Hà Nội

Còn ong còn mật

(Chinhphu.vn) - Anh em sống được thì mình sống được, khó thì phải làm sao cho hết khó chứ không bao giờ từ bỏ lý tưởng, nhiệt huyết của mình - nguyên Cục trưởng Cục Hành chính quản trị II Phùng Văn Lợi chia sẻ suy nghĩ.

13/07/2015 15:44

Nguyên Cục trưởng Cục Hành chính quản trị II Phùng Văn Lợi (hàng dưới, thứ 3 từ trái sang) chụp ảnh cùng Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Văn Nên cùng các cán bộ VPCP nhân dịp gặp mặt kỷ niệm 40 năm chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Ảnh: Mạnh Hùng

Trong căn nhà nhỏ trên con đường Nguyễn Trọng Tuyển, chúng tôi may mắn gặp gỡ ông Phùng Văn Lợi, nguyên Cục trưởng Cục Hành chính quản trị II – Văn phòng Chính phủ sau 18 năm kể từ ngày ông về hưu. Cuộc trò chuyện bắt đầu ngay tại bàn làm việc khi ông đang miệt mài phân tích bộ phim “Cuộc chiến tranh 10.000 ngày”. Nghỉ hưu nhưng ông vẫn lặng lẽ góp hương góp mật cho đời bằng việc làm thầm lặng nhưng đầy ý nghĩa.

.

Ở độ tuổi 79 và đang phải chung sống với nhiều bệnh tật như tiểu đường, cao huyết áp, gút trong suốt hơn 10 năm qua nên sức khỏe ông có nhiều hạn chế. Lúc đầu ông tỏ ra ngần ngại vì tuổi cao, trí nhớ đã giảm sút ít nhiều nhưng sau một lúc trò chuyện, thăm hỏi về những năm tháng hoạt động cách mạng và làm việc tại Văn phòng Chính phủ thì ông như sống lại những tháng ngày trai trẻ.

.

Làm việc bằng sự đam mê, nhiệt huyết

.

Giọng ông trầm và nhỏ, ông từ tốn kể cho chúng tôi nghe về những ngày đầu tiên của Văn phòng Chính phủ khi vừa thành lập. Ông chỉ tay về bức ảnh chụp chung với các đồng đội treo trên tường: “Đó là những anh em đã có mặt cùng bác từ năm 1975 khi Văn phòng Chính phủ mới thành lập. Giờ nhiều người trong số đó đã mất vì bệnh tật tuổi già”.

.

Mắt ông đượm buồn nhìn xa xăm, những nếp nhăn nơi khóe mắt càng cộm rõ. Ông tiếp tục câu chuyện bằng giọng kể thều thào vì sức khỏe yếu nhưng rất hào hứng. Trước giải phóng, ông công tác ở Dân chính Đảng - Trung ương Cục miền Nam tại Tây Ninh. Trong suốt những năm tháng ấy ông đều hoạt động, sinh sống ở rừng nên khi giải phóng và về làm việc tại Văn phòng Chính phủ, ông cũng như mọi người vô cùng phấn khởi.

.

Mới giải phóng còn khó khăn về mọi mặt nhất là kinh tế nhưng ông chưa bao giờ nghĩ đến một công việc nào khác. Ông luôn nhủ với lòng: Anh em sống được thì mình sống được, khó thì phải làm sao cho hết khó chứ không bao giờ từ bỏ lý tưởng, nhiệt huyết của mình. Với ông, quãng thời gian khó khăn nhất là những ngày chiến tranh liên miên không thấy mặt trời, còn đây mới là lúc bắt đầu một tương lai tươi sáng.

.

Nói đến cách vượt qua khó khăn về kinh tế ông hồ hởi kể về một kỷ niệm mà ông không bao giờ quên được. Sau giải phóng, Dinh Độc Lập trở thành nơi tham quan của đông đảo người dân và du khách khi đến Việt Nam. Tuy nhiên, có 1 tầng hầm bí mật vô cùng kiên cố là nơi những bộ phận trọng yếu của Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa hoạt động thì không cho phép vào tham quan. Sau nhiều ngày vào tầng hầm xem xét nghiên cứu kỹ lưỡng ông trao đổi với Thủ tướng Võ Văn Kiệt lúc bấy giờ về mong muốn mở tầng hầm, mọi người được tham quan, nhà nước lại có thêm 1 nguồn thu. Quả vậy, tầng hầm mở cửa, người đến tham quan Dinh Độc Lập ngày một đông hơn đã đem về nguồn thu lớn, giải quyết được không ít khó khăn.

.

Cũng chính từ nơi này, đã khơi nguồn đam mê của ông dành cho phim tài liệu. Nhìn những máy chiếu phim cũ tại Dinh Độc Lập ông đã nảy sinh ra ý tưởng sửa chữa và chiếu phim tài liệu về chiến tranh Việt Nam để người tham quan đến đây có thể tiện theo dõi. Bộ phim tài liệu đầu tiên được ông phát tại Dinh Độc Lập là: “Cuộc chiến tranh 10.000 ngày” do Canada sản xuất.

.

Những năm đầu khi về hưu ông thấy buồn da diết, ông ví von cảm giác ấy giống như ta đang chạy trên một con đường quen thuộc giờ xuất hiện một sợi giây chắn ở giữa.

.

Tuổi già sức yếu, đi lại không còn mấy cứng cỏi nhưng mỗi năm đến ngày họp mặt dành cho cựu cán bộ của Văn phòng Chính phủ ông đều có mặt. Đó là những giây phút quý giá mà ông và đồng đội cùng nhắc lại cho nhau nghe về những kỷ niệm dưới ngôi nhà chung mang tên “Văn phòng Chính phủ”.

.

Chia sẻ kinh nghiệm làm việc tại Văn phòng Chính phủ ông cho rằng ngoài những khả năng chuyên môn của mỗi người thì trên hết vẫn là phẩm chất đạo đức tốt, bản lĩnh chính trị vững vàng và làm việc bằng sự đam mê, nhiệt huyết. Khi đã làm bằng đam mê thì gặp khó khăn thử thách đến đâu ta cũng sẽ vượt qua. Và ông luôn vững tin những thế hệ đang tiếp bước ông cống hiến cho Văn phòng Chính phủ sẽ làm tốt hơn những gì ông đã đạt được.

.

Hiện tại, ngoài niềm vui với cháu con như bao người già khác, ông dành tất cả tâm huyết, sức lực của mình cho việc sưu tầm, phục hồi phim tài liệu về chiến tranh Việt Nam. Ngoài giá trị lưu giữ cho đời sau, ông còn vui vì được thấy mình trong đó, sống lại những năm tháng gian nan nhưng rất đỗi tự hào. Nhắc đến phim tài liệu mắt ông rực sáng, ông bảo: “Giờ xem trên tivi, những hình ảnh tư liệu về chiến tranh Việt Nam là bác biết ngay nó được trích từ phim nào”. Tài sản vô giá của ông hiện tại có gần 10 bộ phim tài liệu lớn, tổng cộng hơn 50 tập được ông tìm tòi từ nhiều nước trên thế giới.

.

Chúng tôi chia tay ông khi những mạch cảm xúc cứ dâng trào khó tả. Ông là hình ảnh đẹp về một con người suốt đời sống, chiến đấu, cống hiến vì 1 lý tưởng và đến cuối đời vẫn mong muốn gìn giữ trọn vẹn lý tưởng ấy.

.

Ngọc Khuyến

Top