Hà Nội

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 4/11

04/11/2019 19:40

Thủ tướng bổ nhiệm Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Quyết định bổ nhiệm ông Lê Xuân Định, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.

Như vậy, Bộ Khoa học và Công nghệ hiện có các lãnh đạo gồm Bộ trưởng Chu Ngọc Anh và 4 Thứ trưởng: Trần Văn Tùng, Phạm Công Tạc, Bùi Thế Duy, Lê Xuân Định.

* Cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ cũng ký Quyết định giao đồng chí Chuẩn Đô đốc Nguyễn Trọng Bình, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam kiêm nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thay đồng chí Thượng tướng Phạm Ngọc Minh đã được nghỉ hưu theo chế độ của Nhà nước.

-----------------------

Quy định mới về dịch vụ phụ trợ bảo hiểm

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 80/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 73/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, trong đó, bổ sung Chương Va vào sau Chương V quy định dịch vụ phụ trợ bảo hiểm.

Theo đó, Nghị định quy định điều kiện văn bằng, chứng chỉ, tiêu chuẩn đối với cá nhân trực tiếp thực hiện hoạt động phụ trợ bảo hiểm trong tổ chức cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm.

Cụ thể, cá nhân trực tiếp thực hiện hoạt động tư vấn bảo hiểm phải đáp ứng một trong các điều kiện về văn bằng, chứng chỉ sau: Có văn bằng đại học trở lên về chuyên ngành bảo hiểm; có văn bằng từ đại học trở lên về chuyên ngành khác và chứng chỉ về tư vấn bảo hiểm.

Cá nhân trực tiếp thực hiện hoạt động đánh giá rủi ro bảo hiểm phải đáp ứng một trong các điều kiện về văn bằng, chứng chỉ sau: Có văn bằng từ đại học trở lên về chuyên ngành bảo hiểm; có văn bằng từ đại học trở lên về chuyên ngành khác và chứng chỉ về đánh giá rủi ro bảo hiểm.

Điều kiện, tiêu chuẩn đối với cá nhân trực tiếp thực hiện hoạt động tính toán bảo hiểm như sau: Cá nhân trực tiếp thực hiện hoạt động tính toán bảo hiểm đối với doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, doanh nghiệp bảo hiểm sức khỏe phải đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 31 Nghị định 73/2016/NĐ-CP; cá nhân trực tiếp thực hiện hoạt động tính toán bảo hiểm đối với doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài phải đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn tại điểm b, điểm d khoản 1 Điều 32 Nghị định 73/2016/NĐ-CP.

Cá nhân trực tiếp thực hiện hoạt động giám định tổn thất bảo hiểm phải đáp ứng các điều kiện về văn bằng, chứng chỉ, tiêu chuẩn như sau: Có văn bằng từ cao đẳng trở lên phù hợp với lĩnh vực giám định; có chứng chỉ về giám định tổn thất bảo hiểm; có ít nhất 3 năm công tác trong lĩnh vực giám định.

Cá nhân trực tiếp thực hiện hoạt động hỗ trợ giải quyết bồi thường bảo hiểm phải đáp ứng các điều kiện về văn bằng, chứng chỉ: Có văn bằng từ cao đẳng trở lên; có chứng chỉ về hỗ trợ giải quyết bồi thường bảo hiểm.

Cá nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm phải mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho việc cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm. Mức trách nhiệm bảo hiểm nghề nghiệp được xác định theo thỏa thuận trong hợp đồng cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm cho từng loại hình dịch vụ phụ trợ bảo hiểm cung cấp.

Tiêu chuẩn trong lĩnh vực phụ trợ bảo hiểm

Nghị định cũng quy định tiêu chuẩn trong lĩnh vực phụ trợ bảo hiểm. Cụ thể, tổ chức cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm phải xây dựng, triển khai và giám sát việc thực hiện tiêu chuẩn cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm.

Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm sử dụng dịch vụ phụ trợ bảo hiểm phải xây dựng, triển khai và giám sát việc thực hiện tiêu chuẩn lựa chọn, sử dụng dịch vụ phụ trợ bảo hiểm.

Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm sử dụng tổ chức nước ngoài cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm qua biên giới tại Việt Nam thì tổ chức nước ngoài phải đáp ứng các tiêu chuẩn sau:

- Được phép cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm qua biên giới theo quy định của pháp luật của quốc gia, vùng lãnh thổ nơi tổ chức đóng trụ sở chính.

- Đang hoạt động hợp pháp ít nhất 10 năm tính tới thời điểm cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm qua biên giới tại Việt Nam;

- Không vi phạm các quy định pháp luật về cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm nơi tổ chức đóng trụ sở chính trong thời hạn 3 năm liền kề trước năm cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm qua biên giới tại Việt Nam.

- Hoạt động kinh doanh có lãi trong 3 năm tài chính liền kề trước năm cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm qua biên giới tại Việt Nam.

-----------------------

Điều chỉnh Chương trình mục tiêu phát triển KTXH các vùng

Thủ tướng Chính phủ vừa có Quyết định 1509/QĐ-TTg điều chỉnh Quyết định số 1256/QĐ-TTg ngày 21/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội các vùng giai đoạn 2016-2020.

Cụ thể, Quyết định số 1509/QĐ-TTg sửa đổi mục tiêu cụ thể của Chương trình đến năm 2020 là thực hiện khoảng 1.476 dự án, gồm: các dự án đường giao thông, công trình thủy lợi (năng lực tăng thêm đạt khoảng 5.134 km đường giao thông, đáp ứng khoảng 161.589 ha tưới tiêu), 47 cầu, 11 bệnh viện cấp tỉnh, huyện, 39 trường đại học, dạy nghề, trung tâm huấn luyện cấp tỉnh, 130 dự án trung tâm hành chính của các địa phương, tập trung ở các đơn vị hành chính mới tách, lập, 22 kho lưu trữ và các dự án cơ sở hạ tầng khác phục vụ tái định cư, đơn vị hành chính cấp tỉnh, huyện mới chia tách.

Các dự án trên gồm các dự án đã hoàn thành nhưng chưa bố trí đủ vốn, thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản, thu hồi vốn ứng trước, các dự  án chuyển tiếp từ giai đoạn 2015 trở về trước, các dự án khởi công mới và chuẩn bị đầu tư.

Quyết định số 1256/QĐ-TTg cũng sửa đổi đối tượng của Chương trình: Các dự án chuyển tiếp, các dự án đã hoàn thành từ năm 2015 trở về trước nhưng chưa bố trí đủ vốn, thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản, thu hồi vốn ứng trước thuộc các chương trình mục tiêu, dự án giai đoạn 2011-2015 đã được phê duyệt tại Quyết định số 60/2010/QĐ-TTg ngày 30/9/2010 của Thủ tướng Chính phủ tích hợp vào Chương trình, bao gồm: phát triển kinh tế-xã hội các vùng; các dự án quan trọng, cấp bách cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện, đầu tư các tỉnh, huyện mới chia tách; đầu tư hạ tầng thiết yếu phát triển kinh tế-xã hội các đảo; ổn định dân cư, phát triển kinh tế-xã hội vùng tái định cư thủy điện.

Đồng thời hỗ trợ đầu tư các dự án lớn, trọng điểm, có tính liên vùng và có tác dụng lan tỏa thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương. Các dự án khởi công mới trong giai đoạn 2016-2020 phải có trong quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và được sắp xếp thứ tự ưu tiên đầu tư phù hợp với khả năng cân đối ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020, trong đó tập trung chủ yếu vào các công trình kết cấu hạ tầng gồm: các dự án giao thông đầu mối, dự án kết nối liên tỉnh, liên vùng của địa phương; đường giao thông kết nối với đường cao tốc, đường quốc lộ, khu kinh tế, cửa khẩu biên giới quan trọng, cảng biển, cảng hàng không; các dự án thủy lợi có quy mô lớn, tác động lan tỏa; đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các trường đại học công lập, hạ tầng kỹ thuật thiết yếu cho các khu đại học do địa phương quản lý nằm trong quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng của các tỉnh, huyện mới chia tách; các kho lưu trữ chuyên dụng do địa phương quản lý theo Quyết định số 1784/QĐ-TTg ngày 24/9/2010 của Thủ tướng Chính phủ; các dự án quan trọng, cấp bách cần đẩy nhanh tiến độ; thực hiện chuẩn bị đầu tư một số dự án quan trọng, cần thiết do địa phương đề xuất.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan thanh tra, kiểm tra và các cơ quan liên quan về các nội dung thông tin, số liệu báo cáo điều chỉnh Quyết định số 1256/QĐ-TTg ngày 21/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm đúng quy định pháp luật.

-----------------------

Thay đổi thành viên Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ

Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định thay thế thành viên Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ.

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ cử ông Vũ Đại Thắng - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm thành viên Tổ công tác thay ông Nguyễn Văn Hiếu - nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư được nghỉ hưu theo chế độ.

-----------------------

Thi hành kỷ luật nguyên Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh

Tại Quyết định 1506/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức Cảnh cáo đối với đồng chí Vũ Văn Ninh, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2011 - 2016, do có vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng trong công tác; Bộ Chính trị đã thi hành kỷ luật về Đảng.

Trước đó, ngày 19/7, tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Bộ Chính trị họp xem xét, thi hành kỷ luật đối với đồng chí Vũ Văn Ninh, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Ban Cán sự đảng Chính phủ, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ.

Sau khi xem xét đề nghị của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Bộ Chính trị nhận thấy: 

Với cương vị Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Cán sự đảng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ (phụ trách lĩnh vực đổi mới doanh nghiệp từ tháng 8/2011 đến tháng 4/2016), đồng chí Vũ Văn Ninh đã ký các văn bản đồng ý cho giảm và thoái toàn bộ vốn nhà nước tại Công ty Cổ phần cảng Quy Nhơn; bán phần vốn nhà nước hiện có tại Công ty Cổ phần cảng Quảng Ninh; đồng ý chủ trương để Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa sau khi nhận chuyển giao Công ty Cổ phần cảng Nha Trang tiếp tục được thoái vốn nhà nước theo hướng nhà nước không nắm giữ cổ phần chi phối; đồng ý chủ trương cổ phần hóa Công ty mẹ - Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (doanh nghiệp này không thuộc đối tượng cổ phần hóa); đồng ý chủ trương cổ phần hóa 10 đoạn quản lý đường thủy nội địa, đây là các đơn vị sự nghiệp kinh tế chưa được quy định cổ phần hóa.

Nội dung những văn bản đồng chí Vũ Văn Ninh đã ký nêu trên trái với kết luận của Bộ Chính trị và Nghị định của Chính phủ về cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước gắn với tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước... 

Với cương vị Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính kiêm Chủ tịch Hội đồng quản lý Bảo hiểm xã hội Việt Nam (giai đoạn từ tháng 7/2006 đến năm 2011), đồng chí Vũ Văn Ninh đã thiếu trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, vi phạm Luật Bảo hiểm xã hội, Nghị định của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bảo hiểm xã hội Việt Nam; để hai Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam (năm 2008 - 2009) vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật trong việc ký các hợp đồng cho Công ty cho thuê tài chính II, là tổ chức tín dụng phi ngân hàng thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam vay 1.010 tỉ đồng.

Đến nay, Công ty cho thuê tài chính II đã phá sản, làm cho Nhà nước thiệt hại lớn số tiền gốc và tiền lãi, hai lãnh đạo Bảo hiểm xã hội Việt Nam và nhiều cán bộ, đảng viên liên quan bị khởi tố để điều tra hình sự.

Vi phạm, khuyết điểm của đồng chí Vũ Văn Ninh là nghiêm trọng, làm thiệt hại rất lớn tiền của Nhà nước, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và cá nhân đồng chí, gây dư luận xấu, cần phải thi hành kỷ luật nghiêm minh theo quy định của Đảng. 

Quá trình kiểm điểm, đồng chí Vũ Văn Ninh đã nhận thức rõ trách nhiệm cá nhân về các vi phạm, khuyết điểm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được phân công.

Căn cứ Quy định số 102-QĐ/TW, ngày 15/12/2017 của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, xét nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm và quá trình công tác, cống hiến, đóng góp của đồng chí đối với Đảng, Nhà nước, Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật đồng chí Vũ Văn Ninh bằng hình thức cảnh cáo.

Bộ Chính trị yêu cầu cấp có thẩm quyền xử lý kỷ luật về hành chính đối với đồng chí Vũ Văn Ninh tương ứng với xử lý kỷ luật về Đảng.

-----------------------

Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh.

Theo Báo cáo Môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới vừa công bố, chỉ số Môi trường kinh doanh của Việt Nam giảm 1 bậc (từ vị trí 69 xuống vị trí 70/190 nền kinh tế được khảo sát), trong đó đa số các chỉ số thành phần giảm bậc.

Để kịp thời khắc phục những hạn chế nêu trên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành liên quan phân tích, đánh giá kỹ thực trạng, nguyên nhân các chỉ số tụt hạng, xếp hạng thấp và kiến nghị, đề xuất ngay các giải pháp tạo đột phá trong nâng hạng môi trường kinh doanh, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 10/11/2019.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì cùng Văn phòng Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 10/11/2019.

-----------------------

Chấn chỉnh hoạt động các cơ sở giáo dục, chăm sóc trẻ tự kỷ

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu các Bộ liên quan chỉ đạo kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động của các cơ sở có hoạt động giáo dục, chăm sóc trẻ tự kỷ đảm bảo quyền của trẻ em.

Trước tình trạng trẻ em bị tự kỷ có xu hướng gia tăng và hoạt động giáo dục, chăm sóc trẻ tự kỷ còn nhiều bất cập, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối  hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động của các cơ sở có hoạt động giáo dục, chăm sóc trẻ tự kỷ đảm bảo quyền của trẻ em; kiến nghị các giải pháp tăng cường trách nhiệm của nhà trường, gia đình, xã hội trong chăm sóc, giáo dục trẻ tự kỷ.

-----------------------

Tổng kết 10 năm thực hiện Ðề án An ninh lương thực quốc gia

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đồng ý với đề xuất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận số 53-KL/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 63/NQ-CP về Đề án "An ninh lương thực quốc gia đến năm 2020".

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương và các Bộ, cơ quan, địa phương liên quan chuẩn bị kỹ lưỡng nội dung, chương trình, rà soát báo cáo tham luận để phục vụ cho báo cáo tổng kết tại Hội nghị trong đó cần tập trung đánh giá kết quả được, tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, đề xuất chủ trương, quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia cho giai đoạn mới; đồng thời chuẩn bị tốt công tác hậu cần, đảm bảo việc tổ chức Hội nghị thiết thực, hiệu quả. An ninh lương thực là vấn đề trọng đại của đất nước trước mắt cũng như lâu dài.

Kết luận số 53-KL/TW của Bộ Chính trị nêu rõ những vấn đề lớn cần phải thực hiện để phát triển nông nghiệp, nông thôn, sản xuất lương thực, thực phẩm góp phần bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội và ổn định chính trị của đất nước là: Quy hoạch, phát triển sản xuất nông nghiệp toàn diện, hiệu quả là cơ sở để bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia; gắn sản xuất với các hình thức tổ chức phù hợp để đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu lương thực, thực phẩm trong mọi tình huống, nâng cao dinh dưỡng, cải thiện bữa ăn của nhân dân; phát huy lợi thế về cây lúa là chính và phát triển lương thực, thực phẩm thành các vùng sản xuất hàng hoá có hiệu quả và sức cạnh tranh cao; đẩy mạnh cơ giới hoá, chế biến, bảo quản theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá và bảo vệ môi trường bền vững; cân đối hài hoà giữa tiêu dùng trong nước và xuất khẩu lương thực, thực phẩm. Tổ chức tốt hệ thống mua, bán và dự trữ ở các vùng miền, tạo thuận lợi cho mọi người dân tiếp cận dễ dàng về lương thực, thực phẩm với chất lượng, hiệu quả ngày càng cao.

Mục tiêu đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 phải bảo đảm đủ nguồn cung cấp lương thực với sản lượng cao hơn 2 lần tốc độ tăng dân số. Chấm dứt tình trạng thiếu đói lương thực, nâng cao chất lượng bữa ăn. Bảo đảm lãi của nông dân sản xuất lúa trên 30% giá thành sản xuất.

-----------------------

Tăng cường quản lý, kiểm soát loài ngoại lai xâm hại

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính, các bộ, ngành, địa phương và cơ quan liên quan xây dựng dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý, kiểm soát loài ngoại lai xâm hại.

Phó Thủ tướng yêu cầu dự thảo Chỉ thị cần tập trung vào các giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn các hành vi vi phạm các quy định pháp luật về nuôi trồng, phát triển, kinh doanh loài ngoại lai, các biện pháp kiểm soát, hạn chế tác động tiêu cực của loài ngoại lai xâm hại.

Trong thời gian qua, nhiều loài ngoại lai xâm hại đã xuất hiện và gây ảnh hưởng tới đa dạng sinh học và tổn thất kinh tế. Từ bài học trước đây về việc nhập ốc bươu vàng (Pomacea canaliculata) nhằm mục đích phát triển kinh tế. Sau một thời gian, ốc bươu vàng đã trở thành đại dịch làm điêu đứng ngành nông nghiệp Việt Nam và đến nay, loài này vẫn đang tiếp tục gây hại cho mùa màng. Loài rùa tai đỏ cũng là một trong những loài đã được quốc tế cảnh báo là loài xâm hại nguy hiểm, tác động tiêu cực đến đa dạng sinh học, các ngành kinh tế nhưng vẫn tiếp tục được nhập khẩu, phát tán và nuôi trồng tự phát tại Việt Nam.

Bên cạnh việc phát triển có chủ đích các loài ngoại lai xâm hại, hệ sinh thái tự nhiên Việt Nam còn chịu sự xâm hại của các loài ngoại lai du nhập vào Việt Nam theo các con đường tự nhiên như: Cây mai dương (Mimosa pigra) có nguồn gốc từ châu Mỹ và xuất hiện đầu tiên tại Đồng bằng sông Cửu Long vào năm 1979, đến nay đã lan rộng khắp cả nước; bọ cánh cứng hại dừa (Brontispa longissima) được phát hiện vào tháng 4 năm 1999 ở tỉnh Bến Tre và nay đã gây hại cho hơn 30 tỉnh thành thuộc Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ và Nam Trung Bộ.  

Trong số các tỉnh gửi báo cáo về tình hình quản lý loài ngoại lai xâm hại, 67% các tỉnh bước đầu xác định sự có mặt của các loài ngoại lai xâm hại như: Ốc bươu vàng (Pomacea canaliculata), mai dương (Mimosa pigra), trinh nữ móc (Mimosa diloptricha), cá lau kính (Hypostomus plecostomus)... Trong đó, đáng lo ngại là loài ốc bươu vàng phân bố rộng khắp các tỉnh thành trên cả nước; cây mai dương được ghi nhận có mặt ở 42/63 tỉnh thành trên cả nước.

Trong quá trình thực hiện quản lý sinh vật ngoại lai xâm hại, Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận định còn có những tồn tại, hạn chế về nhận thức của các cơ quan quản lý và nhân dân về tác hại của sinh vật ngoại lại xâm hại. Một số đối tượng vì lợi ích trước mắt nên vẫn cố tình nhập khẩu, nuôi trồng loài ngoại lai xâm hại.

Cùng với đó, các quy định về quản lý loài ngoại lai xâm hại được quy định tại Luật Đa dạng sinh học mới chỉ đề cập đến trách nhiệm điều tra, lập danh mục loài ngoại lai xâm hại; kiểm soát việc nhập khẩu, xâm nhập từ bên ngoài của loài ngoại lai; kiểm soát nuôi trồng loài ngoại lại có nguy cơ xâm hại; lây lan và phát triển của loài ngoại lai xâm hại; công khai thông tin về loài ngoại lai xâm hại. Các quy định chưa đề cập đến các yêu cầu cụ thể để quản lý loài ngoại lai xâm hại, một số nội dung khác chưa được quy định như phân tích, đánh giá nguy cơ xâm hại của loài ngoại lai, vận chuyển, sản xuất, kinh doanh… Do vậy, trong thực tế, pháp luật chưa có tính bao quát hết các trường hợp trong thực tiễn. Luật cũng không quy định cần có các hướng dẫn dưới luật cho các vấn đề này, nên việc ban hành các văn bản dưới luật còn khó khăn.

Một số Bộ, ngành cũng cho rằng, để quản lý tốt các loài ngoại lai xâm hại thì cần nâng cao công tác tuyên truyền, cung cấp thông tin; triển khai các hoạt động điều tra, thống kê và xây dựng cơ sở dữ liệu về các loài ngoại lai; tăng cường công tác trao đổi thông tin nghiệp vụ giữa các cơ quan liên quan để xử lý nhanh chóng các vụ việc nóng, đồng thời tổ chức các khóa tập huấn chuyên môn nghiệp vụ về nhận dạng và quy trình xử lý sinh vật ngoại lai để ngăn chặn kịp thời sinh vật ngoài lai ngay từ cửa khẩu Việt Nam và cần có các chế tài đủ mạnh để xử lý các đối tượng kinh doanh, vận chuyển và tiêu thụ sinh vật ngoại lai vì theo quy định hiện nay rất khó xử lý hình sự các đối tượng vi phạm./.

Top