Hà Nội

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 8/1/2021

08/01/2021 20:00

Quy định đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp, trong đó quy định đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử.

Cụ thể, đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử là việc người thành lập doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp thực hiện việc đăng ký doanh nghiệp thông qua Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Tổ chức, cá nhân có quyền lựa chọn sử dụng chữ ký số theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử hoặc sử dụng Tài khoản đăng ký kinh doanh để đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử.

Tài khoản đăng ký kinh doanh quy định tại khoản 4 Điều 26 Luật Doanh nghiệp là tài khoản được sử dụng để xác thực hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử trong trường hợp người có thẩm quyền ký văn bản đề nghị đăng ký doanh nghiệp không sử dụng chữ ký số. Tài khoản đăng ký kinh doanh được tạo bởi Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, cấp cho cá nhân để thực hiện đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử. Cá nhân truy cập vào Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp để kê khai thông tin và tạo Tài khoản đăng ký kinh doanh. Các thông tin cá nhân được kê khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp để cấp Tài khoản đăng ký kinh doanh phải đầy đủ và chính xác theo các thông tin trên giấy tờ pháp lý của cá nhân và phải tuân thủ mức độ đảm bảo xác thực người nộp hồ sơ của Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

Một Tài khoản đăng ký kinh doanh chỉ được cấp cho một cá nhân. Cá nhân được cấp Tài khoản đăng ký kinh doanh chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, hợp pháp của các thông tin đăng ký để được cấp Tài khoản đăng ký kinh doanh và việc sử dụng Tài khoản đăng ký kinh doanh.

Phòng Đăng ký kinh doanh tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tìm hiểu thông tin, thực hiện đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử.

Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng có giá trị pháp lý như hồ sơ giấy

Nghị định cũng quy định cụ thể hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử. Cụ thể, hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử bao gồm các dữ liệu quy định của Nghị định này và được thể hiện dưới dạng văn bản điện tử. Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử có giá trị pháp lý như hồ sơ đăng ký doanh nghiệp bằng bản giấy.

Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử được chấp thuận khi có đầy đủ các yêu cầu:

Có đầy đủ các giấy tờ và nội dung các giấy tờ đó được kê khai đầy đủ theo quy định như hồ sơ bằng bản giấy và được thể hiện dưới dạng văn bản điện tử. Tên văn bản điện tử phải được đặt tương ứng với tên loại giấy tờ trong hồ sơ bằng bản giấy. Người có thẩm quyền ký văn bản đề nghị đăng ký doanh nghiệp, thành viên, cổ đông sáng lập, cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài hoặc cá nhân khác ký tên trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp có thể sử dụng chữ ký số để ký trực tiếp trên văn bản điện tử hoặc ký trực tiếp trên văn bản giấy và quét (scan) văn bản giấy theo các định dạng quy định.

Các thông tin đăng ký doanh nghiệp được kê khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp phải đầy đủ và chính xác theo các thông tin trong hồ sơ bằng bản giấy; có bao gồm thông tin về số điện thoại, thư điện tử của người nộp hồ sơ.

Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử phải được xác thực bằng chữ ký số hoặc Tài khoản đăng ký kinh doanh của người có thẩm quyền ký văn bản đề nghị đăng ký doanh nghiệp hoặc người được người có thẩm quyền ký văn bản đề nghị đăng ký doanh nghiệp ủy quyền thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp. Trường hợp ủy quyền thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp, kèm hồ sơ đăng ký doanh nghiệp phải có các giấy tờ, tài liệu quy định.

Thời hạn để doanh nghiệp sửa đổi, bổ sung hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử là 60 ngày kể từ ngày Phòng Đăng ký kinh doanh ra Thông báo yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ. Sau thời hạn nêu trên, nếu không nhận được hồ sơ sửa đổi, bổ sung của doanh nghiệp, Phòng Đăng ký kinh doanh sẽ hủy bỏ hồ sơ đăng ký doanh nghiệp theo quy trình trên Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

Quy định mới về dấu hiệu đặc trưng phương tiện tuần tra, kiểm soát hải quan

Chính phủ đã ban hành Nghị định 02/2021/NĐ-CP quy định về cờ truyền thống, cờ hiệu, biểu tượng, hải quan hiệu, phù hiệu, biển tên, cấp hiệu, trang phục, chứng minh hải quan và dấu hiệu đặc trưng phương tiện tuần tra, kiểm soát, giám sát hải quan.

Điểm mới của Nghị định 02/2021/NĐ-CP là quy định cụ thể về dấu hiệu đặc trưng phương tiện tuần tra, kiểm soát, giám sát hải quan.

Cụ thể, đối với tàu thuyền: Mạn tàu từ đường mớn nước thiết kế trở lên sơn màu xanh nước biển mã Ral 5013; phần thượng tầng từ mặt boong trở lên sơn màu xanh da trời mã Ral 5012; mặt boong sơn màu đỏ nâu.

Phần mạn khô dọc thân tàu sơn 02 dòng chữ: Dòng chữ in hoa “HẢI QUAN VIỆT NAM” màu trắng, có chiều dài dòng chữ tối đa bằng 1/3 chiều dài toàn bộ tàu, chiều cao phù hợp với kích thước của tàu; dòng chữ in hoa “VIETNAM CUSTOMS” màu trắng có chiều cao bằng 2/3 dòng chữ tiếng Việt và đặt cân đối chính giữa, phía dưới dòng chữ tiếng Việt.

Ký hiệu của tàu hải quan là 03 vạch nhận biết màu vàng mã Ral 1026 trên 02 mạn khô thân tàu, trong đó: Vạch thứ nhất đặt ở cuối mũi tàu giao với điểm đầu thân tàu, chếch 30° - 40°, tâm của vạch thứ nhất có sơn Biểu tượng Hải quan, chiều rộng của vạch thứ nhất tuỳ theo kích thước tàu; vạch thứ 2 và thứ 3 sơn song song với vạch thứ nhất và có chiều rộng bằng 1/2 vạch thứ nhất; chiều dài của các vạch bằng chiều cao mạn khô của thân tàu.

Biểu tượng hải quan được đặt ở mặt trước và phía trên hai bên thân cabin tàu ở độ cao dễ quan sát. Kích thước của biểu tượng hải quan được thiết kế phù hợp với kích thước cabin.

Kích thước biển số tàu 35 cm x 100 cm (biển số 01); chiều cao chữ, số: 24 cm; chiều rộng chữ, số: 2,4 cm.

Màu sắc biển số: Biển số đăng ký không được làm rời mà sơn trực tiếp lên vỏ phương tiện; nền biển số: sơn màu đỏ; chữ, số và gạch ngang: sơn màu trắng.

Vị trí biển số: Biển số đăng ký được sơn tại 05 vị trí: 02 bên mạn mũi, 02 bên cabin và mạn tàu phía lái. Nếu mạn khô vùng mũi nhỏ hẹp thì sơn lên be chắn gió mạn mũi. Vị trí sơn ở nơi rộng, dễ quan sát (sử dụng biển số 01).

Biển số cho tàu thuyền, ca nô, xuồng máy của lực lượng hải quan sẽ được đặt theo quy cách như sau: HQ “chỉ số đơn vị” “chỉ số chủng loại” “chỉ số phương tiện”.

Tàu thuyền, ca nô, xuồng máy phục vụ công tác tuần tra, kiểm soát hải quan được đăng kiểm, đăng ký quản lý theo hệ thống đăng ký tàu thuyền của Bộ Quốc phòng.

Xe ô tô kiểm tra, kiểm soát, giám sát hải quan hai bên cửa xe có in dòng chữ “CUSTOMS” có phản quang theo quy cách như sau: Chữ in hoa, in đứng, cỡ chữ tùy thuộc vào từng loại xe; trước xe (nắp capo) và trước dòng chữ “CUSTOMS” có gắn biểu tượng hải quan. Nóc xe có gắn loa, đèn hiệu màu vàng; cờ hiệu hải quan cắm ở đầu xe phía bên trái người lái.

Nghị định có hiệu lực từ 1/3/2021.

Quy định mới về quản lý người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp

Chính phủ ban hành Nghị định 159/2020/NĐ-CP về quản lý người giữ chức danh, chức vụ và người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Nghị định này quy định đánh giá, quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động, luân chuyển, từ chức, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật, nghỉ hưu đối với người giữ chức danh, chức vụ và Kiểm soát viên tại doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; đánh giá, cử, cử lại, cho thôi đại diện phần vốn nhà nước, khen thưởng, kỷ luật, nghỉ hưu đối với người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Trong đó, người quản lý doanh nghiệp nhà nước, Kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước được đánh giá, xếp loại chất lượng hàng năm theo 4 mức độ: Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, hoàn thành tốt nhiệm vụ, hoàn thành nhiệm vụ, không hoàn thành nhiệm vụ.

Việc đánh giá người quản lý doanh nghiệp nhà nước, Kiểm soát viên được thực hiện hàng năm sau khi cơ quan đại diện chủ sở hữu công bố kết quả xếp loại doanh nghiệp theo quy định của pháp luật; việc đánh giá người đại diện phần vốn nhà nước được thực hiện sau khi công bố báo cáo tài chính hàng năm của doanh nghiệp.

Điều kiện bổ nhiệm người quản lý doanh nghiệp nhà nước

Nghị định quy định cụ thể điều kiện bổ nhiệm người quản lý doanh nghiệp nhà nước gồm:

1- Bảo đảm tiêu chuẩn chung theo quy định của Đảng, Nhà nước và tiêu chuẩn cụ thể của chức danh bổ nhiệm theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.

2- Được quy hoạch vào chức danh bổ nhiệm đối với nguồn nhân sự tại chỗ hoặc được quy hoạch vào chức danh tương đương nếu là nguồn nhân sự từ nơi khác. Trường hợp doanh nghiệp mới thành lập chưa thực hiện việc phê duyệt quy hoạch thì do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

3- Có hồ sơ, lý lịch cá nhân được xác minh, có bản kê khai tài sản, thu nhập theo quy định.

4- Tuổi bổ nhiệm:

Phải đủ tuổi (tính theo tháng) để công tác trọn một nhiệm kỳ của chức danh quản lý, tính từ khi thực hiện quy trình bổ nhiệm; trường hợp đặc biệt báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Trường hợp do nhu cầu công tác mà được giao giữ chức vụ mới tương đương hoặc thấp hơn chức vụ đang giữ thì không tính tuổi bổ nhiệm theo quy định nêu trên.

5- Đủ sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

6- Không thuộc các trường hợp bị cấm đảm nhiệm chức vụ theo quy định của pháp luật.

7- Không trong thời hạn xử lý kỷ luật, đang bị điều tra, truy tố, xét xử. Trường hợp doanh nghiệp đang trong thời gian cơ quan có thẩm quyền thanh tra, kiểm tra thì cấp có thẩm quyền trao đổi với cơ quan thanh tra, kiểm tra về nhân sự được đề nghị bổ nhiệm trước khi quyết định.

Về thời hạn giữ chức vụ, thời hạn giữ chức vụ cho mỗi nhiệm kỳ bổ nhiệm của người quản lý doanh nghiệp nhà nước, Kiểm soát viên là 05 năm, tính từ thời điểm quyết định bổ nhiệm có hiệu lực. Trường hợp thời hạn giữ chức vụ dưới 05 năm thực hiện theo quyết định của cấp có thẩm quyền.

Trường hợp người quản lý doanh nghiệp nhà nước, Kiểm soát viên được điều động, bổ nhiệm giữ chức vụ mới tương đương chức vụ cũ trở lên thì thời hạn giữ chức vụ được tính từ ngày quyết định điều động, bổ nhiệm giữ chức vụ mới có hiệu lực thi hành.

Trường hợp thay đổi chức danh quản lý do thay đổi tên gọi doanh nghiệp thì thời hạn giữ chức vụ được tính từ ngày quyết định bổ nhiệm theo chức vụ cũ theo tên gọi cũ của doanh nghiệp.

Cơ quan soạn thảo VBQPPL phải trả lời ý kiến phản biện của MTTQVN

Chính phủ đã ban hành Nghị định 154/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL).

Một trong những điểm mới của Nghị định 154/2020/NĐ-CP là bổ sung trách nhiệm của cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo VBQPPL. Cụ thể, cơ quan chủ trì soạn thảo phải trả lời bằng văn bản đối với ý kiến phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong trường hợp Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện phản biện xã hội đối với dự thảo VBQPPL.

Về các trường hợp Nghị quyết do Hội đồng nhân dân và Quyết định do Ủy ban nhân dân ban hành không phải là VBQPPL, ngoài các trường hợp đã được quy định trước đó thì Nghị định 154/2020/NĐ-CP cũng bổ sung trường hợp “Nghị quyết về chương trình, đề án, dự án, kế hoạch” cũng không phải là VBQPPL.

Quy định mới về đánh giá tác động chính sách

Về đánh giá tác động của chính sách, Nghị định 154/2020/NĐ-CP nêu rõ, tác động về xã hội được đánh giá trên cơ sở phân tích, dự báo tác động đối với một hoặc một số nội dung về dân số, việc làm, tài sản, sức khỏe, môi trường, y tế, giáo dục, đi lại, giảm nghèo, giá trị văn hóa truyền thống, gắn kết cộng đồng, xã hội, chính sách dân tộc (nếu có) và các vấn đề khác có liên quan đến xã hội.

Tác động về giới (nếu có) được đánh giá trên cơ sở phân tích, dự báo các tác động kinh tế, xã hội liên quan đến cơ hội, điều kiện, năng lực thực hiện và thụ hưởng các quyền, lợi ích của mỗi giới.

Tác động đối với hệ thống pháp luật được đánh giá trên cơ sở phân tích, dự báo tác động đối với tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật; khả năng thi hành và tuân thủ pháp luật của các cơ quan, tổ chức, cá nhân; khả năng thi hành và tuân thủ của Việt Nam đối với các điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Nghị định 154/2020/NĐ-CP cũng quy định: Trong quá trình soạn thảo, thẩm định, thẩm tra, xem xét, cho ý kiến về dự thảo luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, nếu có chính sách mới được đề xuất thì cơ quan đề xuất chính sách phải đánh giá tác động của chính sách mới. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày đề xuất chính sách mới, cơ quan đề xuất có trách nhiệm xây dựng báo cáo đánh giá tác động đối với chính sách mới đó.

Đối với văn bản do Chính phủ trình, cơ quan chủ trì soạn thảo có trách nhiệm báo cáo Chính phủ về nội dung chính sách mới (nếu có); đối với văn bản không do Chính phủ trình, Bộ Tư pháp có trách nhiệm phối hợp với cơ quan thẩm tra để kịp thời báo cáo Chính phủ về nội dung chính sách mới (nếu có).

Khi soạn thảo thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ quy định tại khoản 2 Điều 24 của Luật, cơ quan chủ trì soạn thảo có trách nhiệm xây dựng báo cáo đánh giá tác động của chính sách (nếu có).

Báo cáo đánh giá tác động của chính sách được xây dựng theo quy định tại Điều 5, Điều 6, Điều 7, điểm a khoản 1 Điều 8 và Điều 9 của Nghị định này và được đưa vào hồ sơ dự án, dự thảo văn bản.

Phê duyệt Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021-2030

Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021-2030 nhằm mục tiêu bảo đảm thực hiện các quyền trẻ em, phát triển toàn diện trẻ em; tạo lập môi trường sống an toàn, lành mạnh và thân thiện cho trẻ.

Chương trình đề ra 4 mục tiêu cụ thể.

Mục tiêu 1: Về phát triển toàn diện trẻ em, chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng cho trẻ em

Chỉ tiêu 1: Tỷ lệ xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn phù hợp với trẻ em đạt 65% vào năm 2025 và 75% vào năm 2030.

Chỉ tiêu 2: Tỷ lệ trẻ em đến 8 tuổi được tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ chăm sóc phát triển toàn diện đạt 90% vào năm 2025 và 95% vào năm 2030.

Chỉ tiêu 3: Giảm tỷ suất tử vong trẻ sơ sinh trên 1.000 trẻ đẻ sống dưới 9,5 vào năm 2025 và dưới 9 vào năm 2030; giảm tỷ suất tử vong của trẻ em dưới 1 tuổi trên 1.000 trẻ đẻ sống xuống 12,5 vào năm 2025 và 10 vào năm 2030; giảm tỷ suất tử vong trẻ em dưới 5 tuổi trên 1.000 trẻ đẻ sống dưới 18.5 vào năm 2025 và dưới 15 vào năm 2030.

Chỉ tiêu 4: Phấn đấu giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể cân nặng theo tuổi xuống dưới 9% vào năm 2025 và dưới 6% vào năm 2030; giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể chiều cao theo tuổi xuống 17% vào năm 2025 và dưới 15% vào năm 2030; giảm tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể béo phì xuống dưới 5% đối với nông thôn và dưới 10% đối với thành thị vào năm 2025 và năm 2030.

Chỉ tiêu 5: Tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ 8 loại vắc xin đạt 97% vào năm 2025 và 98% vào năm 2030; 98% trẻ em dưới 5 tuổi được tiêm chủng đầy đủ các loại vắc xin vào năm 2030.

Chỉ tiêu 6: Tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con là 2% vào năm 2030.

Chỉ tiêu 7: Phấn đấu 100% cơ sở giáo dục cho trẻ em có công trình vệ sinh vào năm 2025 và duy trì 100% đến năm 2030.

Mục tiêu 2: Về bảo vệ trẻ em

Chỉ tiêu 8: Giảm tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trên tổng số trẻ em xuống dưới 6,5% vào năm 2025 và 6% vào năm 2030; 90% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được chăm sóc, nuôi dưỡng, trợ giúp vào năm 2025 và 95% vào năm 2030.

Chỉ tiêu 9: Giảm tỷ lệ trẻ em bị xâm hại trên tổng số trẻ em xuống dưới 4,5% vào năm 2025 và xuống dưới 4% vào năm 2030.

Chỉ tiêu 10: Phấn đấu giảm tỷ lệ lao động trẻ em và người chưa thành niên từ 5 đến 17 tuổi xuống 4,9% vào năm 2025 và xuống 4,5% vào năm 2030.

Chỉ tiêu 11: Giảm tỷ suất trẻ em bị tai nạn thương tích xuống 550/100.000 trẻ em vào năm 2025 và 500/100.000 vào năm 2030; giảm tỷ suất trẻ em bị tử vong do tai nạn thương tích xuống còn 16/100.000 trẻ em vào năm 2025 và xuống còn 15/100.000 vào năm 2030.

Chỉ tiêu 12: Phấn đấu 100% trẻ em gặp thiên tai, thảm họa được cứu trợ, hỗ trợ kịp thời.

Chỉ tiêu 13: Từng bước xóa bỏ tình trạng tảo hôn, duy trì mức giảm số cuộc tảo hôn từ 2 đến 3% hằng năm giai đoạn từ năm 2025 đến năm 2030.

Chỉ tiêu 14: Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi được đăng ký khai sinh đạt 98,5% vào năm 2025, phấn đấu 100% vào năm 2030.

Mục tiêu 3: Về giáo dục, văn hóa, vui chơi, giải trí cho trẻ em

Chỉ tiêu 15: Phấn đấu tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi được phát triển phù hợp về sức khỏe, học tập và tâm lý xã hội đạt 99,1% vào năm 2025 và 99,3% vào năm 2030.

Chỉ tiêu 16: Tỷ lệ huy động trẻ em 5 tuổi đi học mẫu giáo đạt 99,1% vào năm 2025 và 99,3% vào năm 2030.

Chỉ tiêu 17: Tỷ lệ trẻ em hoàn thành cấp tiểu học đạt 97% vào năm 2025 và đạt 99% vào năm 2030: phấn đấu giảm tỷ lệ trẻ em bỏ học bậc tiểu học dưới 0,12% vào năm 2025 và dưới 0,1% vào năm 2030.

Chỉ tiêu 18: Tỷ lệ trẻ em hoàn thành cấp trung học cơ sở đạt 88% vào năm 2025 và đạt 93% vào năm 2030; phấn đấu giảm tỷ lệ trẻ em bỏ học cấp trung học cơ sở dưới 0,14% vào năm 2025 và dưới 0,05% vào năm 2030.

Chỉ tiêu 19: Phấn đấu 95% trường học có dịch vụ hỗ trợ tâm lý trẻ em vào năm 2025.

Chỉ tiêu 20: Tỷ lệ trường học có cơ sở hạ tầng và tài liệu phù hợp với học sinh, sinh viên khuyết tật đạt 55% vào năm 2025 và 60% vào năm 2030; tỷ lệ trẻ em khuyết tật có nhu cầu học tập được tiếp cận giáo dục chuyên biệt, giáo dục hòa nhập và hỗ trợ phục hồi chức năng phù hợp đạt 80% vào năm 2025 và đạt 90% vào năm 2030.

Chỉ tiêu 21: Phấn đấu tỷ lệ các xã, phường, thị trấn có điểm văn hóa, vui chơi dành cho trẻ em đạt 40% vào năm 2025 và 45% vào năm 2030.

Mục tiêu 4: Về sự tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em

Chỉ tiêu 22: Phấn đấu 30% trẻ em từ 07 tuổi trở lên được hỏi ý kiến về các vấn đề của trẻ em với các hình thức phù hợp vào năm 2025 và 35% vào năm 2030.

Chỉ tiêu 23: Phấn đấu 85% trẻ em được nâng cao nhận thức, năng lực về quyền tham gia của trẻ em vào năm 2025 và 90% vào năm 2030.

Chỉ tiêu 24: Tỷ lệ trẻ em từ 11 tuổi trở lên được tham gia vào các mô hình, hoạt động thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em đạt 30% vào năm 2025 và 35% vào năm 2030.

Cùng với đó, Chương trình cũng chỉ rõ nhiệm vụ và giải pháp thực hiện như: Tăng cường sự chỉ đạo, hướng dẫn, phối hợp của các bộ, ngành, địa phương đối với việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu của Chương trình; hoàn thiện pháp luật, chính sách bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và giải quyết các vấn đề về trẻ em; phát triển hệ thống dịch vụ đáp ứng thực hiện quyền trẻ em có sự lồng ghép và phối hợp giữa các dịch vụ y tế, giáo dục, tư pháp và các dịch vụ an sinh xã hội; ưu tiên hệ thống dịch vụ bảo vệ trẻ em; tăng cường truyền thông, giáo dục về kiến thức, kỹ năng thực hiện quyền, bổn phận của trẻ em; vận động xã hội thực hiện các mục tiêu về trẻ em và giải quyết các vấn đề về trẻ em; Bảo đảm nguồn lực thực hiện quyền trẻ em và các mục tiêu, chỉ tiêu về trẻ em; ưu tiên bố trí nguồn lực về bảo vệ trẻ em; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra; xây dựng cơ sở dữ liệu theo dõi, đánh giá việc thực hiện pháp luật, chính sách, chương trình, mục tiêu, chỉ tiêu về trẻ em…

Phát triển nguồn nhân lực an toàn thông tin

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án "Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực an toàn thông tin giai đoạn 2021 - 2025".

Mục tiêu tổng quát của Đề án là đào tạo, nâng cao kiến thức, kỹ năng về an toàn thông tin (ATTT) cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, tổ chức Nhà nước; hỗ trợ các cơ quan, tổ chức của Đảng, tổ chức chính trị - xã hội đào tạo, tập huấn về ATTT khi có đề nghị từ các cơ quan, tổ chức này; xây dựng và phát triển đội ngũ chuyên gia ATTT để bảo vệ cho các hệ thống thông tin của Đảng và Nhà nước.

Mục tiêu cụ thể là tổ chức 6000 lượt đào tạo ngắn hạn về kiến thức, kỹ năng ATTT của người dùng cho các công chức, viên chức và người lao động có sử dụng thiết bị công nghệ thông tin (CNTT) khi làm việc của các cơ quan, tổ chức của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế của nhà nước; lựa chọn và tổ chức đào tạo 200 chuyên gia ATTT để bảo vệ cho các hệ thống thông tin của Đảng và Nhà nước; đưa 150 giảng viên, nghiên cứu viên đi đào tạo, bồi dưỡng cập nhật về ATTT ở nước ngoài, trong đó có tối thiểu 70 tiến sĩ; đào tạo 5000 thạc sĩ, kỹ sư, cử nhân ATTT;...

Một trong các nhiệm vụ, giải pháp của Đề án là đào tạo ngắn hạn về ATTT theo hình thức tập trung, trực tuyến hoặc kết hợp giữa tập trung và trực tuyến về ATTT cho các cơ quan, tổ chức Nhà nước; hỗ trợ các cơ quan, tổ chức của Đảng, tổ chức chính trị - xã hội đào tạo, tập huấn về ATTT khi có đề nghị từ các cơ quan, tổ chức này.

Nội dung đào tạo gồm: Quản lý, nghiệp vụ và kỹ năng ATTT cho đội ngũ lãnh đạo, quản lý; cập nhật, nâng cao kỹ năng kỹ thuật ATTT cho đội ngũ nhân lực kỹ thuật làm về ATTT và CNTT theo chuẩn, khung chương trình, yêu cầu kỹ năng ATTT do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành, hướng dẫn, các chương trình đào tạo theo các chứng chỉ quốc tế và thi lấy chứng chỉ quốc tế; kiến thức, kỹ năng ATTT của người dùng cho các cán bộ, công chức, viên chức và người lao động có sử dụng thiết bị CNTT;..

Xây dựng hệ thống, chương trình, tài liệu để phục vụ kiểm tra, đánh giá năng lực ATTT trong quá trình đào tạo. Lựa chọn một số cán bộ có kết quả học tập tốt để tham gia thi lấy các chứng chỉ quốc tế.

Nhiệm vụ, giải pháp khác là chuẩn hóa kỹ năng ATTT trong các cơ quan, tổ chức. Cụ thể, xây dựng, ban hành quy định chuẩn kỹ năng về ATTT, tiêu chuẩn, tiêu chí, yêu cầu chuyên môn, nghiệp vụ ATTT cho cán bộ chuyên trách về ATTT và CNTT nhằm chuẩn hóa và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ATTT trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; hướng dẫn, phối hợp tổ chức hoạt động kiểm tra, đánh giá năng lực ATTT đối với cán bộ kỹ thuật, quản lý về ATTT và CNTT trong các cơ quan, tổ chức.

Đưa nội dung đào tạo về ATTT vào các chương trình đào tạo, bồi dưỡng, xếp hoặc nâng ngạch bậc cho tất cả các vị trí việc làm và các chương trình đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, công chức, viên chức theo định kỳ trong cơ quan nhà nước.

Tiên Yên (Quảng Ninh) đạt chuẩn nông thôn mới

Thủ tướng Chính phủ vừa công nhận huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019.

Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Quảng Ninh có trách nhiệm công bố và khen thưởng theo quy định, chỉ đạo huyện Tiên Yên tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí, chú trọng các tiêu chí về sản xuất và môi trường để đảm bảo tính bền vững trong xây dựng nông thôn mới.

Hoàn thiện thủ tục điều chỉnh Dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng vừa có ý kiến về việc điều chỉnh Dự án thành phần 2 (đoạn Hữu Nghị - Chi Lăng) thuộc Dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn.

Cụ thể, Phó Thủ tướng yêu cầu Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hoàn thiện thủ tục điều chỉnh Dự án thành phần 2 (đoạn Hữu Nghị - Chi Lăng) thuộc Dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn theo đúng quy định, báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định trong tháng 01 năm 2021./.

 

Top