tuyến, thương mại điện tử… để chứng minh "tôi là tôi" trong giao dịch điện tử. Định danh và xác thực điện tử có vai trò rất quan trọng trong việc triển khai Chính phủ điện tử. Đây là nội dung mang tính cần thiết và cấp bách cần khẩn trương hoàn thiện, từ đó thúc đẩy tính tin cậy của dịch vụ công trực tuyến.

.

Về việc định danh, xác thực qua thuê bao di động để thực hiện dịch vụ công trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng đề nghị các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông khẩn trương phối hợp với VPCP kết nối kỹ thuật để cho phép người dân đăng ký tài khoản qua việc đối chiếu cơ sở dữ liệu thuê bao di động của các nhà mạng hoàn thành trước 25/11/2019 để người dân có thể đăng ký tài khoản bằng số điện thoại di động của tất cả các nhà cung cấp dịch vụ.

.

Về dịch vụ nhắn tin từ Cổng Dịch vụ công quốc gia, VPCP đề nghị các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông khẩn trương phối hợp với Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), kết nối và kích hoạt Branchname CongDVCQG trên mạng di động của mình và miễn phí tin nhắn cho Branchname này của Cổng Dịch vụ công quốc gia hoàn thành trước ngày 25/11/2019.

.

"Dự kiến đầu tháng 12 sẽ khai trương Cổng dịch vụ công quốc gia với một số dịch vụ công như đổi giấy phép lái xe, khai tử... Tuy nhiên, phải có định danh, nếu không kịp có định danh thì chúng ta sẽ không thực hiện được vấn đề chia sẻ, kết nối của các tổ chức, cá nhân. Nếu chúng ta không làm được việc này thì sẽ không thành công trong việc thực hiện Chính phủ điện tử, Chính phủ số”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.

.

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, trong khi chúng ta chưa có Cơ sở dữ liệu quốc gia về Dân cư, một số nền tảng hạ tầng, cơ sở pháp lý chưa hoàn thiện, quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng, Chính phủ là không chờ đợi, quyết tâm triển khai Cổng Dịch vụ công quốc gia, trong đó có vấn đề xác thực và định danh với cách làm tốt nhất, tạo thuận lợi nhất cho người dân.

.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng cho biết, các dự thảo Nghị định để đảm bảo vấn đề bảo mật thông tin cá nhân, việc chia sẻ dữ liệu đang được triển khai xây dựng. Việc nghiên cứu và bổ sung khung khổ pháp lý sẽ được sớm hoàn thiện.

.

Hoàng Anh

Top