Hà Nội

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

27/09/2019 22:06

Phạt tới 2 tỷ đồng đối với vi phạm quy định về cạnh tranh không lành mạnh

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 75/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực cạnh tranh. Theo đó, mức phạt tối đa đối với hành vi vi phạm quy định về cạnh tranh không lành mạnh là 2 tỷ đồng.

Nghị định nêu rõ, đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính về cạnh tranh, tổ chức, cá nhân vi phạm phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính là: Cảnh cáo; phạt tiền.

Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về cạnh tranh còn có thể bị áp dụng một hoặc một số hình thức xử phạt bổ sung sau đây: a - Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề hoặc đình chỉ hoạt động từ 06 tháng đến 12 tháng; b- Tịch thu tang vật vi phạm, phương tiện được sử dụng để vi phạm; c- Tịch thu khoản lợi nhuận thu được từ việc thực hiện hành vi vi phạm; d- Thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc văn bản tương đương.

Ngoài các hình thức xử phạt theo quy định trên, tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính về cạnh tranh còn có thể bị buộc áp dụng một hoặc một số biện pháp khắc phục hậu quả như buộc cải chính công khai; buộc loại bỏ yếu tố vi phạm trên hàng hoá, bao bì hàng hóa, phương tiện kinh doanh, vật phẩm; buộc cơ cấu lại doanh nghiệp lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền; buộc loại bỏ những điều khoản vi phạm pháp luật ra khỏi hợp đồng, thỏa thuận hoặc giao dịch kinh doanh; buộc chia, tách, bán lại một phần hoặc toàn bộ vốn góp, tài sản của doanh nghiệp hình thành sau tập trung kinh tế...

Mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm hành chính về cạnh tranh

Theo Nghị định, mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm quy định về thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền là 10% tổng doanh thu của doanh nghiệp có hành vi vi phạm trên thị trường liên quan trong năm tài chính liền kề trước năm thực hiện hành vi vi phạm, nhưng thấp hơn mức phạt tiền thấp nhất đối với tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi vi phạm được quy định trong Bộ luật Hình sự.

Mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm quy định về tập trung kinh tế là 05% tổng doanh thu của doanh nghiệp vi phạm trên thị trường liên quan trong năm tài chính liền kề trước năm thực hiện hành vi vi phạm.

Trường hợp tổng doanh thu của doanh nghiệp có hành vi vi phạm trên thị trường liên quan trong năm tài chính liền kề trước năm thực hiện hành vi vi phạm quy định nêu trên được xác định bằng 0 thì áp dụng mức phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng.

Mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm quy định về cạnh tranh không lành mạnh là 2.000.000.000 đồng.

Mức phạt tiền tối đa đối với hành vi khác vi phạm quy định của Nghị định này là 200.000.000 đồng.

Mức phạt tiền tối đa quy định tại Chương II Nghị định này áp dụng đối với hành vi vi phạm của tổ chức; đối với cá nhân có cùng hành vi vi phạm hành chính về cạnh tranh, mức phạt tiền tối đa bằng một phần hai mức phạt tiền tối đa đối với tổ chức.

Mức tiền phạt cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực cạnh tranh là mức trung bình của khung tiền phạt được quy định đối với hành vi đó.

Nếu có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt có thể giảm xuống nhưng không được giảm quá mức tối thiểu của khung tiền phạt; nếu có tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt có thể tăng lên nhưng không được vượt quá mức tiền phạt tối đa của khung tiền phạt.

Đối với mỗi tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng, mức tiền phạt xác định theo quy định được điều chỉnh giảm hoặc tăng tương ứng không quá 15% mức trung bình của khung hình phạt.

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/12/2019.

Nâng mức vay đối với DNNVV, HTX và người lao động từ 8/11

Chính phủ ban hành Nghị định số 74/2019/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 61/2015/NĐ-CP quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm theo hướng nâng mức vay ưu đãi từ Quỹ quốc gia về việc làm đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh và người lao động.

Nghị định số 61/2015/NĐ-CP quy định Quỹ quốc gia về việc làm được sử dụng cho vay ưu đãi đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh (cơ sở sản xuất, kinh doanh) và người lao động để tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm.

Về mức vay đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, Nghị định 61/2015/NĐ-CP quy định mức vay 01 dự án tối đa là 01 tỷ đồng và không quá 50 triệu đồng cho 01 người lao động được tạo việc làm. Đối với người lao động, mức vay tối đa là 50 triệu đồng.

Các mức vay trên được nâng lên tại Nghị định số 74/2019/NĐ-CP. Cụ thể, đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, mức vay tối đa là 02 tỷ đồng/dự án và không quá 100 triệu đồng cho 1 người lao động được tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm. Đối với người lao động, mức vay tối đa là 100 triệu đồng.

Bên cạnh đó, thời hạn vay vốn cũng được tăng từ không quá 60 tháng lên tối đa 120 tháng.

Về điều kiện bảo đảm tiền vay, Nghị định 74/2019/NĐ-CP quy định đối với mức vay từ 100 triệu đồng trở lên, cơ sở sản xuất, kinh doanh phải có tài sản bảo đảm tiền vay theo quy định pháp luật về giao dịch bảo đảm.

Về lãi suất vay vốn đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh và người lao động (tại khoản 1 Điều 12 Luật Việc làm), Nghị định 74/2019/NĐ-CP sửa đổi theo hướng tăng từ bằng lãi suất cho vay đối với hộ nghèo lên bằng lãi suất cho vay đối với hộ cận nghèo.

Ngoài ra, Nghị định cũng sửa đổi một số nội dung khác liên quan đến điều kiện bảo đảm tiền vay đối với người lao động vay vốn ưu đãi để đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; huy động nguồn vốn để cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng...

Nghị định có hiệu lực từ ngày 08/11/2019.

Tăng cường thực thi hiệu quả Công ước ICCPR

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Kế hoạch tăng cường thực thi hiệu quả Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (Công ước ICCPR) và các khuyến nghị của Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc.

Mục tiêu của Kế hoạch nhằm xác định rõ nội dung công việc và lộ trình thực hiện phù hợp trong việc tăng cường hiệu quả triển khai các quy định của Công ước ICCPR và khuyến nghị của Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc. Từ đó, góp phần nâng cao sự hưởng thụ của người dân về các quyền dân sự và chính trị phù hợp với Hiến pháp, pháp luật và điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam; bảo đảm các yêu cầu đối ngoại, đối nội, bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.

Đồng thời, nâng cao vai trò, trách nhiệm, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, cơ quan có liên quan và tăng cường hiệu quả hoạt động phối hợp giữa các cơ quan trong quá trình triển khai, đảm bảo đúng tiến độ, hiệu quả toàn diện và đồng bộ.

Theo Kế hoạch, các bộ ngành, địa phương liên quan sẽ tiếp tục nội luật hóa và hoàn thiện khuôn khổ pháp luật nhằm thực hiện Công ước ICCPR; tiếp tục nâng cao hiệu quả thực thi các quy định pháp luật về quyền dân sự và chính trị; tiếp tục thúc đẩy các quyền dân sự và chính trị thông qua hoạt động tuyền truyền, phổ biến, giáo dục và đào tạo; triển khai các hoạt động hợp tác quốc tế, nghiên cứu các điều ước quốc tế có liên quan và thực hiện các nghĩa vụ báo cáo định kỳ theo quy định của Công ước ICCPR và khuyến nghị của Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc.

Trong đó, các bộ ngành, địa phương sẽ nâng cao hiệu quả tiếp nhận khiếu nại, tố cáo theo hướng thuận tiện, an toàn và tăng tỷ lệ giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến các vi phạm quyền dân sự và chính trị của các cá nhân để đảm bảo tốt hơn quyền khiếu nại, tố cáo; nâng cao chất lượng hoạt động bồi thường, hỗ trợ cho nạn nhân của hành vi xâm phạm quyền dân sự và chính trị; nghiên cứu khả năng gia nhập các điều ước quốc tế có liên quan nhằm đảm bảo tốt hơn các quyền dân sự và chính trị...

2 huyện của tỉnh Thanh Hóa đạt chuẩn nông thôn mới

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã ký Quyết định 1238/QĐ-TTg, Quyết định 1239/QĐ-TTg công nhận huyện Thọ Xuân và huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019.

Phó Thủ tướng giao UBND tỉnh Thanh Hóa có trách nhiệm công bố và khen thưởng theo quy định, chỉ đạo huyện Thọ Xuân, huyện Vĩnh Lộc tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí, chú trọng tiêu chí sản xuất và môi trường để đảm bảo tính bền vững trong xây dựng nông thôn mới.

Xuất cấp hóa chất sát khuẩn phòng chống dịch bệnh

Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định xuất cấp không thu tiền 15 tấn Chloramine B và 15 triệu viên Aquatabs 67 mg từ nguồn dự trữ quốc gia cho Bộ Y tế và 2 tỉnh: Thanh Hóa, Kiên Giang để phòng chống dịch bệnh sau bão, lũ.

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ quyết định xuất cấp cho Bộ Y tế 5 tấn Chloramine B và 5 triệu viên Aquatabs 67 mg; tỉnh Thanh Hóa 5 tấn Chloramine B và 5 triệu viên Aquatabs 67 mg; tỉnh Kiên Giang 5 tấn Chloramine B và 5 triệu viên Aquatabs 67 mg.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính chịu trách nhiệm về số liệu báo cáo. Bộ Y tế và UBND 2 tỉnh: Thanh Hóa, Kiên Giang tiếp nhận và sử dụng số hóa chất sát khuẩn nêu trên theo quy định hiện hành.

Xem xét phản ánh "Thần tốc" phát triển năng lượng tái tạo

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương xem xét thông tin báo VOV phản ánh về "Thần tốc" phát triển năng lượng tái tạo đặt ra nhiều thách thức.

Trước đó, Báo điện tử VOV ngày 17/9/2019 có bài "Thần tốc" phát triển năng lượng tái tạo đặt ra nhiều thách thức. Bài báo phản ánh: Việt Nam đã trở thành một trong những thị trường năng lực tái tạo sôi động nhất Đông Nam Á. Sự phát triển "thần tốc" đang đặt ra những thách thức mới về sự đồng bộ của hệ thống lưới điện, sử dụng đất, cơ chế giá điện, nguồn nhân lực, việc làm và nguồn tài chính. Để đảm bảo chuyển dịch năng lượng công bằng, hài hòa lợi ích của các bên cần tăng cường đối thoại, chia sẻ thông tin, giải pháp, kinh nghiệm giữa các nước, địa phương và hợp tác tháo gỡ khó khăn.

Về thông tin Báo điện tử VOV phản ánh, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương xem xét trong quản lý phát triển năng lược tái tạo ở nước ta.

Phân công chuẩn bị Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV

Để chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV (khai mạc ngày 21/10/2019, dự kiến bế mạc ngày 21/11/2019), Thủ tướng Chính phủ đã phân công các thành viên Chính phủ chuẩn bị một số báo cáo, tờ trình, dự án Luật.

Thủ tướng Chính phủ giao các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ chuẩn bị Báo cáo về việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về chất vấn, các vấn đề đã hứa tại các kỳ họp trước; kết quả thực hiện Nghị quyết số 113/2015/QH13 về tiếp tục thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội khóa XIII về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chuẩn bị Báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020; Dự  án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp.

Bộ trưởng Bộ Tài chính chuẩn bị Báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2019, dự toán ngân sách nhà nước năm 2020; Báo cáo của Chính phủ về phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2020 (trong đó có nội dung về việc bổ sung dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 (vốn ngoài nước) cho 2 tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình và vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Ai-len cho các xã đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135); Tờ trình của Chính phủ về việc xem xét, quyết định việc sử dụng 20% kinh phí kết dư Quỹ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế năm 2015; Tờ trình của Chính phủ về việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về xử lý tiền thuế nợ đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước...

Bộ trưởng Bộ Công an chuẩn bị Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2019; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; Báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện Nghị quyết số 63/2013/QH13 về tăng cường các biện pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm (gửi đại biểu Quốc hội tự nghiên cứu); Báo cáo của Chính phủ về tình hình an ninh chính trị, trật tự xã hội năm 2019; Báo cáo của Chính phủ về công tác quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam; Báo cáo của Chính phủ gửi Đoàn giám sát của Quốc hội việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014-2018.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ Quốc phòng chuẩn bị Báo cáo của Chính phủ về công tác thi hành án năm 2019; chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Ngoại giao chuẩn bị Báo cáo của Chính phủ về hoạt động tương trợ tư pháp; chuẩn bị Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp; Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện Nghị quyết số 67/2013/QH13 về tăng cường công tác triển khai thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chuẩn bị Tờ trình của Chính phủ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội việc miễn tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và khai thác tài nguyên nước; Báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chuẩn bị Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều; Báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện Nghị quyết số 32/2016/QH14 về tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp; Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2020 theo cơ chế chương trình mục tiêu quốc gia.

Bộ trưởng Bộ Công Thương chuẩn bị Báo cáo của Chính phủ việc thực hiện Nghị quyết số 62/2013/QH13 về tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện; Báo cáo của Chính phủ về tình hình và kết quả xử lý tồn tại, yếu kém của các dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải chuẩn bị Báo cáo của Chính phủ về tình hình triển khai thực hiện dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành theo Nghị quyết số 94/2015/QH13 của Quốc hội; Báo cáo của Chính phủ về tình hình trật tự an toàn giao thông năm 2019; Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 về điều chỉnh một số nội dung và giải pháp nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh theo Nghị quyết số 38/2004/QH11; Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện Nghị quyết số 52/2017/NQ14 về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020; Báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện chính sách phát triển giao thông vận tải đường sắt và việc sử dụng ngân sách nhà nước đầu tư cho giao thông vận tải đường sắt.

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chuẩn bị các Báo cáo của Chính phủ việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới; Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm xã hội năm 2018; Báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện quyền trẻ em và việc thực hiện nhiệm vụ của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, địa phương liên quan đến trẻ em; phối hợp chuẩn bị Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi).

Bộ trưởng Bộ Y tế chuẩn bị Báo cáo của Chính phủ về kết quả hoạt động và việc quản lý sử dụng Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá; Báo cáo của Chính phủ về việc quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm y tế; Báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng chuẩn bị dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ chuẩn bị Dự án Luật Thanh niên (sửa đổi); phối hợp chuẩn bị Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp chuẩn bị Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thư viện.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc chuẩn bị Tờ trình của Chính phủ về Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Tổng Thanh tra Chính phủ chuẩn bị Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2019; Báo cáo của Chính phủ về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2019; chủ trì, chuẩn bị với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường và Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chuẩn bị Báo cáo của Chính phủ về kết quả thanh tra việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất sản xuất của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa sang kinh doanh đất, xây dựng nhà ở giai đoạn 2011 - 2017.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chuẩn bị Báo cáo của Chính phủ về kết quả xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ chuẩn bị Báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ trình bày tại Phiên khai mạc; Báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về hoạt động chất vấn; Nghị quyết số 113/2015/QH13 về tiếp tục thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội khóa XIII về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn.

Bố trí hơn 3 nghìn tỷ đồng cho 2 Dự án cao tốc

Thủ tướng Chính phủ đồng ý bố trí 3.118 tỷ đồng cho 2 Dự án cao tốc: Trung Lương - Mỹ Thuận và Mỹ Thuận - Cần Thơ.

Cụ thể, Thủ tướng đồng ý bố trí 2.186 tỷ đồng vốn đầu tư từ nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2018 cho Dự án đường bộ cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Thủ tướng giao các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, UBND tỉnh Tiền Giang triển khai thực hiện theo đúng quy định.

Thủ tướng đồng ý bố trí 932 tỷ đồng trong kế hoạch đầu tư nguồn ngân sách trung ương năm 2020 cho Dự án đường bộ cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ. Thủ tướng giao các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông vận tải triển khai thực hiện theo đúng quy định.

Điều chỉnh Dự án đường sắt đô thị Hà Nội

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa có ý kiến về việc triển khai thực hiện Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo (Dự án).

Cụ thể, về việc điều chỉnh Dự án, Phó Thủ tướng yêu cầu UBND thành phố Hà Nội thực hiện trình tự, thủ tục về điều chỉnh Dự án (bao gồm cả điều chỉnh tiến độ thực hiện Dự án) theo đúng quy định tại khoản 3 Điều 13 Nghị định số 131/2015/NĐ-CP ngày 25/12/2015 của Chính phủ hướng dẫn về dự án quan trọng quốc gia và các quy định pháp luật có liên quan và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 108/TTg-KTN ngày 13/12/2016; chịu trách nhiệm toàn diện về thông tin, số liệu báo cáo và hiệu quả đầu tư Dự án điều chỉnh.

UBND thành phố Hà Nội phối hợp với các bộ, ngành liên quan báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định về việc bố trí vay vốn nước ngoài bổ sung phần điều chỉnh tổng mức đầu tư tăng thêm của Dự án. UBND thành phố Hà Nội và chủ đẩu tư tiếp tục thực hiện đầy đủ công tác giám sát đầu tư theo đúng quy định, bảo đảm Dự án đầu tư đúng mục tiêu và hiệu quả.

Về quy hoạch tổng mặt bằng ga ngầm C9 tại khu vực hồ Hoàn Kiếm, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Tư pháp; UBND thành phố Hà Nội thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại văn bản số 8240/VPCP-CN ngày 12/9/2019 của Văn phòng Chính phủ.

Về gia hạn, điều chỉnh Hiệp định vay vốn của Dự án, Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính xem xét, xử lý kiến nghị của UBND thành phố Hà Nội theo đúng quy định pháp luật; trường hợp vượt thẩm quyền báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với UBND thành phố Hà Nội và các cơ quan liên quan hoàn chỉnh dự thảo báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối năm 2019 về tình hình triển khai thực hiện dự án, trong đó có vấn đề phát sinh tiêu chí thuộc dự án quan trọng quốc gia, báo cáo Chính phủ trước ngày 1/10/2019.

Gỡ vướng thủ tục đất đai trường hợp đấu thầu DA có sử dụng đất

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa chỉ đạo các Bộ ngành, địa phương liên quan tháo gỡ vướng mắc liên quan đến thủ tục đất đai đối với trường hợp đấu thầu dự án có sử dụng đất; sửa dụng đất được miễn tiền thuê đất theo pháp luật về đầu tư.

Cụ thể, về vấn đề giao đất, cho thuê đất đối với các dự án đầu tư có sử dụng đất thực hiện thông qua đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, Phó Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ động, phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư theo chỉ đạo tại Thông báo số 317/TB-VPCP ngày 7/9/2019 về kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp về dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư (thay thế Nghị định số 30/2015/NĐ-CP).

Về hình thức giao đất, cho thuê đất đối với các dự án thuộc lĩnh vực ưu đãi đầu tư, địa bàn ưu đãi đầu tư được miễn tiền thuê đất và việc đấu giá quyền sử dụng đất, Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ ngành, địa phương thực hiện theo đúng quy định của Luật Đất đai./.

 

Top