Hà Nội

Đề nghị Bộ trưởng GTVT 'dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước Thủ tướng'

(Chinhphu.vn) - Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc “nhắc đi nhắc lại” yêu cầu Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước Thủ tướng”, đồng thời nêu rõ 5 vấn đề Bộ cần tập trung xử lý trong thời gian tới.

30/11/2017 17:19

 

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: VGP/Nhật Bắc 

Chiều 30/11, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng dẫn đầu đoàn kiểm tra làm việc tại Bộ Giao thông vận tải (GTVT) về công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.

.

Phát biểu mở đầu buổi kiểm tra, Tổ trưởng Tổ công tác Mai Tiến Dũng cho biết đây là lần thứ hai Tổ công tác kiểm tra tại Bộ GTVT và là lần kiểm tra thứ 41 tại các cơ quan. Đây cũng là buổi kiểm tra thứ 9 liên quan tới công tác kiểm tra chuyên ngành, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng về cắt giảm chi phí, giảm thủ tục, tạo điều kiện, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

.

“Thủ tướng nói đi nói lại với tôi việc trao đổi với anh Nguyễn Văn Thể là GTVT là lĩnh vực rất quan trọng trong 3 khâu đột phá chiến lược. Đề nghị Bộ trưởng dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước Thủ tướng để thúc đẩy công việc nhanh hơn, tốt hơn. Rất cần sự quyết liệt của Bộ GTVT trong việc nâng cấp hạ tầng giao thông”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng truyền đạt ý kiến Thủ tướng.

.

Trong thời gian qua, Bộ GTVT đã làm được rất nhiều việc, trước hết là trong tập trung xây dựng thể chế cũng như  Bộ đã tham mưu cho Chính phủ ban hành 6 nghị định và Bộ đã ban hành 45 thông tư.

.

Thủ tướng sẽ chủ trì hội nghị về cắt giảm chi phí logistics

.

Tuy nhiên, thông qua Tổ công tác, Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ GTVT tiếp tục tập trung chỉ đạo quyết liệt 5 vấn đề.

.

Trước hết, phải quyết liệt thực hiện chủ trương kêu gọi đầu tư theo hình thức đối tác công tư BOT trong bối cảnh nguồn vốn nhà nước hạn hẹp. Đây là chủ trương đúng đắn tuy ở một số dự án có vấn đề cần xử lý. Thủ tướng đề nghị Bộ tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án như đường bộ cao tốc Bắc Nam, sân bay Long Thành, đường ven biển…

.

Thứ hai, hiện nay chi phí logistics tại Việt Nam rất lớn. Bộ GTVT cần khẩn trương chuẩn bị nội dung để Thủ tướng chủ trì một hội nghị về cắt giảm thủ tục, chi phí trong lĩnh vực này.

.

Vấn đề thứ ba cần lưu ý là việc đẩy nhanh tiến độ đầu tư, hoàn thành các dự án gắn với bảo đảm chất lượng, chất lượng đầu tư, khai thác sử dụng. “Chỗ này chỗ khác vẫn có tình trạng đường vừa làm đã hỏng nên cần hết sức quan tâm”, Tổ trưởng Tổ công tác nêu rõ.

.

Thứ tư, thực hiện quyết liệt, cụ thể chủ trương xã hội hóa đầu tư hạ tầng giao thông.

.

“Cảng hàng không, cảng sông… có xã hội hóa đầu tư hay không? Cần quan tâm đồng bộ đường không, đường thủy, đường sắt, tạo cơ chế thúc đẩy đầu tư. Nguồn lực trong dân rất lớn, chỉ cần tạo điều kiện tốt, với các giải pháp bảo đảm môi trường, phân phối lợi ích hài hòa… thì sẽ làm tốt lĩnh vực này”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng phát biểu.

.

Vấn đề cuối cùng là hiện việc áp dụng thu phí điện tử tại các trạm BOT giao thông còn rất hạn chế, tỷ lệ rất thấp. Yêu cầu đặt ra là càng minh bạch càng tốt, cần phải thực hiện quyết liệt chủ trương thu phí điện tử dù rằng còn vướng mắc giữa các bộ, ngay cả ý kiến doanh nghiệp cũng khác nhau.

.

Tổ trưởng Tổ công tác đề nghị Bộ trưởng Bộ GTVT và các cơ quan thuộc Bộ xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện tốt 5 nội dung trên.

.

Cắt giảm điều kiện kinh doanh theo thủ tục nhanh nhất

.

Riêng đối với công tác kiểm tra chuyên ngành, Tổ trưởng Mai Tiến Dũng nhận định Bộ GTVT đã triển khai sớm các giải pháp cải cách. Theo báo cáo, Bộ đã đưa 125 mặt hàng trong tổng số 160 mặt hàng thuộc phạm vi quản lý chuyển sang hậu kiểm; 107 mặt hàng áp dụng công nhận lẫn nhau của nước ngoài. Việc áp dụng công nghệ thông tin giúp giảm trung bình 70% thời gian và tài chính cho doanh nghiệp.

.

Cùng với đó, Bộ đã rà soát cắt giảm 46% các điều kiện đầu tư kinh doanh không phù hợp. Đây là những con số rất đáng hoan nghênh.

.

“Mỗi năm, các doanh nghiệp phải mất 30 triệu ngày công và 15.000 tỷ đồng cho việc kiểm tra chuyên ngành với 100.000 mặt hàng xuất nhập khẩu. Trong khi đó, tỷ lệ phát hiện sai phạm rất thấp, chỉ 0,06%, không thể chấp nhận được. Chưa kể nhiều cơ quan không ban hành được tiêu chuẩn, quy chuẩn mà kiểm tra bằng cảm quan, thủ công, tức là làm thủ tục để thu tiền thôi”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng nêu thực trạng của công tác kiểm tra chuyên ngành nói chung.

.

Tổ trưởng Tổ công tác đặt vấn đề việc kiểm tra chuyên ngành của Bộ GTVT có thực trạng như trên không. Tuy thủ tục của Bộ không nhiều như một số bộ khác nhưng qua ý kiến của doanh nghiệp thì vẫn tồn tại một số vấn đề.

.

Ví dụ, hiện nay mặt hàng máy kéo nông nghiệp vẫn chịu sự quản lý chồng chéo giữa Bộ GTVT và Bộ NN&PTNT. Các mặt hàng cần cẩu tự hành, cần trục, cẩu trục, xe nâng… đang bị GTVT và Bộ Công Thương cùng kiểm tra, rất phức tạp. Tương tự là các mặt hàng như xe máy từ 175 phân khối trở lên.

.

“Theo chỉ đạo của Thủ tướng là 1 mặt hàng chỉ do 1 bộ chủ trì, vậy sắp tới sẽ thay đổi như thế nào? Tình trạng quy định không thống nhất đang gây khó khăn cho doanh nghiệp và cả hải quan”, Tổ trưởng Tổ công tác nêu rõ và đề nghị Bộ giải trình, báo cáo, đưa cam kết cụ thể.

.

Cùng với đó là các vấn đề liên quan tới điều kiện kinh doanh, nhập khẩu ô tô theo Nghị định 116 năm 2017; khung giá sàn dịch vụ cảng biển, triển khai cơ chế một cửa quốc gia…

.

Riêng với lĩnh vực cắt giảm điều kiện kinh doanh, Tổ công tác đề nghị Bộ tiến hành theo cách thức 1 nghị định sửa nhiều nghị định, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan, mục tiêu là làm nhanh nhất, rút gọn nhất. Tương tự, cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục kiểm tra chuyên ngành, tạo thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp.

.

Hà Chính

Top