Hà Nội

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 9/6

09/06/2020 19:54

Triển khai Kết luận của Bộ Chính trị về khắc phục tác động của đại dịch COVID-19

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa có ý kiến về việc triển khai  Kết luận số 77-KL/TW ngày 5/6/2020 của Bộ Chính trị về chủ trương khắc phục tác động của đại dịch COVID-19 để phục hồi và phát triển nền kinh tế đất nước.

Cụ thể, để triển khai thực hiện Kết luận số 77-KL/TW ngày 5/6/2020 của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Khoa học và Công nghệ, Giao thông vận tải, Lao động - Thương binh và Xã hội, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thông tin và Truyền thông, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Nội vụ, Thanh tra Chính phủ và các cơ quan liên quan theo chức năng nhiệm vụ được giao rà soát, đánh giá tình hình thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp được giao tại Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020, Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 8/4/2020, Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 4/3/2020 và nghiên cứu kỹ các nội dung Kết luận số 77-KL/TW n gày 5/6/2020 của Bộ Chính trị để đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể triển khai thực hiện Kết luận số 77-KL/TW của Bộ Chính trị, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp.

Bên cạnh đó, khẩn trương hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với các nhiệm vụ được giao tại điểm 2 Mục II Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương tổng hợp, hoàn thiện dự thảo Tờ trình của Chính phủ trình Quốc hội kèm theo dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về nội dung trên, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, trong đó lưu ý: đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội; kết quả rất quan trọng, thành công trong phòng, chống dịch COVID-19 thời gian qua; ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực của hệ thống chính trị, nhân dân cả nước trong thực hiện nhiệm vụ kép "vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội". Những biện pháp quyết liệt, đồng bộ, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong chỉ đạo phục hồi nền kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.

Đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, trước mắt và lâu dài, bảo đảm phù hợp thực tế và khả thi, kể cả các cơ chế, giải pháp đặc thù, vượt trội để thu hút vốn đầu tư nhất là đón nhận các dòng vốn đầu tư dịch chuyển.

Xác định cụ thể các nội dung cần kiến nghị với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong đó kiến nghị cụ thể các chỉ tiêu về tài chính, ngân sách nhà nước (thu, chi ngân sách, bội chi, nợ công, tốc độ tăng chỉ số giá).

Quốc hội và Chính phủ kêu gọi đồng bào, chiến sỹ cả nước chung sức, đồng lòng, nỗ lực vượt khó, tận dụng thời cơ, không ngừng đổi mới sáng tạo, phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020.

Đẩy mạnh phát triển các vùng kinh tế trọng điểm

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương liên quan đẩy mạnh phát triển các vùng kinh tế trọng điểm, góp phần đẩy nhanh phục hồi nền kinh tế trong bối cảnh tác động của đại dịch COVID–19.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, thời gian qua, các Vùng kinh tế trọng điểm: Bắc Bộ, Miền Trung, phía Nam, Đồng bằng Sông Cửu Long đã tận dụng tốt các điều kiện thuận lợi, tiềm năng, lợi thế để trở thành các cực tăng trưởng quan trọng, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế-xã hội của đất nước trên nhiều lĩnh vực.

            Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan: Tài chính, Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Lao động-Thương binh và Xã hội, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các địa phương liên quan đánh giá kết quả thực hiện các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật về phát triển vùng kinh tế trọng điểm theo lĩnh vực được giao; trên cơ sở đó đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về tài chính, tín dụng, công nghiệp, nông nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch, hạ tầng giao thông, đất đai, tài nguyên…, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiêm túc tổng hợp, tiếp thu đầy đủ các ý kiến, tổng hợp các đề xuất, kiến nghị của các Bộ, cơ quan: Tài chính, Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Lao động-Thương binh và Xã hội, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các địa phương liên quan; trên cơ sở đó, chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương liên quan dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh phát triển vùng kinh tế trọng điểm, góp phần thúc đẩy nhanh phục hồi nền kinh tế trong bối cảnh tác động của đại dịch COVID-19, báo cáo Chính phủ tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 năm 2020.

Trong đó, Thủ tướng lưu ý cần phải khẩn trương rà soát, hoàn thiện việc lập quy hoạch vùng của các vùng kinh tế trọng điểm, quy hoạch cấp tỉnh đối với các địa phương thuộc vùng kinh tế trọng điểm, bảo đảm khắc phục các vướng mắc hiện nay và phát huy các tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương, tạo điều kiện để các vùng kinh tế trọng điểm tiếp tục là đầu tàu phát triển kinh tế của đất nước.

Ưu tiên bố trí các nguồn lực của ngân sách trung ương và ngân sách địa phương; đồng thời có cơ chế, chính sách đặc thù thu hút mạnh mẽ các nguồn lực xã hội để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là các dự án giao thông, công trình chống ngập, mặn, sạt lở, ứng phó biến đổi khí hậu… quan trọng, quy mô lớn, tác động lan tỏa cao tại các vùng kinh tế trọng điểm, nhất là đối với Vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế và nâng cao hiệu quả, mức độ liên kết giữa các địa phương trong vùng và giữa các vùng với nhau. Chú trọng đẩy nhanh tiến độ thực hiện một số dự án đường giao thông quan trọng.

Xây dựng kế hoạch hành động gắn với các biện pháp cụ thể để thu hút và đón nhận các dòng vốn đầu tư dịch chuyển, tập trung hướng vào các tập đoàn đa quốc gia lớn, công nghệ cao, hiện đại, thân thiện môi trường, liên kết chặt chẽ với các dự án trong vùng và cả nước. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tiết giảm chi phí, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nhà đầu tư, người dân. Nghiên cứu, đề xuất cơ chế ưu đãi phù hợp về vốn, tín dụng để thúc đẩy đầu tư các dự án quy mô lớn trong một số ngành, lĩnh vực ưu tiên.

Đồng thời, phải có cơ chế  huy động nguồn lực phù hợp, nhất là cơ chế huy động vốn của chính quyền địa phương hoặc Chính phủ bảo lãnh cho các địa phương trong vùng để phát huy hơn nữa tiềm năng, thế mạnh, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội địa phương, vùng và cả nước. Báo cáo Chính phủ xem xét 02 phương án về cơ chế điều phối phát triển vùng kinh tế trọng điểm: 1- Giữ nguyên như hiện nay để các địa phương luân phiên làm Chủ tịch Vùng; 2- Quy định Phó Thủ tướng là Trưởng Ban chỉ đạo điều phối phát triển các Vùng kinh tế trọng điểm hoặc Chủ tịch Vùng để nâng cao hiệu quả công tác điều phối, liên kết giữa các địa phương trong Vùng. Đánh giá thực trạng và nghiên cứu xây dựng khuôn khổ pháp lý phù hợp để tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn một cách thiết thực hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho các vùng kinh tế trọng điểm và đáp ứng các yêu cầu phát triển trong xu hướng mới, trong đó làm rõ vai trò của Ban Chỉ đạo Hội đồng Vùng trong huy động, sử dụng nguồn lực, điều phối, xử lý các vấn đề mang tính liên vùng của các địa phương và xác định các nhiệm vụ và thời hạn thực hiện cụ thể.

Tập trung cơ cấu các ngành, lĩnh vực theo hướng phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của từng vùng. Theo đó, Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ tập trung thu hút các dự án công nghệ cao, chế biến, chế tạo, điện tử, dịch vụ, ngân hàng, tài chính, logistics, … hình thành các vùng trung tâm nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao để thúc đẩy ứng dụng khoa học kỹ thuật, đổi mới sáng tạo; Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung phát triển mạnh các ngành kinh tế biển, hệ sinh thái công nghiệp ô tô, các ngành dịch vụ vận tải, phát triển du lịch miền Trung kết hợp với Tây nguyên thành vùng du lịch trọng điểm mang tầm khu vực và thế giới; Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tập trung thu hút đầu tư quy mô lớn, công nghệ cao để phát triển các chuỗi giá trị, phát triển mạnh các loại dịch vụ, phát huy vai trò đầu tàu của Thành phố Hồ Chí Minh để đưa Vùng tiếp tục là một động lực tăng trưởng ngay trong năm 2020 và thời gian tới; Vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long phát triển mạnh mẽ nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển mạnh mẽ công nghiệp chế biến nông sản, phát huy vai trò đàu tàu về du lịch, dịch vụ của Phú Quốc, thực hiện hiệu quả các giải pháp phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long ứng phó biến đổi khí hậu theo Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 của Chính phủ.

Đề cao trách nhiệm trong phối hợp phát triển kinh tế vùng và từng địa phương

Thủ tướng đề nghị các đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ, Thành uỷ và yêu cầu Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trong các Vùng kinh tế trọng điểm chỉ đạo các cơ quan liên quan đề cao trách nhiệm trong phối hợp phát triển kinh tế vùng và từng địa phương. Có biện pháp động viên sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân trên địa bàn để thực hiện có hiệu quả các chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2020 đã được giao, bảo đảm giải ngân toàn bộ kế hoạch vốn đầu tư công được giao trong năm 2020 và các nguồn vốn còn lại từ năm trước chuyển sang, khắc phục hậu quả thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Bên cạnh đó, triển khai các giải pháp mạnh, đồng bộ, hiệu quả để thu hút đầu tư, thúc đẩy phục hồi và phát triển mạnh sản xuất kinh doanh sau dịch. Tận dụng cơ hội có được từ các kết quả bước đầu trong trong công tác kiểm soát, phòng, chống dịch COVID-19 để thu hút đầu tư mạnh mẽ, thúc đẩy các hoạt động sản xuất kinh doanh, đón đầu dòng dịch chuyển vốn đầu tư khu vực và toàn cầu.

Tạo mọi điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh, cho nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân. Nghiên cứu, đề xuất các chính sách ưu đãi hỗ trợ về tín dụng, điện, nước, kết cấu hạ tầng giao thông, dịch vụ logistic, bảo đảm nguồn nhân lực… để phục vụ nhu cầu của các dự án quy mô lớn, công nghệ cao và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Nghiên cứu phản ánh người nước ngoài 'lách luật' sở hữu đất

Thủ tướng Chính phủ giao một số cơ quan chức năng liên quan nghiên cứu phản ánh tình trạng người nước ngoài lách luật, sở hữu những lô đất trọng yếu tồn tại nhiều năm.

Báo điện tử Diễn đàn Doanh nghiệp ngày 19/5/2020 có bài viết: Người nước ngoài 'lách luật' sở hữu đất tại Việt Nam: Chính sách đi sau thực tiễn có phản ánh: Tình trạng người nước ngoài lách luật, sở hữu những lô đất trọng yếu tồn tại nhiều năm và không ít lần được đưa ra xem xét, nhưng đến nay các cơ quan chức năng vẫn “bó tay” vì luật cho phép. Theo các chuyên gia, bản chất của vấn đề là pháp lý chưa lường hết được những phát sinh trong thực tế, chính sách đi sau thực tiễn trong lĩnh vực đầu tư, sở hữu đất đai, tạo kẽ hở cho các nhà đầu tư nước ngoài lách luật, sở hữu đất trái phép...

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, tổng hợp nội dung phản ánh của Báo điện tử Diễn đàn doanh nghiệp nêu trên trong quá trình hoàn thiện dự án Luật Đầu tư sửa đổi, trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 9, Quối hội khóa XIV.

Các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Tư pháp theo chức năng, nhiệm vụ được phân công rà soát, hoàn thiện các quy định của pháp luật đất đai, xây dựng, nhà ở, kinh doanh bất động sản… báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phương án xử lý.

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng báo cáo kết quả thực hiện đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo nêu tại Công văn số 8785/VPCP-NN ngày 28/9/2019.

Nghiên cứu phản ánh “Việt Nam nên tham gia chuỗi bong bóng du lịch”

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu phản ánh của báo điện tử Tuổi trẻ qua bài viết “Việt Nam nên tham gia chuỗi bong bóng du lịch”.

Trước đó, báo điện tử Tuổi trẻ ngày 01/6/2020 có bài viết “Việt Nam nên tham gia chuỗi bong bóng du lịch”, trong đó nêu thông tin: Theo Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn du lịch Việt Nam (TAB) Ken Atkinson, Việt Nam nên tham gia “bong bóng du lịch” cùng các nước đã và đang kiểm soát dịch tốt, tức là tạo ra một “hành lang du lịch” với nhau, được xem là mô hình khôi phục dần ngành du lịch. Điểm then chốt của Việt Nam là có những chính sách rõ ràng và quảng bá điểm đến an toàn, đưa ra kế hoạch chi tiết về việc làm thế nào và khi nào mở cửa cho du lịch.

Về việc này, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất trong kế hoạch kích cầu du lịch.

* Báo điện tử Vietnamnet ngày 30/5/2020 có bài viết: “Cảnh báo khan hiếm văn học cho thiếu nhi”, trong đó nêu thông tin: Các chuyên gia cảnh báo khan hiếm văn học cho thiếu nhi. Đội ngũ nhà văn viết cho thiếu nhi ngày càng thưa vắng, sách văn học cho thiếu nhi rất mong manh. Cần phải có sự vào cuộc của nhiều đơn vị để xử lý khoảng trống văn học thiếu nhi hiện nay.

Về việc này, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam và các cơ quan liên quan nghiên cứu, có giải pháp thúc đẩy phát triển văn học thiếu nhi.

Tiêu chí cần đạt tối thiểu trong đánh giá, phân hạng sản phẩm

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa ký Quyết định 781/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số Phụ lục Quyết định số 1048/QĐ-TTg ngày 21/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Bộ Tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

Theo đó, sửa đổi tên nhóm sản phẩm "Dịch vụ du lịch - truyền thống - lễ hội tại Mục 1, Phần VI, Phụ lục I thành nhóm: "Dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch".
Bên cạnh đó, bổ sung Mục 6, Phụ lục II nội dung: "6. Yêu cầu về một số tiêu chí cần đạt tối thiểu trong đánh giá, phân hạng sản phẩm". Áp dụng đối với các nhóm sản phẩm (trừ nhóm sản phẩm Dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch).

Cụ thể, có 3 nhóm tiêu chỉ gồm: 1- Sản phẩm và sức mạnh cộng đồng; 2- Khả năng tiếp thị; 3- Chất lượng sản phẩm. Các nhóm tiêu chí này phân hạng từ 1 sao đến 5 sao.

Trong đó, với nhóm tiêu chí chất lượng sản phẩm, tiêu chí cần đạt tối thiểu theo từng phân hạng sản phẩm OCOP như sau:

- Hạng 2 sao: Hồ sơ công bố chất lượng sản phẩm nhóm 4 và 5, có bản mô tả về tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm.

- Hạng 3 sao: 1- Hồ sơ công bố chất lượng sản phẩm có công bố tiêu chuẩn sản phẩm theo quy định; 2- Đảm bảo chất lượng sản phẩm: Nhóm 1, 2, 3 và 4: Có kế hoạch kiểm soát nội bộ gắn với truy suất nguồn gốc theo quy định của pháp luật; 3- Mức độ tinh xảo/sắc nét: Nhóm 5: Có giá trị mỹ thuật, kỹ thuật.

- Hạng 4 sao: 1- Đáp ứng các yêu cầu của hạng 3 sao; 2- Tính độc đáo: Nhóm 1, 2, 3 và 4: Chất lượng sản phẩm độc đáo, mang tính đặc trưng; 3- Mức độ tinh xảo/sắc nét: Nhóm 5: Chất lượng sản phẩm tinh xảo; 4- Đảm bảo chất lượng sản phẩm: Nhóm 1, 2, 3 và 4: Có chứng nhận quản lý chất lượng tiên tiến của Việt Nam.

- Hạng 5 sao: 1- Đáp ứng các yêu cầu của hạng 4 sao; 2- Đảm bảo chất lượng sản phẩm: Có chứng nhận quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế, đáp ứng các tiêu chuẩn thị trường đích.

Nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh Quảng Trị

Nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh Quảng Trị thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ký là căn cứ pháp lý quan trọng để tỉnh Quảng Trị sử dụng hoạch định chính sách, kiến tạo động lực phát triển; đưa ra các định hướng, nhiệm vụ và giải pháp đột phá phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời loại bỏ các quy hoạch chồng chéo đến đầu tư phát triển trên địa bàn.

Bên cạnh đó, làm cơ sở tái cấu trúc nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, Kế hoạch đầu tư công trung hạn trong các giai đoạn 2021-2025, 2026 đảm bảo tính khả thi, khách quan và khoa học.

Nội dung Quy hoạch tỉnh Quảng Trị thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 thực hiện theo các quy định tại Điều 27 Luật Quy hoạch năm 2017 và Điều 28 Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07/5/2019 của Chính phủ, bao gồm các nội dung chủ yếu sau: Phân tích, đánh giá, dự báo về các yếu tố, điều kiện phát triển đặc thù của tỉnh Quảng Trị; đánh giá thực trạng phát triển kinh tế - xã hội, hiện trạng sử dụng đất, hiện trạng hệ thống đô thị và nông thôn; đánh giá về việc thực hiện quy hoạch thời kỳ trước; xây dựng quan điểm, mục tiêu phát triển tỉnh Quảng Trị thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và lựa chọn phương án phát triển của tỉnh.

Nội dung quy hoạch cần định hướng phát triển, sắp xếp không gian và phân bố nguồn lực cho các hoạt động kinh tế-xã hội phải đồng bộ với quy hoạch cấp quốc gia, cấp vùng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững trên cả 3 trụ cột: Kinh tế, xã hội và môi trường; phù hợp với bối cảnh hội nhập quốc tế, các cam kết trong các điều ước quốc tế đa phương và song phương mà Việt Nam là thành viên.

Đảm bảo tính liên kết, đồng bộ, khai thác và sử dụng hiệu quả hệ thống kết cấu hạ tầng hiện có giữa các ngành và các vùng liên huyện, các địa phương trên địa bàn tỉnh; xác định cụ thể các khu vực sử dụng cho mục đích quân sự, quốc phòng, an ninh ở cấp tỉnh, liên huyện và định hướng bố trí trên địa bàn cấp huyện.

Xây dựng và cụ thể hóa các quan điểm chỉ đạo về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội; chú trọng thúc đẩy phát triển các khu vực có điều kiện khó khăn, đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; đảm bảo sinh kế bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân; phân bổ, khai thác và sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên gắn với bảo tồn các giá trị lịch sử - văn hóa, di sản thiên nhiên cho các thế hệ hiện tại và tương lai.

Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị căn cứ nội dung nhiệm vụ được phê duyệt, tổ chức lập Quy hoạch tỉnh Quảng Trị thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đảm bảo phù hợp quy định của Luật Quy hoạch và các quy định hiện hành, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật.

Phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Tây Ninh

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa ký quyết định phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Nội dung quy hoạch gồm: Phân tích, đánh giá, dự báo về các yếu tố, điều kiện phát triển đặc thù của tỉnh (gồm các điều kiện tự nhiên, xã hội; bối cảnh bên ngoài; tổng hợp các cơ hội, thách thức); xây dựng quan điểm, xác định mục tiêu và lựa chọn phương án phát triển trong thời kỳ quy hoạch; yêu cầu về các nội dung đề xuất: Các nội dung đề xuất nghiên cứu để đưa vào quy hoạch tỉnh phải có cơ sở khoa học, phù hợp với thực tiễn địa phương, xuất phát từ nhu cầu phát triển, yêu cầu quản lý Nhà nước tại địa phương.

Nội dung lập quy hoạch cần định hướng phát triển, sắp xếp không gian và phân bổ nguồn lực cho các hoạt động kinh tế-xã hội phải đồng bộ với quy hoạch cấp quốc gia, cấp vùng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững trên cả 4 trụ cột: kinh tế - xã hội - môi trường và quốc phòng, an ninh biên giới; phù hợp với bối cảnh hội nhập quốc tế, các cam kết trong các điều ước quốc tế đa phương và song phương mà Việt Nam là thành viên.

Đảm bảo tính liên kết, đồng bộ, khai thác và sử dụng hiệu quả hệ thống kết cấu hạ tầng hiện có giữa các ngành và các vùng liên huyện, các địa phương trên địa bàn tỉnh; xác định cụ thể các khu vực sử dụng cho mục đích quân sự, quốc phòng, an ninh ở cấp tỉnh, liên huyện và định hướng bố trí trên địa bàn cấp huyện.

Xây dựng và cụ thể hóa các quan điểm chỉ đạo về phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an sinh xã hội; chú trọng thúc đẩy phát triển các khu vực có điều kiện khó khăn, đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và đảm bảo sinh kế bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân; phân bổ, khai thác và sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên gắn với bảo tồn các giá trị lịch sử-văn hóa, di sản thiên nhiên cho các thế hệ hiện tại và tương lai.

Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh tổ chức lập và hoàn thành lập quy hoạch tỉnh không quá 24 tháng kể từ ngày nhiệm vụ quy hoạch tỉnh được phê duyệt.

Phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh An Giang

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Mục tiêu Quy hoạch nhằm cụ thể hóa quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng ở cấp tỉnh về không gian các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, hệ thống đô thị và phân bố dân cư nông thôn, kết cấu hạ tầng, phân bổ đất đai, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường trên cơ sở kết nối quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn.

Yêu cầu về nội dung lập Quy hoạch cần định hướng phát triển, sắp xếp không gian và phân bố nguồn lực cho các hoạt động kinh tế - xã hội phải đồng bộ với quy hoạch cấp quốc gia, cấp vùng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững trên cả 3 trụ cột: Kinh tế, xã hội và môi trường; phù hợp với bối cảnh hội nhập quốc tế, các cam kết trong các điều ước quốc tế đa phương và song phương mà Việt Nam là thành viên.

Đồng thời, bảo đảm yêu cầu hoạch định và phát triển trên toàn bộ không gian lãnh thổ tỉnh An Giang; phân bố, khai thác và sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên và bảo tồn các di tích lịch sử, di sản văn hoá, di sản thiên nhiên cho các thế hệ hiện tại và tương lai; việc phân bố phát triển không gian trong quá trình lập Quy hoạch phải thống nhất giữa kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, phân bố đất đai và bảo vệ môi trường, dịch vụ hệ sinh thái.

Bên cạnh đó, có sự liên kết, tính đồng bộ và hệ thống giữa các ngành và các vùng trong cả nước, giữa các địa phương trong vùng và khai thác, sử dụng tối đa kết cấu hạ tầng hiện có; phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương gắn với tiến bộ công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng an ninh; sự cân bằng giữa các yếu tố kinh tế, xã hội, môi trường trong quá trình lập Quy hoạch.

Xây dựng và cụ thể hóa các quan điểm chỉ đạo về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội; chú trọng thúc đẩy phát triển các khu vực có điều kiện khó khăn, đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và đảm bảo sinh kế bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân; sự kết hợp hài hòa giữa lợi ích của nhà nước và lợi ích của cộng đồng, giữa lợi ích của các vùng, các địa phương; phân bổ, khai thác và sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên gắn với bảo tồn các giá trị lịch sử - văn hóa, di sản thiên nhiên cho các thế hệ hiện tại và tương lai.

Nội dung của từng loại quy hoạch phải thống nhất, liên kết với nhau và được thể hiện bằng báo cáo Quy hoạch và hệ thống sơ đồ, bản đồ, cơ sở dữ liệu về quy hoạch. Ứng dụng công nghệ hiện đại, số hóa, thông tin, cơ sở dữ liệu trong quá trình lập Quy hoạch; đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn, kỹ thuật và phù hợp với yêu cầu phát triển, hội nhập quốc tế và liên kết vùng./.

Top