Hà Nội

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 8/4

08/04/2021 20:41

Hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao

Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hỗ trợ hoạt động sáng tạo tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật, báo chí ở Trung ương và các Hội Văn học nghệ thuật địa phương; hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao ở các Hội Nhà báo địa phương giai đoạn 2021 - 2025 (Chương trình).

Mục tiêu của Chương trình là đầu tư, hỗ trợ các tác giả, nhóm tác giả, hoạt động sáng tạo trong các lĩnh vực văn học, nghệ thuật (mỹ thuật, âm nhạc, sân khấu, điện ảnh, kiến trúc, nhiếp ảnh, múa, văn nghệ dân gian, văn nghệ các dân tộc thiểu số) và hoạt động báo chí ở Trung ương và các Hội Văn học nghệ thuật địa phương để có thêm nhiều tác phẩm, công trình có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, phong phú, đa dạng về loại hình và ngôn ngữ thể hiện, có giá trị định hướng thẩm mỹ và hình thành nhân cách, đạo đức, lối sống góp phần xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện; tập trung chủ yếu vào những đề tài đang được xã hội quan tâm, đó là: Đề tài lịch sử và di sản văn hóa truyền thống dân tộc; Đề tài cách mạng, trong đó tập trung vào hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ; Đề tài về biển, hải đảo và biên giới; bảo vệ chủ quyền, bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; Đề tài về những con người mới tham gia vào sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước trong tiến trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và bảo vệ môi trường ở địa phương nói riêng và của đất nước nói chung; Đề tài về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; sự nghiệp xây dựng và phát triển nông thôn mới gắn với xây dựng đời sống văn hóa cơ sở; Đề tài về thanh niên, thiếu niên và nhi đồng; về dân tộc thiểu số nhất là các dân tộc thiểu số rất ít người; Đề tài về gia đình và phòng, chống bạo lực trong gia đình; Đề tài chống diễn biến hòa bình, bác bỏ luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch chống phá công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ở địa phương, ngoài việc sáng tác, sưu tầm, bảo vệ bản sắc văn hóa, văn học nghệ thuật vùng, miền, chú trọng sáng tác các đề tài phản ánh về cuộc sống tại địa phương; những đổi mới góp phần thu hẹp khoảng cách về đời sống kinh tế, nhận thức xã hội, của các địa phương, vùng sâu, vùng xa với thành thị trong cộng đồng 54 dân tộc anh em.

Phát triển toàn diện đội ngũ nhà báo

Bên cạnh đó, Chương trình hỗ trợ sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao ở địa phương, ưu tiên tập trung vào các đề tài lớn, bao gồm: 1- Đề tài về ca ngợi Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại và các bài viết, tác phẩm báo chí phục vụ phổ biến, tuyên truyền Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam; phục vụ kịp thời các nhiệm vụ chính trị đặc biệt, các ngày kỷ niệm lớn của dân tộc tại địa phương trong giai đoạn 2021 – 2025; 2- Đề tài về lịch sử cách mạng, kháng chiến, trong đó chú trọng tập trung vào hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ ở địa phương; 3- Đề tài về xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc; công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, công nghiệp ở nông thôn; xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới ở địa phương; 4- Đề tài về miền núi, vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số, thiếu niên, nhi đồng ở địa phương tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; nhất là mảng đề tài ngư dân dọc biên giới biển, hải đảo, đề tài quân dân chung tay bảo vệ chủ quyền biển đảo, biên giới của Tổ quốc; 5- Đề tài về những con người mới, gương điển hình tiên tiến ở địa phương trong lao động sản xuất, đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, chống diễn biến hòa bình, giữ gìn an ninh, chính trị ở địa phương.

Hỗ trợ sáng tạo theo chiều sâu cho các tác giả, nhóm tác giả có nhiều đóng góp về văn học nghệ thuật, báo chí, có nhiều vốn sống nhưng chưa được đầu tư để có thêm nhiều tác phẩm, công trình có chất lượng; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, bồi dưỡng tài năng trẻ nhằm xây dựng và phát triển đội ngũ văn nghệ sỹ, nhà báo, phóng viên một cách toàn diện cả về số lượng và chất lượng, đề cao trách nhiệm công dân và tính tích cực xã hội, đồng hành mạnh mẽ cùng dân tộc, vì lợi ích của dân tộc, không ngừng đổi mới tư duy sáng tạo, nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn.

Đối tượng của Chương trình

Đối tượng của Chương trình là các tác giả, nhóm tác giả, hoạt động sáng tạo tác phẩm văn học nghệ thuật, báo chí ở Trung ương được hỗ trợ thông qua các Hội Văn học nghệ thuật chuyên ngành Trung ương, Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam và Hội Nhà báo Việt Nam.

Các tác giả, nhóm tác giả, hoạt động sáng tạo tác phẩm văn học nghệ thuật cho các địa phương được hỗ trợ thông qua các Hội Văn học nghệ thuật địa phương và Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam.

Các tác giả, nhóm tác giả, hoạt động sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao ở địa phương được hỗ trợ thông qua các Hội Nhà báo địa phương và Hội Nhà báo Việt Nam.

Nhiệm vụ của Chương trình là tuyên truyền, phổ biến kịp thời, đầy đủ các chính sách khuyến khích, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước về hoạt động sáng tạo văn học nghệ thuật, báo chí cho các hội viên hoạt động ở các Hội Văn học nghệ thuật, Hội Nhà báo ở Trung ương và địa phương; tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ sáng tạo tác phẩm, trại sáng tác, triển lãm, hội thảo... để phổ biến kịp thời kinh nghiệm, kiến thức mới nhằm nâng cao tay nghề, chuyên môn, nghiệp vụ và thực tế cuộc sống cho các hội viên. Đặc biệt chú trọng quan tâm, tạo điều kiện về vật chất và tinh thần cho các hội viên trẻ có triển vọng, hội viên là người dân tộc thiểu số.

Hỗ trợ công bố, phổ biến, công diễn, dàn dựng, biểu diễn, xuất bản, biên soạn, biên tập, dịch thuật, nghiên cứu, cập nhật thông tin các tác phẩm văn học nghệ thuật, tác phẩm báo chí đạt giải và có chất lượng cao; phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành trong việc xét duyệt, nghiệm thu, đánh giá, kiểm tra, giám sát các hoạt động sáng tạo tác phẩm văn học nghệ thuật, báo chí.

Kinh phí hỗ trợ thực hiện Chương trình được bố trí từ nguồn ngân sách Nhà nước căn cứ vào mục tiêu, nội dung và nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ở trên và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác.

Khu công nghiệp Thế Kỷ có quy mô hơn 119 ha

Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Thế Kỷ.

Mục tiêu của dự án là đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp. Nhà đầu tư là Công ty TNHH Hải Sơn.

Địa điểm thực hiện dự án tại xã Hữu Thạnh, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An với quy mô 119,1915 ha. Tổng vốn đầu tư của dự án là 1.355 tỷ đồng, trong đó vốn góp của Nhà đầu tư là 400 tỷ đồng.

Thời gian hoạt động của dự án là 50 năm kể từ ngày 6/4/2021.

UBND tỉnh Long An có kế hoạch bổ sung diện tích đất hoặc tăng hiệu quả đất trồng lúa khác để bù lại phần đất trồng lúa bị chuyển đổi. Chỉ đạo Nhà đầu tư khi được thuê đất thực hiện dự án phải nộp một khoản tiền để bảo vệ, phát triển đất trồng lúa theo quy định của pháp luật.

UBND tỉnh Long An chỉ đạo Ban quản lý khu kinh tế Long An và các cơ quan liên quan phối hợp với Nhà đầu tư triển khai phương án đền bù, giải phóng mặt bằng theo quy định. Trong quá trình thực hiện, đề nghị lưu ý thực hiện các giải pháp liên quan đến đời sống người lao động; phương án xây dựng nhà ở, công trình xã hội, văn hóa, thể thao cho người lao động khu công nghiệp; hỗ trợ việc làm, đào tạo nghề cho người dân bị thu hồi đất; thực hiện thu hồi đất phù hợp với tiến độ thực hiện Dự án và thu hút đầu tư để giảm thiểu tối đa ảnh hưởng đến người dân bị thu hồi đất.

Hơn 1119 tỷ đồng đầu tư xây dựng KCN Hoa Lư (Bình Phước)

Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp Hoa Lư, tỉnh Bình Phước.

Mục tiêu dự án là đầu tư xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp. Nhà đầu tư là Công ty cổ phần đầu tư Hoa Lư Bình Phước.

Dự án thực hiện tại xã Lộc Tấn và xã Lộc Thạnh, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước với quy mô sử dụng đất là 348,32 ha. Tổng vốn đầu tư của dự án 1.119,29 tỷ đồng, trong đó vốn góp của Nhà đầu tư là 170 tỷ đồng.

UBND tỉnh Bình Phước chịu trách nhiệm về tính chính xác trong việc thống kê, kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất và ý kiến về việc trong phạm vi đề xuất thực hiện dự án không có tài sản công theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

Trong quá trình thực hiện, nếu phát hiện trong phạm vi Dự án có phần tài sản công, UBND tỉnh Bình Phước chịu trách nhiệm thu hồi và xử lý tài sản công theo quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng tài sản công; giải quyết mọi vấn đề phát sinh liên quan đến việc thu hồi và xử lý tài sản công; trình cấp có thâm quyền xem xét việc hủy bỏ quyết định chủ trương đầu tư đã cấp cho Dự án.

UBND tỉnh Bình Phước cũng chịu trách nhiệm về việc đề xuất lựa chọn nhà đầu tư thực hiện Dự án đáp ứng điều kiện theo quy định của pháp luật về đầu tư, đấu thầu, đất đai, kinh doanh bất động sản và pháp luật khác có liên quan; kiểm tra, xác định việc đáp ứng điều kiện cho thuê đất tại thời điểm cho thuê đất.

Bên cạnh đó, bảo đảm điều kiện cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trong quá trình cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện Dự án. Thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng rừng theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp. Theo dõi, kiểm tra và giám sát việc Nhà đầu tư thực hiện trồng rừng thay thế hoặc hoàn thành trách nhiệm nộp tiền trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng đất lâm nghiệp sang mục đích khác theo quy định.

Đầu tư hạ tầng kỹ thuật KCN Bá Thiện - phân khu I

Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp Bá Thiện - phân khu I, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc.

Dự án trên được đầu tư tại thị trấn Bá Hiến và xã Thiện Kế, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc; có tổng diện tích 247,357 ha với nguồn vốn đầu tư 2.500 tỷ đồng.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Vĩnh Phúc đảm bảo tính chính xác của thông tin, số liệu báo cáo, các nội dung tiếp thu, giải trình và thẩm định theo quy định của pháp luật; triển khai Dự án phù hợp với quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Bổ sung chỉ tiêu sử dụng đất của khu công nghiệp Bá Thiện vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của tỉnh Vĩnh Phúc theo quy định của pháp luật về đất đai; đảm bảo Nhà đầu tư chỉ được thực hiện Dự án sau khi chỉ tiêu sử dụng đất của khu công nghiệp Bá Thiện được cập nhật đầy đủ trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của tỉnh Vĩnh Phúc được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Đồng thời, chịu trách nhiệm toàn diện về việc thực hiện trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật về đất đai và đấu giá tài sản; điều kiện để tổ chức thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất và việc đáp ứng điều kiện của các tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá; kết quả đấu giá và phê duyệt kết quả đấu giá, cho thuê khu đất dự kiến thực hiện Dự án, đảm bảo tuân thủ đúng, đầy đủ các quy định về đất đai và pháp luật có liên quan; công khai, minh bạch, không để xảy ra khiếu kiện.

UBND tỉnh Vĩnh Phúc chỉ đạo Ban quản lý các khu công nghiệp Vĩnh Phúc và các cơ quan có liên quan giám sát, đánh giá việc triển khai Dự án; phối hợp với Nhà đầu tư triển khai phương án, giải pháp liên quan đến đời sống người lao động; phương án xây dựng nhà ở, công trình xã hội, văn hóa, thể thao cho người lao động khu công nghiệp…

Nghiên cứu giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành du lịch

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu kiến nghị của Hiệp hội Du lịch Việt Nam, đề xuất các cơ chế, chính sách, giải pháp cấp bách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19 đối với ngành du lịch.

Xét đề nghị của Hiệp hội Du lịch Việt Nam về các giải pháp cấp bách hỗ trợ doanh nghiệp du lịch và ứng dụng Hộ chiếu vaccine trong bối cảnh tác động của đại dịch COVID-19, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam có ý kiến như sau:

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu kiến nghị của Hiệp hội Du lịch Việt Nam, đề xuất các cơ chế, chính sách, giải pháp cấp bách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19 đối với ngành du lịch; tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong Quý II năm 2021./.

Top