Hà Nội

Chuyển đổi số: Chính phủ làm gương, doanh nghiệp vào cuộc quyết liệt

(Chinhphu.vn) - Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng, Chính phủ đang rất quyết liệt từ khâu làm gương trong chuyển đổi số tới tạo điều kiện, nền tảng căn bản và môi trường tốt nhất cho các doanh nghiệp phát triển. Vì thế, hơn lúc nào hết, Chính phủ rất cần sự đồng hành và vào cuộc quyết liệt của khối doanh nghiệp.

20/02/2019 14:27

Ảnh: Hoàng Anh

.

Chính phủ quyết liệt, khắc phục tối đa tình trạng “trên nóng dưới lạnh”

.

Hội thảo “Đối thoại chuyển đổi số” được FPT tổ chức sáng ngày 20/2 tại Hà Nội, thu hút sự tham gia của đại diện VPCP, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân cùng hơn 30 lãnh đạo cấp cao của các doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam trong nhiều lĩnh vực.

Trong thư gửi các tập đoàn, doanh nghiệp Việt Nam tham dự hội thảo “Đối thoại chuyển đổi số”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết, trước sự phát triển và ảnh hưởng ngày một sâu rộng của nền kinh tế số trên thế giới, Chính phủ Việt Nam đã sớm quan tâm tới việc xây dựng các cơ chế, chính sách phát triển CNTT, chỉ đạo mạnh mẽ việc xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số và nền kinh tế số-xã hội số nhằm tận dụng thời cơ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 để thực hiện khát vọng phồn vinh của dân tộc.

.

“Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo, việc xây dựng, phát triển nền kinh tế số và công nghiệp thông minh là nhiệm vụ trọng tâm, cốt lõi của quá trình tái cấu trúc nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh”, thư của Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP cho hay.

.

Trong đó, việc xây dựng chiến lược tổng thể về chuyển đổi số, xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia cũng như thiết lập hạ tầng số đồng bộ, liên thông, hiện đại, bao gồm: Hạ tầng viễn thông, Hạ tầng dữ liệu, Hạ tầng thông tin và Hạ tầng tri thức, sẽ là cơ sở cho việc xây dựng chiến lược, kế hoạch chuyển đổi số trong từng ngành, từng lĩnh vực. Đồng thời, việc ứng dụng mạnh mẽ CNTT trong cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa quản trị công, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao cho người dân, doanh nghiệp vừa là mục tiêu cũng vừa là yêu cầu đối với vai trò quản lý nhà nước của Chính phủ để hỗ trợ cho doanh nghiệp thực hiện thành công quá trình chuyển đổi số.

.

Từ tháng 3/2018, tức là từ chuyến đi đầu tiên Thủ tướng giao cho VPCP cùng Bộ TT&TT và một số doanh nghiệp lớn về CNTT trong nước trong đó có FPT, khảo sát về việc xây dựng Chính phủ điện tử và nền kinh tế số của một số quốc gia thành công trên thế giới, Chính phủ đã và đang có những bước chuyển hết sức mạnh mẽ trong khâu chỉ đạo, điều hành cũng như thực hiện. Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử đã được thành lập trên cơ sở kiện toàn Ủy ban Quốc gia về ứng dụng CNTT và do Thủ tướng trực tiếp làm Chủ tịch Ủy ban, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam là Phó Chủ tịch, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP là Uỷ viên thường trực kiêm Tổng thư ký.

.

Trong thư, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, với tinh thần lấy người dân và doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ trực tiếp, Ủy ban đã có nhiều quan điểm rất cải cách khi xây dựng Chính phủ điện tử giai đoạn mới này và đã tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành một số văn bản pháp lý quan trọng làm nền tảng cho quá trình thực hiện chuyển đổi số khu vực công trên toàn quốc.

.

Bước sang năm 2019, mục tiêu mà Chính phủ chỉ đạo và VPCP đang hết sức nỗ lực thúc đẩy là hoàn thành Trục liên thông văn bản quốc gia, tiến tới là nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu số quốc gia; vận hành Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (eCabinet); ra mắt Cổng dịch vụ công quốc gia được kết nối, liên thông với tất cả các cổng dịch vụ công của các bộ, địa phương để theo dõi tiến trình cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp.

.

Song song với đó, Chính phủ cũng đang quyết liệt thực hiện nhiều giải pháp để tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các cơ hội, điều kiện thị trường để tận dụng thời cơ, phát huy thế mạnh trong quá trình hội nhập.

.

Tổ công tác của Thủ tướng và Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng đặt mục tiêu trong năm 2019 phải xử lý triệt để, phản ứng nhanh nhằm tháo gỡ mọi khó khăn, vướng mắc mà doanh nghiệp nêu liên quan tới quá trình thực hiện các chỉ đạo điều hành của Chính phủ và thực thi chính sách, pháp luật, khắc phục tối đa tình trạng “trên nóng dưới lạnh”, “trên rải thảm dưới rải đinh”...

.

Chuyển đổi số chính là cách mạng, sự thay đổi phải bắt đầu từ người đứng đầu

.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, Chính phủ đang rất quyết liệt từ khâu làm gương trong chuyển đổi số tới tạo điều kiện, nền tảng căn bản và môi trường tốt nhất cho các doanh nghiệp phát triển. Vì thế, hơn lúc nào hết, Chính phủ rất cần sự đồng hành và vào cuộc quyết liệt của khối doanh nghiệp.

.

“Một đất nước phát triển phải có đội ngũ doanh nghiệp có khả năng cạnh tranh mạnh mẽ và đặc biệt cần những doanh nghiệp mạnh dẫn dắt cộng đồng. Tuy nhiên, chuyển đổi số chính là cách mạng và khi tiến hành một cuộc cách mạng, sự thay đổi phải bắt đầu từ người đứng đầu”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh trong thư.

.

Đặt ra câu hỏi “Các lãnh đạo của các tập đoàn hàng đầu Việt Nam cần làm gì?”, người đứng đầu VPCP cho rằng: “Trước hết chúng ta cần lòng tự hào Việt Nam và tinh thần dấn thân: Chính phủ đã dấn thân thì các doanh nghiệp, tập đoàn cũng cần dấn thân để đưa Việt Nam và doanh nghiệp Việt Nam lên một vị thế mới”.

.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng đề nghị, các tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam cần hành động: “Nghĩ lớn nhưng phải hành động ngay từ những việc nhỏ. Chúng ta bàn rất nhiều về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư nhưng ít người bắt tay để làm ngay trong khi tư duy của các doanh nghiệp phải gắn liền với hành động. Đây là điều mà những người đứng đầu các tập đoàn cần có sự chuyển dịch mạnh trong năm 2019”.

.

Trong thư, Người đứng đầu VPCP cũng chia sẻ thêm về hình ảnh của những cầu thủ U23 Việt Nam tại Thường Châu, Trung Quốc và Đội tuyển bóng đá Quốc gia Việt Nam tại AFF Cup 2018 và Asian Cup 2019 cho đến giờ vẫn còn khiến bao người dâng trào cảm xúc. Đó là những hình ảnh có sức lay động to lớn về lòng tự hào dân tộc, về sự dấn thân không ngại khó, ngại khổ, về tinh thần đoàn kết và hành động. “Nếu doanh nghiệp Việt Nam ví mình như đội tuyển Việt Nam trước làn sóng hội nhập thì các tập đoàn có mặt hôm nay chính là những tuyển thủ, là linh hồn của đội tuyển thế hệ mới, giúp lan tỏa khí thế và tinh thần quyết tâm giành chiến thắng cho tất cả”.

.

Chuyển đổi số mang lại nhiều lợi ích to lớn

.

Tại Hội thảo, tiến sĩ Phương Trầm, cựu CIO DuPont – công ty toàn cầu với doanh thu 85 tỷ USD, hiện đang là Tư vấn trưởng về chuyển đổi số của FPT đã chia sẻ về những giá trị thu được, những kinh nghiệm thực tế trong quá trình triển khai chuyển đổi số cũng như trao đổi về cơ hội và thách thức khi chuyển đổi số của tập đoàn, doanh nghiệp lớn.

.

“Chuyển đổi số”, “đột phá mô hình kinh doanh”, “trở thành doanh nghiệp số” không chỉ là những chủ đề trao đổi trong các diễn dàn kinh tế toàn cầu mà trên thực tế, đã thu hút các hãng công nghệ lớn trên thế giới xây dựng các nền tảng cần thiết như Google, AWS, Apple… và nhiều doanh nghiệp lớn trên thế giới triển khai chuyển đổi số.

.

Theo báo cáo cuối năm 2018 của Tập đoàn dữ liệu quốc tế (IDG) cho các tập đoàn đa quốc gia, các doanh nghiệp và tổ chức có quy mô tỷ USD, 90% các tổ chức và doanh nghiệp trong nhóm này đã có kế hoạch, phát triển và triển khai chuyển đối số; 32% các CIO, quản lý IT khẳng định chính chuyển đổi số đã giúp doanh nghiệp tăng trưởng mạnh mẽ và đem lại lợi nhuận lớn. CIO các tập đoàn lớn trên thế giới đều lựa chọn Chuyển đổi số nằm trong Top 3 các vấn đề cần phải quan tâm hàng đầu của doanh nghiệp trong thời đại bùng nổ công nghệ hiện nay.

.

Chuyển đổi số trong tổ chức, doanh nghiệp là quá trình thay đổi từ mô hình truyền thống sang doanh nghiệp số, bằng cách áp dụng công nghệ mới như dữ liệu lớn (Big Data), Internet vạn vật (IoT), điện toán đám mây… thay đổi phương thức điều hành, lãnh đạo, quy trình làm việc, văn hóa công ty…

.

Chuyển đổi số mang lại nhiều lợi ích như cắt giảm chi phí vận hành, tiếp cận được nhiều khách hàng hơn trong thời gian dài hơn, lãnh đạo ra quyết định nhanh chóng và chính xác hơn nhờ hệ thống báo cáo thông suốt kịp thời. Qua đó, hiệu quả hoạt động và tính cạnh tranh của tổ chức, doanh nghiệp được nâng cao.

.

Chuyển đổi số khác với quá trình tin học hóa, tin học hóa đơn giản là quá trình tạo ra dữ liệu, còn chuyển đối số là quá trình xử lý dữ liệu đó ở mức độ tổng hợp cao, với tốc độ cực nhanh dựa trên ứng dụng công nghệ mới và khai thác dữ liệu đó để tạo ra những giá trị nhất định trong hoạt động của doanh nghiệp.

.

Hoàng Anh

Top