Hà Nội

Chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 31/7

31/07/2020 18:10

Điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách trung ương

Thủ tướng Chính phủ vừa điều chỉnh, giao bổ sung kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2016-2020 cho các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương.

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh giảm 1.713.503 triệu đồng kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2016-2020 của các dự án đã được giao kế hoạch đầu tư trung hạn; điều chỉnh tăng 1.891.134 triệu đồng kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách Trung ương cho các dự án trong nội bộ của các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương.

Đồng thời, điều chỉnh tăng 597.550 triệu đồng kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách Trung ương từ nguồn dự phòng 10% vốn ngân sách Trung ương tại các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương cho các dự án của các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương.

Thủ tướng Chính phủ cũng giao bổ sung 6.089.052,695 triệu đồng kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2016-2020 cho các bộ, cơ quan Trung ương và  địa phương từ các nguồn vốn: Nguồn dự phòng chung kế  hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, nguồn bổ sung theo Nghị quyết số 797/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và nguồn bố trí vốn cho dự án đường ven biển.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan thanh tra, kiểm tra và các cơ quan liên quan về tính chính xác của các nội dung, số liệu báo cáo, danh mục và mức vốn điều chỉnh, bổ sung của từng dự án, bảo đảm đúng quy định của pháp luật.

Bổ sung kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương cho Sơn La

Thủ tướng Chính phủ cũng giao bổ sung 127.753 triệu đồng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2020 từ nguồn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2018 cho tỉnh Sơn La để thực hiện các dự án.

Căn cứ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương, danh mục và mức vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2016-2020 được giao, điều chỉnh ở trên, các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương thông báo cho các đơn vị danh mục và mức vốn từng dự án theo quy định gửi báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính trước ngày 15/8/2020.

Đồng thời, chịu trách nhiệm bố trí, giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2020 cho các dự án bảo đảm đủ thủ tục đầu tư theo quy định; ưu tiên bố trí vốn cho các dự án này để hoàn thành đúng tiến độ trong giai đoạn 2021-2025, chịu trách nhiệm về việc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án, bảo đảm đúng trình tự, thủ tục quy định tại Luật Đầu tư công.

------------------------

Đàm phán Hiệp định Tương trợ Tư pháp trong lĩnh vực dân sự với Thái Lan

Chính phủ vừa phê duyệt Phương án đàm phán Hiệp định Tương trợ Tư pháp trong lĩnh vực dân sự giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Vương quốc Thái Lan (Hiệp định).

Chính phủ giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành thành lập Đoàn đàm phán Hiệp định, gồm đại diện các cơ quan: Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ, Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao và tổ chức đàm phán theo quy định.

Bộ Ngoại giao thực hiện các thủ tục đối ngoại theo quy định hiện hành.

Bộ Tư pháp và các bộ, cơ quan Trung ương liên quan bố trí trong dự toán kinh phí chi hoạt động thường xuyên đã được giao để phục vụ đàm phán và ký Hiệp định theo quy định.

------------------------

Bảo vệ, phát huy giá trị của di sản Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Nghệ An và UBND tỉnh Hà Tĩnh thực hiện việc bảo vệ, phát huy giá trị của di sản Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh theo quy định của pháp luật.

Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại từ tháng 11/2014. Nhằm thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam với cộng đồng quốc tế đối với những di sản được UNESCO vinh danh nói chung; làm tốt công tác bảo vệ và phát huy giá trị Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh nói riêng trong đời sống đương đại, nâng cao ý thức trách nhiệm bảo vệ, thực hành và trao truyền Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh trong cộng đồng; từng bước phát huy giá trị của Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh trở thành một sản phẩm văn hóa đặc trưng để phát triển du lịch, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Nghệ An và UBND tỉnh Hà Tĩnh chủ động cân đối nguồn ngân sách địa phương hằng năm và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện việc bảo vệ, phát huy giá trị của di sản Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh theo quy định của pháp luật.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn UBND tỉnh Nghệ An và UBND tỉnh Hà Tĩnh triển khai thực hiện bảo vệ, phát huy giá trị của di sản Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh theo Công ước của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể.

Đồng thời, chủ trì, phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các bộ, cơ quan liên quan xây dựng Chương trình bảo vệ, phát huy các giá trị các di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại của Việt Nam, trong đó có Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh, theo đúng quy định của pháp luật, trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và các năm tiếp theo.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẩn trương nghiên cứu, rà soát, đề xuất điều chỉnh bổ sung hoặc ban hành mới các quy định, chính sách về bảo vệ, quản lý và phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại của Việt Nam, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn liên quan xét, cân đối, bố trí vốn từ nguồn ngân sách Nhà nước để thực hiện công tác bảo vệ, phát huy giá trị của di sản Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh.

Các Bộ, ngành, địa phương liên quan khác theo chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh Nghệ An và UBND tỉnh Hà Tĩnh thực hiện việc bảo vệ, phát huy giá trị của di sản Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh.

------------------------

Ninh Bình phải trở thành tỉnh tăng trưởng mạnh của cả nước

Ninh Bình phải trở thành tỉnh có động lực tăng trưởng mạnh của Bắc Bộ và cả nước, một điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư và du khách với cách làm sáng tạo, đổi mới, đáp ứng yêu cầu phát triển xanh và bền vững. 

Đó là ý kiến chỉ đạo trong thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Ninh Bình.

Trong 6 tháng đầu năm 2020, Ninh Bình đã có nhiều nỗ lực thực hiện mục tiêu kép, vừa quyết liệt phòng chống dịch COVID-19, vừa phục hồi sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế: Tăng trưởng đạt 3,85%; thu ngân sách đạt 7.822,5 tỷ đồng, bằng 99,3% so với cùng kỳ... Tuy nhiên, Ninh Bình còn một số hạn chế cần lưu ý khắc phục, chưa hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp có quy mô lớn, ứng dụng khoa học công nghệ còn hạn chế. Ngành du lịch phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế...

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu trong thời gian tới, Ninh Bình cần xây dựng một chiến lược tổng thể với tầm nhìn xa, có chiều sâu chuyên môn trên cả 3 lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, du lịch - dịch vụ. Quy hoạch tốt để hỗ trợ lẫn nhau trong phòng chống thiên tai, phát triển kinh tế đô thị, nông thôn mới bền vững; trong đó quan tâm hơn nữa đến quy hoạch vùng, quy hoạch quốc gia, đảm bảo không chồng lấn, không phá vỡ quy hoạch chung.

Đồng thời, chủ động lập kế hoạch đầu tư phát triển cho giai đoạn 2021-2025. Phấn đấu, từ năm 2021 tự cân đối ngân sách và có đóng góp vào ngân sách Trung ương. Tiếp tục thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, tiếp tục hoàn thiện kết cấu hạ tầng khu, cụm công nghiệp trên địa bàn, đầu tư các sản phẩm chủ lực, tăng tỉ lệ nội địa hóa ngành công nghiệp ô tô; phát triển các ngành sử dụng công nghệ cao, công nghệ sạch, có hiệu quả kinh tế trên địa bàn. Tập trung thực hiện thành công chuyển đổi số trong toàn tỉnh, trong đó có các vấn đề xã hội số, chính quyền số, kinh tế số, thanh toán điện tử, phát triển mạnh mẽ các dịch vụ công trực tuyến, ứng dụng công nghệ thông tin...

Xác định du lịch là một trong những mũi nhọn phát triển

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tỉnh Ninh Bình cần tăng cường đầu tư và xây dựng hạ tầng đô thị, nông thôn của địa phương; đô thị hóa, kinh tế nông thôn mới gắn với môi trường sạch, sinh thái tốt là một trong những động lực phát triển của tỉnh trong 10 năm tới. Phấn đấu trở thành tỉnh nông thôn mới, từng bước xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, trong đó phát triển chuỗi giá trị nông sản, áp dụng bản đồ số trong nông nghiệp để hướng tới cung ứng các sản phẩm tươi, sạch cho du lịch và Thủ đô, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Xác định du lịch là một trong những mũi nhọn phát triển của Ninh Bình trong giai đoạn tới. Đẩy mạnh thu hút đầu tư các dự án phát triển du lịch, nâng cao hơn nữa giá trị gia tăng của các tuyến, điểm du lịch; quản lý sinh thái và các nguồn lực tự nhiên, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản, di tích lịch sử - văn hóa, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách để tăng nguồn thu, tạo việc làm cho người dân. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về văn hóa, du lịch, bảo vệ cảnh quan môi trường.

Ninh Bình cũng cần đẩy mạnh phát triển toàn diện văn hóa-xã hội, xây dựng nếp sống văn minh, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất trường học, bệnh viện. Chú trọng đào tạo lao động chất lượng cao, chuyên nghiệp, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thực chất; chủ động thu hút người tài đến sinh sống và lập nghiệp tại Ninh Bình. Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững.

------------------------

Xây dựng Bến Tre trở thành trung tâm trái cây đặc sản vùng ĐBSCL

Xây dựng Bến Tre trở thành trung tâm giống cây trồng, trái cây đặc sản của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Tiếp tục hoàn thiện chuỗi giá trị nông sản, tổ chức sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ; phát triển khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái miệt vườn; làm tốt chương trình xây dựng nông thôn mới.

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bến Tre.

Thông báo nêu rõ, trong sáu tháng đầu năm 2020, Bến Tre đã có nhiều nỗ lực, cố gắng, khắc phục khó khăn thực hiện mục tiêu kép, vừa quyết liệt phòng, chống dịch COVID-19, vừa thực hiện các giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tổ chức vận động hỗ trợ tốt cho người dân khắc phục hậu quả hạn mặn, phục hồi phát triển sản xuất và bảo đảm đời sống nhân dân.

Tuy nhiên, Bến Tre vẫn là một trong những địa phương khó khăn của vùng ĐBSCL: Tái cấu trúc kinh tế còn chậm, quy mô kinh tế nhỏ, thu ngân sách chỉ đảm bảo 58% tổng chi. Hạn hán và xâm nhập mặn kéo dài, thiếu nước ngọt nghiêm trọng, năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu còn hạn chế, công tác phòng, chống hạn mặn chưa kịp thời làm ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống nhân dân. 

Tình hình thế giới gặp khó khăn, nhiều nước đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19, tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế-xã hội trong nước và tỉnh Bến Tre. Trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Tỉnh tập trung làm tốt một số trọng tâm công tác.

Cụ thể, phát huy kết quả đạt được và kinh nghiệm phát triển trong những năm qua, từ nay đến cuối năm 2020 và những năm tới, Tỉnh rà soát nhiệm vụ được giao, có giải pháp, quyết tâm cao hơn nữa, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tập trung giải ngân các nguồn vốn đầu tư, vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài, trong đó phấn đấu giải ngân trên 90% vốn đầu tư công để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phấn đấu hoàn thành mức cao nhất mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2020, xây dựng và tổ chức thực hiện tốt kế hoạch 5 năm tới.

Phải đón thời cơ hội nhập quốc tế, tận dụng lợi thế các Hiệp định thương mại tự do, CPTPP, nghiên cứu mô hình phát triển kinh tế mới, xây dựng Bến Tre trở thành trung tâm một số lĩnh vực của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước; tìm giải pháp, cách làm mới thu hút đầu tư, nhất là đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực có lợi thế phát triển trong giai đoạn tiếp theo.

Khẩn trương triển khai lập quy hoạch tỉnh Bến Tre thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó lưu ý cần làm tốt quản lý quy hoạch, quản lý tài nguyên và  môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, hạn hán xâm nhập mặn; phát triển du lịch đưa Bến Tre trở thành điểm đến du lịch sinh thái. Trước năm 2023, toàn tỉnh Bến Tre phấn đấu ngọt hóa thành công.

Xây dựng Bến Tre trở thành trung tâm giống cây trồng, trái cây đặc sản của vùng ĐBSCL đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Tiếp tục hoàn thiện chuỗi giá trị nông sản, tổ chức sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ; phát triển khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái miệt vườn; làm tốt chương trình xây dựng nông thôn mới.

Tỉnh Bến Tre cần tăng cường cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả, hiệu lực bộ máy quản lý nhà nước, đạo đức công vụ của cán bộ, công chức; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển doanh nghiệp, chương trình khởi nghiệp, phấn đấu giai đoạn 2021-2025 thành lập mới 4.000 doanh nghiệp. Bến Tre phải đi trước một bước trong chuyển đổi số, làm tiền đề phát triển kinh tế số, phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, thực hiện tốt các lĩnh vực văn hóa, xã hội, bảo đảm an sinh xã hội; tăng cường quản lý  để chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân đánh bắt thuỷ, hải sản vi phạm chủ quyền vùng biển nước ngoài, thay đổi nhận thức về sự tuân thủ các quy định về không khai thác thủy sản bất hợp pháp (IUU) của ngư dân; tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân kéo dài, không để phát sinh điểm nóng. Đảm bảo quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội.

Tỉnh tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức; nâng cao chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân các cấp; phát huy tinh thần Đồng Khởi, tổ chức thành công Đại hội đảng bộ các cấp, hướng tới Đại hội XIII của Đảng.

------------------------

Nghiên cứu, hỗ trợ thúc đẩy các ngành hàng chuyển đổi số

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông nghiên cứu phản ánh “Chuyển đổi số: Giấy thông hành tăng xuất nhập khẩu trong EVFTA”; hỗ trợ thúc đẩy các ngành hàng chuyển đổi số, thiết lập chuỗi cung ứng mới.

Báo điện tử VOV, ngày 28/7/2020 có bài viết “Chuyển đổi số: Giấy thông hành tăng xuất nhập khẩu trong EVFTA”, trong đó nêu: Chuyển đổi số cung cấp nền tảng cho các doanh nghiệp tiếp cận thị trường EU hiệu quả hơn so với các hình thức trước đây, tận dụng tốt cơ hội từ EVFTA. Các doanh nghiệp đẩy mạnh chuyển đổi số nhằm tham gia các chuỗi cung ứng mới, thay thế các chuỗi cung ứng truyền thống bị đứt đoạn hoặc đình trệ do dịch COVID-19, đồng thời mở rộng và đa dạng hóa thị trường, giảm lệ thuộc và một nhóm thị trường nhất định.

Về nội dung trên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông nghiên cứu, hỗ trợ thúc đẩy các ngành hàng chuyển đổi số, thiết lập chuỗi cung ứng mới.

------------------------

Phê chuẩn Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn

Thủ tướng vừa ký Quyết định phê chuẩn kết quả bầu chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn nhiệm kỳ 2016-2021 đối với ông Hồ Tiến Thiệu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch phụ trách UBND tỉnh Lạng Sơn.

Tại Quyết định số 1155/QĐ-TTg, Thủ tướng phê chuẩn kết quả miễn nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn nhiệm kỳ 2016-2021 đối với ông Nguyễn Công Trưởng, để nhận nhiệm vụ mới.

Đồng thời, tại Quyết định số 1146/QĐ-TTg, Thủ tướng phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang nhiệm kỳ 2016-2021 đối với bà Nguyễn Thị Thu Hà, để nghỉ hưu theo chế độ.

------------------------

Thành phố Vĩnh Long là đô thị loại II

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Quyết định số 1158/QĐ-TTg công nhận thành phố Vĩnh Long là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Vĩnh Long.

------------------------

Tăng cường phòng, chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Ủy ban quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục tập trung triển khai quyết liệt các nhiệm vụ phòng, chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm những tháng cuối năm.

Những tháng đầu năm 2020, cùng với những diễn biến nguy hiểm, khó lường của dịch COVID-19, tình hình HIV/AIDS, tệ nạn ma túy, mại dâm ở nước ta tiếp tục diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, được sự quan tâm và chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm, sự nỗ lực vào cuộc của các cấp, các ngành và các địa phương, công tác phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm đã đạt được những kết quả quan trọng: các lực lượng chức năng đã phối hợp, khám phá, bóc gỡ nhiều đường dây vận chuyển ma túy lớn, từng bước làm chuyển biến tình hình ở một số “điểm nóng” về ma túy; công tác cai nghiện, phục hồi và quản lý sau cai tiếp tục được quan tâm chỉ đạo...

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm còn một số tồn tại, hạn chế: chưa ngăn chặn thực sự hiệu quả tình trạng mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy qua biên giới; công tác phối hợp trong phòng, chống tội phạm về ma túy giữa các lực lượng chức năng còn chưa thống nhất, đồng bộ; một bộ phận không nhỏ thanh, thiếu niên còn chưa nhận thức đúng về tác hại của ma túy tổng hợp; mức độ giảm của dịch HIV/AIDS chưa nhiều, không ổn định và các yếu tố nguy cơ lây nhiễm diễn biến phức tạp; nhân lực cho công tác này còn thiếu hụt, biến động...

Năm 2020 là năm cuối thực hiện các Chương trình, Kế hoạch, Đề án trong lĩnh vực phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục tập trung triển khai Chương trình công tác năm 2020 của Ủy ban Quốc gia (ban hành kèm theo công văn số 2420/VPCP-KGVX ngày 28 tháng 3 năm 2020) và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 625/TTg-KGVX ngày 27 tháng 5 năm 2020.

Về công tác tuyên truyền, Phó Thủ tướng giao Bộ Thông tin và Truyền thông, Đài truyền hình Việt Nam, Đài tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam tập trung tuyên truyền phổ biến chính sách, pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm. Trong đó, chú trọng tuyên truyền về tác hại của ma túy, đặc biệt là ma túy tổng hợp, các biện pháp, hình thức cai nghiện và phòng, chống tái nghiện; tuyên truyền kết quả thực hiện các Chương trình, Kế hoạch, Đề án.

Về phòng, chống HIV/AIDS, Phó Thủ tướng giao Bộ Y tế khẩn trương hoàn thiện Đề án sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống HIV/AIDS, trình Chính phủ, Quốc hội; hoàn thiện Dự thảo Chiến lược quốc gia chấm dứt dịch AIDS vào năm 2030, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định; duy trì và nâng cao chất lượng điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone; xem xét triển khai thí điểm điều trị nghiện bằng Buprenorphine; tiếp tục mở rộng điều trị ARV qua Bảo hiểm y tế, phấn đấu tỉ lệ bệnh nhân điều trị ARV có tải lượng vi rút HIV dưới ngưỡng ức chế đạt 95% trở lên; triển khai các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và kỷ niệm ngày Thế giới phòng, chống HIV/AIDS.

Đối với phòng, chống ma túy, Phó Thủ tướng giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật tạo cơ sở pháp lý đầy đủ và đồng bộ cho công tác phòng, chống tội phạm ma túy; ban hành quy định xác định rõ trách nhiệm của chính quyền, nhất là người đứng đầu trong chỉ đạo điều hành công tác phòng, chống ma túy trên địa bàn quản lý.

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện ma túy và phòng ngừa tái nghiện sau cai; kịp thời đề xuất tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong công tác cai nghiện và quản lý sau cai; đa dạng hóa, từng bước xã hội hóa các hình thức cai nghiện ma túy, cung cấp các dịch vụ điều trị cho người sử dụng ma túy tổng hợp; tăng cường tập huấn, cấp chứng chỉ cho đội ngũ cán bộ y tế tham gia công tác cai nghiện ma túy từ tuyến tỉnh đến tuyến xã; hướng dẫn cụ thể về địa điểm quản lý và người quản lý trong thời gian theo dõi xác định tình trạng nghiện.

Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì nghiên cứu, bổ sung nội dung giáo trình, bài giảng về tác hại của ma túy, giáo dục phổ biến pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật về phòng, chống ma túy vào chương trình giảng dạy ở các cấp học.

Về phòng, chống mại dâm, Phó Thủ tướng giao Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổng kết, đánh giá việc thực hiện Quyết định số 361/QĐ-TTg ngày 07/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2016-2020; nghiên cứu xây dựng Chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2021-2025 trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Ủy ban Quốc gia tổ chức các Đoàn công tác đi kiểm tra các địa phương theo chương trình công tác để đôn đốc, trao đổi, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đề xuất, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ. Chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan chuẩn bị đánh giá, tổng kết 20 năm thành lập Ủy ban Quốc gia.

------------------------

Phấn đấu năm 2022 thông tuyến cao tốc Bắc-Nam phía đông

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện; phấn đấu hoàn thành cơ bản toàn Dự án cao tốc Bắc-Nam phía đông vào năm 2021, thông xe vào năm 2022.

Cụ thể,  Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải tập trung thực hiện Nghị quyết Chính phủ về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 117/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về chuyển đổi phương thức đầu tư một số dự án thành phần tại Nghị quyết số 52/2017/QH14 về chủ trương đầu tư một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía đông giai đoạn 2017-2020 (khi Nghị quyết được ban hành).

Đồng thời, Bộ Giao thông vận tải phải quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ thực hiện toàn Dự án cao tốc Bắc-Nam phía đông theo đúng quy định của pháp luật và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chuẩn bị tốt các điều kiện để sớm khởi công các dự án (đặc biệt là Dự án thành phần đoạn Mai Sơn – Quốc lộ 45); khẩn trương tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư đối với các dự án thành phần đầu tư theo phương thức PPP, đấu thầu lựa chọn nhà thầu thi công đối với các dự án thành phần đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước, bảo đảm chất lượng, an toàn (cả trong thi công và trong khai thác sử dụng), tiến độ, hiệu quả, công khai, minh bạch, tuyệt đối không để xảy ra lợi ích nhóm làm thất thoát tài sản nhà nước.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu UBND các tỉnh có dự  án đi qua quyết liệt chỉ đạo đẩy nanh tiến độ giải phóng mặt bằng theo đúng quy định của pháp luật để bàn giao cho các đơn vị thi công chậm nhất vào ngày 31/8/2020; cùng với Bộ Giao thông vận tải phấn đấu hoàn thành cơ bản toàn Dự án vào năm 2021, thông xe vào năm 2022.

------------------------

Giao Cục Hàng hải Việt Nam quản lý tài sản kết cấu hạ tầng hàng hải

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa ký Quyết định 1148/QĐ-TTg giao Cục Hàng hải Việt Nam thuộc Bộ Giao thông vận tải quản lý các tài sản kết cấu hạ tầng hàng hải.

Cụ thể, Cục Hàng hải Việt Nam quản lý 26 tài sản kết cấu hạ tầng hàng hải cảng Cái Lân; 20 tài sản kết cấu hạ tầng hàng hải cảng Cái Mép; 21 tài sản kết cấu hạ tầng hàng hải cảng Thị Vải và Luồng hàng hải Vũng Tàu-Thị Vải.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày Quyết định này có hiệu lực thi hành (30/7/2020), Bộ Giao thông vận tải có trách nhiệm chỉ đạo các đơn vị có liên quan thực hiện bàn giao, tiếp nhận tài sản kết cấu hạ tầng hàng hải. Việc bàn giao, tiếp nhận tài sản kết cấu hạ tầng hàng hải được lập thành Biên bản theo Mẫu số 1 ban hành kèm theo Nghị định số 43/2018/NĐ-CP.

Cục Hàng hải Việt Nam có trách nhiệm quản lý, khai thác các tài sản được giao theo đúng quy định tại Nghị  định số 43/2018/NĐ-CP và quy định của pháp luật liên quan; thực hiện mở sổ sách kế toán, hạch toán tài sản theo đúng quy định./.

Top