Hà Nội

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 6/8

06/08/2019 20:00

Thành lập Hội đồng xét tặng danh hiệu "Nghệ nhân Nhân dân", "Nghệ nhân Ưu tú"

Thủ tướng Chính phủ vừa quyết địnhthành lập Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng danh hiệu "Nghệ nhân Nhân dân", "Nghệ nhân Ưu tú" trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ lần thứ IV (Hội đồng), để giúp Thủ tướng Chính phủ tổ chức xét tặng danh hiệu "Nghệ nhân Nhân dân", "Nghệ nhân Ưu tú" trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ năm 2019.

Theo quyết định, ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công Thương - Chủ tịch Hội đồng.

Phó Chủ tịch Hội đồng gồm: bà Trần Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương và ông Hoàng Quốc Vượng, Thứ trưởng Bộ Công Thương.

Các Ủy viên Hội đồng gồm: ông Lê Khánh Hải, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; ông Dương Trung Quốc, Tổng Thư ký Hội Sử học Việt Nam; PGS.TS Trần Lâm Biền, Tạp chí Di sản văn hóa; PGS.TS Nguyyễn Văn Huy, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy Di sản Văn hóa, Hội Di sản Văn hóa Việt Nam; PGS.TS Nguyễn Văn Đỉnh, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp.

Hội đồng có nhiệm vụ giúp Thủ tướng Chính phủ tổ chức xét, lựa chọn những cá nhân có đủ tiêu chuẩn, trình Thủ tướng Chính phủ đề nghị Chủ tịch nước quyết định tặng danh hiệu "Nghệ nhân Nhân dân", "Nghệ nhân Ưu tú" trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ năm 2019.

Các phiên họp của Hội đồng phải có ít nhất 75% tổng số thành viên của Hội đồng tham dự, trong đó có Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Hội đồng được ủy quyền; các cá nhân được đề nghị xét tặng danh hiệu phải được ít nhất 90% số phiếu đồng ý của tổng số thành viên Hội đồng có tên trong danh sách quy định.

Sau khi tổng hợp kết quả xét tặng danh hiệu "Nghệ nhân Nhân dân" "Nghệ nhân Ưu tú" và tham khảo, tiếp thu ý kiến trên các phương tiện thông tin đại chúng (nếu có), Hội đồng gửi hồ sơ đến Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương thẩm định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ để xem xét, trình Chủ tịch nước.

Thành viên của Hội đồng làm việc theo chế độ kiêm nhiệm; Quy chế làm việc của Hội đồng do Chủ tịch Hội đồng quyết định; Bộ Công Thương là cơ quan Thường trực của Hội đồng. Hội đồng có Tổ Thư ký giúp việc do Bộ trưởng Bộ Công Thương thành lập.

-------------------------

Điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn

Thủ tướng Chính phủ vừa quyết địnhđiều chỉnh trong nội bộ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 từ nguồn dự phòng 10% vốn trái phiếu Chính phủ tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho các dự án đã được giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Theo đó, kế hoạch đầu tư công trung hạn tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giai đoạn 2016 - 2020 đã được giao tại các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ tổng số là 2.303.000 triệu đồng. Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 sau khi điều chỉnh tổng số là 3.900.000 triệu đồng.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan thanh tra, kiểm toán về tính chính xác của các thông tin, số liệu và mức vốn điều chỉnh cho các dự án.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn căn cứ danh mục dự án và kế hoạch đầu tư trung hạn vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2016 - 2020 thông báo cho các đơn vị danh mục và kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2016 - 2020 điều chỉnh cho từng dự án theo quy định; báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài  chính trước ngày 15/8/2019.

-------------------------

Điều chỉnh kế hoạch vốn của các DA cải tạo QL1A và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên

Thủ tướng vừa quyết định điều chỉnh giảm kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ và bổ sung danh mục, mức vốn các dự án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ tiếp tục còn dư giai đoạn 2014 - 2016 của các dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên.

Cụ thể, Thủ tướng quyết định điều chỉnh giảm 1.602,819 tỷ đồng kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014 - 2016 tiếp tục còn dư và kế hoạch vốn các năm: 2016, 2017, 2018, 2019 tương ứng của các dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên.

Đồng thời, Thủ tướng bổ sung 719,74 tỷ đồng kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014 - 2016 tiếp tục còn dư của các dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên cho một số các dự án.

Thủ tướng cũng cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân 420,003 tỷ đồng kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014 - 2016 tiếp tục còn dư từ số vốn điều chỉnh giảm kế hoạch các năm: 2016, 2017, 2018 ở trên đến 31 tháng 12 năm 2020 để thực hiện các dự án được bổ sung vốn.

Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải thông báo cho các đơn vị liên quan danh mục dự án và mức vốn trái phiếu Chính phủ điều chỉnh giảm kế hoạch giai đoạn 2014 - 2016 và kế hoạch các năm: 2016, 2017, 2018 và 2019 và danh mục dự án bổ sung vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014 - 2016 tiếp tục còn dư theo quy định trên; gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính; đồng thời, khẩn trương rà soát quy mô, thiết kế bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả đầu tư, hoàn thiện thủ tục đầu tư của các dự án trong danh mục được bổ sung kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014 - 2016 tiếp tục còn dư theo quy định.

Đồng thời, Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các Bộ, địa phương liên quan rà soát các dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên, xác định số vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014 - 2016 tiếp tục còn dư để bổ sung cho các dự án sử dụng vốn dư đợt 3 theo Quyết định số 738/QĐ-TTg ngày 29 tháng 5 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ; tổ chức triển khai, theo dõi tình hình thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ tiếp tục còn dư đã được giao cho các dự án.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014 - 2016 tiếp tục còn dư theo quy định của Luật Đầu tư công và các quy định pháp luật có liên quan; giao chi tiết danh mục dự án và mức vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014 - 2016 tiếp tục còn dư theo quy định ở trên sau khi các dự án đã hoàn thiện thủ tục đầu tư theo quy định; chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính giám sát, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch đầu tư từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014 - 2016 tiếp tục còn dư.

Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đồng thời gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tình hình giải ngân vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014 - 2016 tiếp tục còn dư sau khi các dự án này được giao vốn theo quy định.

-------------------------

Nỗ lực hoàn thành các chương trình mục tiêu quốc gia

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầucác Bộ ngành, địa phương tập trung thực hiện các nhiệm vụ để hoàn thành các chương trình mục tiêu quốc gia.

Trong 6 tháng đầu năm 2019, việc triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia đã đạt được những kết quả tích cực. Cụ thể, về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, cả nước đã có 4.458 xã (50,01%) đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 620 xã (6,96%) so với cuối năm 2018; có 80/664 đơn vị cấp huyện thuộc 35 tỉnh (11,6%) đạt chuẩn nông thôn mới (tăng 16 đơn vị so với cuối năm 2018); bình quân cả nước đạt 15,26 tiêu chí/xã; không còn xã dưới 5 tiêu chí. Như vậy, các mục tiêu về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 Quốc hội và Chính phủ giao đã hoàn thành và về đích sớm 18 tháng so với kế hoạch; có 30/36 địa phương ban hành văn bản cụ thể hóa các tiêu chí nông thôn mới cấp thôn, bản; 762 thôn, bản vùng khó khăn được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; 43 địa phương ban hành tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 15 địa phương ban hành tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu; có 03 địa phương phê duyệt Đề án thí điểm xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng phát triển văn hóa gắn với du lịch, giai đoạn 2018-2025 hoặc gắn với lợi thế phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương; nợ đọng xây dựng cơ bản xây dựng nông thôn mới cơ bản được giải quyết;

Về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, cả nước có 44/292 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn; hơn 60 xã và hơn 1.000 thôn bản đủ điều kiện để hoàn thành Chương trình 135; 14 huyện hưởng cơ chế theo Nghị quyết 30a thoát khỏi tình trạng khó khăn; hỗ trợ bảo hiểm y tế cho hơn 1,3 triệu hộ nghèo, hơn 1,2 triệu hộ cận nghèo và hỗ trợ các hộ là đồng bào dân tộc thiểu số, người dân sinh sống ở vùng đặc biệt khó khăn; chính sách hỗ trợ học sinh nghèo về giáo dục - đào tạo giúp giảm tỷ lệ học sinh bỏ học, tăng tỷ lệ trẻ em đến trường: tiểu học 99,84%; trung học cơ sở 98,73%; phổ thông trung học 98,21%.

Có được kết quả nêu trên là do có sự chỉ  đạo đồng bộ từ trung ương đến địa phương, các thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia đã hoạt động tích cực, hiệu quả, thực hiện tốt công tác theo dõi, giám sát, đôn đốc địa bàn được phân công quản lý. Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số hạn chế như: Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách trung ương rất thấp, chỉ đạt 23%; vẫn còn chênh lệch về kết quả xây dựng nông thôn mới giữa các vùng, miền; việc triển khai thực hiện nguồn vốn hỗ trợ từ trung ương của một số địa phương chưa đúng quy định của Luật đầu tư công và các văn bản liên quan; tỷ lệ xã, thôn, bản vùng dân tộc thiểu số và miền núi thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn thấp.

Tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM

Để khắc phục những hạn chế trên, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020 yêu cầu trong những tháng cuối năm 2019, các Bộ, cơ quan nghiên cứu thực hiện chất lượng nhiệm vụ được giao trong Chương trình công tác của Ban Chỉ đạo năm 2019 và tại Thông báo số 35/TB-VPCP ngày 24 tháng 01 năm 2019 của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020 về đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2018 và xây dựng kế hoạch năm 2019.

Trong đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan và các địa phương tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; đồng thời, khẩn trương nghiên cứu, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Đề án Phát triển hệ thống trung tâm cung ứng nông sản Việt Nam hiện đại giai đoạn 2019-2020 và định hướng đến năm 2030;

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội khẩn trương nghiên cứu, trình Trưởng Ban Chỉ đạo phê duyệt kế hoạch sơ kết 05 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020; báo cáo đánh giá việc thực hiện chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016-2020 làm cơ sở đề xuất cho giai đoạn 2021-2025; nghiên cứu, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về chuẩn nghèo đa chiều trẻ em.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư có văn bản chỉ đạo, đôn đốc các địa phương khẩn trương triển khai việc phân bổ vốn và đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, nhất là những địa phương có tỷ lệ giải ngân rất thấp;

Cùng với đó, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ nguồn kinh phí thực hiện khen thưởng cho các địa phương đã được khen thưởng theo Quyết định số 2001/QĐ-TTg ngày 20 tháng 10 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về thưởng công trình phúc lợi cho các địa phương có thành tích tiêu biểu trong phong trào xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015 để xử lý dứt điểm.

Đồng thời, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, tổng hợp, đề xuất định hướng xây dựng các chương trình mục tiêu quốc gia và nhu cầu về nguồn lực thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025, báo cáo Trưởng Ban Chỉ đạo trước khi báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, sớm báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo về phương án nâng tỷ lệ tăng trưởng tín dụng năm 2019 từ 8% lên 10% bảo đảm nguyên tắc không tăng cấp bù chênh lệch lãi suất và chi phí quản lý của ngân sách nhà nước.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban Dân tộc chỉ đạo các địa phương rà soát, báo cáo tổng hợp các xã, thôn, bản thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn đảm bảo thực chất;

Các thành viên Ban Chỉ đạo đẩy mạnh việc chỉ  đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia của các địa phương được phân công bảo đảm đúng quy định của Luật đầu tư công, giải ngân đúng tiến độ./.

Top