Hà Nội

Chông gai xóa ‘con đường dài nhất Việt Nam’

(Chinhphu.vn) – Để xóa “con đường dài nhất ở Việt Nam” là “từ lời nói đến hành động”, thì việc kiểm tra, đôn đốc chỉ là một giải pháp.

27/08/2017 14:55

* Tạo lực đẩy lay chuyển cả bộ máy

.
* Khi Chính phủ 'nhóm lửa' hành động
.

Chủ trì phiên họp đầu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ mới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dẫn lại phát biểu của một đại biểu Quốc hội về “con đường dài nhất” nói trên.

 

 Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng: Bức xúc của người dân ở bìa rừng, góc biển đều được hội tụ trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ. - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Qua một năm hoạt động với hơn 30 cuộc kiểm tra, Tổ công tác của Thủ tướng đã góp phần quan trọng giúp Chính phủ, Thủ tướng trong nỗ lực “xóa bỏ con đường dài nhất”, nói đi đôi với làm.

.

Thế nhưng theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác, mặc dù kết quả thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao có chuyển biến rõ nét, số nhiệm vụ quá hạn giảm nhiều so với cùng kỳ năm trước, vẫn còn một số tồn tại hạn chế.

.

Chẳng hạn nhiều bộ, cơ quan, địa phương được kiểm tra chưa hoàn thành các nhiệm vụ giao theo đúng thời hạn đã cam kết với Tổ công tác, vẫn còn tình trạng xin lùi thời hạn thực hiện.

.

Vẫn theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, mục đích của việc kiểm tra không phải là “bới lông tìm vết” để phê bình nhau mà để kịp thời chấn chỉnh những hạn chế, yếu kém; phát hiện những khó khăn, vướng mắc và đề xuất các giải pháp xử lý.

.

Trong khi đó, Tổ công tác làm việc theo chế độ kiêm nhiệm nên việc kiểm tra các bộ, cơ quan, địa phương hầu như mới chỉ dừng lại ở mức độ kiểm tra theo đầu việc, tiến độ giao, chưa kiểm tra, đánh giá chất lượng, kết quả thực hiện theo yêu cầu đề ra.

.

“Vì vậy, có tình trạng thực hiện nhiệm vụ giao mang tính đối phó, nhất là khi Tổ công tác chuẩn bị tiến hành kiểm tra”, Tổ trưởng Tổ công tác trăn trở.

.

Trong thời gian tới, Tổ công tác sẽ tiến hành kiểm tra mang tính sâu hơn, chuyên đề hơn theo yêu cầu của Thủ tướng, tập trung vào các nội dung cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, cắt giảm “giấy phép con”, các thủ tục kiểm tra chuyên ngành của các bộ ngành đang gây khó khăn cho doanh nghiệp… Cùng với đó là các nội dung về cải cách hành chính, tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực hiệu quả bộ máy nhà nước…

.

“Hay người ta đặt vấn đề “trên nóng dưới lạnh”, “trên chuyển dưới chưa chuyển” thì bây giờ cần tăng cường kiểm tra ở tuyến dưới, đặc biệt là ở huyện, xã, phường, xem xem sự chuyển động như thế nào”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết.

.

Góp phần vì những giải pháp căn cơ hơn

.

Còn theo TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, việc kiểm tra của tổ công tác vừa qua cũng cần thiết, nhưng cần đi vào những nội dung cụ thể trong sự “lấn cấn” giữa thị trường và Nhà nước, từ đó giải quyết được dứt điểm, phù hợp những mâu thuẫn.

.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng cho rằng, kiểm tra chỉ là một giải pháp. “Căn cơ là phải rà soát, xây dựng thể chế, quy định trách nhiệm người đứng đầu, phân cấp rõ rệt, cộng với việc xử lý nghiêm túc, khách quan, tốt thì khen, không tốt thì nhắc nhở, sai phạm đến mức kỷ luật thì phải xử lý”, Bộ trưởng nêu quan điểm. Trên thực tế, nắm bắt và đề xuất hướng xử lý các vướng mắc thể chế chính là một trong những mục tiêu quan trọng nhất của Tổ công tác.

.

Cũng theo Tổ công tác, mỗi thành viên Chính phủ phải thay đổi tư duy, chủ động, quyết liệt trong việc hoàn thiện thể chế, chính sách liên quan đến lĩnh vực quản lý của bộ, ngành mình theo đúng tinh thần của Chính phủ kiến tạo là hướng tới người dân và doanh nghiệp, loại trừ tất cả những gì là giấy phép con, là độc quyền, là co kéo, nhũng nhiễu, gây cản trở đến sự phát triển, tiến bộ của xã hội.

.

Cùng với đó, mặc dù hoạt động của Tổ công tác có tính lan tỏa rất tốt, nhưng Tổ công tác không làm thay các cơ quan, địa phương. Bởi “nếu chỉ có một đầu tàu kéo cả toa tàu thì không nổi, nên phải vận hành cả lực đẩy, các toa tàu cũng phải có động cơ để kéo, tức là cần sự chuyển động của cả hệ thống”, theo Bộ trưởng.

.

Trong số rất nhiều vấn đề đặt ra, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP đặc biệt quan tâm tới yêu cầu đối thoại với người dân. Chẳng hạn, trong giải quyết khiếu nại tố cáo thì không gì bằng lãnh đạo trực tiếp đối thoại.

.

“Người dân muốn gặp lãnh đạo để xem việc đó có đúng không, giải quyết có thấu tình đạt lý chưa. Mình càng né tránh thì càng phức tạp, nhất là đối với các vụ khiếu kiện đông người phải giải quyết dứt điểm", ông nói.

.

Gần dân, sát dân chính là “nền tảng” rất vững chắc để Tổ công tác của Thủ tướng kiểm tra các bộ ngành, địa phương. Dù không có nhiều điều kiện để tiếp xúc trực tiếp với nhân dân, song thông qua hệ thống tiếp nhận, trả lời kiến nghị phản ánh của người dân và doanh nghiệp trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, trong vài tháng qua, VPCP đã tiếp nhận hàng nghìn ý kiến và đến nay, đã có hàng trăm ý kiến được các cơ quan trả lời. “Bức xúc của người dân ở bìa rừng, góc biển đều được hội tụ trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ”, Bộ trưởng cho biết.

.

Tổ công tác hướng tới mục tiêu làm sao để cán bộ, công chức trong toàn hệ thống hành chính phải chuyển động thực sự để tất cả các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao phải được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc, chấm dứt tình trạng “bắn chỉ thiên lên trời”, “trên bảo dưới không nghe”.

.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng kỳ vọng, với những biện pháp đồng bộ của Đảng, Nhà nước, nhất là những đổi mới mạnh mẽ tới đây về công tác tổ chức, bộ máy, cán bộ thì hiệu lực, hiệu quả của cả hệ thống chính trị và của hệ thống các cơ quan hành chính, của đội ngũ cán bộ, công chức sẽ tiếp tục được nâng lên, kỷ luật, kỷ cương sẽ được siết chặt hơn nữa.

,

Tổ công tác không tránh khỏi va chạm và sức ép. Nhưng theo Tổ trưởng Mai Tiến Dũng, phương châm: “Trung thực, thẳng thắn, khách quan, công tâm, trách nhiệm, hiệu quả và đúng pháp luật trong công việc” chính là lời hóa giải mọi va chạm trong công việc.

.

Hà Chính

Top