Hà Nội

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 6/1/2021

06/01/2021 20:09

Phê duyệt Nghị định thư ASEAN về Tăng cường cơ chế giải quyết tranh chấp

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 189/NQ-CP phê duyệt Nghị định thư ASEAN về Tăng cường cơ chế giải quyết tranh chấp ký ngày 30/11/2019.

Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan đề xuất ứng viên tham gia Ban Hội thẩm và Cơ quan Phúc thẩm và gửi danh sách cho Ban Thư ký ASEAN.

Bộ Tài chính bố trí kinh phí trong trường hợp có tranh chấp phát sinh mà Chính phủ Việt Nam là một bên trong vụ việc tranh chấp hoặc là bên thứ ba trong vụ việc tranh chấp.

Bộ Ngoại giao thực hiện thủ tục đối ngoại theo quy định.

Thay đổi thành viên UBQG phòng, chống AIDS, ma tuý, mại dâm

Thủ tướng Chính phủ quyết định thay đổi thành viên Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma tuý, mại dâm.

Cụ thể, ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương tham gia thành viên Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm, thay ông Hoàng Quốc Vượng.

Xếp hạng 7 di tích quốc gia đặc biệt

Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt (đợt 11, năm 2020) đối với 7 di tích.

Cụ thể, 7 di tích được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt gồm:

1. Di tích lịch sử Hệ thống di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thừa Thiên - Huế (thành phố Huế và huyện Phú Vang), tỉnh Thừa Thiên - Huế.

2. Di tích lịch sử An toàn khu (ATK) II Hiệp Hòa, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang.

3. Di tích lịch sử Căn cứ Cái Chanh, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu.

4. Di tích kiến trúc nghệ thuật Đền An Xá, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên.

5. Di tích kiến trúc nghệ thuật Đình Hạ Hiệp, huyện Phúc Thọ, thành phố Hà Nội.

6. Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Lăng mộ và Đền thờ Nguyễn Xí, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An.

7. Danh lam thắng cảnh Gành Đá Đĩa, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên.

Khu vực bảo vệ di tích được xác định theo Biên bản và Bản đồ các khu vực bảo vệ di tích trong hồ sơ.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp nơi có di tích được xếp hạng nêu trên trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình thực hiện việc quản lý nhà nước đối với di tích theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.

24 hiện vật, nhóm hiện vật được công nhận bảo vật quốc gia

Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định công nhận bảo vật quốc gia (đợt 9, năm 2020) cho 24 hiện vật, nhóm hiện vật.

24 hiện vật, nhóm hiện vật được công nhận bảo vật quốc gia (đợt 9, năm 2020)  gồm:

1- Sưu tập khuôn đúc Cổ Loa (Niên đại: Văn hóa Đông Sơn, thế kỷ  III - II trước Công nguyên; hiện lưu giữ tại Khu di tích Cổ Loa, xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội).

2- Bộ dụng cụ dệt gỗ Phú Chánh (Niên đại: Cuối thế kỷ III trước  Công nguyên - thế kỷ I sau Công nguyên; hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Bình Dương).

3- Bộ Linga - Yoni Linh Sơn (Niên đại: Thế kỷ VII; hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh An Giang).

4- Bộ sưu tập trang sức vàng Trà Veo 3 và Lâm Thượng (Niên đại: Thế kỷ X - XII; hiện lưu giữ tại Bảo tàng Tổng hợp Quảng Ngãi).

5- Sưu tập đĩa vàng hoa sen Cộng Vũ (Niên đại: Thế kỷ XI - XII; hiện lưu giữ tại Kho bạc nhà nước tỉnh Hưng Yên).

6- Trống đồng Kính Hoa (Niên đại: Văn hóa Đông Sơn, thế kỷ IV - III trước Công nguyên; thuộc sở hữu tư nhân, thành phố Hà Nội).

7- Tượng Ganesha (Niên đại: Văn hóa Champa, thế kỷ VII - VIII; hiện lưu giữ tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm, thành phố Đà Nẵng).

8- Tượng Gajasimha (Niên đại: Văn hóa Champa, thế kỷ XII; hiện lưu giữ tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm, thành phố Đà Nẵng).

9- Tượng nam Thần (Niên đại: Văn hóa Óc Eo, thế kỷ XI - XII; hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Bạc Liêu).

10- Tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông (Niên đại: Thế kỷ XVII; hiện được thờ tại tháp Huệ Quang, chùa Hoa Yên, Khu Di tích Yên Tử, xã Thượng Yên Công, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh).

11- Tượng Thái tổ Mạc Đăng Dung (Niên đại: Thế kỷ XVI; hiện được thờ tại chùa Trà Phương, xã Thụy Hương, huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng).

12- Bộ tượng Phật Tam thế chùa Bút Tháp (Niên đại: Thế kỷ XVII, hiện được thờ tại chùa Bút Tháp, xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh).

13- Phù điêu nữ Thần Sarasvati (Niên đại: Thế kỷ XII; hiện lưu giữ tại Bảo tàng Tổng hợp Bình Định).

14- Phù điêu Vua Pô Rômê (Niên đại: Thế kỷ XVII; hiện lưu giữ tại di tích tháp Pô Rômê, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận).

15- Phù điêu Thái Hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn (Niên đại: Thế kỷ XVI; hiện được thờ tại chùa Trà Phương, xã Thụy Hương, huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng).

16- Bia Hòa Lai (Niên đại: Cuối thế kỷ VIII - đầu thế kỷ IX; hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Ninh Thuận).

17- Hệ thống thành bậc đá chùa Hương Lãng (Niên đại: Cuối thế kỷ XI - đầu thế kỷ XII; hiện lưu giữ tại chùa Hương Lãng, xã Minh Hải, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên).

18- Bộ thành bậc Điện Kính Thiên (Niên đại: Thế kỷ XV; hiện lưu giữ tại Điện Kính Thiên, Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội).

19- Bình gốm hoa nâu Kinnari (Niên đại: Thế kỷ XI - XII; hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh).

20- Bình gốm hoa sen (Niên đại: Thế kỷ XI - XII; hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh).

21- Thạp gốm hoa nâu (Niên đại: Thế kỷ XI - XII; hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh).

22- Hương án chùa Bút Tháp (Niên đại: Thế kỷ XVII; hiện lưu giữ tại chùa Bút Tháp, xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh).

23- Tòa Cửu phẩm liên hoa chùa Bút Tháp (Niên đại: Thế kỷ XVII; hiện lưu giữ tại chùa Bút Tháp, xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh).

24- Cửa võng đình Thổ Hà (Niên đại: Thế kỷ XVII; hiện lưu giữ tại đình Thổ Hà, xã Vân Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang).

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp nơi có bảo vật quốc gia, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, người đứng đầu ngành, tổ chức được giao quản lý bảo vật quốc gia được công nhận nêu trên trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình thực hiện việc quản lý đối với bảo vật quốc gia theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.

Công nhận xã, vùng An toàn khu tại tỉnh Tuyên Quang

Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định công nhận một số xã An toàn khu và vùng An toàn khu của Trung ương tại tỉnh Tuyên Quang.

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ công nhận 48 đơn vị hành chính cấp xã thuộc các huyện, thành phố thuộc tỉnh Tuyên Quang là các xã An toàn khu của Trung ương trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

Trong 48 đơn vị có 18 xã thuộc huyện Yên Sơn gồm: Kim Quan, Phú Thịnh, Trung Sơn, Xuân Vân, Thái Bình, Tứ Quận, Tiến Bộ, Đạo Viện, Công Đa, Mỹ Bằng, Tân Tiến, Hùng Lợi, Thắng Quân, Lang Quán, Trung Môn, Trung Trực, Tân Long và Trung Minh.

14 xã thuộc huyện Sơn Dương gồm: Trung Yên, Tân Trào, Tú Thịnh, Cấp Tiến, Đông Lợi, Minh Thanh, Vĩnh Lợi, Thượng Ấm, Phúc Ứng, Văn Phú, Tân Thanh, Bình Yên, Hợp Thành và Lương Thiện.

10 xã thuộc huyện Chiêm Hóa gồm: Phúc Thịnh, Hòa Phú, Yên Nguyên, Phú Bình, Xuân Quang, Kiên Đài, Vinh Quang, Kim Bình, Bình Nhân và Linh Phú.

2 xã và 2 phường thuộc thành phố Tuyên Quang gồm: Tràng Đà, An Khang, Nông Tiến và Minh Xuân.

2 xã thuộc huyện Hàm Yên gồm: Nhân Mục và Minh Hương.

Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ công nhận các huyện: Sơn Dương, Chiêm Hóa và liên huyện Yên Sơn – Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang là vùng An toàn khu của Trung ương trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

Khẩn trương hướng dẫn Nghị định 140, thúc đẩy cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước

Ngày 30/11/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 140/2020/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 126/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần; Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015 của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp và Nghị định số 32/2018/NĐ-CP ngày 08/3/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 91/2015/NĐ-CP (gọi tắt là Nghị định 140). Nghị định 140 có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Để bảo đảm việc thi hành Nghị định nêu trên kịp thời, không phát sinh vướng mắc, thúc đẩy tiến độ cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo đúng lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu:

Bộ Tài chính và Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương hướng dẫn các nội dung được giao tương ứng tại khoản 15 Điều 2 (hướng dẫn việc xác định giá trị thương hiệu, bao gồm cả giá trị văn hóa, lịch sử vào giá khởi điểm để chuyển nhượng vốn) và tại khoản 15 Điều 1 (hướng dẫn nội dung chi tiết phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa) của Nghị định 140; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện trong tháng 1 năm 2021.

Bộ Tài chính rà soát toàn bộ các nội dung khác (nếu có) cần hướng dẫn thi hành theo quy định tại Nghị định số 140 để đôn đốc và giám sát các bộ, cơ quan liên quan được giao nhiệm vụ tại Nghị định 140 khẩn trương hướng dẫn thi hành Nghị định theo quy định.

Chuyển đổi hình thức đầu tư cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ

Dự án xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai sẽ được chuyển đổi hình thức đầu tư từ BOT sang đầu tư công với tổng mức đầu tư dự án là 3.112,970 tỷ đồng.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã ký Quyết định 2275/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai theo hình thức Hợp đồng Xây dựng - Kinh Doanh - Chuyển giao (BOT).

Cụ thể, điều chỉnh tên dự án thành: Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai (Dự án). Địa điểm thực hiện dự án tại thành phố Tuyên Quang, huyện Yên Sơn của tỉnh Tuyên Quang; huyện Đoan Hùng, huyện Thanh Ba, huyện Phù Ninh, thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ.

Phân kỳ đầu tư dự án thành 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 thực hiện từ năm 2021 - 2023 giải phóng mặt bằng với quy mô hoàn chỉnh B nền = 17m, Bmặt = 11m (4 làn xe).

Giai đoạn 2 thực hiện sau năm 2025: Đầu tư hoàn chỉnh với quy mô theo chủ trương được phê duyệt tại Quyết định số 1768/QĐ-TTg ngày 6/12/2019 khi được bố trí vốn.

Tổng mức đầu tư dự án là 3.112,970 tỷ đồng (giảm 158,12 tỷ đồng) trong đó, tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 2.653 tỷ đồng, giai đoạn 2 là 459,970 tỷ đồng. Nguồn vốn đầu tư từ vốn ngân sách trung ương, ngân sách địa phương.

Các nội dung khác giữ nguyên theo Quyết định số 1768/QĐ-TTg ngày 6/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ.

Ban hành Kế hoạch giáo dục quốc phòng và an ninh năm 2021

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh Trung ương vừa ký ban hành Kế hoạch giáo dục quốc phòng và an ninh năm 2021.

Kế hoạch nhằm chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả nhiệm vụ giáo dục quốc phòng và an ninh (GDQP&AN), góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân vững chắc, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới.

Theo đó, cơ quan Thường trực Hội đồng GDQP&AN Trung ương tiếp tục chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ quan chức năng thuộc các ban, bộ, ngành liên quan tham mưu, đề xuất với lãnh đạo bộ thực hiện quản lý nhà nước về công tác GDQP&AN theo thẩm quyền.

Hội đồng GDQP&AN các cấp kịp thời củng cố, kiện toàn sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, bầu cử Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, đảm bảo đủ số lượng, đúng thành phần theo quy định; bổ sung quy chế, duy trì nền nếp, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hội đồng GDQP&AN các cấp.

Các ban, bộ, ngành Trung ương và hội đồng GDQP&AN các cấp rà soát, nắm số lượng, phân loại đối tượng cần được bồi dưỡng kiến thức QP&AN sau Đại hội Đảng các cấp và bầu cử Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 để xây dựng kế hoạch và tổ chức bồi dưỡng kiến thức QP&AN cho các đối tượng theo quy định; đẩy mạnh tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức QP&AN cho đối tượng là cá nhân tiêu biểu, người có uy tín trong cộng đồng dân cư.

Ban hành Thông tư thay thế Thông tư số 01/2018/TT-BGD&ĐT ngày 26/1/2018 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành Danh mục thiết bị dạy học tối thiểu môn học GDQP&AN trong các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học, trung cấp sư phạm, cao đẳng sư phạm và cơ sở giáo dục đại học (Thông tư số 01/2018/TT-BGD&ĐT);...

Trước 20/1, các Bộ, ngành, địa phương phải ban hành kế hoạch triển khai NQ02

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng Kế hoạch hành động, các văn bản cụ thể triển khai nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong năm 2021.

Ngày 1/1/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021.

Để kịp thời triển khai Nghị quyết có hiệu quả, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể đề ra tại Nghị quyết số 02/NQ-CP năm 2021 và Nghị quyết số 02/NQ-CP (năm 2019, 2020), xây dựng Kế hoạch hành động, các văn bản cụ thể triển khai nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong năm 2021 (có thể lồng ghép với Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP năm 2021). Trong đó, xác định rõ, đầy đủ các mục tiêu, nhiệm vụ, tiến độ thực hiện và phân công đơn vị chủ trì, ban hành trước ngày 20/1/2021, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Văn phòng Chính phủ để theo dõi.

* Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 1/1/2021 của Chính phủ chỉ ra 5 nhiệm vụ, giải pháp mà các bộ ngành, địa phương phải thực hiện gồm:

1- Tiếp tục thực hiện đầy đủ, nhất quán và hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp nhằm đạt mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể đề ra tại Nghị quyết số 02/NQ-CP (năm 2019 và 2020). Trong đó, tập trung vào các nhóm chỉ số, chỉ tiêu cụ thể, gồm: cấp phép xây dựng, Đăng ký tài sản, Giải quyết tranh chấp hợp đồng, Giải quyết phá sản doanh nghiệp, Chất lượng quản lý hành chính đất đai, ứng dụng công nghệ thông tin, Chất lượng đào tạo nghề, Kỹ năng của sinh viên, Đăng ký phát minh sáng chế, Kiểm soát tham nhũng, Mức độ tham gia giao dịch trực tuyến, Cơ hội việc làm trong các ngành thâm dụng tri thức, Môi trường sinh thái bền vững.

2- Tập trung chỉ đạo khắc phục ngay những hạn chế, vướng mắc trong công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị theo hướng: (i) Xác định rõ cơ quan, đơn vị đầu mối chủ trì; (ii) Phân định minh bạch, cụ thể quyền và trách nhiệm của cơ quan, đơn vị đầu mối và các cơ quan, đơn vị phối hợp. Đồng thời, chú trọng giải quyết các bất cập do quy định chưa cụ thể, chồng chéo, mâu thuẫn về quản lý nhà nước trong lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng và tài nguyên, môi trường; thực hiện tích hợp các văn bản quy phạm pháp luật để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, minh bạch, dễ tra cứu, dễ hiểu và dễ tiếp cận của hệ thống pháp luật.

3- Tập trung chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chuyển đổi số theo Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03 tháng 6 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đồng bộ với thực hiện cải cách hành chính; nhấn mạnh các giải pháp tăng mức độ sẵn sàng thích ứng với nền sản xuất mới trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Tập trung thực hiện: (i) Cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, trong đó phấn đấu áp dụng 100% cho dịch vụ công thiết thực đối với người dân (như các lĩnh vực y tế, giáo dục và đào tạo, an sinh xã hội); (ii) Đẩy mạnh tiến độ thanh toán không dùng tiền mặt và phát triển thương mại điện tử; (iii) ứng dụng công nghệ thông tin để minh bạch hóa quy trình, thủ tục; huy động sự tham gia, đóng góp của doanh nghiệp và người dân vào xây dựng chính quyền; kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu dùng chung phục vụ công tác quản lý nhà nước; (iv) Xây dựng và triển khai Chương trình Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025.

4- Tập trung chỉ đạo xây dựng và thực hiện chiến lược, kế hoạch trung, dài hạn với mục tiêu rõ ràng, lộ trình cụ thể để tạo chuyển biến vững chắc đối với các chỉ tiêu có tính chất nền tảng nhưng khó cải thiện trong thời gian ngắn như bảo vệ môi trường sinh thái, giảm nghèo đa chiều, phát triển miền núi, vùng sâu, vùng xa, v.v...; phấn đấu giữ vững và cải thiện thứ hạng phát triển bền vững. Đồng thời, thực hiện các giải pháp truyền thông nâng cao nhận thức toàn xã hội, nhất là cộng đồng doanh nghiệp về nội dung và ý nghĩa của phát triến bền vững nhằm phát triển nhanh cộng đồng doanh nghiệp phát triển bền vững.

5- Tiếp tục chú trọng hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, khắc phục các tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19./.

 

 

Top