Hà Nội

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 9/9/2020

09/09/2020 19:50

Thủ tướng phê chuẩn Chủ tịch tỉnh Tây Ninh

Tại Quyết định 1381/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn kết quả bầu chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh nhiệm kỳ 2016-2021 đối với ông Nguyễn Thanh Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh.

Tập trung hoàn thiện phương án quy hoạch tổng thể Cảng HKQT Nội Bài

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại buổi kiểm tra tiến độ Dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và nghe báo cáo về Quy hoạch Cảng hàng không quốc tế (HKQT) Nội Bài.

Thông báo kết luận nêu rõ, Cảng HKQT Nội Bài có vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế và bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước; là cửa ngõ giao thương hàng không của Thủ đô Hà Nội và các tỉnh khu vực phía Bắc với các địa phương và với các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong thời gian qua, Cảng HKQT Nội Bài đã từng bước được đầu tư nâng cấp, đáp ứng nhu cầu vận tải hành khách và hàng hóa, trong đó hàng hóa công nghệ có giá trị cao của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài chiếm tỷ trọng đáng kể.

Trong quá trình khai thác với tần suất cao, chất lượng hạ tầng tại Cảng HKQT Nội Bài dần xuống cấp, đặc biệt là đường cất hạ cánh, có nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh, an toàn hàng không. Mặt khác, với tốc độ tăng trưởng cao của ngành hàng không trong giai đoạn vừa qua (ngoại trừ tác động của dịch bệnh COVID-19), công suất khai thác tại Cảng HKQT Nội Bài đã vượt công suất quy hoạch, bắt đầu xuất hiện tình trạng quá tải và dự kiến sẽ trầm trọng hơn trong giai đoạn 2023 - 2030 và những năm tiếp theo. Mặc dù vậy, việc đầu tư trong thời gian qua còn chắp vá, thiếu khoa học và không bài bản, chưa nghiên cứu mang tính tổng thể, điều này đã ảnh hưởng đến chất lượng khai thác, năng lực vận tải và mỹ quan chung của Cảng HKQT Nội Bài.

Để nâng cao hiệu quả đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vận tải hàng không nói chung và Cảng HKQT Nội Bài nói riêng, bảo đảm phát triển bền vững, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, cần quy hoạch một cách khoa học, có tầm chiến lược dài hạn. Trong thời gian qua, Bộ Giao thông vận tải đã tập trung chỉ đạo tổ chức nghiên cứu quy hoạch Cảng HKQT Nội Bài và đưa ra phương án chọn. Đây là tiền đề quan trọng để từng bước thực hiện đầu tư các hạng mục công trình, nâng công suất Cảng HKQT Nội Bài đạt 60 triệu hành khách/năm vào năm 2030 và 100 triệu hành khách vào năm 2050.

Đối với Dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn Cảng HKQT Nội Bài, tại Nghị quyết số 41/NQ-CP ngày 09/4/2020, Chính phủ đã xác định đây là công trình thực hiện theo lệnh khẩn cấp và thống nhất nguồn vốn thực hiện dự án; Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý thực hiện theo hình thức giao thầu. Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải cần tiếp tục quán triệt đến các đơn vị thực hiện tốt công tác phối hợp, vừa bảo đảm chất lượng, tiến độ công trình, vừa bảo đảm tuyệt đối an toàn trong quá trình thi công công trình, đặc biệt là đảm bảo an toàn hàng không.

Phó Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải, Cục Hàng không Việt Nam chỉ đạo điều hành, phân bổ hợp lý giờ cất hạ cánh của các hãng hàng không, bảo đảm an toàn trong thời gian thi công đường cất hạ cánh, đồng thời ảnh hưởng ít nhất đến việc khai thác của các hãng hàng không.

Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính bảo đảm đủ vốn cho 02 dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn Cảng HKQT Nội Bài và Tân Sơn Nhất.

Về Quy hoạch Cảng HKQT Nội Bài giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Phó Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải và Tư vấn rà soát lại phương án chọn để tiếp tục hoàn thiện, bảo đảm đáp ứng các yêu cầu, nhiệm vụ nêu tại Thông báo số 403/TB-VPCP ngày 22/11/2019; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước khi phê duyệt quy hoạch trong năm 2020, bảo đảm tiến độ hoàn thiện thủ tục chuẩn bị đầu tư trong năm 2021, trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư.

Bộ Giao thông vận tải phối hợp với các Bộ và UBND thành phố Hà Nội quy hoạch đồng bộ hạ tầng giao thông kết nối và các quy hoạch có liên quan; đồng thời, làm việc với Bộ Quốc phòng và UBND thành phố Hà Nội thống nhất phương án thu hồi đất.

UBND thành phố Hà Nội và Bộ Xây dựng khẩn trương nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch đô thị khu vực sân bay, tạo động lực phát triển cho khu vực phía Bắc Thủ đô.

Ngành Công Thương lên kế hoạch bảo vệ môi trường 2020-2025

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa ký Quyết định số 1375/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch bảo vệ môi trường ngành Công Thương giai đoạn 2020-2025.

Kế hoạch bảo vệ môi trường ngành Công Thương được xây dựng nhằm đưa ra lộ trình và các ưu tiên thực hiện trong công tác bảo vệ môi trường của ngành, tập trung vào các nội dung hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường ngành Công Thương; ngăn ngừa, kiểm soát các nguồn thải, hạn chế các rủi ro, sự cố môi trường; xử lý các vấn đề môi trường cấp bách trong hoạt động sản xuất công nghiệp và thương mại; nhận diện các vấn đề môi trường trong giai đoạn tới và phòng ngừa, ứng phó các sự cố môi trường nhằm thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng bền vững, bám sát các mục tiêu phát triển bền vững và các mục tiêu, nhiệm vụ thực hiện tái cơ cấu ngành công nghiệp.

Mục tiêu đến năm 2025, 70-90% nguồn thải trong các lĩnh vực công nghiệp trọng điểm được đánh giá, kiểm kê, hoàn thiện cơ sở dữ liệu và ban hành chính sách, quy định kiểm soát; 80% tổng lượng tro, xỉ, thạch cao phát sinh từ các nhà máy điện, nhà máy hóa chất, phân bón được tái chế, tái sử dụng và xử lý làm nguyên liệu sản xuất, vật liệu xây dựng, san lấp,... đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường; 100% các doanh nghiệp ngành Công Thương được tập huấn và phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường.

Đẩy mạnh tái sử dụng túi nilon thân thiện với môi trường tại các trung tâm thương mại, siêu thị phục vụ cho mục đích sinh hoạt, tiến tới thay thế túi nilon khó phân hủy; xác định nguy cơ và đề xuất các chính sách bảo vệ môi trường đối với các dự án năng lượng (như điện từ rác thải, điện gió, điện mặt trời) và một số lĩnh vực khác theo kế hoạch tái cơ cấu ngành công nghiệp.

Để đạt mục tiêu trên, kế hoạch đưa ra một trong các nhiệm vụ, giải pháp là rà soát, hoàn thiện quy định pháp luật về bảo vệ môi trường ngành Công Thương. Trong đó, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan rà soát, nghiên cứu và đề xuất xây dựng hoặc sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác bảo vệ môi trường ngành Công Thương; sửa đổi, bổ sung và xây dựng các quy định pháp luật, hướng dẫn kỹ thuật về bảo vệ môi trường, kiểm soát nguồn thải trong một số loại hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao...

Đồng thời, phòng ngừa, kiểm soát, xử lý và loại bỏ các nguồn gây ô nhiễm môi trường. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường trong ngành Công Thương. Đánh giá hiện trạng công nghệ sản xuất, nguồn phát thải, rủi ro, sự cố môi trường của một số loại hình sản xuất công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Đẩy mạnh quản lý, xử lý, tái chế, tái sử dụng tro xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, hóa chất, phân bón, xỉ thép trong sản xuất thép và chất thải công nghiệp khác; quản lý an toàn bãi thải, cải tạo phục hồi môi trường, xử lý chất thải, an toàn đập thải của hồ chứa quặng đuôi trong khai thác và chế biến khoáng sản.

Thúc đẩy thí điểm các mô hình công nghiệp xanh trong các ngành công nghiệp. Xây dựng mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững các sản phẩm nhựa thân thiện với môi trường, gắn với phát triển ngành công nghiệp môi trường. Nghiên cứu, đề xuất xây dựng mô hình thí điểm khu công nghiệp, cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp sinh thái, thân thiện môi trường.

Hoàn thiện dự thảo Nghị định mới quy định về giao khu vực biển

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát toàn bộ nội dự thảo Nghị định mới quy định việc giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển để hoàn thiện dự thảo đảm bảo phù hợp với các quy định của pháp luật liên quan.

Về thời hạn giao, công nhận khu vực biển tại khoản 1 và khoản 2 Điều 6 dự thảo, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp, trao đổi với Bộ Tư pháp tiếp tục hoàn chỉnh để đảm bảo rõ ràng, dễ hiểu và dễ áp dụng hơn theo hướng: Đối với các dự án đầu tư nói chung (bao gồm cả các dự án nhỏ, có thời gian thực hiện ngắn…) thì thời hạn giao khu vực biển là không quá 30 năm (có thể được gia hạn nhiều lần nhưng tổng thời gian của các lần gia hạn không quá 20 năm).

Riêng đối với các dự án đầu tư có thời gian thực hiện trên 30 năm thì thời hạn giao khu vực biển phải tương ứng với thời gian thực hiện dự án đã được cơ quan có thẩm quyền quyết định theo pháp luật về đầu tư và không phải trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận.

Huyện Thới Lai (TP Cần Thơ) đạt chuẩn nông thôn mới

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã ký quyết định công nhận huyện Thới Lai, thành phố Cần Thơ đạt chuẩn nông thôn mới.

UBND thành phố Cần Thơ có trách nhiệm công bố và khen thưởng theo quy định, chỉ đạo huyện Thới Lai tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí, chú trọng các tiêu chí về sản xuất và môi trường để đảm bảo tính bền vững trong xây dựng nông thôn mới (NTM)./.

Top