Hà Nội

Chính phủ sẽ quy định rõ, tránh tình trạng cát cứ dữ liệu

(Chinhphu.vn) - Đề cập tới những khó khăn, vướng mắc cần khắc phục trong xây dựng Chính phủ điện tử, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng nhấn mạnh yêu cầu xử lý tình trạng cát cứ dữ liệu của các bộ ngành, cơ quan hiện nay. Mục tiêu là phải tạo nên kho dữ liệu dùng chung của các bộ ngành để giúp người dân, doanh nghiệp tiếp cận dịch vụ công một cửa thuận tiện nhất.

02/03/2020 11:45

Chuyên gia Nhật Bản chia sẻ kinh nghiệm về các hoạt động thúc đẩy Chính phủ số của Nhật Bản và vai trò của Chính phủ. Ảnh: Hoàng Anh

Xử lý bài toán dữ liệu

.

Tại Hội thảo "Thúc đẩy xây dựng chính phủ điện tử phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương" do VPCP và Đại sứ quán Nhật Bản tổ chức mới đây, một trong những vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm và thảo luận, đó là việc kết nối và chia sẻ dữ liệu.

.

Theo các chuyên gia Nhật Bản, kinh nghiệm xây dựng Chính phủ điện tử tại Nhật là kết nối và xử lý dữ liệu được đặt lên hàng đầu, chú trọng trải nghiệm của người dùng tiện ích và thuận tiện nhất.

.

Trong những năm vừa qua, Nhật Bản luôn có những chính sách và kế hoạch chuyển từ Chính phủ điện tử sang Chính phủ số. Theo đó, việc xây dựng Chính phủ điện tử chính là các nỗ lực xây dựng hành chính điện tử, tập trung vào việc tổ chức hợp lý hóa các nghiệp vụ hành chính nội bộ, lấy cơ quan hành chính làm trung tâm.

.

Chính phủ số chính là thực hiện việc liên kết, chia sẻ dữ liệu trên một nền tảng và tích hợp dịch vụ trên toàn bộ chính quyền trung ương và địa phương cùng với khu vực tư nhân, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, với mục đích “hiện thực hóa Chính phủ số theo phong cách Nhật Bản đầu tiên trên thế giới” trên cơ sở chính sách xúc tiến Chính phủ số.

.

Để giải quyết bài toán dữ liệu thì vai trò của CIO (Chief Informationa Officer - Giám đốc công nghệ) của Chính phủ và các địa phương trong xây dựng Chính phủ điện tử là rất quan trọng. Trong đó, nhấn mạnh đến CIO Chính phủ với vai trò thuyền trưởng có thể hỗ trợ, tư vấn cho các CIO của các bộ ngành và địa phương.

.

Kể từ khi thiết lập cơ chế CIO của Chính phủ vào năm 2013, Nhật Bản đã bắt đầu thúc đẩy các chương trình vượt qua bức tường của các cơ quan, bộ ngành Chính phủ (giảm 30% chi phí vận hành, khởi động chính thức hệ thống lương nhân sự, đưa vào áp dụng cơ chế CIO hỗ trợ, thực hiện bồi dưỡng CIO hỗ trợ…).

.

Cho rằng chia sẻ dữ liệu là yếu tố rất quan trọng trong Chính phủ điện tử, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng thừa nhận đây cũng là bài toán khó.

.

Thực tế, một trong những vướng mắc lớn nhất hiện nay trong việc xây dựng Chính phủ điện tử tại Việt Nam là các đơn vị có dữ liệu nhưng lại giữ khư khư, chỉ phục vụ riêng cho công việc của mình.

.

Thực trạng này có 2 lý do, một là bản thân tính sở hữu của mỗi ngành còn quá cao. Lý do thứ 2 đến từ vấn đề an ninh, bảo mật dữ liệu. Do không có cơ chế, không có quy định, chưa có khung pháp lý cho việc chia sẻ dữ liệu nên nhiều đơn vị không dám chia sẻ.

.

“Chính phủ đã giao cho Bộ TT&TT xây dựng và trình Chính phủ về Nghị định về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số. Trong đó quy định rõ loại dữ liệu nào phải chia sẻ, loại thông tin nào dùng chung và ai là người được khai thác. Làm sao phải rõ ràng, tránh tình trạng cát cứ dữ liệu của các bộ, ngành”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết.

.

Chính phủ điện tử lấy sự hài lòng làm thước đo

.

Tại Hội thảo, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng nhấn mạnh, Chính phủ thống nhất quan điểm xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử phải bảo đảm gắn kết chặt chẽ giữa ứng dụng công nghệ thông tin với cải cách hành chính, nâng cao tính công khai, minh bạch, đổi mới phương thức phục vụ; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm và sự hài lòng của cá nhân, tổ chức là thước đo quan trọng trong phát triển Chính phủ điện tử.

.

Về vấn đề này, chuyên gia từ Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản cũng nêu thực tế, Nhật Bản đang phải đối mặt với tình trạng dân số già, lực lượng lao động giảm, yêu cầu chất lượng dịch vụ công và công tác hành chính đặt ra nhiều hơn nên cần có những dịch vụ công phù hợp và Chính phủ phải cung cấp đầy đủ thông tin cho người dân. Bên cạnh những thành công, nước này đã từng thất bại khi đưa ra dịch vụ mà người dân không sử dụng.

.

“Việt Nam cần tránh những bài học thất bại của Nhật và làm thế nào để người dân tận dụng được các dịch vụ. Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ dịch vụ số, kỹ thuật số cho người dân cũng như những người yếu thế trong xã hội”, chuyên gia Nhật Bản khuyến cáo. Đồng thời chia sẻ kinh nghiệm rằng, nếu lấy người dân làm trung tâm thì phải có định nghĩa từng đối tượng cụ thể theo độ tuổi để xây dựng những mô hình dịch vụ công phù hợp.

.

Theo Trưởng phòng Quy hoạch Hệ thống thông tin Hành chính, Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản Okuda, để việc xây dựng Chính phủ điện tử đạt kết quả tốt, cần phải đặt ra mục tiêu dài hạn, ít nhất là 10 năm để có thể hoàn thành được nhiều kế hoạch một cách hiệu quả và bền vững.

.

Hoàng Anh - Gia Huy

Top