Hà Nội

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 9/9

09/09/2019 20:52

Thủ tướng quyết định kỷ luật lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh Đắk Nông

Thủ tướng Chính phủ vừa có các quyết định thi hành kỷ luật lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh Đắk Nông.

Cụ thể, tại Quyết định 1144/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức Khiển trách đối với ông Nguyễn Bốn, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông nhiệm kỳ 2016 - 2021, do đã có những vi phạm khuyết điểm trong công tác và Ủy ban kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật về Đảng.

Tại Quyết định 1142/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức Cảnh cáo đối với ông Trương Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông nhiệm kỳ 2016 - 2021, do đã có những vi phạm khuyết điểm nghiêm trọng trong công tác và Ủy ban kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật về Đảng.

Tại Quyết định 1143/QĐ/TTg, Thủ tướng Chính phủ quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức Cảnh cáo đối với ông Đỗ Thế Nhữ, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, do đã có những vi phạm khuyết điểm nghiêm trọng trong quá trình công tác giai đoạn 2004-2011 và Ủy ban kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật về Đảng.

Tại Quyết định 1145/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức Cảnh cáo đối với ông Nguyễn Đức Luyện, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, do đã có những vi phạm khuyết điểm nghiêm trọng trong công tác giai đoạn 2004 - 2011 và Ủy ban kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật về Đảng.

-------------------------

Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể lĩnh vực phi nông nghiệp

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng Ban Chỉ  đạo Đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã đồng ý với đề xuất của Liên minh Hợp tác xã về việc tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong lĩnh vực phi nông nghiệp.

Hội nghị được tổ chức vào cuối tháng 9/2019 tại trụ sở Liên minh Hợp tác xã Việt Nam.

Liên minh Hợp tác xã Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, cơ quan có liên quan chuẩn bị kỹ nội dung, rà soát báo cáo tham luận trong đó cần tập trung đánh giá kết quả được, tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, vai trò của kinh tế tập thể trong lĩnh vực phi nông nghiệp đối với phát triển kinh tế-xã hội; đề xuất mục tiêu, quan điểm và các giải  pháp chủ yếu để phục vụ cho báo cáo tổng kết tại hội nghị toàn quốc.

Theo Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, trong 15 năm qua, cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể khu vực hợp tác xã phi nông nghiệp ngày càng được hoàn thiện. Nhiều địa phương đã ban hành và thực hiện hiệu quả các chính sách đặc thù để phát triển hợp tác xã phi nông nghiệp theo từng lĩnh vực hoạt động khác nhau, như: Chính sách phát triển hợp tác xã bảo vệ môi trường; hợp tác xã nhà ở, hợp tác xã dịch vụ điện; hợp tác xã nghề thủ công truyền thống…

Bên cạnh đó, việc thực hiện các chính sách chung của Nhà nước về thành lập mới hợp tác xã; đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; ứng dụng khoa học - kỹ thuật và công nghệ mới; tiếp cận vốn và Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã… đã góp phần phát triển mạnh mẽ kinh tế tập thể khu vực hợp tác xã phi nông nghiệp.

-------------------------

Rà soát dự thảo Nghị định Quy định chi tiết Luật đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư

Rà soát dự thảo Nghị định Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư, bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật có liên quan, tháo gỡ vướng mắc để đáp ứng mục tiêu phát triển, công khai, minh bạch, hiệu quả; khắc phục thất thoát, lãng phí, đặc biệt là tài nguyên đất đai.

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp về dự thảo Nghị định Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư.

Thông báo nêu rõ, Dự thảo Nghị định áp dụng cho các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), các dự án đầu tư có sử dụng đất... Mặc dù dự thảo dựa trên cơ sở Nghị định số 30/2015/NĐ-CP ngày 17/3/2015, tuy nhiên chưa giải quyết triệt để việc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư trên cơ sở xác định giá đất theo giá thị trường, bảo đảm lợi ích cao nhất cho nhà nước.

Hiện nay, pháp luật về đấu thầu và pháp luật về đất đai còn có sự mâu thuẫn, thiếu đồng bộ trong việc giao đất, đấu giá hay không đấu giá quyền sử dụng đất... Vì vậy, trong khi Luật đất đai năm 2013 chưa được sửa đổi, dự thảo Nghị định cần được nghiên cứu để giải quyết được vấn đề bất cập nhất hiện nay là xác định giá đất trong trường hợp đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư các dự án đầu tư có sử dụng đất.

Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan rà soát dự thảo Nghị định, bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật có liên quan, tháo gỡ vướng mắc để đáp ứng mục tiêu phát triển, công khai, minh bạch, hiệu quả; khắc phục thất thoát, lãng phí, đặc biệt là tài nguyên đất đai./.

Top