Hà Nội

Chúng tôi đã tham gia công việc xóa đói, giảm nghèo như thế nào?

(Chinhphu.vn) - Trong những năm tháng công tác của mình, tôi đã đặt chân đến hầu khắp những vùng đất nghèo trong cả nước. Từ những chuyến đi về cơ sở, từ những cuộc tiếp xúc với cán bộ địa phương và những người nghèo, tôi đã nhận ra rằng: Sự giàu có ở mỗi vùng, miền có thể khác nhau, nhưng cái nghèo thì ở đâu cũng vậy…

20/08/2015 17:52

Ảnh minh họa

.

Sau một thời gian phát triển kinh tế thị trường, sự phân hóa giàu - nghèo ở nước ta tăng lên. Tuy nhiên, giải quyết mối quan hệ giàu - nghèo không thể bằng cách hạn chế làm giàu mà phải hỗ trợ cho người nghèo, để họ tự vươn lên vượt qua nghèo khó.

.

Kinh nghiệm của thế giới cũng như của nước ta đã cho thấy, giải pháp hỗ trợ giảm nghèo có hiệu quả và bền vững là hướng dẫn cho người nghèo cách làm ăn và cho họ vay vốn với những ưu đãi hợp lý. Ngay từ năm 1986, Nhà nước ta đã giao nhiệm vụ cho các ngân hàng thương mại quốc doanh cho các tổ chức kinh tế và dân cư thuộc vùng núi cao, hải đảo, vùng đồng bào Khmer sống tập trung vay vốn với lãi suất ưu đãi. Năm 1993, thành lập Quỹ cho vay ưu đãi hộ nghèo. Và đến năm 1995, thành lập Ngân hàng Phục vụ người nghèo đặt trong Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

.

Chỉ mấy năm sau ngày thành lập, Ngân hàng Phục vụ người nghèo đã phát triển với tốc độ rất cao, vượt ra khỏi khả năng quản lý của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Năm 1997, Luật các tổ chức tín dụng được ban hành, Khoản 3, Điều 4 của Luật quy định: Phát triển các ngân hàng chính sách hoạt động không vì mục đích lợi nhuận phục vụ người nghèo và các đối tượng chính sách khác nhằm thực hiện các chính sách kinh tế - xã hội của Nhà nước. Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước xây dựng đề án để triển khai thực hiện điều khoản này của Luật.

Tuy nhiên, sau hơn ba năm chuẩn bị, đề án của Ngân hàng Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội không được Chính phủ thông qua. Chính phủ giao lại việc này cho một Tổ chuyên gia liên ngành gồm một số cán bộ cấp thứ trưởng và cấp vụ của một số cơ quan liên quan, đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Tấn Dũng; tôi được cử làm Tổ trưởng và anh Hoàng Nghĩa Tứ - Chuyên viên cao cấp của Văn phòng Chính phủ (VPCP), phụ trách nhóm biên tập. Anh Lưu Văn Sáu - Vụ phó Vụ Kinh tế tổng hợp -VPCP và anh Đinh Dũng Sỹ - Vụ phó Vụ Pháp chế - VPCP cũng được huy động vào nhóm biên tập.

.

Việc Văn phòng Chính phủ chủ trì xây dựng và trình đề án thuộc lĩnh vực chuyên môn của các cơ quan khác là một việc ít xảy ra, nên chúng tôi phải hết sức thận trọng và cầu thị. Ngày đó, tôi và anh Hoàng Nghĩa Tứ được phân công theo dõi lĩnh vực phân phối, lưu thông và đều kiêm nhiệm công việc ở Ngân hàng Phục vụ người nghèo. Vì thế, trong quá trình chuẩn bị đề án, chúng tôi nhận được sự cộng tác và giúp đỡ rất tích cực của các anh, chị trong Tổ chuyên gia liên ngành và của Ngân hàng Phục vụ người nghèo.

.

Tổ chuyên gia liên ngành đã nghiên cứu, dự thảo và trình cùng một lần cả hai văn bản: Nghị định của Chính phủ về cơ chế, chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về thành lập ngân hàng.

.

Trong Tổ chuyên gia liên ngành có đại diện của các bộ khác nhau, đại diện cho các mối quan tâm khác nhau, vì thế, chúng tôi phải thảo luận rất nhiều để tìm được tiếng nói chung trong việc giúp đỡ nhiều nhất cho người nghèo. Bởi ai cũng hiểu đói nghèo sẽ dẫn đến bất ổn chính trị và khi chính trị - xã hội không ổn định thì kinh tế cũng không thể phát triển được! Đối với những vấn đề các thành viên của Tổ chuyên gia liên ngành không nhất trí được với nhau, chúng tôi đều báo cáo xin ý kiến quyết định của Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Tấn Dũng. Chúng tôi cũng đưa dự thảo văn bản tham khảo ý kiến của Ngân hàng Thế giới.

.

Trong cuộc họp Thường trực Chính phủ để nghe Tổ chuyên gia liên ngành trình bày bản dự thảo cuối cùng, Thường trực đã đồng ý với đề xuất của chúng tôi đặt tên cho tổ chức mới là Ngân hàng Chính sách xã hội.

.

Đề án của Tổ chuyên gia liên ngành được Chính phủ thông qua. Và ngày 04-10-2002, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành: Nghị định số 78/2002/NĐ-CP về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác và Quyết định số 131/2002/QĐ-TTg về việc thành lập Ngân hàng Chính sách xã hội. Tôi được cử tham gia Hội đồng quản trị, anh Tứ và sau đó là anh Sáu tham gia Ban Chuyên gia tư vấn của Ngân hàng.

.

Tuy Ngân hàng Chính sách xã hội tách khỏi Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhưng thực tế, Ngân hàng này phải xây dựng lại từ đầu. Thiếu cán bộ và thiếu cả phương tiện làm việc. Văn phòng Chính phủ (lúc đó đã có thêm sự tham gia của anh Nguyễn Đắc Tung - Chuyên viên cao cấp của Vụ Tổ chức và Cán bộ) đã cùng Bộ Nội vụ và Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giúp Chính phủ triển khai xây dựng ngân hàng mới, bắt đầu từ công việc tổ chức bộ máy, nhân sự đến việc thông qua Điều lệ và các quy chế hoạt động của Ngân hàng.

.

Điều rất thuận lợi là những anh chị em đến với Ngân hàng Chính sách xã hội phần lớn là những người đã gắn bó nhiều năm với Ngân hàng Phục vụ người nghèo, là những người rất tâm huyết với công việc xóa đói, giảm nghèo. Các bộ liên quan và các địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội,... đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để Ngân hàng Chính sách xã hội đi vào hoạt động, họ cử cán bộ tham gia vào Hội đồng quản trị và Ban Đại diện Hội đồng quản trị và cả những cán bộ sang giúp điều hành công việc của Ngân hàng. Nhiều nơi đã bố trí chỗ làm việc và cung cấp thêm phương tiện hoạt động cho Ngân hàng...

.

Có lẽ, một trong những nhân tố quan trọng đã giúp Ngân hàng Chính sách xã hội vượt qua mọi khó khăn là sự quan tâm của Thủ tướng Chính phủ. Đồng chí Nguyễn Tấn Dũng khi còn là Phó Thủ tướng Thường trực và sau này ở cương vị Thủ tướng Chính phủ cũng luôn coi trọng vai trò Ngân hàng Chính sách xã hội. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ đạo các bộ và các cơ quan khác của Chính phủ quan tâm, giúp đỡ Ngân hàng này phát triển. Hầu hết các đề xuất, kiến nghị của Ngân hàng Chính sách xã hội đều được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận. Dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tín dụng và chính sách cho học sinh, sinh viên phát triển rất nhanh và tạo ra hiệu ứng tích cực trong xã hội, nhất là đối với học sinh, sinh viên nghèo.

.

Thời gian tham gia công việc Hội đồng quản trị của Ngân hàng Phục vụ người nghèo/Ngân hàng Chính sách xã hội, nhất là những chuyến đi kiểm tra, giám sát ở cơ sở đã để lại cho tôi nhiều ấn tượng sâu sắc và những kỷ niệm đáng nhớ.  

.

Lần đến xã Lũng Cú của huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, nơi địa đầu phía Bắc của Tổ quốc, có Cột cờ lịch sử trên đỉnh núi Rồng, chúng tôi vào thăm các hộ nghèo đang tham gia chương trình cho vay nuôi bò của Ngân hàng Chính sách xã hội. Ở đây, chúng tôi đã gặp lại cái nghịch cảnh của thời bao cấp, khi người dân trong các thành phố nuôi lợn để cải thiện đời sống. Ngày đó, người ta lo “lợn” ốm hơn lo con ốm... Giờ đây trên vùng đất nổi tiếng này, người ta cũng chăm lo cho con bò hơn cả con người: chuồng bò được làm rất chắc chắn, ấm vào mùa đông và mát về mùa hè, sàn chuồng có nơi được làm bằng gỗ và được quét dọn sạch sẽ; còn nhà ở cho người thì tuềnh toàng, nền đất mấp mô, nứt nẻ và được hàn gắn bằng những hạt trám chặt đôi, gà và lợn cùng đào bới tro than bên bếp, các dây phơi ngô bắp chăng khắp nhà, người nằm ngủ lẫn giữa các đống cỏ khô và rơm rạ...

.

Tiếp đó chúng tôi đi “xe ôm” theo con đường núi hẹp, gồ ghề để về bản của người Mông. Hai bên đường, dù ở vách núi cao hay trên mặt đồi, đâu đâu cũng là đá, toàn một màu đen xám ngoét; điểm xuyết vào giữa đá là những hốc đất nhỏ với những khóm ngô đã lụi tàn vì đã qua mùa thu hoạch. Xe máy của chúng tôi cứ nhảy tâng tâng, chúng tôi phải ôm chặt lấy người lái xe để không bị rơi xuống đường. Khoảng hơn một giờ sau, chúng tôi đã có mặt dưới chân một ngọn núi cao.

.

Cả đoàn chỉ có anh Giám đốc Phòng Giao dịch huyện Mèo Vạc và tôi là có giày mềm nên có thể tiếp tục leo bộ, còn những người khác phải nghỉ lại dưới chân núi. Sườn núi dốc, đá lởm chởm rất khó đi, trèo đến mỏi rời cả hai chân, chúng tôi mới đến được một bản của người Mông sống giữa lưng chừng núi. Chúng tôi ghé thăm một gia đình vừa được vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội để nuôi bò. Ở nhà lúc đó có một bà cụ già và năm đứa trẻ. Bố mẹ của những đứa trẻ đang vào rừng chặt cây về dựng chuồng bò.

.

Hôm đó vào khoảng cuối thu, vùng núi đá này đã khá lạnh, ấy vậy mà trong năm đứa trẻ, chỉ có đứa con gái lớn khoảng mười hai, mười ba tuổi là có chiếc quần đùi và tấm áo đã rách tả tơi. Ba đứa em kế đó, một đứa mặc áo còn hai đứa trần truồng. Môi của những đứa trẻ thâm tím, nhưng điều kỳ lạ là chúng chẳng hề run rẩy vì lạnh. Bà cụ già đang bế đứa cháu út trong tay, tôi không thể tin nổi vào tai mình khi nghe bà cụ cho biết cháu bé đã hai tuổi. Nó như một đứa bé mới đẻ, đầu to, chân tay khẳng khiu, mắt đờ đẫn, nằm bất động trong đôi tay gầy guộc của bà cụ. Không hiểu các bác sĩ sẽ bảo cháu bé này suy dinh dưỡng ở cấp độ mấy, nhưng hình ảnh của mấy bà cháu người Mông mà tôi gặp hôm đó giữa cao nguyên đá Hà Giang cứ ám ảnh mãi trong tâm trí của tôi. Không biết đến bao giờ họ mới có được một cuộc sống no đủ (!?).  

.

Cũng trong thời gian này, tôi đã chỉ đạo các Vụ có liên quan trong Văn phòng Chính phủ (Kinh tế tổng hợp, Khoa giáo - Văn xã, Địa phương) kết hợp chặt chẽ giữa công tác của Văn phòng Chính phủ về lĩnh vực an sinh xã hội và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương với công việc của các ngân hàng chính sách. Một số lần đi kiểm tra hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội, ngoài cán bộ của Tổ chuyên gia tư vấn, tôi còn mời thêm cán bộ của các Vụ đi cùng. Và chúng tôi cũng đã chọn một số huyện nghèo để giúp họ xây dựng những dự án phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo. Chúng tôi đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt một số dự án như vậy cho các huyện: Sốp Cộp của Sơn La, Mường Lát của Thanh Hóa, Con Cuông của Nghệ An, Vũ Quang của Hà Tĩnh, Minh Hóa của Quảng Bình, đầm phá Tam Giang - Cầu Hai của Thừa Thiên Huế,...

.

Từ tháng 7-2008 đến tháng 3-2011 - tôi tiếp tục giúp Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng theo dõi lĩnh vực an sinh xã hội. Sau một chuyến khảo sát tại các địa phương cùng với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, chúng tôi đã đề xuất với Thường trực Chính phủ cho tiến hành điều tra, xác định số “hộ cận nghèo” để có các chế độ, chính sách và biện pháp giúp đỡ họ. Và đề xuất của chúng tôi đã được chấp thuận. Bắt đầu từ năm 2003, các hộ cận nghèo cũng được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội.

.

Tôi được Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng giao hoàn chỉnh dự thảo các văn bản của Chính phủ về Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững tại 62 huyện nghèo nhất nước (còn gọi là Chương trình 30a) và Chương trình Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020. Tôi cũng được tham gia biên tập Nghị quyết của Trung ương Đảng về nông nghiệp, nông dân và nông thôn...

.

Trong những năm tháng công tác của mình, tôi đã đặt chân đến hầu khắp những vùng đất nghèo trong cả nước. Từ những chuyến đi về cơ sở, từ những cuộc tiếp xúc với cán bộ địa phương và những người nghèo, tôi đã nhận ra rằng: Sự giàu có ở mỗi vùng, miền có thể khác nhau, nhưng cái nghèo thì ở đâu cũng vậy. Những nơi gắn bó nhất với cách mạng vẫn là những nơi rất nghèo; những người sống ở đó chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số. Mặc dù chúng ta đã cố gắng làm rất nhiều để giảm nghèo, nhưng dân ta còn nghèo lắm. Số liệu thống kê hàng năm về số hộ thoát nghèo có thể làm cho người ta hiểu nhầm về thực trạng nghèo đói. Số hộ đó chỉ mới vượt qua được chuẩn nghèo do Nhà nước đặt ra trong từng thời kỳ kế hoạch, chứ chưa phải đã thoát hẳn khỏi cái nghèo. Chỉ một số ít trong các hộ đó là thực sự thoát được nghèo, có cuộc sống ổn định, bền vững.

.

Trong nhiều năm công tác tại Văn phòng Chính phủ, tôi đã cùng các anh em khác như Hoàng Nghĩa Tứ, Lưu Văn Sáu, Đinh Dũng Sỹ, Bùi Văn Quyền,...đã cố gắng làm những gì có thể được cho người nghèo, từ việc giúp Chính phủ xây dựng các cơ chế và chính sách an sinh xã hội, giúp các địa phương lập dự án xóa đói, giảm nghèo,... đến việc tham gia các công việc cụ thể của Ngân hàng Phục vụ người nghèo/Ngân hàng Chính sách xã hội.

.

Giờ đây, tuy đã xa rời công việc, nhưng mỗi lần nhắc tới những người nghèo mà tôi đã từng gặp ở Huổi Lới của Điện Biên, Mường Tè của Lai Châu, Mèo Vạc của Hà Giang, Sốp Cộp của Sơn La, Mường Lát của Thanh Hóa, Pù Mát của Nghệ An, Trà My của Quảng Nam, Bác Ái của Ninh Thuận, Kon Plông của Kon Tum, Trà Cú của Trà Vinh, Mỹ Tú của Sóc Trăng, Ngọc Hiển của Cà Mau, Hồng Ngự của Đồng Tháp, Tịnh Biên của An Giang,... trong lòng tôi vẫn chưa hết băn khoăn, day dứt và cầu mong sao cho đồng bào sớm thoát khỏi cảnh nghèo, có sức khỏe, cơm no, ao ấm, con cháu được học hành nên người./.

.

Nguyễn Quốc Huy

                                                 (Nguyên Phó Chủ nhiệm VPCP)

Top