Hà Nội

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 7/10

07/10/2019 18:41

Kế hoạch hành động phòng, chống thiên tai

Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 18/6/2018 của Chính phủ về công tác phòng, chống thiên tai.

Mục đích của Kế hoạch nhằm đảm bảo triển khai kịp thời và hiệu quả các nội dung đã được xác định trong Nghị quyết 76/NQ-CP; xác định cụ thể nội dung công việc, thời hạn, sản phẩm dự kiến hoàn thành và trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong việc tổ chức thực hiện Nghị quyết 76/NQ-CP; đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND các cấp, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện Nghị quyết; xác định nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong Nghị quyết theo từng giai đoạn, đảm bảo các nhiệm vụ cấp bách phòng chống thiên tai phù hợp với khả năng cân đối, huy động nguồn lực.

Kiện toàn bộ máy theo hướng chuyên nghiệp

Nội dung của Kế hoạch gồm hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn thi hành pháp luật, cơ chế, chính sách về phòng, chống thiên tai; quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn, tiêu chí kiểm soát việc đảm bảo an toàn trước thiên tai; kiện toàn tổ chức bộ máy phòng, chống thiên tai các cấp theo hướng chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả trên cơ sở sắp xếp lại bộ máy tổ chức hiện có, không tăng thêm đầu mối và biên chế.

Đồng thời, đầu tư hiện đại hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị, công cụ hỗ trợ; đào tạo, tập huấn nâng cao kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ nhằm nâng cao năng lực tham mưu trong công tác phòng, chống thiên tai; xây dựng, tu bổ, nâng cấp, nâng cao sức chống chịu của cơ sở hạ tầng phòng, chống thiên tai, công trình liên quan đến phòng, chống thiên tai.

Cùng với đó, nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền và cộng đồng trong phòng chống thiên tai; thông tin, truyền thông và đào tạo kỹ năng phòng, chống thiên tai; kiểm soát an toàn trước thiên tai; lập và rà soát kế hoạch, quy hoạch đảm bảo yêu cầu về phòng, chống thiên tai; ứng dụng khoa học công nghệ, hợp tác quốc tế trong quan trắc theo dõi, giám sát, chỉ đạo điều hành phòng, chống thiên tai; nâng cao năng lực ứng phó tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ trong thiên tai.

Xây dựng lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai

Từ năm 2019 - 2020, Ban Chỉ đạo Trung ương phòng chống thiên tai và UBND các tỉnh, thành phố sẽ xây dựng lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã với lực lượng dân quân tự vệ làm nòng cốt.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông cùng với các địa phương xây dựng Trung tâm điều hành phòng, chống thiên tai quốc gia, cấp vùng; nâng cấp trụ sở Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh; triển khai phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển.

Quy định người và phương tiện ra vào Cảng quốc tế Cam Ranh

Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 29/2019/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế quản lý hoạt động của Cảng quốc tế Cam Ranh - Bộ Quốc phòng ban hành kèm theo Quyết định số 25/2016/QĐ-TTg ngày 27/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ.

Quyết định 29/2019/QĐ-TTg bổ sung quy định người và phương tiện Việt Nam ra, vào Cảng quốc tế Cam Ranh. Cụ thể, đối với quân nhân và phương tiện quân sự Việt Nam thực hiện theo quy định của Bộ Quốc phòng.

Đối với người và phương tiện dân sự ra, vào Cảng quốc tế Cam Ranh theo kế hoạch sẽ do Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân cấp phép.

Người và phương tiện của cơ quan quản lý nhà nước tại Cảng quốc tế Cam Ranh; các tổ chức, doanh nghiệp ký hợp đồng dài hạn với Công ty Tân cảng - Petro Cam Ranh thường xuyên ra, vào Cảng quốc tế Cam Ranh được xem xét cấp giấy ra vào Cảng quốc tế Cam Ranh có thời hạn 3 tháng.

Trường hợp đột xuất, khách đến trong ngày, khách đến vào ngày nghỉ, ngày lễ, Công ty Tân cảng - Petro Cam Ranh lập danh sách người và phương tiện ra, vào Cảng quốc tế Cam Ranh gửi trực tiếp Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân (qua Ban Bảo vệ an ninh) và phối hợp với lực lượng bảo vệ Căn cứ, đồng thời cử người ra cổng đưa, đón người và phương tiện ra, vào Cảng quốc tế Cam Ranh.

Đối với thuyền viên, hành khách Việt Nam trên tàu thuyền neo đậu tại Cảng quốc tế Cam Ranh khi đi bờ sử dụng một trong các loại giấy tờ sau: Giấy chứng minh nhân dân; Căn cước công dân; Hộ chiếu hoặc sổ thuyền viên và có tên trong danh sách thuyền viên, hành khách do Công ty Tân cảng - Petro Cam Ranh báo cáo Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân, thay cho Giấy phép ra vào.

Quyết định cũng bổ sung quy định người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người Việt Nam làm việc cho tổ chức nước ngoài ra, vào Cảng quốc tế Cam Ranh.

Theo đó, Bộ Tư lệnh Hải quân cấp phép cho người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài có hộ chiếu nước ngoài ra, vào Cảng quốc tế Cam Ranh. Phòng Bảo vệ an ninh (Cục Chính trị Hải quân) cấp phép cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài có hộ chiếu Việt Nam, người Việt Nam làm việc cho tổ chức nước ngoài ra, vào Cảng quốc tế Cam Ranh.

Đối với thuyền viên, hành khách nước ngoài trên tàu thuyền neo đậu tại Cảng quốc tế Cam Ranh khi đi bờ, hành khách sử dụng hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế, thuyền viên sử dụng Giấy phép đi bờ do Biên phòng cửa khẩu cả ng cấp theo quy định của pháp luật Việt Nam và có tên trong danh sách thuyền viên, hành khách do Công ty Tân cảng - Petro Cam Ranh báo cáo Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân, thay cho Giấy phép ra vào.

Xử lý thông tin báo nêu về lựa chọn nhà đầu tư cao tốc Bắc - Nam phía Đông

Báo điện tử VTC News có các bài viết: "Doanh nghiệp Việt xây cao tốc Bắc - Nam: Vốn ở đâu và làm sao tránh nạn "sân trước sân sau" và "Không để doanh nghiệp trong nước vì tư lợi "ôm" doanh nghiệp nước ngoài đấu thầu làm cao tốc Bắc - Nam".

Về vấn đề trên, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu và xử lý.

Phê chuẩn miễn nhiệm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng

Tại Quyết định 1272/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn việc miễn nhiệm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng nhiệm kỳ 2016 - 2021 đối với ông Trịnh Hữu Khang, để nghỉ hưu theo chế độ.

Nghiên cứu thông tin VTV phản ánh

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu một số Bộ liên quan nghiên cứu thông tin "Thái Lan khai trương trung tâm công nghệ cao lớn nhất Đông Nam Á".

Báo điện tử VTV ngày 10/7/2019 có bài "Thái Lan khai trương trung tâm công nghệ cao lớn nhất Đông Nam Á", theo đó Tập đoàn Charoen Pokphand (Thái Lan) đã chính thức khai trương dự án khu phức hợp True Digital Park - trung tâm công nghệ cao với tổng diện tích 200.000 m2. Đây là trung tâm công nghệ cao đầu tiên và lớn nhất Đông Nam Á, được kỳ vọng là điểm đến hấp dẫn thu hút giới công nghệ trong khu vực và toàn thế giới.

Về các thông tin trên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Khoa học và Công nghệ và Công Thương nghiên cứu, đề xuất báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Xử lý phản ánh rất ít DN trong nước được hưởng chính sách ưu đãi

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Chính phủ đã chuyển thông tin báo chí phản ánh về việc rất ít doanh nghiệp trong nước được hưởng chính sách ưu đãi phát triển công nghiệp hỗ trợ đến các Bộ liên quan xem xét, xử lý.

Trước đó, báo Thanh niên Online ngày 26/9/2019 có phản ánh thông tin: Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Trương Thị Chí Bình cho biết, sau 4 năm thực hiện Nghị định 111/2015/NĐ-CP ngày 03/11/2015 của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ, rất ít doanh nghiệp trong nước được hưởng chính sách ưu đãi. Đến hết 2018 có 25 doanh nghiệp nộp hồ sơ xin hỗ trợ và 20 doanh nghiệp đủ điều kiện, trong đó chỉ có 4 doanh nghiệp nội, còn lại là doanh nghiệp FDI... Đến nay đã có 55 hồ sơ xin xác nhận và có 37 hồ sơ doanh nghiệp được xác nhận đủ điều kiện để hưởng chính sách ưu đãi. Tuy nhiên, chỉ có 3 - 5 doanh nghiệp trong nước đủ điều kiện.

Cũng theo bài báo, với các công ty trong nước, ngay từ khâu đi xin xác nhận đủ điều kiện là doanh nghiệp hỗ trợ đã rất khó khăn, mệt mỏi. Trong khi đó, đa số doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ là công ty nhỏ, thế nhưng chính sách ưu đãi thuế, đất đai bao giờ cũng muốn dành cho dự án lớn, hoành tráng để tạo tiếng vang cho địa phương nên doanh nghiệp nhỏ rất khó tiếp cận. Rất nhiều doanh nghiệp nội khi được hỏi thì đều nói không biết có chính sách ưu đãi hỗ trợ.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Chính phủ đã chuyển thông tin nêu trên đến các Bộ: Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính để xem xét, xử lý trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao.

Nghiên cứu phản ánh "Nghị định thanh toán BT, chưa thực hiện đã thấy bất cập"

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu nội dung Thời báo Kinh tế Sài Gòn phản ánh qua bài viết: "Nghị định thanh toán BT, chưa thực hiện đã thấy bất cập".

Trước đó, Thời báo Kinh tế Sài Gòn ngày 22/9/2019 có bài viết: "Nghị định thanh toán BT, chưa thực hiện đã thấy bất cập" phản ánh: Nghị định 69/2019/NĐ-CP quy định sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) có hiệu lực từ ngày 01/10/2019 đến nay dù chưa thực hiện nhưng đối chiếu với các quy định của Luật Đất đai; Luật quản lý, sử dụng tài sản công... đã thấy nhiều bất cập và có thể bị vướng mắc khi thực hiện.

Bài báo phản ánh, nghị định chưa tạo được khung pháp lý cụ thể để thực hiện quy định Nhà nước sử dụng "tiền thuộc ngân sách nhà nước" thanh toán dự án BT.  Sự thiếu thống nhất, thiếu đồng bộ giữa quy định về khai thác quỹ đất để tạo vốn phát triển kết cấu hạ tầng bằng phương thức đấu giá quyền sử dụng đất (theo Luật Đất đai); và quy định sử dụng quỹ đất để thanh toán dự án BT (theo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công).

Hơn nữa, rất khó để đảm bảo nguyên tắc ngang giá khi Nhà nước sử dụng quỹ đất để thanh toán dự án BT, theo kiểu vật đổi vật, hàng đổi hàng, mà lẽ ra phải dùng tiền để thanh toán dự án BT, mua lại công trình BT theo kiểu “hàng - tiền”.

Trong vai trò bên mua, thì Nhà nước thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án BT, để mua công trình BT với giá hợp lý nhất (cùng đạt chuẩn chất lượng nhưng có giá thấp nhất). Trong vai trò bên bán, Nhà nước cần phải thực hiện đấu thầu hoặc đấu giá quỹ đất, trụ sở làm việc để thanh toán dự án BT, thì mới đảm bảo bán đúng giá thị trường, để lựa chọn nhà đầu tư dự án khác...

Cũng theo bài báo, pháp luật quản lý, sử dụng tài sản công quy định thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án BT, nhưng lại không quy định đồng thời thực hiện đấu giá quỹ đất hoặc đấu thầu dự án có sử dụng đất, mà lại sử dụng quỹ đất thanh toán dự án BT. Quy định này đã trái với quy định đấu giá đất, hoặc đấu thầu dự án có sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai, Luật Đấu thầu, Luật Đấu giá tài sản, Luật Nhà ở. Với cách làm này, thực chất là chỉ định nhà đầu tư thực hiện dự án khác không qua đấu giá, đấu thầu, có thể dẫn đến làm thất thoát tài sản công và giảm nguồn thu ngân sách nhà nước...

Về phản ánh trên, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Xử lý phản ánh "tuân thủ quy định kém, nông sản xuất khẩu nhận điểm trừ"

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu một số bộ liên quan nghiên cứu, xử lý thông tin Báo Đầu tư online phản ánh về việc thời gian gần đây, nông sản xuất khẩu không được thông quan, bị trả về xảy ra thường xuyên.

Báo Đầu tư online số ra ngày 24/9/2019 có đưa tin: "Nông sản xuất khẩu không được thông quan, bị trả về xảy ra thường xuyên trong thời gian gần đây, chủ yếu do mắc lỗi ở khâu sơ chế, chế biến, sản xuất, không tuân thủ quy định của nhà nhập khẩu. Thực tế do tính tuân thủ kém, thiếu chuyên nghiệp của các nhà xuất khẩu đã khiến nhiều lần nông sản Việt không được thông quan. Việt Nam là nước có tỷ lệ hàng bị trả lại hoặc phải xử lý lại khá cao".

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính nghiên cứu và xử lý thông tin nêu trên của Báo Đầu tư online.

Hoàn thiện Đề án quản lý, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa có ý kiến chỉ đạo về Đề án quản lý, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư.

Phó Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo Đề án quản lý, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư, bảo đảm tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư được quản lý, sử dụng và khai thác hiệu quả nhất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ./.

Top