Hà Nội

Chính phủ Việt Nam luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư

(Website Chính phủ) - Trong khuôn khổ Hội nghị quốc tế về Kinh tế đối ngoại năm 2008 mang chủ đề “Việt Nam - Một ngôi sao đang lên của Châu Á” khai mạc sáng nay (8/1) tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có cuộc đối thoại với các lãnh đạo doanh nghiệp lớn trong khu vực và trên thế giới xung quanh các vấn đề kinh tế trọng yếu mà các nhà đầu tư quan tâm.

08/01/2008 18:10

Tham dự Hội nghị còn có Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm, Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc, Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Giàu… cùng nhiều diễn giả đến từ các tập đoàn, tổng công ty lớn trong nước và quốc tế như BP, HSBC, Nokia, Siemens Networks, Posco, Jardine Matheson Việt Nam…

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đối thoại tại Hội nghị - Ảnh Website Chính phủ

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, với những thành tựu đạt được khá toàn diện trên các lĩnh vực trong thời gian qua, Việt Nam đang là một nền kinh tế thị trường năng động có nhiều triển vọng phát triển, giành được sự quan tâm cao của các nhà tài trợ, đồng thời là điểm đến an toàn, ngày càng hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trên thế giới.

Việt Nam là điểm đến an toàn, hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trên thế giới

Trong 20 năm thực hiện chính sách đổi mới, nền kinh tế Việt Nam duy trì được tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 7,5%/năm; trong 3 năm 2005, 2006 và 2007 đạt trên 8,0% và dự kiến năm 2008 đạt khoảng 8,5 - 9%. Xuất khẩu đạt mức tăng bình quân 18%/năm, riêng 3 năm gần đây tăng khoảng 22%/năm. Cơ sở hạ tầng kinh tế - kỹ thuật và đời sống nhân dân được cải thiện đáng kể. Bình quân GDP đầu người năm 2007 so với năm 1988 tăng khoảng 10 lần, đặc biệt tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống dưới 15%; các lĩnh vực văn hoá xã hội đều có những chuyển biến tốt hơn. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Vai trò vị thế Việt Nam trên trường quốc tế được nâng lên.

Thủ tướng cho biết, từ năm 1993 đến nay, có trên 50 nhà tài trợ song phương và đa phương đã cung cấp nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) cho Việt Nam với mức cam kết năm sau cao hơn năm trước tổng cộng trên 42 tỷ USD. Tại Hội nghị các nhà tài trợ tháng 12/2007 vừa qua, số vốn ODA cam kết cho Việt Nam là 5,4 tỷ USD, cao nhất từ trước tới nay. Cũng tính đến cuối năm 2007 đã có 9.500 dự án đầu tư trực tiếp vào Việt Nam từ 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, với số vốn đăng ký trên 100 tỷ USD.

Mặc dù đạt được những kết quả, thành tựu rất đáng kể trong những năm qua, nhưng theo Thủ tướng, do điểm xuất phát rất thấp, nên Việt Nam đến nay vẫn còn là nước đang phát triển có thu nhập thấp và phải đối diện với những khó khăn thách thức rất lớn. Để khắc phục những thách thức này, Thủ tướng cho biết, năm 2008, Chính phủ Việt Nam tiếp tục phấn đấu tăng trưởng kinh tế đạt mức cao 9% đi cùng với kiểm soát tốt giá cả và ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời cải thiện đời sống nhân dân, nhất là vùng xa vùng sâu, đồng bào dân tộc và những nơi thường xuyên bị thiên tai; giảm hộ nghèo xuống còn khoảng 11 - 12%...

Thủ tướng tin tưởng rằng, thông qua việc trao đổi, thảo luận thẳng thắn, tin cậy tại Hội nghị này, các doanh nghiệp Việt Nam và quốc tế sẽ có thêm nhiều thông tin, hiểu biết lẫn nhau, tăng cường mối quan hệ nhất là trong lĩnh vực thông tin kinh tế, thương mại đầu tư.

Nhấn vào đây để xem toàn văn bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng

Phát triển đồng bộ các loại hạ tầng kinh tế - xã hội

Trả lời câu hỏi của Chủ tịch Tập đoàn General Electric ở khu vực Đông Nam Á Stuart Dean về chiến lược phát triển cơ sở hạ tầng tại Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, Chính phủ Việt Nam luôn xác định cơ sở hạ tầng chính là nền tảng, cơ sở để phát triển kinh tế - xã hội nhanh chóng và bền vững.

Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam chú trọng triển khai đồng bộ các loại hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là hạ tầng giao thông và điện lực. Trong hạ tầng giao thông, Việt Nam quan tâm đến đầu tư hệ thống đường bộ, đường sắt, tàu điện ngầm (hệ thống tàu điện ngầm sẽ được xây dựng tập trung ở hai thành phố lớn Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh), đường không và hàng hải (trong đó có cảng biển và hệ thống các tàu biển vận tải). Ngoài ra, các loại hạ tầng công nghệ thông tin, giáo dục, y tế cũng được ưu tiên phát triển.

Thủ tướng cũng cho biết hạ tầng kinh tế - xã hội là lĩnh vực quan trọng mà nếu các hạ tầng yếu kém không được giải quyết nhanh thì sẽ gây khó khăn cho đầu tư.

Chính phủ Việt Nam sẽ chủ động đầu tư các loại hạ tầng này, đồng thời khuyến khích nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư phát triển lĩnh vực này với mọi hình thức kinh doanh.

Các nhà đầu tư tại Hội nghị - Ảnh Website Chính phủ

Trước băn khoăn của nhà đầu tư nước ngoài về tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, Thủ tướng khẳng định, quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp cơ bản hoàn thành. Năm 2001, cả nước có 6.000 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước nhưng đến cuối năm 2007, chỉ còn 1.400 doanh nghiệp. Chính phủ phấn đấu đến năm 2010 cổ phần hóa các doanh nghiệp còn lại.

Thủ tướng nhấn mạnh, tiến trình cổ phần hóa sẽ được tiến hành trên nguyên tắc thị trường, gắn liền với niêm yết trên thị trường chứng khoán. Thực tế cho thấy, sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường chứng khoán thời gian qua có sự đóng góp của quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

Việt Nam khẳng định đẩy lùi được nạn tham nhũng

Trao đổi về quyết tâm của Chính phủ trong công tác phòng, chống tham nhũng, Thủ tướng khẳng định, Việt Nam coi tham nhũng là thách thức đối với sự phát triển và khẳng định Chính phủ có thể ngăn chặn, đẩy lùi được tệ nạn này. Thủ tướng nhấn mạnh, không có điều gì mà dân tộc Việt Nam, nhà nước Việt Nam quyết tâm mà không làm được, nhất là trong công cuộc phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

“Việt Nam là một đất nước có chính trị ổn định và tiếp tục ổn định, hoạt động theo kinh tế thị trường, tích cực cải cách hành chính cùng với chính sách đối ngoại rộng mở, thực thi tốt các cam kết quốc tế… sẽ là những điều kiện đảm bảo quyền lợi cho các nhà đầu tư khi đầu tư vào Việt Nam. Chính phủ Việt Nam sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư và các nhà tài trợ hoạt động có hiệu quả tại Việt Nam”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Sự lạc quan của các nhà đầu tư nước ngoài

Ông Justin Wood, Giám đốc Corporate Network, chuyên gia về Đông Nam Á của  Economist Intelligence Unit đánh giá: “Triển vọng tăng trưởng nền kinh tế Việt Nam rất khả quan với tỷ lệ tăng trưởng năm 2007 khoảng 8% và dự đoán tốc độ này sẽ được duy trì trong những năm tới. Về ngắn hạn, phát triển bắt nguồn từ nhiều nguồn lực, đáng kể là sự mở rộng của nền công nghiệp và cũng chính sự phát triển đã củng cố vững chắc cho nền tảng công nghiệp quốc gia khi Việt Nam tiếp tục tiến trình mở cửa và hội nhập thương mại toàn cầu. Xuất khẩu, không tính dầu thô, tăng mạnh; đầu tư thiết yếu đối với các nhà máy và cơ sở hạ tầng đang được triển khai nhanh chóng“

Về triển vọng phát triển kinh tế của Việt Nam, ông Thomas Tobin, Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam, nhận định: "Việt Nam được xem như là một con hổ mới của Châu Á với triển vọng đầu tư rất cao... Chúng tôi tin rằng GDP Việt Nam sẽ đạt mức 8,5% vào năm 2008 do nhu cầu tiêu dùng và đầu tư đều có xu hướng gia tăng mạnh. Chúng tôi thật sự lạc quan về tương lai của Việt Nam. Chúng tôi trông đợi năm 2008 và những năm kế tiếp sẽ là một năm bùng nổ cho ngành tài chính ngân hàng với những cải cách không ngừng của Chính phủ. Xu hướng phát triển nhanh chóng của hệ thống ngân hàng bao gồm việc cổ phần hóa các ngân hàng quốc doanh, thành lập các ngân hàng nội địa, các chi nhánh ngân hàng nước ngoài và các ngân hàng con sẽ dẫn đến việc phát triển mạng lưới cũng như tạo sự cạnh tranh và cuối cùng là mang đến các dịch vụ tốt hơn cho khách hàng và một hệ thống ngân hàng vững mạnh ở Việt Nam".

Ông Peter Ryder, Giám đốc Indochina Capital:” Tôi luôn tin tưởng Việt Nam sẽ trở thành cường quốc kinh tế ở Đông Nam Á như cách đây 100 năm. Tốc độ phát triển kinh tế của Việt Nam đã duy trì sự ổn định trong những năm qua với thu nhập của người dân ngày càng tăng lên, thị trường vốn và chứng khoán phát triển nhanh. Nếu so sánh với Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan có tỷ lệ xuất khẩu chiếm từ 80 - 90% GDP, sự tăng trưởng của Việt Nam cân bằng hơn, vì có cả sự đóng góp của nội địa và xuất khẩu. Dự báo, trong thời gian tới, Việt Nam sẽ vẫn duy trì được mức tăng trưởng cao, nhưng sẽ không trở thành một Trung Quốc thứ hai mà phát triển ổn định như Nhật Bản và Hàn Quốc.

Giang Oanh - Đức Tuân

Top