Hà Nội

Chính phủ điện tử, Chính phủ số cần lấy người dùng làm trung tâm

(Chinhphu.vn) - Việc xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số phải lựa chọn làm điểm và nhân rộng, không ôm đồm, không quá tham vọng, làm đâu chắc đấy; lấy người dùng làm trung tâm và thường xuyên tham vấn, lấy ý kiến người dân, doanh nghiệp trong quá trình cung ứng các dịch vụ công.

22/08/2019 15:41

Ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC thuộc Văn phòng Chính phủ. Ảnh: Nhật Bắc

.

Ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC thuộc Văn phòng Chính phủ đã chia sẻ những bài học kinh nghiệm rút ra từ việc triển khai Chính phủ điện tử, Chính phủ số của Nhật Bản tại Hội thảo “Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số” do Văn phòng Chính phủ (VPCP) và Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức sáng nay (22/8).

.

CPĐT chính là các nỗ lực xây dựng hành chính điện tử

.

Nêu lên 12 kinh nghiệm từ từ việc triển khai Chính phủ điện tử (CPĐT), Chính phủ số của Nhật Bản, ông Ngô Hải Phan cho biết, từ  năm 2001, Chính phủ Nhật Bản lần đầu tiên đưa ra chiến lược “Nhật Bản điện tử” (e-Japan) với mục tiêu xây dựng cơ sở hạ tầng băng thông rộng, trên cơ sở của Đạo luật cơ bản về công nghệ thông tin, để xúc tiến các biện pháp liên quan đến sự hình thành xã hội mạng thông tin và truyền thông tiên tiến.

.

Đến năm 2018, Chính phủ Nhật Bản đưa ra “Tuyên bố sáng tạo quốc gia số tiên tiến nhất thế giới”, với mục tiêu xây dựng Chính phủ số, thúc đẩy cải cách dịch vụ hành chính bằng biện pháp liên ngành. Trong đó, tập trung vào ưu tiên số hóa, liên thông một cửa, xây dựng tiêu chuẩn dữ liệu hành chính, cấu trúc nền tảng số cho tổ chức, thúc đẩy dữ liệu mở và cải cách hệ thống thông tin Chính phủ vững mạnh…

.

Chia sẻ của ông Ngô Hải Phan cho thấy, trong những năm vừa qua, Nhật Bản luôn có những chính sách và kế hoạch chuyển từ Chính phủ điện tử sang Chính phủ số. Theo đó, việc xây dựng Chính phủ điện tử chính là các nỗ lực xây dựng hành chính điện tử, tập trung vào việc tổ chức hợp lý hóa các nghiệp vụ hành chính nội bộ, lấy cơ quan hành chính làm trung tâm. Chính phủ số chính là thực hiện việc liên kết, chia sẻ dữ liệu trên một nền tảng và tích hợp dịch vụ trên toàn bộ chính quyền trung ương và địa phương cùng với khu vực tư nhân, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, với mục đích “hiện thực hóa Chính phủ số theo phong cách Nhật Bản đầu tiên trên thế giới” trên cơ sở chính sách xúc tiến Chính phủ số.

.

Nhật Bản đã ứng dụng thành công nhiều công nghệ mới như: Internet vạn vật (IoT), Dữ liệu lớn (Big Data), Trí tuệ nhân tạo (AI), Chuỗi khối (Blockchain điện toán đám mây (Cloud Computing), mạng 5G,… vào Chính phủ điện tử, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về khả năng chia sẻ, tính linh hoạt, hiệu suất, phân tích thông tin, khả năng học tập,… góp phần giải quyết vấn đề và cung cấp thông tin, dịch vụ cho người dân một cách đa dạng, nhanh chóng, thuận tiện, với chi phí thấp; đồng thời, có khả năng dự báo và đối phó với những vấn đề phát sinh trong tương lai.

.

Điểm cốt lõi trong việc ứng dụng các công nghệ mới này là từng nội dung nghiên cứu ứng dụng cụ thể được giao cho các bộ, ngành liên quan trong các kế hoạch cơ bản thúc đẩy sử dụng dữ liệu công - tư, thực hiện Chính phủ số, trung và dài hạn của các bộ và cơ quan Chính phủ.

.

Đưa các Bộ, ngành, địa phương vào cuộc

.

Một trong những bài học rút ra được ông Ngô Hải Phan nhấn mạnh là các quá trình này đều đặt người dân làm trung tâm với quan điểm: "Chính phủ điện tử, Chính phủ số là phương tiện, lấy người dùng làm trung tâm".

.

Điều này rất quan trọng, mang tính quyết định mọi vấn đề từ xây dựng chính sách, hạ tầng công nghệ thông tin đến việc cung cấp từng dịch vụ cụ thể cho người dân, doanh nghiệp, bảo đảm “không để ai ở lại phía sau”, có các chính sách hỗ trợ địa phương khó khăn, yếu kém để cùng phát triển.

.

Các chuyên gia của Nhật Bản với kinh nghiệm triển khai thực tế đã tư vấn cho Việt Nam cần hết sức lưu ý quan điểm này, trong quá trình triển khai CPĐT cần phải đưa bộ, ngành, địa phương vào cuộc; không tập trung vào một số bộ, ngành, địa phương, vì như vậy sẽ tạo ra những ốc đảo.

.

Trong những thập kỷ gần đây, không chỉ các quốc gia có thu nhập cao mà cả các nước đang phát triển đều đẩy mạnh triển khai sáng kiến CPĐT. Các sáng kiến CPĐT được thực hiện nhằm nâng cao tính minh bạch, hiệu quả hoạt động của chính phủ, cung cấp các dịch vụ công tốt hơn cho người dân, tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho doanh nghiệp, đồng thời giúp các quốc gia duy trì và đẩy mạnh năng lực cạnh tranh của mình.

.

Đây là xu hướng tất yếu nhằm nâng cao tính minh bạch trong hoạt động của cơ quan nhà nước và chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Việt Nam cũng đang triển khai CPĐT, hướng tới Chính phủ số theo xu thế này.

.

Ông Ngô Hải Phan cũng nhấn mạnh về việc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã lựa chọn cách tiếp cận này và thống nhất quan điểm xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử phải bảo đảm gắn kết chặt chẽ giữa ứng dụng công nghệ thông tin với cải cách hành chính, nâng cao tính công khai, minh bạch, đổi mới phương thức phục vụ, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm và sự hài lòng của cá nhân, tổ chức là thước đo quan trọng trong phát triển CPĐT.

.

Việc lấy người dùng là trung tâm rất quan trọng, mang tính quyết định mọi vấn đề từ xây dựng chính sách, hạ tầng công nghệ thông tin đến việc cung cấp từng dịch vụ cụ thể cho người dân, doanh nghiệp, bảo đảm “không để ai ở lại phía sau”, có các chính sách hỗ trợ địa phương khó khăn, yếu kém để cùng phát triển.

.

Từ những bài học kinh nghiệm được nêu, ông Ngô Hải Phan nêu kiến nghị cần kiên trì, triệt để thực hiện quan điểm của Thủ tướng Chính phủ với phương châm: “hành động nhanh, kết quả lớn; nghĩ lớn, nhìn tổng thể nhưng bắt đầu từ những việc cụ thể” và tầm nhìn: CPĐT, tiến tới Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số. Việc xây dựng CPĐT là giải quyết 4 mối quan hệ, gồm 2 quan hệ với bên ngoài (Chính phủ với người dân, Chính phủ với doanh nghiệp) và 2 quan hệ nội bộ (giữa các cơ quan Chính phủ với nhau, giữa Chính phủ với cán bộ, công chức).

.

Bên cạnh đó nghiên cứu, thiết lập cơ chế điều phối hoạt động về an toàn, an ninh mạng và sự phối hợp giữa các bộ, ngành liên quan, nhằm thống nhất việc xây dựng, thực thi và giám sát các chính sách, chiến lược về an ninh mạng.

.

Gia Huy

Top