Hà Nội

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 7/2/2020

07/02/2020 20:54

Bổ sung thành viên BCĐQG phòng, chống dịch bệnh nCoV

Thủ tướng Chính phủ vừa có Quyết định 216/QĐ-TTg bổ sung thành viên Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra.

Cụ thể, bổ sung thành viên Ban Chỉ đạo Quốc gia gồm:

1. Ông Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế, Phó Trưởng ban Chỉ đạo.

2. Ông Trương Quốc Cường, Thứ trưởng Bộ Y tế, Phó Trưởng ban Chỉ đạo.

3. Ông Lê Mạnh Hùng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Thành viên.

4. Ông Đặng Hoàng An, Thứ trưởng Bộ Công Thương, Thành viên.

5. Bà Hoàng Thị Hạnh, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, Thành viên.

Trước đó, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập, do Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam làm Trưởng Ban Chỉ đạo.

Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, điều hành, phối hợp giữa các bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các cơ quan có liên quan và địa phương trong việc phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona trên toàn quốc.

Bên cạnh đó, chỉ đạo việc phối hợp giữa các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ với các cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nhằm huy động nguồn lực tham gia và hỗ trợ thực hiện kế hoạch khẩn cấp của Bộ Y tế phòng, chống dịch bệnh này.

Ban Chỉ đạo có trách nhiệm tổ chức thực hiện; đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; hàng ngày báo cáo Thủ tướng Chính phủ, các cấp có thẩm quyền về tình hình dịch bệnh.

Thành lập 4 tiểu ban chống dịch nCoV

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra vừa ký Quyết định số 80/QĐ-BCĐQG về việc thành lập các tiểu ban chống dịch.

Quyết định nêu rõ, thành lập 04 Tiểu ban chống dịch để tham mưu, giúp việc cho Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra (gọi tắt là Ban Chỉ đạo) gồm:

1. Tiểu ban Giám sát.

2. Tiểu ban Điều trị.

3. Tiểu ban Truyền thông

4. Tiểu ban Hậu cần.

Tiểu ban Giám sát do ông Đỗ Xuân Tuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế làm Trưởng tiểu ban; ông Hoàng Đăng Nhiễu, Phó Tư lệnh Bộ đội biên phòng, Bộ Quốc phòng, Phó trưởng Tiểu ban; ông Nguyễn Văn Thống, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an, Phó trưởng Tiểu ban.

Thành viên Tiểu ban Giám sát gồm đại diện các Bộ: Y tế, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ngoại giao, Giáo dục và Đào tạo và các thành viên khác do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan liên quan cử theo đề nghị của Trưởng tiểu ban.

Tiểu ban Điều trị do ông Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế làm Trưởng tiểu ban; ông Nguyễn Xuân Kiên, Cục trưởng Cục Quân y, Tổng cục Hậu cần, Bộ Quốc phòng, Phó trưởng Tiểu ban; ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Bộ Y tế, Phó trưởng Tiểu ban.

Thành viên Tiểu ban Điều trị gồm đại diện các Bộ: Y tế, Quốc phòng, Công an, Giao thông vận tải và các thành viên khác do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan liên quan cử theo đề nghị của Trưởng tiểu ban.

Tiểu ban Truyền thông do ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông làm Trưởng tiểu ban; ông Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế, Phó trưởng Tiểu ban.

Thành viên Tiểu ban Truyền thông gồm đại diện các Bộ, cơ quan: Thông tin và Truyền thông, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ban Tuyên giáo Trung ương, Đài truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam và các thành viên khác do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan liên quan cử theo đề nghị của Trưởng tiểu ban.

Tiểu ban Hậu cần do ông Trương Quốc Cường, Thứ trưởng Bộ Y tế làm Trưởng tiểu ban; bà Vũ Thị Mai, Thứ trưởng Bộ Tài chính, Phó trưởng Tiểu ban; ông Đặng Hoàng An, Thứ trưởng Bộ Công Thương, Phó trưởng Tiểu ban.

Thành viên Tiểu ban Hậu cần gồm đại diện các Bộ: Y tế, Tài chính, Công Thương, Quốc phòng, Công an, Giao thông vận tải và các thành viên khác do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan liên quan cử theo đề nghị của Trưởng tiểu ban.

Các Tiểu ban thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo Quyết định số 56/2010/QĐ-TTg ngày 16 tháng 9 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định thẩm quyền thành lập, tổ chức và hoạt động của Ban chỉ đạo chống dịch các cấp và các nhiệm vụ do Trưởng ban chỉ đạo giao.

Trưởng các Tiểu ban có trách nhiệm bảo đảm các điều kiện hoạt động của Tiểu ban, sử dụng bộ máy của mình để tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của Tiểu ban.

* Cùng với đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra cũng vừa ký Quyết định số 81/QĐ-BCĐQG ban hành Bản phân công nhiệm vụ của thành viên Ban Chỉ đạo. Chi tiết Bản phân công nhiệm vụ của thành viên Ban Chỉ đạo, mời độc giả xem tại đây.

Tổ chức Hội nghị trực tuyến về Chính phủ điện tử

Thủ tướng Chính phủ đồng ý tổ chức Hội nghị trực tuyến Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử (CPĐT) với các Ban chỉ đạo xây dựng CPĐT, Chính quyền điện tử Bộ, ngành địa phương theo đề nghị của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Dự kiến Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam sẽ tham dự Hội nghị.

Nội dung Chương trình hội nghị gồm Báo cáo chung do Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông trình bày, trong đó nêu rõ kết quả vừa qua và phương hướng. Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cũng sẽ báo cáo thêm một số nội dung về cải cách hành chính, triển khai Cổng dịch vụ công quốc gia. Các đại biểu tham dự sẽ cùng thảo luận.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ chuẩn bị tổ chức tốt hội nghị trực tuyến nêu trên hiệu quả, thiết thực.

Lập UBQG thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định 203/QĐ-TTg thành lập Ủy ban chỉ đạo quốc gia về thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Thủ tướng Chính phủ là Chủ tịch Ủy ban.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường là Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban. Ngoài ra, Ủy ban có các Phó Chủ tịch gồm Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính.

Các Ủy viên của Ủy ban là đại diện lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Công Thương; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Thông tin và Truyền thông; Ngoại giao; Quốc phòng; Công an; Giao thông vận tải; Xây dựng; Y tế; Tư pháp; Khoa học và Công nghệ; Tài nguyên và Môi trường; Ban Kinh tế Trung ương; Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Ủy ban Dân tộc; Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; Chủ tịch Ủy ban nhân dân 28 tỉnh, thành phố thuộc trung ương có biển và một số chuyên gia, nhà khoa học.

Ủy ban được thành lập trên cơ sở sáp nhập Ban Chỉ đạo Nhà nước về điều tra cơ bản tài nguyên - môi trường biển và Ban điều phối thực hiện Chiến lược quản lý tổng hợp đới bờ Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 để chỉ đạo, lãnh đạo, điều hành tập trung, thống nhất về phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam.

Ủy ban là tổ chức phối hợp liên ngành có chức năng giúp Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo thống nhất, phối hợp giải quyết những công việc quan trọng, liên ngành liên quan đến phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam.

Ủy ban có nhiệm vụ, quyền hạn: Nghiên cứu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ phương hướng, giải pháp để giải quyết những vấn đề quan trọng, liên ngành liên quan đến phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam; giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, điều hòa, phối hợp giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chính quyền địa phương trong việc giải quyết những vấn đề quan trọng, liên ngành liên quan đến phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam; tổ chức thực hiện Kế hoạch tổng thể và kế hoạch 5 năm của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22 tháng 10 năm 2018 của Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo đến năm 2030; giúp Thủ tướng Chính phủ đôn đốc các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chính quyền địa phương trong việc thực hiện những vấn đề quan trọng, liên ngành liên quan đến phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam.

Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan thường trực Ủy ban, chịu trách nhiệm bảo đảm các điều kiện hoạt động của Ủy ban, sử dụng bộ máy của mình để tổ chức thực hiện nhiệm vụ của Ủy ban.

Cơ quan thường trực của Ủy ban có Văn phòng giúp việc đặt tại Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam.

Thủ tướng bổ nhiệm 2 Thứ trưởng, Trợ lý Phó Thủ tướng

Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định bổ nhiệm Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp và Trợ lý Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ.

Cụ thể, tại Quyết định 196/QĐ-TTg, Thủ tướng bổ nhiệm ông Nguyễn Tường Văn, Cục trưởng Cục Phát triển đô thị, Bộ Xây dựng, giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Xây dựng.

Ông Nguyễn Tường Văn sinh năm 1971, trước khi được bổ nhiệm ông đã từng giữ chức Phó Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật; Cục trưởng Cục Phát triển đô thị, Bộ Xây dựng.

Tại Quyết định 198/QĐ-TTg, Thủ tướng điều động, bổ nhiệm ông Nguyễn Thanh Tịnh, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nhiệm kỳ 2016 - 2021, giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Tư pháp.

Ông Nguyễn Thanh Tịnh sinh năm 1970; quê quán tỉnh Nam Định. Ông Nguyễn Thanh Tịnh từng đảm nhiệm các chức vụ: Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Bộ Tư pháp; Thư ký Bộ trưởng Bộ Tư pháp; Cục trưởng Cục Bồi thường nhà nước, Bộ Tư pháp; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Tại Quyết định 199/QĐ-TTg, Thủ tướng bổ nhiệm ông Nguyễn Quang Linh, hàm Vụ trưởng, Thư ký đồng chí Phạm Bình Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, giữ chức Trợ lý đồng chí Phạm Bình Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.

Phê chuẩn Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước

Thủ tướng Chính phủ vừa phê chuẩn kết quả bầu bổ sung chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước nhiệm kỳ 2016-2021 đối với bà Trần Tuyết Minh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy kiêm Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Bình Phước.

Ngày 20/1/2020, HĐND tỉnh Bình Phước đã tổ chức kỳ họp thứ X (kỳ họp bất thường) HĐND tỉnh khóa IX, nhiệm kỳ 2016 - 2021. 

UBND tỉnh đã thông qua tờ trình đề nghị chấp thuận bầu bổ sung Phó Chủ tịch UBND tỉnh khóa IX, nhiệm kỳ 2016 - 2021; giới thiệu bà Trần Tuyết Minh, Ủy viên ban thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban tuyên giáo Tỉnh ủy, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh để HĐND tỉnh Bình Phước bầu bổ sung chức danh Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước.

Tại kỳ họp, 100% đại biểu có mặt đã bỏ phiếu bầu bà Trần Tuyết Minh vào chức danh Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước.

Bà Trần Tuyết Minh sinh năm 1969, quê quán huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên; học vấn 12/12; trình độ chuyên môn: Cử nhân Lịch sử, Thạc sỹ Quản lý hành chính công; trình độ lý luận chính trị: Cao cấp. Ngày vào Đảng 29/1/1998.

Cung cấp dịch vụ thu tiền nộp phạt vi phạm giao thông trên Cổng DVCQG

Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các bộ, cơ quan liên quan xây dựng, tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia đối với thu tiền nộp phạt xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ (thuộc thẩm quyền xử phạt của Cảnh sát giao thông).

Xét báo cáo của Văn phòng Chính phủ về tình hình, kết quả thực hiện tích hợp, cung cấp một số dịch vụ công trực tuyến của ngành Công an trên Cổng Dịch vụ công quốc gia trong quý I năm 2020 theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 1/1/2020 và Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 274/QĐ-TTg ngày 12/3/2019, Thủ tướng Chính phủ vừa có ý kiến chỉ đạo.

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công an khẩn trương hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung Thông tư 15/2014/TT-BCA ngày 4/4/2014 quy định về đăng ký xe để đảm bảo việc triển khai thu lệ phí trước bạ trực tuyến và sử dụng chứng từ điện tử nộp lệ phí trước bạ trong đăng ký ô tô, xe gắn máy, hoàn thành trước ngày 15/2/2020.

Chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các bộ, cơ quan liên quan xây dựng, tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia đối với thu tiền nộp phạt xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ (thuộc thẩm quyền xử phạt của Cảnh sát giao thông) và xác nhận Chứng minh nhân dân khi đã được cấp thẻ Căn cước công dân, hoàn thành trong quý I năm 2020.

Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ để làm cơ sở triển khai dịch vụ công đổi giấy phép lái xe mức độ 4 trong quý I năm 2020; kết nối, chia sẻ dữ liệu với ngành Thuế để đảm bảo việc thu nộp lệ phí trước bạ trực tuyến thực chất, hiệu quả. Ưu tiên bố trí kinh phí triển khai thực hiện các nhiệm vụ nêu trên theo đúng quy định tại Quyết định số 274/QĐ-TTg ngày 12/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và cơ quan liên quan tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến khai, nộp lệ phí trước bạ đăng ký ô tô, xe gắn máy trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, hoàn thành trong quý I năm 2020.

Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các bộ, cơ quan liên quan xây dựng, tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến thu tiền nộp phạt xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ (thuộc thẩm quyền xử phạt của Thanh tra giao thông) trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia, hoàn thành trong quý I năm 2020.

Chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Y tế và các cơ quan có liên quan xây dựng, tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đối với đổi giấy phép lái xe do ngành giao thông vận tải cấp trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia, hoàn thành trong quý I năm 2020.

Phối hợp với Bộ Tài chính tổ chức kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa cơ quan đăng kiểm và cơ quan thuế đảm bảo triển khai việc khai, thu lệ phí trước bạ điện tử hiệu quả, hoàn thành trong quý I năm 2020.

Giải quyết dứt điểm khiếu nại của ông Bùi văn Thược (TP Hà Nội) trong Quý I/2020

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu UBND thành phố Hà Nội chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan đối thoại với ông Bùi Văn Thược (TP Hà Nội) liên quan đến việc giao đất ở cho gia đình liệt sĩ Bùi Văn Vinh, thống nhất phương án giải quyết khiếu nại đúng quy định của pháp luật, giải quyết dứt điểm vụ việc này trong Quý I năm 2020.

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản 857/VPCP-V.I về ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình giải quyết khiếu nại của ông Bùi Văn Thược (trú tại tổ 18, phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội) liên quan đến việc giao đất ở cho gia đình liệt sĩ Bùi Văn Vinh.

Theo đó, khiếu nại của gia đình liệt sĩ Bùi Văn Vinh kéo dài gần 20 năm và Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đã 04 lần có ý kiến chỉ đạo nhưng đến nay UBND thành phố Hà Nội chưa giải quyết dứt điểm là chậm chễ, thiếu trách nhiệm.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ yêu cầu UBND thành phố Hà Nội chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan Trung ương đối thoại với ông Bùi Văn Thược, thống nhất phương án giải quyết khiếu nại đúng quy định của pháp luật và ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ tại các văn bản số 11735/VPCP-V.I ngày 3/11/2017, số 3962/VPCP-V.I ngày 10/5/2019, giải quyết dứt điểm vụ việc này trong Quý I năm 2020, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện các ý kiến chỉ đạo nêu trên trước ngày 1/4/2020.

Cơ chế thu phí trạm La Sơn - Túy Loan

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ vừa có ý kiến chỉ đạo về cơ chế thu phí trạm La Sơn - Túy Loan để hoàn vốn cho Dự án hầm đường bộ Đèo Cả.

Phó Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát lại Hợp đồng dự án đã ký, làm rõ hình thức đầu tư, tổng mức đầu tư và phương án tài chính (trong đó xác định cụ thể các khoản hỗ trợ của nhà nước và cơ sở pháp lý).

Trường hợp có sự thay đổi các điều khoản hỗ trợ trong Hợp đồng dẫn đến dự án thiếu hụt về tài chính, Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bảo đảm hài hòa lợi ích nhà nước, nhà đầu tư và người dân; báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Đối với các dự án sụt giảm doanh thu so với phương án tài chính ban đầu tại các dự án BOT do Bộ Giao thông vận tải là cơ quan nhà nước có thẩm quyền, Phó Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải rà soát lại phương án tài chính sau khi thực hiện nghiệm thu phí theo hình thức điện tử tự động không dừng, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Chủ động ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp đánh giá công tác chỉ đạo ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2019 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2020.

Năm 2020, dự báo tình hình thời tiết, khí hậu tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường; thời tiết trên biển, vùng ven bờ tiếp tục có khả năng diễn biến phức tạp, các hoạt động sản xuất, xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội trên các vùng miền cả nước ngày càng đẩy mạnh, tiềm ẩn nhiều nguy cơ về tai nạn, sự cố.

Để chủ động, hoàn thành tốt nhiệm vụ ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trong năm 2020, Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương cần tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm để chủ động, không bị bất ngờ khi có sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Các Bộ, ngành, địa phương rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn để đề xuất sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn và yêu cầu nhiệm vụ nhằm nâng cao hiệu quả công tác ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; tổ chức, thực hiện nghiêm Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 18/6/2018 của Chính phủ về công tác phòng chống thiên tai.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn, phổ biến kiến thức nâng cao kỹ năng ứng phó bão, lũ, lũ quét, lũ ống, sạt lở đất, đá, phòng chống đuối nước …vv đến mọi người dân nhằm nâng cao khả năng tự phòng, tránh.

Đồng thời, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ trong lĩnh vực ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống sự cố, thiên tai, thảm họa và cứu hộ, cứu nạn; tăng cường hợp tác quốc tế và học tập kinh nghiệm của các nước trong thực hiện nhiệm vụ dự báo, ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống sự cố, thiên tai, thảm họa và cứu hộ, cứu nạn; chủ động trao đổi thông tin và phối hợp chặt với các nước để ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống sự cố, thiên tai, thảm họa và cứu hộ, cứu nạn xảy ra trên các vùng biển quốc tế cũng như trên lãnh thổ Việt Nam.

Bên cạnh đó, duy trì tốt các chế độ ứng trực về lực lượng và phương tiện để sẵn sàng cơ động ứng phó và xử lý kịp thời, hiệu quả các tình huống, nhất là ở các địa bàn trọng điểm; khi xảy ra sự cố phải khắc phục nhanh để giảm thiểu thiệt hại về người, tài sản của người dân và nhà nước.

Sẵn sàng ứng phó, xử lý các tình huống thiên tai

Phó Thủ tướng giao Bộ Quốc phòng tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị nhất là cơ quan quân sự địa phương làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp chuẩn bị tốt lực lượng, phương tiện theo phương châm: “4 tại chỗ”, sẵn sàng ứng phó, xử lý, khắc phục các tình huống thiên tai, sự cố và tìm kiếm cứu nạn xảy ra; phối hợp với các bộ, ngành liên quan tập trung nâng cao năng lực cho lực lượng làm nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn chuyên trách, kiêm nhiệm nhất là đối với các đơn vị làm nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn trên biển, sự cố hóa chất độc xạ, sinh học.

Bộ Công an tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kỹ năng phòng cháy, chữa cháy cho người dân; sẵn sàng ứng phó có hiệu quả khi xảy ra cháy ở các khu đô thị, khu công nghiệp, khu dân cư, nâng cao hiệu quả ứng cứu kịp thời người dân trong các vụ cháy; chỉ đạo công an các địa phương tham mưu cho chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức cảnh giác, chủ động trong công tác phối hợp tìm kiếm cứu nạn, phòng chống thiên tai, bão, lũ lụt, sự cố vỡ đê, hồ đập; động đất, sóng thần và sự cố cháy rừng và tham gia tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn; có phương án bảo vệ, đảm bảo an toàn về người và tài sản của nhân dân và đảm bảo an ninh trật tự nơi xảy ra sự cố, thiên tai, khu vực sơ tán của người dân.

Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung chỉ đạo, kiểm tra và triển khai công tác đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập, di dời dân khẩn cấp ra khỏi vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, sạt lở bờ sông, bờ biển; tăng cường kiểm tra công tác chuẩn bị theo phương châm 4 tại chỗ, khu neo đậu tránh, trú bão tại các địa phương khi có bão, áp thấp nhiệt đới; thực hiện tốt việc hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định về đăng ký, đăng kiểm tàu cá, quản lý thuyền viên tàu cá; tổ chức tập huấn cho ngư dân chấp hành nghiêm các quy định của Nhà nước khi tham gia hoạt động đánh bắt trên biển nhằm giảm thiểu thiệt hại, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện hoạt động thủy sản trên biển khi có bão, áp thấp nhiệt đới; chỉ đạo lực lượng chức năng thực hiện công tác phòng, chống thiên tai và phối hợp tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn; chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành địa phương xây dựng kế hoạch cấp Quốc gia về Ứng phó sự cố vỡ đê, hồ, đập, sự cố cháy rừng; bão, áp thấp, lũ, lụt, lũ quét, lũ ống, sạt, lở đất đá và các loại hình thiên tai khác quy định tại Nghị định số 30/2017/NĐ-CP ngày 21 tháng 3 năm 2017 của Chính phủ.

Bộ Công Thương chỉ đạo cơ quan chức năng triển khai, thực hiện tốt công tác đảm bảo an toàn các hồ chứa thủy điện và các công trình hồ, đập; chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam và chủ hồ chứa ứng dụng khoa học công nghệ trong quan trắc, dự báo nguồn nước và tính toán vận hành hồ, phối hợp với các cơ quan liên quan vận hành hồ chứa nước thủy điện để đảm bảo an toàn tuyệt đối; đảm bảo an toàn hệ thống điện trong mùa mưa lũ, không để mất điện kéo dài tại khu vực bị ảnh hưởng do thiên tai; phối hợp giữa chính quyền địa phương với các chủ hồ chứa thủy lợi, thủy điện trong quá trình điều tiết, xả lũ đúng quy định, không để nguy cơ vỡ đê gây ngập lụt thiệt hại tài sản, hoa màu của Nhân dân.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm các chỉ thị, công điện chỉ đạo của Chính phủ, Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn về công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; các Nghị định của Chính  phủ về tổ chức, hoạt động ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, phòng thủ dân sự, phòng chống thiên tai, quản lý an toàn đập, hồ chứa nước; chủ động phối hợp hiệp đồng với các lực lượng chức năng trên địa bàn; rà soát, bổ sung các kế hoạch, phương án; sẵn sàng phương án và chủ động sơ tán nhân dân ở vùng trọng điểm bão, ngập lụt, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất đá; hướng dẫn người dân thu hoạch sớm hoa màu, thủy, hải sản, di dời lồng bè khi có bão, áp thấp nhiệt đới; kiên quyết di dời dân sơ tán đến nơi an toàn.

Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tiếp tục phát huy vai trò của cơ quan Thường trực rà soát, hoàn thiện kịch bản phương án huy động lực lượng, phương tiện ứng phó sự cố, thiên tai, thảm họa và cứu hộ, cứu nạn; chủ động luyện tập Kế hoạch ứng phó với 12 tình huống sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn./.

 

Top