Hà Nội

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 8/10/2020

08/10/2020 18:47

Thủ tướng chỉ đạo tập trung đối phó mưa lũ lớn tại miền Trung

Thủ tướng Chính phủ vừa có Công điện yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tập trung đối phó với mưa lũ lớn tại các tỉnh miền Trung.

Công điện nêu rõ, từ ngày 06 tháng 10 năm 2020 đến nay, tại các khu vực miền Trung liên tiếp có mưa to đến rất to, tổng lượng mưa phổ biến từ 300 đến 500mm, đặc biệt tại một số nơi ở Quảng Trị, Thừa Thiên Huế tổng lượng mưa từ 700 đến 900mm, một số khu vực đã xảy ra ngập sâu, chia cắt giao thông.

Theo dự báo, mưa lớn còn tiếp tục xảy ra trong thời gian tới, lũ trên các sông ở Quảng Bình đến Quảng Ngãi sẽ lên rất nhanh, nhiều nơi trên mức báo động 3, nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập úng nghiêm trọng trên diện rộng tại các vùng thấp trũng, nhất là khu vực các huyện Hướng Hóa, Đắk Rông, Hải Lăng, Triệu Phong (tỉnh Quảng Trị), Đại Lộc, Duy Xuyên (tỉnh Quảng Nam), Phong Điền (tỉnh Thừa Thiên Huế), Minh Hóa (tỉnh Quảng Bình).

Để chủ động ứng phó với mưa, lũ lớn, bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại tài sản của nhân dân, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cơ quan, Bộ, ngành, địa phương tập trung vào một số nhiệm vụ cấp bách sau:

1. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố từ Hà Tĩnh đến Phú Yên và khu vực Tây Nguyên, đặc biệt là các tỉnh: Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Bình theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, chỉ đạo triển khai ngay các biện pháp khẩn cấp ứng phó với mưa lũ theo phương châm 4 tại chỗ nhằm bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân, hạn chế thiệt hại do mưa lũ, tập trung một số nhiệm vụ sau:

a) Rà soát, chủ động huy động lực lượng tổ chức di dời khẩn cấp các hộ dân tại các khu vực nguy hiểm, khu vực có nguy cơ bị ngập sâu, chia cắt, nhất là tại các vùng thấp trũng, ven sông suối, những hộ không đảm bảo an toàn phải kiên quyết vận động di dời, trường hợp cần thiết phải tổ chức cưỡng chế di dời để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân. Tiếp tục tổ chức tìm kiếm người còn mất tích; tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ kịp thời các gia đình có người chết, mất tích; chủ động hỗ trợ lương thực, thực phẩm, bố trí chỗ ở tạm cho các hộ phải di dời, không để người dân thiếu đói, rét.

b) Chủ động thông tin kịp thời, khuyến cáo, hướng dẫn người dân trong các hoạt động, nhất là việc đi lại khi có mưa lũ; bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, đặc biệt là tại các khu vực thường xuyên ngập sâu, chảy xiết khi mưa lũ; căn cứ tình hình cụ thể tại địa phương quyết định việc cho học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn; hướng dẫn người dân chủ động dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm thiết yếu đề phòng mưa lũ gây ngập úng, chia cắt kéo dài.

c) Tiếp tục chỉ đạo, triển khai các biện pháp gia cố bảo vệ đê điều, hồ đập. Các hồ chứa thủy lợi, thủy điện xung yếu, nhất là các hồ đập vừa và nhỏ đã đầy nước, có nguy cơ mất an toàn cao cần bố trí lực lượng trực canh, có phương án chủ động sơ tán dân cư ở hạ lưu để bảo đảm an toàn khi có tình huống; rà soát bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để sẵn sàng triển khai ứng cứu khi xảy ra sự cố.

d) Chỉ đạo, tổ chức giám sát việc vận hành an toàn các hồ đập trên địa bàn theo quy trình vận hành được cấp thẩm quyền phê duyệt, đồng thời chủ động xử lý mọi tình huống phát sinh trong quá trình vận hành hồ đập. Chủ các hồ đập chịu trách nhiệm cung cấp kịp thời, đầy đủ thông tin liên quan đến vận hành hồ chứa nước về Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn địa phương có liên quan phục vụ chỉ đạo phối hợp vận hành các hồ.

đ) Chỉ đạo, hướng dẫn người dân triển khai phương án bảo vệ sản xuất nông nghiệp, chủ động thu hoạch lúa, hoa màu, thủy hải sản đã đến kỳ thu hoạch, nhất là khu vực có nguy cơ bị ngập sâu; chủ động tiêu thoát nước đệm phòng, chống ngập úng, bảo vệ sản xuất.

e) Bố trí lực lượng, phương tiện tại các địa bàn trọng điểm để sẵn sàng triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn và khắc phục kịp thời hậu quả mưa lũ.

2. Các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam theo chức năng, nhiệm vụ được giao: Chủ động chỉ đạo công tác vận hành an toàn các hồ đập thủy lợi, thủy điện, góp phần giảm lũ cho hạ du, không để gia tăng ngập lụt ở hạ du do xả lũ nhân tạo; cử các đoàn công tác phối hợp, hỗ trợ các địa phương trong vận hành hồ; chỉ đạo chủ hồ đập tổ chức tính toán, kịp thời cập nhật thông tin vận hành hồ chứa về Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai và Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các địa phương, đề xuất phương án vận hành trường hợp xảy ra lũ lớn. Chỉ đạo, hướng dẫn địa phương triển khai các biện pháp bảo vệ sản xuất nông nghiệp. Chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn hệ thống điện. Chuẩn bị nguồn lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu để hỗ trợ các địa phương khi có yêu cầu.

3. Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Bộ Quốc phòng chỉ đạo Quân khu 4, Quân khu 5 và các lực lượng đóng trên địa bàn sẵn sàng lực lượng, phương tiện hỗ trợ địa phương thực hiện công tác sơ tán, di dời dân cư ra khỏi khu vực nguy hiểm; chủ động bố trí lực lượng, phương tiện tại các khu vực xung yếu  để thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.

4. Bộ Công an  chỉ đạo công an các địa phương bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn; sẵn sàng lực lượng hỗ trợ nhân dân ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lũ theo đề nghị của địa phương; chủ động hướng dẫn, phân luồng, kiểm soát phương tiện giao thông hoạt động tại các khu vực bị ảnh hưởng mưa lũ, bảo đảm an toàn.

5. Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo bảo đảm an toàn đối với tàu, phương tiện vận tải hoạt động, neo đậu trên sông và vùng cửa sông; triển khai các phương án bảo đảm an toàn giao thông đường thủy, đường bộ, đường sắt tại các khu vực bị ảnh hưởng mưa lũ; phối hợp với lực lượng công an chủ động chỉ đạo kiểm soát, phân luồng chống ách tắc, bảo đảm an toàn cho hành khách và các phương tiện vận tải; chuẩn bị lực lượng, phương tiện, vật tư kịp thời khắc phục hậu quả, khôi phục giao thông trên các trục chính, nhất là tuyến Quốc lộ 1 và đường sắt Bắc Nam.

6. Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan, các nhà mạng triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn hệ thống thông tin, chuẩn bị lực lượng, vật tư sẵn sàng khôi phục nhanh thông tin liên lạc khi xảy ra sự cố để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành ứng phó thiên tai và sớm ổn định đời sống, sinh hoạt của người dân.

7. Bộ Y tế chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh, nhất là dịch COVID-19 tại khu vực sơ tán và chủ động hỗ trợ các địa phương chịu ảnh hưởng của mưa lũ cơ số thuốc và các hóa chất cần thiết để đảm bảo khám chữa bệnh, vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh sau lũ.

8. Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo triển khai công tác bảo đảm an toàn cho giáo viên, học sinh, hạn chế thấp nhất thiệt hại về cơ sở vật chất, trang thiết bị và đồ dùng học tập tại các khu vực bị ảnh hưởng của mưa lũ.

9. Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, dự báo, cảnh báo, cung cấp thông tin cho các cơ quan thông tin đại chúng và các cơ quan có liên quan để kịp thời thông tin đến người dân và phục vụ công tác chỉ đạo, ứng phó.

10. Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam và các cơ quan thông tấn, báo chí của Trung ương và địa phương thường xuyên cập nhật thông tin về diễn biến mưa lũ; tăng cường thời lượng phát sóng, truyền tin trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết, chủ động phòng tránh.

11. Các Bộ, ngành theo chức năng theo chức năng nhiệm vụ được giao phối hợp với địa phương chủ động chỉ đạo, triển khai các biện pháp sẵn sàng ứng phó với mưa lũ lớn; duy trì lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng phó khi có tình huống xấu xảy ra.

12. Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai tổ chức thường trực, theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa lũ, kịp thời chỉ đạo, đôn đốc của các Bộ, ngành và địa phương triển khai các biện pháp ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ; kịp thời đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo những vấn đề vượt thẩm quyền.

Xây dựng Nghị định về công tác bảo đảm chuyến bay chuyên cơ

Chính phủ ban hành Nghị quyết 145/NQ-CP thông qua đề nghị xây dựng Nghị định quy định về công tác bảo đảm chuyến bay chuyên cơ, chuyên khoang.

Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng Nghị định theo trình tự, thủ tục rút gọn để trình Chính phủ trong năm 2020.

Xây dựng Nghị định sửa đổi về thương mại điện tử

Chính phủ vừa thông qua đề nghị xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 của Chính phủ về Thương mại điện tử (Nghị định).

Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan xây dựng Nghị định trình Chính phủ trong Quý I/2021 theo đúng trình tự, thủ tục quy định; nghiên cứu, tiếp thu, giải trình ý kiến các Thành viên Chính phủ đối với nội dung dự thảo Nghị định trong quá trình xây dựng Nghị định.

Thành lập Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia

Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định thành lập Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia.

Hội đồng có tên giao dịch tiếng Anh là National Council for Cultural Heritage (NCCH).

Hội đồng là cơ quan tư vấn của Thủ tướng Chính phủ về những vấn đề liên quan đến việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Hội đồng thực hiện tư vấn cho Thủ tướng Chính phủ với hai hình thức: tư vấn theo yêu cầu và tư vấn độc lập.

Hội đồng có nhiệm vụ tham mưu, tư vấn đề xuất với Thủ tướng Chính phủ về phương hướng, chiến lược, các chính sách lớn về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt; xác định chỉ có khu vực bảo vệ I đối với di tích quốc gia đặc biệt; công nhận bảo vật quốc gia; đưa bảo vật quốc gia ra nước ngoài có thời hạn để trưng bày, triển lãm, nghiên cứu hoặc bảo quản; thành lập bảo tàng quốc gia, bảo tàng chuyên ngành…

Hội đồng còn có nhiệm vụ thẩm định hồ sơ về di sản văn hóa do Bộ Vãn hóa, Thể thao và Du lịch trình Thủ tướng Chính phủ theo quy định của Luật Di sản văn hóa; tham gia ý kiến đối với các vấn đề quan trọng khác về di sản văn hóa do Thủ tướng Chính phủ yêu cầu hoặc Hội đồng thấy cần kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ…

Thành phần tham gia Hội đồng có số lượng không quá 27 thành viên gồm: Chủ tịch, một Phó Chủ tịch phụ trách lĩnh vực di sản văn hóa vật thể, một Phó Chủ tịch phụ trách lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể và di sản tư liệu, một ủy viên thường trực và các ủy viên Hội đồng.

Ủy viên Hội đồng là các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý có phẩm chất chính trị, đạo đức, uy tín, năng lực chuyên môn cao trong các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, lịch sử, khảo cổ, bảo tàng, kiến trúc, tài nguyên và môi trường, di sản tư liệu và các chuyên ngành có liên quan đến lĩnh vực di sản văn hóa, bảo đảm đại diện cho các vùng, miền, có đủ sức khỏe và thời gian để thực hiện nhiệm vụ được giao. Khuyến khích và ưu tiên lựa chọn các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý có kinh nghiệm trong hợp tác quốc tế với UNESCO về di sản văn hóa.

Hội đồng có các nhóm ngành chuyên môn được thành lập phù hợp với chương trình hoạt động nhiệm kỳ của Hội đồng.

Nhiệm kỳ công tác của các thành viên Hội đồng là 5 năm. Thành viên Hội đồng tham gia không quá 2 nhiệm kỳ liên tiếp.

Phê duyệt chiến lược phát triển chăn nuôi tầm nhìn đến 2045

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định 1520/QĐ-TTg phê duyệt chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045.

Mục tiêu chung Chiến lược đặt ra là công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển bền vững và nâng cao sức cạnh tranh của ngành chăn nuôi. Đến năm 2030, sản xuất chăn nuôi nước ta thuộc nhóm các quốc gia tiên tiến trong khu vực. Sản phẩm chăn nuôi hàng hóa được sản xuất chủ yếu trong các trang trại, hộ chăn nuôi chuyên nghiệp bảo đảm an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, thân thiện với môi trường, đối xử nhân đạo với vật nuôi, đáp ứng yêu cầu chất lượng, an toàn thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và tăng cường xuất khẩu.

Chiến lược xác định các mục tiêu cụ thể cho ngành chăn nuôi đó là, mức tăng trưởng giá trị sản xuất giai đoạn 2021-2025 trung bình từ 4-5%/năm; giai đoạn 2026-2030 trung bình từ 3-4%/năm. Sản lượng thịt xẻ các loại đến năm 2025 đạt từ 5,0-5,5 triệu tấn, trong đó: thịt lợn từ 63-65%, thịt gia cầm từ 26-28%, thịt gia súc ăn cỏ từ 8-10%; đến năm 2030 đạt từ 6,0-6,5 triệu tấn, trong đó: thịt lợn từ 59-61%, thịt gia cầm từ 29-31%, thịt gia súc ăn cỏ từ 10-11%. Trong đó, xuất khẩu từ 15-20% sản lượng thịt lợn, từ 20-25% thịt và trứng gia cầm.

Sản lượng trứng, sữa đến năm 2025 đạt từ 18-19 tỷ quả trứng và từ 1,7-1,8 triệu tấn sữa; đến năm 2030 đạt khoảng 23 tỷ quả trứng và 2,6 triệu tấn sữa.

Tỷ trọng gia súc và gia cầm được giết mổ tập trung công nghiệp đạt tương ứng khoảng  60% và 40% vào năm 2025, khoảng 70% và 50% vào năm 2030. Tỷ trọng thịt gia súc, gia cầm được chế biến so với tổng sản lượng thịt từ 25-30% vào năm 2025, từ 40-50% vào năm 2030; xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, đến năm 2025 xây dựng được ít nhất 10 vùng cấp huyện, đến năm 2030 ít nhất 20 vùng cấp huyện.

Tầm nhìn đến năm 2045, chăn nuôi Việt Nam là ngành kinh tế kỹ thuật hiện đại và được công nghiệp hóa ở hầu hết các khâu từ sản xuất, chế biến, bảo quản đến kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm, trong đó trình độ và năng lực sản xuất thuộc nhóm dẫn đầu các nước trong khu vực Đông Nam Á; khống chế và kiểm soát tốt các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, bệnh lây nhiễm sang người. Hầu hết sản phẩm chăn nuôi chính, bao gồm thịt, trứng, sữa được sản xuất trong các cơ sở chăn nuôi an toàn sinh học và thân thiện với môi trường; 100% sản phẩm thịt gia súc, gia cầm hàng hóa được cung cấp từ các cơ sở giết mổ tập trung, công nghiệp và trên 70% khối lượng sản phẩm chăn nuôi chính được qua sơ chế, chế biến công nghiệp, trong đó có khoảng 30% được chế biến sâu.

Để đạt được các mục tiêu trên, Chiến lược đặt ra các giải pháp như hoàn thiện các nhóm chính sách về phát triển chăn nuôi (chính sách đất đai, tài chính, tín dụng, thương mại, khuyến nông và thông tin tuyên truyền); nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh và bảo vệ môi trường; khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế; nâng cao năng suất, chất lượng giống vật nuôi; nâng cao chất lượng, hạ giá thành thức ăn chăn nuôi; nâng cao năng lực giết mổ và chế biến sản phẩm chăn nuôi; phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành chăn nuôi...

Tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật

Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 80-KL/TW ngày 20/6/2020 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân.

Mục tiêu của Kế hoạch nhằm kịp thời tổ chức quán triệt, thực hiện nghiêm túc, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp tại Kết luận số 80-KL/TW để tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), nâng cao ý thức tự giác, tôn trọng, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức và toàn thể Nhân dân.

Đồng thời, xác định các nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp chủ yếu để các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (các bộ, ngành), UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả Kết luận số 80-KL/TW, đáp ứng yêu cầu triển khai công tác PBGDPL trong tình hình mới; bảo đảm tính khả thi, kế thừa, phát triển, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với từng đối tượng, địa bàn, lĩnh vực, hướng về cơ sở, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị và phù hợp với nhu cầu xã hội; gắn PBGDPL với xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật.

Triển khai rộng khắp công tác PBGDPL

Kế hoạch đã đưa ra những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể như: Nâng cao nhận thức, phát huy vai trò, trách nhiệm của hệ thống chính trị trong triển khai công tác PBGDPL; đổi mới nội dung, hình thức PBGDPL bảo đảm phù hợp với nhu cầu xã hội và từng nhóm đối tượng, địa bàn; tổ chức triển khai công tác PBGDPL toàn diện, rộng khắp đến các đối tượng, địa bàn trong phạm vi cả nước, có trọng tâm, trọng điểm; hoàn thiện thể chế, chính sách về công tác PBGDPL để tạo cơ sở pháp lý thống nhất, đồng bộ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; tăng cường và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong công tác PBGDPL; đổi mới tổ chức và hoạt động quản lý nhà nước về PBGDPL…

Trong đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương chú trọng PBGDPL về các chính sách, pháp luật được dư luận xã hội quan tâm hoặc cần định hướng dư luận xã hội để tạo sự đồng thuận, nhất quán trong thực thi chính sách, pháp luật; thông tin rộng rãi, kịp thời các dự thảo chính sách pháp luật có tác động lớn đến xã hội ngay từ khâu đề xuất chính sách và soạn thảo văn bản; thực hiện PBGDPL bằng tiếng dân tộc thiểu số, tiếng nước ngoài phù hợp với đối tượng đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế của đất nước.

Đổi mới nội dung, hình thức PBGDPL theo hướng lấy người dân làm trung tâm. Khi thực hiện thông tin, phổ biến về các lĩnh vực pháp luật, chuyên đề khác nhau cần gắn với việc đáp ứng quyền tiếp cận thông tin của đối tượng PBGDPL; thông tin tới Nhân dân về cơ chế bảo đảm quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.

Tổ chức thực hiện PBGDPL hướng mạnh về cơ sở, phát huy vai trò chủ trì của các Tổ chức pháp chế, Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp và sự tham gia, vào cuộc của các cơ quan, đơn vị và đoàn thể ở cơ sở; lồng ghép với hòa giải ở cơ sở, tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý, các hoạt động sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, học tập tại cộng đồng và các phong trào vận động Nhân dân tuân thủ, chấp hành pháp luật, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, hiện đại…

Huyện Ân Thi (Hưng Yên) đạt chuẩn nông thôn mới

Thủ tướng Chính phủ vừa công nhận huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019.

Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Hưng Yên có trách nhiệm công bố và khen thưởng theo quy định; chỉ đạo huyện Ân Thi tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí, chú trọng tiêu chí về sản xuất và môi trường để bảo đảm tính bền vững trong xây dựng nông thôn mới.

Nghiên cứu phản ánh về Đề án Quy hoạch điện VIII

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Công Thương nghiên cứu phản ánh của báo Đầu tư về Đề án Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII) trong quá trình xây dựng, ban hành và quản lý Quy hoạch điện VIII.

Báo Đầu tư ngày 1/10/2020 có nội dung phản ánh: Nhiều chuyên gia cho rằng, các mục tiêu được nêu trong Đề án Quy hoạch điện VIII khá lớn, không dễ thực hiện nếu so với hiện trạng ngành điện hiện nay. Đề án có nhắc tới các giải pháp về giá điện và huy động vốn đầu tư, nhưng khá chung chung nên sẽ là thách thức lớn khi muốn huy động 12-13 tỷ USD/năm cho ngành điện.

Về thông tin phản ánh nêu trên, Thủ tướng Chính phủ có ý kiến giao Bộ Công Thương nghiên cứu trong quá trình xây dựng, ban hành và quản lý Quy hoạch điện VIII

Thủ tướng chỉ đạo tập trung đối phó mưa lũ lớn tại miền Trung

Thủ tướng Chính phủ vừa có Công điện yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tập trung đối phó với mưa lũ lớn tại các tỉnh miền Trung.

Công điện nêu rõ, từ ngày 06 tháng 10 năm 2020 đến nay, tại các khu vực miền Trung liên tiếp có mưa to đến rất to, tổng lượng mưa phổ biến từ 300 đến 500mm, đặc biệt tại một số nơi ở Quảng Trị, Thừa Thiên Huế tổng lượng mưa từ 700 đến 900mm, một số khu vực đã xảy ra ngập sâu, chia cắt giao thông.

Theo dự báo, mưa lớn còn tiếp tục xảy ra trong thời gian tới, lũ trên các sông ở Quảng Bình đến Quảng Ngãi sẽ lên rất nhanh, nhiều nơi trên mức báo động 3, nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập úng nghiêm trọng trên diện rộng tại các vùng thấp trũng, nhất là khu vực các huyện Hướng Hóa, Đắk Rông, Hải Lăng, Triệu Phong (tỉnh Quảng Trị), Đại Lộc, Duy Xuyên (tỉnh Quảng Nam), Phong Điền (tỉnh Thừa Thiên Huế), Minh Hóa (tỉnh Quảng Bình).

Để chủ động ứng phó với mưa, lũ lớn, bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại tài sản của nhân dân, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cơ quan, Bộ, ngành, địa phương tập trung vào một số nhiệm vụ cấp bách sau:

1. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố từ Hà Tĩnh đến Phú Yên và khu vực Tây Nguyên, đặc biệt là các tỉnh: Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Bình theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, chỉ đạo triển khai ngay các biện pháp khẩn cấp ứng phó với mưa lũ theo phương châm 4 tại chỗ nhằm bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân, hạn chế thiệt hại do mưa lũ, tập trung một số nhiệm vụ sau:

a) Rà soát, chủ động huy động lực lượng tổ chức di dời khẩn cấp các hộ dân tại các khu vực nguy hiểm, khu vực có nguy cơ bị ngập sâu, chia cắt, nhất là tại các vùng thấp trũng, ven sông suối, những hộ không đảm bảo an toàn phải kiên quyết vận động di dời, trường hợp cần thiết phải tổ chức cưỡng chế di dời để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân. Tiếp tục tổ chức tìm kiếm người còn mất tích; tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ kịp thời các gia đình có người chết, mất tích; chủ động hỗ trợ lương thực, thực phẩm, bố trí chỗ ở tạm cho các hộ phải di dời, không để người dân thiếu đói, rét.

b) Chủ động thông tin kịp thời, khuyến cáo, hướng dẫn người dân trong các hoạt động, nhất là việc đi lại khi có mưa lũ; bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, đặc biệt là tại các khu vực thường xuyên ngập sâu, chảy xiết khi mưa lũ; căn cứ tình hình cụ thể tại địa phương quyết định việc cho học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn; hướng dẫn người dân chủ động dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm thiết yếu đề phòng mưa lũ gây ngập úng, chia cắt kéo dài.

c) Tiếp tục chỉ đạo, triển khai các biện pháp gia cố bảo vệ đê điều, hồ đập. Các hồ chứa thủy lợi, thủy điện xung yếu, nhất là các hồ đập vừa và nhỏ đã đầy nước, có nguy cơ mất an toàn cao cần bố trí lực lượng trực canh, có phương án chủ động sơ tán dân cư ở hạ lưu để bảo đảm an toàn khi có tình huống; rà soát bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để sẵn sàng triển khai ứng cứu khi xảy ra sự cố.

d) Chỉ đạo, tổ chức giám sát việc vận hành an toàn các hồ đập trên địa bàn theo quy trình vận hành được cấp thẩm quyền phê duyệt, đồng thời chủ động xử lý mọi tình huống phát sinh trong quá trình vận hành hồ đập. Chủ các hồ đập chịu trách nhiệm cung cấp kịp thời, đầy đủ thông tin liên quan đến vận hành hồ chứa nước về Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn địa phương có liên quan phục vụ chỉ đạo phối hợp vận hành các hồ.

đ) Chỉ đạo, hướng dẫn người dân triển khai phương án bảo vệ sản xuất nông nghiệp, chủ động thu hoạch lúa, hoa màu, thủy hải sản đã đến kỳ thu hoạch, nhất là khu vực có nguy cơ bị ngập sâu; chủ động tiêu thoát nước đệm phòng, chống ngập úng, bảo vệ sản xuất.

e) Bố trí lực lượng, phương tiện tại các địa bàn trọng điểm để sẵn sàng triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn và khắc phục kịp thời hậu quả mưa lũ.

2. Các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam theo chức năng, nhiệm vụ được giao: Chủ động chỉ đạo công tác vận hành an toàn các hồ đập thủy lợi, thủy điện, góp phần giảm lũ cho hạ du, không để gia tăng ngập lụt ở hạ du do xả lũ nhân tạo; cử các đoàn công tác phối hợp, hỗ trợ các địa phương trong vận hành hồ; chỉ đạo chủ hồ đập tổ chức tính toán, kịp thời cập nhật thông tin vận hành hồ chứa về Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai và Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các địa phương, đề xuất phương án vận hành trường hợp xảy ra lũ lớn. Chỉ đạo, hướng dẫn địa phương triển khai các biện pháp bảo vệ sản xuất nông nghiệp. Chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn hệ thống điện. Chuẩn bị nguồn lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu để hỗ trợ các địa phương khi có yêu cầu.

3. Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Bộ Quốc phòng chỉ đạo Quân khu 4, Quân khu 5 và các lực lượng đóng trên địa bàn sẵn sàng lực lượng, phương tiện hỗ trợ địa phương thực hiện công tác sơ tán, di dời dân cư ra khỏi khu vực nguy hiểm; chủ động bố trí lực lượng, phương tiện tại các khu vực xung yếu  để thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.

4. Bộ Công an  chỉ đạo công an các địa phương bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn; sẵn sàng lực lượng hỗ trợ nhân dân ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lũ theo đề nghị của địa phương; chủ động hướng dẫn, phân luồng, kiểm soát phương tiện giao thông hoạt động tại các khu vực bị ảnh hưởng mưa lũ, bảo đảm an toàn.

5. Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo bảo đảm an toàn đối với tàu, phương tiện vận tải hoạt động, neo đậu trên sông và vùng cửa sông; triển khai các phương án bảo đảm an toàn giao thông đường thủy, đường bộ, đường sắt tại các khu vực bị ảnh hưởng mưa lũ; phối hợp với lực lượng công an chủ động chỉ đạo kiểm soát, phân luồng chống ách tắc, bảo đảm an toàn cho hành khách và các phương tiện vận tải; chuẩn bị lực lượng, phương tiện, vật tư kịp thời khắc phục hậu quả, khôi phục giao thông trên các trục chính, nhất là tuyến Quốc lộ 1 và đường sắt Bắc Nam.

6. Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan, các nhà mạng triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn hệ thống thông tin, chuẩn bị lực lượng, vật tư sẵn sàng khôi phục nhanh thông tin liên lạc khi xảy ra sự cố để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành ứng phó thiên tai và sớm ổn định đời sống, sinh hoạt của người dân.

7. Bộ Y tế chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh, nhất là dịch COVID-19 tại khu vực sơ tán và chủ động hỗ trợ các địa phương chịu ảnh hưởng của mưa lũ cơ số thuốc và các hóa chất cần thiết để đảm bảo khám chữa bệnh, vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh sau lũ.

8. Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo triển khai công tác bảo đảm an toàn cho giáo viên, học sinh, hạn chế thấp nhất thiệt hại về cơ sở vật chất, trang thiết bị và đồ dùng học tập tại các khu vực bị ảnh hưởng của mưa lũ.

9. Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, dự báo, cảnh báo, cung cấp thông tin cho các cơ quan thông tin đại chúng và các cơ quan có liên quan để kịp thời thông tin đến người dân và phục vụ công tác chỉ đạo, ứng phó.

10. Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam và các cơ quan thông tấn, báo chí của Trung ương và địa phương thường xuyên cập nhật thông tin về diễn biến mưa lũ; tăng cường thời lượng phát sóng, truyền tin trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết, chủ động phòng tránh.

11. Các Bộ, ngành theo chức năng theo chức năng nhiệm vụ được giao phối hợp với địa phương chủ động chỉ đạo, triển khai các biện pháp sẵn sàng ứng phó với mưa lũ lớn; duy trì lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng phó khi có tình huống xấu xảy ra.

12. Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai tổ chức thường trực, theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa lũ, kịp thời chỉ đạo, đôn đốc của các Bộ, ngành và địa phương triển khai các biện pháp ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ; kịp thời đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo những vấn đề vượt thẩm quyền./.

Top