Hà Nội

Đánh giá Mức độ sẵn sàng về Chính phủ số và Dữ liệu mở

(Chinhphu.vn) - Báo cáo Đánh giá mức độ sẵn sàng về Chính phủ số và Dữ liệu mở tại Việt Nam sẽ là báo cáo tham khảo quan trọng cho Chính phủ Việt Nam, các Bộ, ngành, địa phương và các tổ chức có liên quan trong việc phát huy kết quả Chính phủ điện tử đạt được thời gian qua và tiếp tục thúc đẩy xây dựng một Chính phủ kiến tạo và nền kinh tế số.

03/09/2019 18:26

Được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Chính phủ đã phối hợp với Ngân hàng Thế giới thực hiện đánh giá mức độ sẵn sàng về Chính phủ số và Dữ liệu mở tại Việt Nam. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Văn phòng Chính phủ đã đăng tải ấn bản điện tử của Báo cáo đánh giá mức độ sẵn sàng về Chính phủ số và Dữ liệu mở tại Việt Nam trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ để các Bộ, cơ quan, địa phương nghiên cứu, tham khảo, phục vụ công việc chuyên môn.

.

Trong phần giới thiệu Báo cáo nêu rõ, Việt Nam đang từng bước tiến bộ trên chặng đường phát triển số bằng cách nắm bắt Công nghiệp 4.0 và có tiềm năng nhận được lợi ích từ việc hiểu rõ thực trạng các yếu tố nền tảng cho kinh tế số. Do đó, báo cáo này cung cấp những đánh giá trong những lĩnh vực cốt lõi của Chính phủ số và Dữ liệu mở nhằm hỗ trợ Chính phủ Việt Nam đạt được mục tiêu gặt hái toàn bộ lợi ích của Công nghiệp 4.0.

.

Để đánh giá tiềm năng thực hiện Sáng kiến Chính phủ số ở Việt Nam, báo cáo này biên soạn 2 chương về Đánh giá mức độ sẵn sàng về Chính phủ số và Đánh giá mức độ sẵn sàng về Dữ liệu mở. Cụ thể, báo cáo đánh giá các cơ hội và thách thức tiềm năng của việc thực hiện Chính phủ số và các sáng kiến dữ liệu mở tại Việt Nam. Mặc dù Đánh giá mức độ sẵn sàng về Chính phủ số và Đánh giá mức độ sẵn sàng về Dữ liệu mở là 2 đánh giá riêng biệt với các nội dung đánh giá khác nhau, nhưng đều dựa trên cùng cách tiếp cận và phương pháp thực hiện.

.

Phần đầu tiên của báo cáo tập trung vào Đánh giá mức độ sẵn sàng về Chính phủ số nhằm mục đích xem xét tiềm năng phát triển Chính phủ số hiện tại của Việt Nam thông qua đánh giá 7 lĩnh vực chính bao gồm: Lãnh đạo và quản trị; Lấy người dùng làm trung tâm; Thay đổi quy trình công việc; Năng lực, tập quán văn hóa và kỹ năng; Cơ sở hạ tầng dùng chung; Sử dụng dữ liệu để ra quyết định chính sách, và An ninh mạng, quyền riêng tư và khả năng phục hồi.

.

Phần thứ hai của báo cáo tập trung vào Đánh giá mức độ sẵn sàng về Dữ liệu mở nhằm mục đích xem xét môi trường sinh thái cho dữ liệu mở của Việt Nam thông qua đánh giá 8 lĩnh vực chính báo gồm: Lãnh đạo; Chính sách/khung pháp lý; Cấu trúc thể chế, trách nhiệm và năng lực của cơ quan quản lý nhà nước; Dữ liệu trong Chính phủ; Nhu cầu đối với Dữ liệu mở; Khả năng tham gia của xã hội và năng lực khai thác dữ liệu mở; Nguồn lực tài chính; và Hạ tầng công nghệ và năng lực kỹ thuật của quốc gia.

.

Chương đánh giá mức độ sẵn sàng về Chính phủ số tập trung vào Chính phủ số, là phần cốt lõi của nền kinh tế số vì khi khu vực công cung cấp thông tin và dịch vụ hiệu quả hơn, việc tiếp cận của người dân sẽ dễ dàng hơn. Theo EGDI (công cụ hữu ích để đánh giá nguồn thông tin và dịch vụ có sẵn cung cấp tới người dân) 2018, Việt Nam đang xếp thứ 88 trong số 193 quốc gia thành viên, tăng 1 bậc từ vị trí thứ 89/193 năm 2016, cho thấy xu hướng chuyển dịch của chính phủ điện tử/số đang diễn ra tích cực ở Việt Nam.

.

Đánh giá mức độ sẵn sàng về Chính phủ số cũng nghiên cứu nhu cầu của người dân đối với các dịch vụ công số hóa cũng như các chính sách tích hợp và cơ sở hạ tầng để tìm hiểu sâu hơn về các cơ hội và thách thức mà Việt Nam phải đối mặt trong quá trình phát triển quốc gia số. Bản đánh giá thực hiện phân tích tổng quan hiện trạng các thành phần cụ thể của chính phủ số từ đó đề xuất các khuyến nghị về lộ trình hành động trong thời gian tới.

.

Phần thứ hai của báo cáo, chương Đánh giá mức độ sẵn sàng về Dữ liệu mở, tập trung vào thực trạng hệ sinh thái dữ liệu mở của quốc gia. Dữ liệu mở được hiểu là dữ liệu mở về cả pháp lý và kỹ thuật cho người dân, do đó được đặt trong phạm vi cộng đồng hoặc theo các điều khoản sử dụng tự do với các hạn chế tối thiểu, đồng thời dữ liệu cần được công bố ở dạng có thể ứng dụng máy đọc với định dạng điện tử không độc quyền, cho phép mọi người dân truy cập và sử dụng dữ liệu bằng các công cụ phần mềm có sẵn miễn phí.

.

Báo cáo thực hiện đánh giá cho cả hai chủ đề nhằm nâng cao nhận thức về chính phủ số và dữ liệu mở, vốn là hai nội dung có tầm quan trọng đặc biệt nếu Việt Nam muốn nắm bắt các cơ hội của cách mạng công nghiệp thứ tư. Báo cáo cũng sẽ là tài liệu tham khảo hữu ích cho Chính phủ trong việc xác định các điểm mạnh và yếu hiện nay từ đó thực thi đồng bộ các giải pháp đồng thời thúc đẩy sự phát triển của cả chính phủ số và dữ liệu mở.

.

Các thông tin và dữ liệu để đánh giá được cập nhật đến tháng 1/2019. Từ đó đến thời điểm xuất bản Báo cáo Đánh giá này, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều bước tiến rất quan trọng trong triển khai chương trình Chính phủ điện tử, đặc biệt là việc ban hành Nghị quyết số 17 ngày 7/3/2019 về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020 định hướng đến 2025.

.

Bên cạnh đó, một số Đề án quan trọng cũng bắt đầu được xây dựng bao gồm hệ thống e-Cabinet, hệ thống e-Services, Trục liên thông văn bản Quốc gia. Các bước tiến này do diễn ra sau giai đoạn thu thập số liệu báo cáo nên chưa được ghi nhận tại kết quả của báo cáo này.

.

Chí Kiên

Top