Hà Nội

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 5/10/2020

05/10/2020 23:06

Quy hoạch tổng thể quốc gia phải mang tính định hướng cao

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 143/NQ-CP phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Ranh giới quy hoạch gồm toàn bộ lãnh thổ đất liền, các đảo, quần đảo, lòng đất, vùng biển, vùng trời thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của nước ta.

Mục tiêu lập quy hoạch là công cụ quản lý của nhà nước trong việc điều hành phát triển kinh tế-xã hội, nhằm huy động, phân bổ, sử dụng hiệu quả, hợp lý các nguồn lực của quốc gia để phát triển đất nước nhanh và bền vững; là cơ sở để lập quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia và là căn cứ để xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, kế hoạch đầu tư công 5 năm và hằng năm.

Xây dựng không gian phát triển quốc gia trên cơ sở kết nối đồng bộ hệ thống hạ tầng, gắn với khai thác có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và các nguồn lực để phát triển kinh tế-xã hội của quốc gia, phát triển các ngành, các vùng.

Một trong những nguyên tắc lập quy hoạch là quy hoạch tổng thể quốc gia phải mang tính định hướng cao, xác định việc phân bố và tổ chức không gian các hoạt động kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường mang tính chiến lược trên lãnh thổ quốc gia, có tầm quan trọng cấp quốc gia và có tính liên vùng.

Đồng thời, bảo đảm hài hòa giữa phát triển kinh tế với ổn định xã hội, bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh; tăng cường khả năng chống chịu và thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai; khai thác và sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên; bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa, thiên nhiên.

Bên cạnh đó, bảo đảm sự liên kết, tính đồng bộ và hệ thống giữa các ngành và các vùng trong cả nước; khai thác, sử dụng tối đa kết cấu hạ tầng hiện có nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương; bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả giữa cơ quan lập quy hoạch và cơ quan tổ chức lập hợp phần quy hoạch, thực hiện đúng quy trình lập quy hoạch tổng thể quốc gia.

Nội dung chính của quy hoạch tổng thể quốc gia được thực hiện theo quy định của Luật Quy hoạch và Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 7/5/2019 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch, bao gồm: Phân tích các yếu tố, điều kiện phát triển, hiện trạng phát triển quốc gia; dự báo xu thế phát triển và xây dựng kịch bản phát triển; xác định quan điểm và mục tiêu phát triển; định hướng phát triển không gian kinh tế-xã hội; định hướng phát triển không gian biển; định hướng sử dụng đất quốc gia...

Căn cứ nội dung nhiệm vụ được phê duyệt, Hội đồng quy hoạch quốc gia có trách nhiệm chỉ đạo tổ chức lập Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trình cấp có thẩm quyền quyết định theo đúng quy định của pháp luật về quy hoạch.

 

Thực hiện định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia

Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Chương trình hành động của Chính phủ xác định mục đích, yêu cầu: Tổ chức nghiên cứu, quán triệt sâu rộng và thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết số 55-NQ/TW, tạo sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức, hành động của lãnh đạo các ngành, các cấp, người sử dụng lao động, người lao động; đặc biệt là nâng cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu trong ngành năng lượng nói chung và ngành điện lực nói riêng.

Xác định toàn diện các nhiệm vụ chủ yếu, cụ thể, khả thi, phát huy đầy đủ vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành để Chính phủ và các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện thắng lợi mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể của Nghị quyết số 55-NQ/TW.

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ và tình hình thực tế, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, người đứng đầu các cơ quan hành chính nhà nước có trách nhiệm chủ động tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp một cách đồng bộ, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm với lộ trình phù hợp và quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả.

Đảm bảo vững chắc an ninh năng lượng quốc gia

Chương trình đặt mục tiêu phấn đấu đáp ứng đủ nhu cầu năng lượng trong nước, phục vụ cho các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030, trong đó năng lượng sơ cấp đến năm 2030 đạt khoảng 175-195 triệu tấn dầu quy đổi (TOE), đến năm 2045 đạt khoảng 320- 350 triệu TOE; tổng công suất của các nguồn điện đến năm 2030 đạt khoảng 125-130GW, sản lượng điện đạt khoảng 550-600 tỷ kWh.

Tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt khoảng 15-20% vào năm 2030; 25-30% vào năm 2045.

Tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng đến năm 2030 đạt mức 105-115 triệu TOE, năm 2045 đạt mức 160-190 triệu TOE. Cường độ năng lượng sơ cấp năm 2030 đạt từ 420-460 kgOE/1.000 USD GDP, năm 2045 từ 375-410 kgOE/1.000 USD GDP.

Xây dựng hệ thống điện thông minh, hiệu quả, có khả năng kết nối an toàn với lưới điện khu vực; bảo đảm cung cấp điện an toàn, đáp ứng tiệu chí N-1 đối với vùng phụ tải quan trọng và N-2 đối với vùng phụ tải đặc biệt quan trọng. Đến năm 2030, độ tin cậy cung cấp điện năng thuộc top 4 nước dẫn đầu ASEAN, chỉ số tiếp cận điện năng thuộc top 3 nước dẫn đầu ASEAN.

Các cơ sở lọc dầu đáp ứng tối thiểu 70% nhu cầu trong nước; đảm bảo mức dự trữ chiến lược xăng dầu đạt tối thiểu 90 ngày nhập ròng. Đủ năng lực nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) khoảng 8 tỷ m3 vào năm 2030 và khoảng 15 tỷ m3 vào năm 2045.

Tỷ lệ tiết kiệm năng lượng trên tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng so với kịch bản phát triển bình thường đạt khoảng 7% vào năm 2030 và khoảng 14% vào năm 2045.

Giảm phát thải khí nhà kính từ hoạt động năng lượng so với kịch bản phát triển bình thường ở mức 15% vào năm 2030, lên mức 20% vào năm 2045.

Tầm nhìn đến năm 2045, đảm bảo vững chắc an ninh năng lượng quốc gia; hình thành đồng bộ các yếu tố thị trường năng lượng cạnh tranh, minh bạch, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; các phân ngành năng lượng phát triển bền vững, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; hệ thống hạ tầng năng lượng phát triển đồng bộ, hiện đại, khả năng kết nối khu vực và quốc tế được nâng cao; chất lượng nguồn nhân lực, trình độ khoa học-công nghệ và năng lực quản trị ngành năng lượng đạt trình độ tiên tiến của một nước công nghiệp phát triển hiện đại.

Phát triển nhanh, bền vững ngành điện

Để đạt được những mục tiêu trên, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu mà Chương trình đề ra là: Phát triển các nguồn cung năng lượng sơ cấp theo hướng tăng cường khả năng tự chủ, đa dạng hóa, bảo đảm tính hiệu quả, tin cậy và bền vững; phát triển nhanh và bền vững ngành điện đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; cơ cấu lại các ngành và khu vực tiêu thụ năng lượng song song với thực hiện chính sách về sử dụng năng lượng sạch, tiết kiệm và hiệu quả; phát triển hạ tầng năng lượng bền vững, kết nối khu vực; nâng cao nội lực ngành công nghiệp chế tạo, dịch vụ phục vụ ngành năng lượng.

Đồng thời, cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực năng lượng; khuyến khích kinh tế tư nhân tham gia xã hội hóa phát triển năng lượng; đổi mới cơ chế, chính sách, phát triển thị trường năng lượng đồng bộ, liên thông, hiện đại và hiệu quả, phù hợp với định hướng xã hội chủ nghĩa…

 

Thủ tướng bổ nhiệm lãnh đạo VPCP, Bộ Xây dựng

Thủ tướng Chính phủ đã ký các quyết định điều động, bổ nhiệm Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ và Thứ trưởng Bộ Xây dựng.

Tại Quyết định số 1519/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ điều động, bổ nhiệm ông Trần Văn Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIV tỉnh Điện Biên, giữ chức Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.

Ông Trần Văn Sơn sinh năm 1961, quê quán: Huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định; Kỹ sư Kinh tế xây dựng. Ông Trần Văn Sơn đã từng trải qua các chức vụ: Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Tổng Công ty Xây dựng Bạch Đằng (Bộ Xây dựng), Thứ trưởng Bộ Xây dựng. Tháng 3/2014, ông Trần Văn Sơn được Bộ Chính trị điều động, luân chuyển làm Phó Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên. Tháng 10/2015, ông Trần Văn Sơn được bầu giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên khóa XIII, nhiệm kỳ 2015-2020.

Tại Quyết định số 1518/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ điều động, bổ nhiệm ông Nguyễn Thanh Nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIV tỉnh Kiên Giang giữ chức Thứ trưởng Bộ Xây dựng.

Ông Nguyễn Thanh Nghị sinh năm 1976, quê quán: Thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau; Tiến sĩ Khoa học kỹ thuật xây dựng. Ông Nguyễn Thanh Nghị từng giữ các chức vụ: Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng trước khi được luân chuyển về làm Phó Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang nhiệm kỳ 2010-2015 từ tháng 3/2014. Tháng 10/2015, ông Nguyễn Thanh Nghị được bầu giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang khóa X, nhiệm kỳ 2015-2020.

Thủ tướng bổ nhiệm 2 Thứ trưởng

Thủ tướng Chính phủ vừa ký các quyết định bổ nhiệm Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Cụ thể, tại Quyết định 1496/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm ông Hoàng Minh Sơn, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, giữ chức Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Ông Hoàng Minh Sơn sinh năm 1969. Ông Sơn từng đảm nhiệm các chức vụ: Trưởng phòng đào tạo Trường Đại học Bách khoa Hà Nội; Phó Hiệu trưởng, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội; Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.

Tại Quyết định 1489/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Kinh tế địa phương và lãnh thổ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Ông Trần Duy Đông sinh năm 1979, quê quán tỉnh Thanh Hóa. Ông Đông từng đảm nhiệm các chức vụ: Thư ký Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Phó Vụ trưởng, Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Vụ trưởng Vụ Kinh tế địa phương và lãnh thổ, Phó Chủ tịch Hội đồng quản lý trong Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Thủ tướng bổ nhiệm nhân sự cấp cao Bộ Quốc phòng

Thủ tướng Chính phủ vừa có các quyết định bổ nhiệm Tư lệnh Quân khu 5, Phó Tư lệnh Quân khu 9, Bộ Quốc phòng.

Cụ thể, tại Quyết định 1498/QĐ-TTg, Thủ tướng bổ nhiệm Trung tướng Thái Đại Ngọc, Cục trưởng Cục tác chiến, Bộ Tổng tham mưu giữ chức Tư lệnh Quân Khu 5, Bộ Quốc phòng.

Tại Quyết định 1497/QĐ-TTg, Thủ tướng bổ nhiệm Đại tá Trần Văn Tài, Phó Tham mưu trưởng Quân khu 9, giữ chức Phó Tư lệnh Quân khu 9, Bộ Quốc phòng.

Phê chuẩn Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa phê chuẩn kết quả bầu bổ sung chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long nhiệm kỳ 2016 – 2021 đối với ông Nguyễn Văn Liệt, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Vĩnh Long.

Ông Nguyễn Văn Liệt sinh năm 1966, vào đảng năm 1998, trình độ chuyên môn cử nhân kinh tế, cử nhân chính trị chuyên ngành tổ chức, thạc sĩ xây dựng Đảng, chính quyền Nhà nước, cao cấp lý luận chính trị, bồi dưỡng chuyên viên cao cấp về quản lý Nhà nước.

Trong suốt quá trình công tác, đồng chí Nguyễn Văn Liệt đã đảm nhiệm nhiều vị trí như: Phó Chánh Thanh tra, Chánh Thanh tra; Phó Giám đốc, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Sở Giao thông vận tải; Giám đốc, Bí thư Đảng ủy Sở Giao thông vận tải tỉnh Vĩnh Long; Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long, nhiệm kỳ 2015 - 2020.

Phê duyệt tổng biên chế công chức năm 2021

Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định 1499/QĐ-TTg phê duyệt biên chế công chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước của các cơ quan hành chính nhà nước và biên chế của các Hội có tính chất đặc thù hoạt động trong phạm vi cả nước năm 2021.

Theo đó, tổng biên chế công chức năm 2021 của các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước, cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài (không bao gồm biên chế của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và cán bộ, công chức cấp xã), biên chế của các Hội có tính chất đặc thù hoạt động trong phạm vi cả nước và biên chế công chức dự phòng là 249.650 biên chế (giảm so với năm 2020 là 3.867 biên chế).

Cụ thể, biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước là 247.344 biên chế, trong đó: Các cơ quan, tổ chức hành chính thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải là đơn vị sự nghiệp công lập 106.836 biên chế; các cơ quan, tổ chức hành chính thuộc cơ quan của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện 140.508 biên chế.

Các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài 1.068 biên chế.

Tổng biên chế của các Hội có tính chất đặc thù hoạt động trong phạm vi cả nước là 686 biên chế.

Biên chế công chức dự phòng là 552 biên chế.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ có trách nhiệm giao biên chế công chức đối với từng Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải là đơn vị sự nghiệp công lập và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong số biên chế công chức nêu trên; giao biên chế công chức làm việc ở nước ngoài đối với từng Bộ, cơ quan ngang Bộ trong tổng số biên chế công chức nêu trên; giao biên chế đối với từng Hội có tính chất đặc thù hoạt động trong phạm vi cả nước trong tổng biên chế nêu trên; trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc sử dụng biên chế công chức dự phòng.

Các Bộ, ngành và địa phương thực hiện điều chuyển, sắp xếp trong tổng biên chế được giao khi thành lập tổ chức mới hoặc được giao nhiệm vụ mới và thực hiện tinh giản biên chế theo quy định.

Tổ chức Lễ kỷ niệm 90 năm thành lập Hội Nông dân Việt Nam

Thủ tướng Chính phủ đồng ý việc Hội Nông dân Việt Nam tổ chức Lễ kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14/10/1930-14/10/2020), đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh kết hợp với tổ chức Đại hội thi đua yêu nước Hội Nông dân Việt Nam lần thứ V và tuyên dương Chi Hội trưởng nông dân tiêu biểu xuất sắc năm 2020.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tổ chức các hoạt động phải thiết thực, tiết kiệm, đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả; việc khen thưởng thực hiện theo quy định hiện hành.

Trong những năm tháng chiến tranh, giai cấp nông dân chính là lực lượng nòng cốt của cách mạng, luôn sẵn sàng ủng hộ và đứng lên trong những phong trào đấu tranh vì độc lập dân tộc, vì quyền lợi của người lao động. Tại Hội nghị lần thứ Nhất (10/1930), Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ra Nghị quyết thành lập Tổng Nông hội Đông Dương với mục đích “Thống nhất hết thảy Tổng Nông Hội Đông Dương để tranh đấu bênh vực quyền lợi hàng ngày của nông dân và để thực hiện cách mạng thổ địa”. Việc thành lập Tổng Nông Hội Đông Dương (tên gọi đầu tiên của Hội Nông dân Việt Nam ngày nay) đã đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong lịch sử giai cấp nông dân Việt Nam, bắt đầu hành trình trưởng thành và lớn mạnh của phong trào nông dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, đem lại nhiều thành quả giá trị trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ tổ quốc.

Trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, những người nông dân áo vải cũng có vai trò hết sức quan trọng. Ngày 27/09/1979, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra chỉ thị tổ chức Hội Liên hiệp nông dân tập thể Việt Nam nhằm phát triển sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và đoàn kết nông dân lao động, đưa nông thôn nước nhà tiến lên chủ nghĩa xã hội. Ngày 01/03/1988, Hội chính thức được đổi tên thành Hội Nông dân Việt Nam. 90 năm hình thành và phát triển, Hội Nông dân Việt Nam đã có những đóng góp và vai trò hết sức quan trọng, mang ý nghĩa chính trị to lớn...

Kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam là dịp để cán bộ, hội viên, nông dân cùng nhân dân cả nước ôn lại truyền thống cách mạng vẻ vang của tổ chức Hội và giai cấp nông dân Việt Nam; cổ vũ, động viên cán bộ, hội viên, nông dân ra sức thi đua, phát huy vai trò, trách nhiệm của giai cấp nông dân và Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, xây dựng một nước Việt Nam phồn vinh, hòa bình, thịnh vượng./.

Top