Hà Nội

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 7/8

07/08/2020 19:29

Nhân sự mới tỉnh Kiên Giang

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành các Quyết định phê chuẩn kết quả bầu bổ sung, miễn nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang nhiệm kỳ 2016-2021.

Cụ thể, tại Quyết định 1205/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn kết quả bầu bổ sung chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang nhiệm kỳ 2016-2021 đối với ông Nguyễn Đức Chín, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Kiên Giang.

* Tại Quyết định 1204/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang nhiệm kỳ 2016-2021 đối với bà Lê Thị Minh Phụng để nghỉ hưu trước tuổi theo quy định tại Nghị định số 26/2015/NĐ-CP ngày 9/3/2015 của Chính phủ.

Nhân sự UBND tỉnh Bình Dương

Tại Quyết định 1196/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn kết quả miễn nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương nhiệm kỳ 2016-2021 đối với ông Đặng Minh Hưng, để nghỉ hưu theo chế độ.

Bổ nhiệm lại Phó Tổng Thanh tra Chính phủ

Tại Quyết định số 1206/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc quyết định bổ nhiệm lại ông Đặng Công Huẩn giữ chức vụ Phó Tổng Thanh tra Chính phủ.

Thời gian bổ nhiệm lại tính từ ngày 20/7/2020.

Năm 2021 hoàn thành tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi kiểm tra Dự án đường cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận.

Thông báo kết luận nêu rõ, việc đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận là hết sức cần thiết và cấp bách nhằm kết nối tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Trung Lương, hình thành tuyến đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Cần Thơ và tiếp tục triển khai đoạn Cần Thơ-Cà Mau theo quy hoạch để giảm tải cho tuyến Quốc lộ 1A, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.

Trong thời gian qua, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự hỗ trợ của các bộ, ngành, địa phương có liên quan, UBND tỉnh Tiền Giang cùng với Nhà đầu tư Dự án tháo gỡ mọi khó khăn vướng mắc, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ Dự án; hoàn thành bàn giao 100% mặt bằng, giải ngân nguồn vốn ngân sách nhà nước và vốn tín dụng theo đúng tiến độ Dự án, hoàn thành 60% khối lượng công trình (gấp 6 lần khối lượng thực hiện của 10 năm trước).

Tuy nhiên, khối lượng công việc của Dự án còn rất lớn; việc thi công xây dựng trong điều kiện diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương, Nhà đầu tư Dự án và các đơn vị có liên quan phải nỗ lực hơn nữa mới có thể đáp ứng được tiến độ đã đề ra.

Để đảm bảo mục tiêu thông tuyến cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận trong năm 2020 và hoàn thành trong năm 2021 nhằm kết nối đồng bộ, hiệu quả toàn tuyến Thành phố Hồ Chí Minh-Cần Thơ-Cà Mau theo quy hoạch, Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Tiền Giang cùng với Nhà đầu tư Dự án, Bộ Giao thông vận tải, các đơn vị tư vấn, đơn vị thi công và các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu các giải pháp thi công, đẩy nhanh tiến độ Dự án; kiểm soát chặt chẽ chất lượng xây dựng, an toàn công trình (kể cả trong giai đoạn thi công và vận hành sau này); bảo đảm an toàn lao động, giữ gìn vệ sinh môi trường; tuyệt đối không để xảy ra tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, làm thất thoát vốn và tài sản nhà nước.

UBND tỉnh Tiền Giang chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải đánh giá nhu cầu đi lại của nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán 2021; thống nhất với Nhà đầu tư Dự án, phân luồng, tổ chức giao thông tạm thời trên tuyến Trung Lương-Mỹ Thuận trong trường hợp xảy ra ùn tắc trên tuyến Quốc lộ 1A, bảo đảm tuyệt đối an toàn giao thông theo quy định của pháp luật.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải sớm thống nhất với Nhà đầu tư Dự án và UBND tỉnh Tiền Giang về vị trí trạm thu phí hoàn vốn cho Dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận theo quy định của pháp luật; khẩn trương triển khai đầu tư xây dựng đồng bộ Dự án đầu tư xây dựng cầu Mỹ Thuận 2 và Dự án đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ (khởi công trong tháng 12/2020); đảm bảo kết nối đồng bộ với tuyến đường cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận.

Ưu tiên nghiên cứu đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Cần Thơ-Cà Mau trong trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 kết hợp đẩy mạnh kêu gọi xã hội hóa đầu tư nhằm hoàn chỉnh tuyến đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Trung Lương-Mỹ Thuận-Cần Thơ-Cà Mau.

Nhà đầu tư Dự án đường cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận huy động mọi nguồn lực đẩy nhanh tiến độ thi công, bảo đảm chất lượng, hiệu quả, tuyệt đối an toàn (cả trong giai đoạn thi công Dự án và vận hành công trình); thông tuyến trong tháng 12 năm 2020, hoàn thành trong năm 2021 theo đúng cam kết với Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

Việc triển khai thu phí tuyến đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Trung Lương là hết sức cần thiết, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, cùng Bộ Giao thông vận tải khẩn trương thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 1100/VPCP-CN ngày 23/4/2020, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 12/8/2020 (trong đó có xem xét việc quản lý, khai thác tuyến đường theo phương thức PPP), bảo đảm tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật hiện hành về quản lý, sử dụng tài sản công và các quy định của pháp luật có liên quan. Bộ nào để chậm trễ, gây thất thoát ngân sách nhà nước phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ giao Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng trực tiếp chỉ đạo việc này để trước ngày 15/8/2020 có văn bản của Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Lập Hội đồng thẩm định Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư xây dựng NTM

Thủ tướng Chính phủ vừa ký quyết định thành lập Hội đồng thẩm định Nhà nước tổ chức thẩm định Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.

Theo đó, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm Chủ tịch Hội đồng. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm Phó Chủ tịch Hội đồng.

Các ủy viên gồm lãnh đạo các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Tài chính; Công Thương; Xây dựng; Tài nguyên và Môi trường; Lao động - Thương binh và Xã hội; Quốc phòng; Công an; Giao thông vận tải; Giáo dục và Đào tạo; Nội vụ; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Y tế; Tư pháp; Thông tin và Truyền thông; Khoa học và Công nghệ; Ủy ban Dân tộc; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan thường trực của Hội đồng thẩm định. Hội đồng thẩm định có Tổ chuyên gia thẩm định liên ngành giúp Hội đồng thực hiện các công việc thẩm định.

Hội đồng thẩm định nhà nước có nhiệm vụ và quyền hạn: Tổ chức thẩm định Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình, trình Chính phủ xem xét, quyết định; yêu cầu Cơ quan được giao chuẩn bị Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình cung cấp các tài liệu, thông tin có liên quan đến Chương trình để phục vụ công tác thẩm định; khi cần thiết, yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ để đáp ứng các yêu cầu thẩm định; xem xét, quyết định kế hoạch thẩm định và các vấn đề khác có liên quan trong quá trình thẩm định Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình;

Hội đồng thẩm định nhà nước làm việc theo chế độ tập thể dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch Hội đồng. Phiên họp Hội đồng thẩm định Nhà nước được coi là hợp lệ khi có ít nhất 50% số thành viên tham dự (kể cả người được ủy quyền). Các ý kiến kết luận được thống nhất theo nguyên tắc đa số. Trường hợp tỷ lệ biểu quyết là 50/50 trên số thành viên Hội đồng (bao gồm cả số có mặt tại phiên họp và số biểu quyết bằng văn bản gửi đến Hội đồng), vấn đề được thông qua theo ý kiến đã biểu quyết của Chủ tịch Hội đồng.

Kết luận cuối cùng thông qua các nội dung thẩm định Chương trình trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phải được ít nhất 2/3 số thành viên Hội đồng thẩm định Nhà nước thông qua. Ý kiến các thành viên Hội đồng thẩm định Nhà nước được thực hiện bằng cách biểu quyết tại cuộc họp hoặc bằng văn bản gửi đến Hội đồng thẩm định Nhà nước.

Hội đồng được sử dụng con dấu và tài khoản (nếu cần) của Bộ Kế hoạch và Đầu tư để phục vụ cho hoạt động của Hội đồng.

Nghiên cứu phản ánh về đường sắt đô thị

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu nội dung phản ánh của báo chí về đường sắt đô thị.

Trước đó, ngày 4/8/2020, Báo Giao thông vận tải có bài viết "Cần quy chuẩn chung cho đường sắt đô thị". Theo bài báo phản ánh, quy hoạch mạng lưới đường sắt đô thị tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay chủ yếu đề cập đến hướng tuyến, trong khi công nghệ, kỹ thuật từng dự án lại riêng biệt. Điều này không chỉ lãng phí nguồn lực còn gây nhiều bất lợi trong giai đoạn khai thác, vận hành…

Về phản ánh trên, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu, xử lý.

Tổ chức Đại hội các dân tộc thiểu số Việt Nam chu đáo, an toàn

Quyết tâm tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ II chu đáo, an ninh, an toàn, có điểm nhấn, thành công rực rỡ với chủ đề Đại hội đã được thống nhất là: “Dưới ngọn cờ vẻ vang của Đảng, các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp đỡ nhau, phát huy nội lực cùng phát triển với đất nước”.

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ II.

Phó Thủ tướng ghi nhận và đánh giá cao các bộ, cơ quan đã chủ động, tích cực triển khai công tác chuẩn bị Đại hội theo Kế hoạch đã được phê duyệt. Phó Thủ tướng đề nghị các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo Đại hội, Ban Tổ chức Đại hội và Tiểu ban giúp việc theo chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan tiếp tục thực hiện tốt, xây dựng phương án, kịch bản chi tiết về hậu cần, lễ tân, y tế, an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy, tuyên truyền, khánh tiết, thi đua - khen thưởng, quyết tâm tổ chức Đại hội chu đáo, an ninh, an toàn, có điểm nhấn, thành công rực rỡ với chủ đề Đại hội đã được thống nhất là: “Dưới ngọn cờ vẻ vang của Đảng, các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp đỡ nhau, phát huy nội lực cùng phát triển với đất nước”, cùng với chuỗi các hoạt động, sự kiện lớn của Đất nước chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Về thời gian tổ chức Đại hội, Phó Thủ tướng đồng ý về chủ trương, giao Ủy ban Dân tộc chủ động phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam báo cáo xin ý kiến Ban Bí thư về thời gian tổ chức Đại hội bảo đảm phù hợp, nối tiếp với Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV và các hoạt động kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2020), Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2020.

Về các hoạt động trong Chương trình Đại hội, Phó Thủ tướng cơ bản nhất trí, giao Ủy ban Dân tộc (cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Đại hội) tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu dự họp về tổ chức đoàn dâng hương tại Đền Hùng, đoàn viếng lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, đoàn gặp mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, chương trình biểu diễn văn nghệ (“Con đường văn hóa”, Dạ hội "Tâm hồn Việt Nam hướng tới di sản văn hóa thế giới", hòa tấu nhạc cụ dân tộc khai mạc Đại hội,…); đồng ý tổ chức thực hiện “Con đường văn hóa” và chương trình hòa tấu nhạc cụ dân tộc.

Phó Thủ tướng giao các Bộ: Y tế, Công an, Quốc phòng chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan xây dựng và sẵn sàng kích hoạt các phương án, kịch bản đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, giao thông, y tế, an toàn thực phẩm, chăm sóc sức khỏe cho các đại biểu tham dự Đại hội phù hợp tình thực thực tiễn và diễn biến dịch COVID-19; đảm bảo an ninh, an toàn tuyệt đối trước, trong và sau thời gian diễn ra Đại hội.

Giải quyết khiếu nại liên quan đến cấp GCN quyền sử dụng đất

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình giao Bộ Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, xem xét khiếu nại, kiến nghị về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Cụ thể, Phó Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, xem xét nội dung khiếu nại, kiến nghị của bà Hoàng Nga, bà Nguyễn Thị Oanh và bà Tống Ngọc Thu Hà liên quan đến việc UBND quận Cầu Giấy cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại số nhà 45, ngõ 235, phố Yên Hòa, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội; có biện pháp giải quyết theo quy định của pháp luật; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/10/2020.

Tháo gỡ khó khăn các dự án giao thông, bảo đảm giải ngân hết vốn đầu tư công

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các bộ, ngành phối hợp chặt chẽ, cùng với Bộ Giao thông vận tải tập trung, chủ động tháo gỡ những khó khăn liên quan đến cơ chế, thủ tục, bảo đảm giải ngân hết vốn đầu tư công theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.

Kết cấu hạ tầng giao thông có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng - an ninh của đất nước, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, nâng cao vị thế, hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế.

Trong giai đoạn 2016 - 2020, ngành Giao thông vận tải đã chủ động, quyết liệt thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, triển khai các dự án quan trọng nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án đầu tư. Mặc dù trong điều kiện khó khăn chung do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, nhưng kết quả giải ngân 6 tháng đầu năm 2020 của Bộ Giao thông vận tải đạt 33,7%, cao hơn bình quân chung của cả nước (30,2%). Chất lượng các công trình được cải thiện; thất thoát, lãng phí từng bước được hạn chế; hiệu quả đầu tư ngày càng nâng cao.

Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả nêu trên, việc triển khai nhiệm vụ của Ngành Giao thông vận tải vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần tập trung khắc phục trong thời gian tới như hạ tầng giao thông còn chậm phát triển, thiếu đồng bộ...

Nhiệm vụ của ngành Giao thông vận tải trong thời gian tới rất nặng nề, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu ngành cần tập trung tối đa cho công tác giải ngân vốn đầu tư công; chủ động thực hiện điều chuyển kế hoạch vốn năm 2020 giữa các dự án để đảm bảo tiến độ giải ngân; tăng cường trách nhiệm của các cấp, ngành, chủ thể liên quan đến các dự án đầu tư xây dựng từ Trung ương đến địa phương.

Các bộ, ngành phối hợp chặt chẽ, cùng với Bộ Giao thông vận tải tập trung, chủ động tháo gỡ những khó khăn liên quan đến cơ chế, thủ tục, bảo đảm giải ngân hết vốn đầu tư công theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ; đồng thời tập trung xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển Ngành Giao thông vận tải giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và xây dựng kế hoạch đầu tư trung hạn để tập trung tổ chức thực hiện nhằm nâng cao năng lực hạ tầng giao thông Việt Nam.

Về nhiệm vụ trước mắt, Bộ Giao thông vận tải cần tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm như: Đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Các dự án phát triển hạ tầng hàng không; tập trung triển khai các dự án quan trọng như: Trung Lương - Mỹ Thuận, Mỹ Thuận - Cần Thơ, Bến Lức - Long Thành, đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, các dự án nâng cấp đường sắt Bắc - Nam, các dự án nâng cấp đường thủy nội địa và các dự án cấp bách khác.

Về nhiệm vụ trung hạn và dài hạn, Bộ Giao thông vận tải cần tập trung rà soát điều chỉnh, bổ sung quy hoạch; phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, các địa phương xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, trong đó đối với các dự án đường cao tốc, đường kết nối liên vùng cần xác định rõ nguồn vốn đầu tư (vốn ODA, vốn xã hội hóa...); làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư; đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng; nâng cao chất lượng dự án, thiết kế kỹ thuật...; khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

Phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021-2030

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa ký Quyết định số 1208/QĐ-TTg phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Quan điểm lập quy hoạch là đánh giá đầy đủ giá trị địa kinh tế - chính trị của tỉnh Khánh Hòa, tác động về các điều kiện và bối cảnh từ bên ngoài đến phát triển của tỉnh; các cơ hội liên kết giữa tỉnh Khánh Hòa với các tỉnh vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Miền Trung, vùng kinh tế trọng điểm Miền Trung, vùng Tây Nguyên, cả nước và quốc tế; khả năng khai thác hành lang kinh tế Bắc Nam; khả năng khai thác các Hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết (CPTPP, EVFTA...).

Quyết định nêu rõ yêu cầu về nội dung lập quy hoạch phải đảm bảo tính liên kết, đồng bộ, khai thác và sử dụng hiệu quả hệ thống kết cấu hạ tầng hiện có giữa các ngành và các vùng liên huyện, các địa phương trên địa bàn tỉnh.

Nội dung Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 thực hiện theo các quy định tại Điều 27 Luật Quy hoạch 2017 và Điều 28 Nghị định 37/2019/NĐ-CP, bao gồm các nội dung chủ yếu sau:

Phân tích, đánh giá, dự báo về các yếu tố, điều kiện phát triển đặc thù của tỉnh Khánh Hòa;

Đánh giá thực trạng phát triển kinh tế - xã hội, hiện trạng sử dụng đất, hiện trạng hệ thống đô thị và nông thôn; phương hướng phát triển các ngành quan trọng trên địa bàn tỉnh; lựa chọn phương án tổ chức hoạt động kinh tế - xã hội; phương án bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên trên địa bàn tỉnh...

Quy hoạch được lập dựa trên phương pháp tiếp cận hệ thống, tổng hợp đa chiều, đa lĩnh vực, đảm bảo các yêu cầu về tính khoa học, tính phù hợp và ứng dụng công nghệ hiện đại.

Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Khánh Hòa căn cứ nội dung nhiệm vụ được phê duyệt tại Quyết định này, tổ chức lập quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đảm bảo phù hợp quy định của Luật Quy hoạch 2017 và các quy định hiện hành, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật.

Tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế tập thể, hợp tác xã phát triển bền vững

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế tập thể, hợp tác xã phát triển bền vững.

Kinh tế tập thể với nhiều hình thức hợp tác đa dạng (gồm hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác) là thành phần kinh tế quan trọng, cùng với kinh tế nhà nước ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã là chủ trương nhất quán và xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta.

Những năm vừa qua, kinh tế tập thể, hợp tác xã tiếp tục phát triển cả về số lượng và chất lượng, từng bước khắc phục tình trạng yếu kém kéo dài; nhiều mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã hoạt động hiệu quả, mang lại nhiều lợi ích cho thành viên, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững, xây dựng nông thôn mới, tạo việc làm, xoá đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội; từng bước khẳng định vị trí, vai trò nền tảng của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã trong nền kinh tế quốc dân. Trong 6 tháng đầu năm 2020, mặc dù bị tác động nặng nề do đại dịch COVID-19 và giãn cách xã hội nhưng cả nước vẫn thành lập mới 1014 hợp tác xã, 10 liên hiệp hợp tác xã, 3.000 tổ hợp tác. Đến tháng 6 năm 2020, cả nước có hơn 25.200 hợp tác xã. Tỷ lệ hợp tác xã hoạt động có hiệu quả đạt hơn 54% (năm 2012 chỉ có 10% hợp tác xã), thu nhập của người lao động trong hợp tác xã được cải thiện.

Hệ thống Liên minh Hợp tác xã (bao gồm Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và cấp tỉnh) đã thực hiện các nhiệm vụ được giao, giữ vai trò nòng cốt trong phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã; chủ động nghiên cứu, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tham mưu, đề xuất và triển khai có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã...

Tuy vậy, khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã vẫn còn một số hạn chế, bất cập như: tăng trưởng còn thấp so với các khu vực kinh tế khác; tỉ lệ đóng góp vào GDP chưa đáp ứng yêu cầu; nhiều hợp tác xã có quy mô nhỏ, phát triển chưa đồng đều giữa các vùng, miền, khu vực; công tác quản lý nhà nước về kinh tế tập thể, hợp tác xã còn một số bất cập…

Hệ thống Liên minh Hợp tác xã Việt Nam hoạt động còn nhiều khó khăn, vướng mắc; tổ chức bộ máy, cơ chế quản lý chưa thống nhất, điều kiện làm việc còn nhiều khó khăn...

Tăng cường năng lực, hiệu quả hoạt động của KTTT, HTX

Do vậy, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Trưởng ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã yêu cầu trong thời gian tới các đơn vị chức năng phải tăng cường công tác tuyên truyền, quán triệt, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân về bản chất của kinh tế tập thể, hợp tác xã, nhất là về hợp tác xã kiểu mới. Khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của kinh tế tập thể, hợp tác xã trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; xác định rõ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã là xu thế tất yếu, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thuờng xuyên của các Bộ, cơ quan, địa phương.

Đồng thời, tập trung thực hiện tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế tập thể, hợp tác xã phát triển bền vững. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, tổ hợp tác; trong đó, nghiên cứu, đề xuất những quy định mở rộng quyền của tổ hợp tác để phát huy vai trò tự chủ của tổ hợp tác và tạo động lực cho tổ hợp tác phát triển, hoạt động có hiệu quả; cùng các quy định pháp luật, cơ chế, chính sách về đất đai, thuế, tín dụng, xúc tiến thương mại, công nghệ; bố trí đủ nguồn lực để thực hiện chính sách hỗ trợ trong đào tạo nhân lực, tiếp cận vốn, tổ chức sản xuất, chế biến, mở rộng thị trường. Đồng thời, nghiên cứu, bổ sung các quy định của pháp luật về tăng cường quyền của các xã viên hợp tác xã trong việc tham gia góp vốn để tạo động lực cho việc quản lý, hoạt động của hợp tác xã thực sự hiệu quả.

Nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về kinh tế tập thể, hợp tác xã; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời phổ biến, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến về kinh tế tập thể, hợp tác xã; chú trọng phát triển các cơ sở đảng, đoàn thể trong tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã.

Tăng cường năng lực và hiệu quả hoạt động của hợp tác xã theo nguyên tắc tự nguyện, tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bình đẳng và dân chủ trong quản lý hợp tác xã; nâng cao năng lực, trình độ đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về kinh tế tập thể, hợp tác xã và cán bộ của hệ thống Liên minh Hợp tác xã.

Đổi mới tổ chức hoạt động của hệ thống Liên minh Hợp tác xã Việt Nam

Đối với hệ thống Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Phó Thủ tướng yêu cầu đổi mới tổ chức hoạt động, tăng cường trách nhiệm của hệ thống Liên minh Hợp tác xã Việt Nam trong việc tiếp tục thực hiện tốt vai trò nòng cốt trong phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã; gắn hoạt động của hệ thống Liên minh Hợp tác xã Việt Nam với nâng cao hiệu quả khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã; thực hiện có hiệu quả chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã.

Đồng thời, tổng kết các mô hình hợp tác xã hoạt động hiệu quả để nhân rộng; đẩy mạnh xây dựng mô hình hợp tác xã sản xuất gắn với chuỗi giá trị; phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức diễn đàn kinh tế tập thể, hợp tác xã hằng năm, tham gia xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021 - 2030; xây dựng kế hoạch và làm việc với các Bộ, ngành liên quan để tham gia và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ kinh tế tập thể, hợp tác xã; chủ động phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan sớm hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ các đề án triển khai trong năm 2020./.

Top